Tin Giáo Hội Hoàn vũ 12 Năm Giáo Hoàng Của Đức Phanxicô: Sự Chuyển Mình Và Thách Thức Đối Với Giáo Hội Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dẫn dắt Giáo hội Công giáo hơn một thập kỷ, đối mặt với nhiều thách thức nội bộ và bên ngoài, đồng thời đặt trọng tâm vào lòng thương xót, tính hiệp hành và việc loan báo Tin Mừng. Ngày 13 tháng 3 năm 2025, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ kỷ niệm 12 năm trên cương vị người kế vị Thánh Phêrô - một giai đoạn đánh dấu nhiều đổi thay sâu sắc trong Giáo hội Công giáo. Triều đại của ngài chứng kiến hàng loạt cải cách tại Vatican cũng như sự canh tân các cơ cấu Giáo hội. Trong suốt 12 năm qua, Jorge Mario Bergoglio đã để lại dấu ấn không thể phai mờ, không chỉ trong Giáo hội mà còn trên toàn thế giới, nổi bật với tinh thần gần gũi với những người nghèo khổ, chủ trương đại kết và lời kêu gọi không ngừng vì hòa bình và công bằng xã hội. Canh Tân Giáo Hội: Hướng Đến Tính Hiệp Hành Một trong những dấu ấn nổi bật của triều đại Đức Phanxicô là sự dấn thân mạnh mẽ vào tính hiệp hành - một hành trình cùng nhau trong Giáo hội, nơi mọi thành phần, từ Đức Giáo Hoàng đến giáo dân, lắng nghe và hỗ trợ lẫn nhau. Tinh thần này được thể hiện qua hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình, Thượng Hội Đồng về Amazon, và tiến trình hiệp hành đang diễn ra trên toàn thế giới. Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tất cả các tín hữu, đặc biệt là những người bị gạt ra bên lề Giáo hội trong lịch sử, như phụ nữ và các cộng đồng bản địa. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lĩnh vực này diễn ra tại Thượng Hội Đồng về Gia đình năm 2015. Khi đó, Đức Giáo Hoàng đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi mở ra cuộc đối thoại về những vấn đề nhạy cảm, như việc người ly hôn tái hôn có thể được rước lễ hay không - một chủ đề vốn là điều cấm kỵ trong Giáo hội suốt nhiều thế kỷ. Điều này cho thấy ngài sẵn sàng đối diện với những vấn đề gai góc bằng một cách tiếp cận mục vụ đầy lòng thương xót và đối thoại, thay vì chỉ đưa ra sự kết án. Lòng Thương Xót: Trọng Tâm Của Sứ Vụ Đức Phanxicô đã đặt lòng thương xót làm trung tâm triều đại của mình. Sứ điệp về lòng thương xót phổ quát được thể hiện rõ nét qua nhiều sáng kiến, tiêu biểu là Năm Thánh Lòng Thương Xót (2015-2016), khi ngài mời gọi các tín hữu đến với Thiên Chúa không sợ hãi, tái khám phá bí tích hòa giải và sống tinh thần tha thứ. Trong các bài giảng, ngài luôn nhấn mạnh rằng không ai bị loại trừ khỏi tình yêu Thiên Chúa, ngay cả những người từng phạm sai lầm nghiêm trọng. Một sự kiện gây chấn động liên quan đến lòng thương xót diễn ra vào năm 2016, khi Đức Phanxicô công khai tha thứ cho một linh mục bị kết án lạm dụng tình dục. Hành động này khiến thế giới sửng sốt, nhưng ngài giải thích rằng đó không phải là để giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tội ác, mà là để trao cơ hội hoán cải thực sự cho những ai thực lòng ăn năn. Thách Thức Toàn Cầu Và Quan Điểm Về Chính Trị Một trong những thách thức lớn nhất Đức Phanxicô phải đối mặt là khủng hoảng di cư toàn cầu. Ngài luôn là một tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của người di cư, thách thức các chính phủ và lãnh đạo thế giới không khép lòng trước những con người chạy trốn chiến tranh, nghèo đói và bách hại. Nhiều lần, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm các trại tị nạn và lên