Mùa Chay - Phục Sinh Trên đồi Can-vê, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách yêu kẻ thù Yêu bạn bè và người thân thường là điều dễ dàng, nhưng lại cực kỳ khó để thể hiện một chút tình yêu nào đó đối với kẻ thù – dù họ ở gần hay ở xa. Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn sâu sắc: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34). Đôi khi chúng ta nghe những lời này và chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, cho rằng loại tình yêu này không đòi hỏi chúng ta phải hy sinh hay cố gắng gì. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ sớm nhận ra Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào. Chúa Giêsu đã chịu đựng đau đớn và khổ hình tột cùng trên đường lên đồi Can-vê, Ngài đã hoàn toàn tự nguyện để loài thụ tạo của mình đóng đinh thân xác mình lên thập giá. Nếu chúng ta thật sự muốn bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, thì chúng ta cũng cần noi gương Ngài trong sự hy sinh – đặc biệt là với những người mà ta có thể gọi là “kẻ thù”. Yêu kẻ thù Thánh Aelred đã suy niệm về thực tại này trong tác phẩm Tấm gương Tình yêu, nơi ngài nêu bật tình yêu sâu sắc của Chúa Giêsu dành cho những kẻ đã đóng đinh Ngài: Sự hoàn thiện của tình yêu huynh đệ nằm ở chỗ yêu thương kẻ thù. Không có nguồn cảm hứng nào lớn lao hơn sự ghi nhớ đầy biết ơn về lòng kiên nhẫn tuyệt vời của Đức Kitô. Đấng đẹp đẽ hơn mọi con cái loài người đã đưa khuôn mặt dịu hiền cho kẻ tội lỗi phỉ nhổ; Ngài để cho đôi mắt vốn điều khiển cả vũ trụ bị kẻ gian ác che lại; Ngài dâng tấm lưng trần cho roi đòn; Ngài cúi đầu – cái đầu mà khiến các quyền thần run sợ – cho mão gai sắc nhọn; Ngài chấp nhận bị chế nhạo, bị lăng mạ, và sau cùng chịu đóng đinh vào thập giá, chịu đinh, ngọn giáo, mật đắng, giấm chua – nhưng vẫn luôn hiền lành, khiêm nhu và tràn đầy bình an. Không chỉ để cho mình bị hành hạ tàn bạo, Chúa Giêsu còn cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho họ: Ai có thể nghe lời cầu nguyện tuyệt vời ấy – đầy lửa mến, yêu thương và sự thanh thản không thể lay chuyển: “Lạy Cha, xin tha cho họ” – mà lại do dự không yêu thương kẻ thù của mình bằng tình yêu dạt dào? Ngài nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ.” Có thiếu đi chút nào sự dịu dàng hay tình yêu trong lời cầu xin ấy không? Bao lần chúng ta thực sự xin Chúa tha thứ cho kẻ thù của mình – những người ta khinh ghét, thậm chí đôi khi “căm ghét”? Và không chỉ là những người ta gặp hằng ngày ở nơi làm việc hay trong gia đình – mà còn là những người ta không ưa từ xa. Kẻ thù trên mạng Internet khiến cho việc “có kẻ thù” trên khắp thế giới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta liên tục tiếp xúc với những người có quan điểm trái ngược, thậm chí là những chính trị gia trong nước đưa ra các đạo luật đi ngược lại niềm tin của ta. Thật dễ để nghĩ rằng mình không cần phải yêu thương những người chỉ xuất hiện trên màn hình máy tính. Nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu thương cả những người đó – cầu nguyện cho họ và xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm, tội ác họ đã gây ra cho nhân loại. Thánh Aelred viết: Nếu một người muốn cảm nếm niềm vui của tình yêu huynh đệ cách trọn vẹn và sâu sắc hơn, thì người ấy phải mở rộng vòng tay của tình yêu chân thật đến cả những kẻ thù của mình. Tình yêu như Chúa yêu Nếu chúng ta muốn yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, điều đó sẽ đòi hỏi sự hy sinh và cố gắng rất lớn – để có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người chống đối ta. Tác giả: Philip Kosloski – xuất bản ngày 07/04/2025 Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 7 tháng 4 Năm 2025 Bài liên quan Mùa Chay nên là thời gian để chúng ta thực hành đức bác ái Linh mục chia sẻ hướng dẫn đầy đủ để có một lần xưng tội ý nghĩa Niềm vui sau vất vả: Bài học từ Thánh Gioan Phaolô II Thánh Giuse: Nụ Cười Vĩnh Cửu 5 cách cho thấy thánh Giuse cũng là một người cha bình thường Bạn đã suy nghĩ về những hy sinh nội tâm trong Mùa Chay chưa? Gặp Gỡ Chúa Kitô: Sự Chuẩn Bị Thiêng Liêng Cho Thánh Lễ Bắt đầu Mùa Chay bằng lời cầu nguyện với Thánh Vịnh 51