Sống đẹp Ba phương pháp giúp bạn củng cố nhân đức hy vọng trong lúc gian nan Hy vọng định hình cách ta sống, đưa ra quyết định và đối diện nghịch cảnh – nhưng thực chất nó là gì, và làm sao để nuôi dưỡng nó? Thế giới ngày nay tràn ngập sự bất định, chán nản và những đổi thay nhanh chóng. Nhiều khi, hy vọng dường như thật mong manh. Tuy nhiên, trong truyền thống Kitô giáo, hy vọng không chỉ là một cảm giác lạc quan thoáng qua – mà là một nhân đức thần học, bén rễ sâu trong đức tin và hướng về điều thiện hảo tối hậu. Hy vọng không hề bị động mà chủ động định hình cách chúng ta sống, đưa ra quyết định và đối diện với nghịch cảnh. Nhưng hy vọng thực sự là gì, và làm thế nào để vun trồng nó như một phần bền vững trong đời sống chúng ta? HY VỌNG LÀ GÌ? MỘT NHÂN ĐỨC THẦN HỌC Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo định nghĩa hy vọng là: "Nhân đức thần học nhờ đó chúng ta ước ao Nước Trời và sự sống đời đời như hạnh phúc của mình, đặt trọn niềm tín thác vào lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa không phải vào sức riêng mình, mà vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần" (GLCG 1817). Định nghĩa này nhấn mạnh hai yếu tố cốt lõi: khát vọng và niềm tín thác. Hy vọng không chỉ đơn thuần là mong ước một tương lai tốt đẹp hơn mà là một sự trông cậy chắc chắn, bắt nguồn từ lòng trung tín của Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquinas, trong Summa Theologica, mô tả hy vọng là một nhân đức “hướng ý chí tới một điều thiện trong tương lai, tuy khó nhưng có thể đạt được.” Khác với hy vọng tự nhiên dựa trên nỗ lực con người hay hoàn cảnh thuận lợi, hy vọng thần học được neo chặt trong ân sủng của Thiên Chúa, vượt xa những gì chúng ta có thể tự đạt được và nâng đỡ ta ngay cả khi mọi thứ dường như mong manh. Là một nhân đức, hy vọng cũng là một thói quen – không theo nghĩa một hành động lặp lại đơn thuần, mà là một phẩm chất bền vững dần dần định hình nhân cách của chúng ta. Các nhân đức phát triển qua thực hành, qua ý chí và, quan trọng nhất, qua sự cộng tác với ân sủng. Cũng như cơ bắp trở nên mạnh mẽ nhờ luyện tập đều đặn, hy vọng sẽ lớn lên khi ta thực hiện những hành động có chủ đích hướng lòng mình về những lời hứa của Thiên Chúa. Dưới đây là ba cách đã được thử thách qua thời gian để nuôi dưỡng nhân đức hy vọng, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống Công giáo. 1. CẦU NGUYỆN VỚI THÁNH VỊNH: CẤT LÊN TIẾNG NÓI CỦA HY VỌNG TRONG MỌI HOÀN CẢNH Sách Thánh Vịnh được xem là cuốn sách cầu nguyện của Kinh Thánh, chất chứa những tâm tình chân thật của niềm vui, nỗi sợ hãi, lòng biết ơn và cả sự than van. Điều khiến Thánh Vịnh trở thành phương tiện nuôi dưỡng hy vọng mạnh mẽ chính là sự trung thực của nó – không né tránh nỗi tuyệt vọng, nhưng luôn quay về với sự tín thác vào Thiên Chúa. Hãy suy ngẫm Thánh Vịnh 42:5: “Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi ? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.” Việc cầu nguyện với Thánh Vịnh giúp ta thấm nhuần nhịp điệu thiêng liêng này: thừa nhận nỗi đau hoặc sự bất định, nhưng vẫn chọn đặt lòng mình nơi sự trung tín của Thiên Chúa. Dù được đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ, âm thầm suy niệm hay hát lên, các Thánh Vịnh sẽ trở thành những lời cầu nguyện nâng đỡ ta khi chính ta không còn lời nào để thưa lên. Chúng dạy ta rằng hy vọng không phải là sự vắng bóng của khó khăn, mà là quyết định tin cậy vào Thiên Chúa ngay giữa thử thách. 