tiếng phản đối những chính sách nhập cư vô nhân đạo. Một hình ảnh mang tính biểu tượng của cam kết này diễn ra vào năm 2016, khi ngài đến thăm đảo Lesbos (Hy Lạp) - trung tâm của cuộc khủng hoảng di cư. Ở đó, ngài đã ôm lấy những người tị nạn và mang theo ba gia đình trở về Vatican cùng mình, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc mở rộng trái tim và biên giới để đón nhận người di cư. Đối Mặt Với Các Vấn Đề Nội Bộ Của Giáo Hội Đức Phanxicô cũng phải đương đầu với những vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn, như thành lập các tòa án đặc biệt tại Vatican và loại trừ các thành viên Giáo hội có tội, cuộc chiến của ngài vẫn không ngừng tiếp diễn. Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng Giáo hội phải luôn mở rộng cánh cửa, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về những sai lầm trong quá khứ. Một trong những thời điểm khó khăn nhất là vụ lạm dụng tại Chile. Ban đầu, Đức Phanxicô bảo vệ Giám mục Juan Barros, người bị cáo buộc che đậy các vụ lạm dụng. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, ngài đã công khai xin lỗi và chấp nhận đơn từ chức của nhiều giám mục, thể hiện sự sẵn sàng thừa nhận sai lầm và thay đổi văn hóa bao che trong Giáo hội. Đức Phanxicô Và Giới Trẻ: Nhịp Cầu Hướng Tới Tương Lai Đức Phanxicô luôn quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, mong muốn xây dựng cây cầu giữa các thế hệ để nối kết truyền thống Giáo hội với thế hệ trẻ. Năm 2018, ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giới Trẻ, một sự kiện lịch sử khi người trẻ từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội lên tiếng về những mối quan tâm và kỳ vọng của họ đối với Giáo hội. Điều này phản ánh rõ nét khát vọng của ngài trong việc xây dựng một Giáo hội không bị tụt hậu trong mối quan hệ với giới trẻ. Di Sản Của Một Triều Đại Can Đảm Trong 12 năm qua, Đức Phanxicô đã để lại một dấu ấn sâu sắc trên Giáo hội, thách thức những cơ cấu truyền thống và mở ra những con đường đối thoại, lòng thương xót và công lý. Đối diện với những thách thức toàn cầu, các vụ bê bối nội bộ và khác biệt chính trị, sự lãnh đạo của ngài đã trở thành kim chỉ nam đưa Giáo hội bước vào một kỷ nguyên suy tư và đổi mới. Di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được nhớ đến vì lòng can đảm trong việc đối diện với những vấn đề phức tạp bằng tinh thần bác ái, cùng lời kêu gọi không ngừng về sự hiệp nhất và tình yêu thương trong Giáo hội toàn cầu. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tất cả những ai đáp lại lời mời gọi sống lòng thương xót và yêu thương. Tác giả: Javier Ferrer García Nguồn: Exaudi Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 15 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Đức Thánh Cha khuyến khích các cha giải tội trở thành các thừa tác viên của lòng thương xót 24 giờ cho Chúa 2025 – “Chúa là niềm hy vọng của con” Bác sĩ điều trị cho Đức Thánh Cha: ngài hồi phục là phép lạ nhờ lời cầu nguyện của các tín hữu Đức Thánh Cha thúc giục đón tiếp và chăm sóc các nạn nhân bị lạm dụng, chữa lành những vết thương tâm hồn Đức Thánh Cha: Chứng tá của người cao tuổi “là sự phong phú cho Giáo Hội và xã hội” Lời khuyên của Tổng Giám mục Jose Lazo dành cho các "tân giám mục" Đức Thánh Cha: Hãy để cho mình được Chúa Giêsu gặp gỡ để dám thay đổi cuộc sống và được tái sinh Đức Thánh Cha: Chiến tranh là vô lý, hãy giải trừ vũ khí khỏi Trái Đất