2. SỐNG "CON ĐƯỜNG NHỎ" CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU: NHỮNG HÀNH ĐỘNG NHỎ, HY VỌNG LỚN LAO Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị nữ tu dòng Kín thế kỷ 19, nổi tiếng với “Con Đường Nhỏ” – một con đường thiêng liêng dựa trên việc thực hiện những điều nhỏ bé với tình yêu và niềm tín thác lớn lao vào Thiên Chúa. Đối với Têrêsa, hy vọng không đến từ những việc làm anh hùng, mà từ sự phó thác đơn sơ như trẻ thơ vào lòng thương xót của Chúa, ngay cả trong những yếu đuối. Ngài viết: “Bởi đó, dù bé nhỏ, con vẫn có thể mơ ước nên thánh… Con cậy trông nơi sự công bằng cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa.” Sống hy vọng theo Con Đường Nhỏ nghĩa là đón nhận những việc làm nhỏ hằng ngày với tình yêu, sự kiên nhẫn và hy sinh, dù đơn sơ nhưng vẫn dâng lên Thiên Chúa. Không hành động nào là vô nghĩa khi được thực hiện với lòng yêu mến. Thực hành này giúp chuyển hướng trái tim ta từ tự lực sang tin tưởng vào ân sủng Thiên Chúa, nuôi dưỡng một hy vọng âm thầm nhưng bền bỉ, lớn lên từng ngày qua những nghĩa cử nhỏ bé nhưng trung thành. 3. SUY NIỆM VỀ TÁM MỐI PHÚC: LÝ LẼ CỦA HY VỌNG TRONG TIN MỪNG Tám Mối Phúc (Mt 5:3-12) thường được coi là một chuỗi nghịch lý: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, “Phúc thay ai sầu khổ”, “Phúc thay ai hiền lành”… Bề ngoài, những lời này dường như ca ngợi những tình cảnh mà thế gian thường cho là bất hạnh. Nhưng thực ra, Tám Mối Phúc mặc khải cho ta lối suy nghĩ của hy vọng Kitô giáo – rằng sự viên mãn thật không nằm ở quyền lực, giàu sang hay tiện nghi tức thời. Suy niệm về Tám Mối Phúc giúp ta chuyển đổi cách nhìn nhận cuộc sống từ những gian nan trước mắt sang lời hứa vĩnh cửu. Chẳng hạn, câu “Phúc thay ai khao khát nên công chính, vì họ sẽ được no thỏa” cho ta biết rằng khát vọng công lý và hòa bình sâu thẳm trong lòng ta không hề vô ích. Hãy thử mỗi ngày suy niệm một Mối Phúc và tự hỏi: Lời hứa này định hình lựa chọn, thái độ và mục đích sống của tôi ra sao? Qua thời gian, thực hành này sẽ giúp tâm hồn ta đặt hy vọng không vào những thành công chóng qua, mà vào chân lý vĩnh cửu. HY VỌNG - MỘT NHÂN ĐỨC CHO HÀNH TRÌNH DÀI Hy vọng không phải là một giải pháp nhanh chóng cho những lúc khó khăn, mà là nguồn sức mạnh nâng đỡ ta trong suốt hành trình, nhất là khi con đường trở nên dài và đích đến có vẻ xa vời. Như Thánh Phaolô viết: “Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8:25). Bằng cách cầu nguyện với Thánh Vịnh, thực hành Con Đường Nhỏ, hay suy niệm về Tám Mối Phúc, chúng ta cộng tác với ân sủng để rèn luyện một trái tim tràn đầy hy vọng. Hy vọng không phủ nhận những thử thách của cuộc sống, mà giúp ta đối diện với chúng bằng sức mạnh thầm lặng đến từ niềm xác tín rằng, sau cùng, những lời hứa của Thiên Chúa là chắc chắn – và đó là điều đủ cho ta. Nguồn: Aleteia Tác giả: Daniel Esparza - xuất bản ngày 07/02/25 Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 9 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Thánh Gioan Vianney – người huấn luyện và hướng dẫn thiêng liêng mà chúng ta đang cần CHÚA GIÊSU chinh phục người khác như thế nào ? Nghịch lý trong cuộc đời Đức thánh Cha Phan-xi-cô Vị Thánh của Sự Sống và Niềm Vui 5 cách mà Cuộc đời và Sứ mạng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn còn mang ý nghĩa hôm nay Những hướng dẫn đơn giản và cơ bản để lắng nghe Chúa trong cuộc sống Lý do nào khiến chúng ta không muốn trở nên thánh? Cho đi mà không tính toán