Tin Giáo Hội Hoàn vũ Chúa Thánh Thần Có Thực Sự “Chọn” Giáo Hoàng? Có thể nói Chúa Thánh Thần không “chọn” Giáo hoàng theo cách định đoạt tuyệt đối, nhưng Ngài không bao giờ vắng mặt trong từng khoảnh khắc. Giáo hội Công giáo thường bị hiểu lầm về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc bầu Giáo hoàng, và nhiều khi người ta còn lẫn lộn điều này với tín điều bất khả ngộ của Giáo hoàng. Nhiều ý kiến cho rằng Thiên Chúa phải can thiệp trực tiếp để định đoạt ai sẽ lên ngôi giáo hoàng; nhưng thực tế, Giáo hội dạy một cách rất nhân bản và tinh tế hơn thế. Tín Điều Bất Khả Ngộ Của Giáo Hoàng Được xác lập năm 1870 tại Công đồng Vatican I, tín điều bất khả ngộ không ngụ ý rằng Giáo hoàng luôn không sai lầm hay bất khả phạm. Theo Giáo lý Hội Thánh (§891), vị Giáo hoàng chỉ được Chúa gìn giữ khỏi sai lầm khi ngài chính thức công bố một tín điều về đức tin hoặc luân lý, với ý định buộc mọi tín hữu phải tin nhận. Việc này không áp dụng cho ý kiến cá nhân, các quyết định kỷ luật hay hầu hết bài giảng của ngài. Ý nghĩa sâu xa là: trong những khoảnh khắc then chốt, để khỏi lầm đường, Hội Thánh được Ngài bảo vệ qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần và Việc Bầu Giáo Hoàng Câu hỏi “Liệu Chúa Thánh Thần có ngồi ngay trong Nhà nguyện Sistine để chỉ đích danh ai sẽ là Giáo hoàng?” từng được đặt với Hồng y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Bênêđictô XVI). Ngài chia sẻ rằng, dù Chúa Thánh Thần không ngồi “chấm” ai, Ngài vẫn linh hoạt dẫn dắt Hội Thánh. Ngay cả khi lỡ có lúc chọn sai ứng viên—và điều này đã xảy ra trong lịch sử—Chúa Thánh Thần không hề bỏ rơi, nhưng vẫn hướng Hội Thánh về đúng mục tiêu cuối cùng. Như vậy, quá trình bầu Giáo hoàng không phải là một cú “chớp điện” thần bí. Các hồng y cầu nguyện, phân định và bỏ phiếu; tiến trình đó vẫn mang đậm nét con người, với không ít yếu tố chính trị, cá tính và thuyết phục. Chúa Thánh Thần được mời gọi giúp phân định khôn ngoan, chứ không phải áp đặt kết quả. Chúa Thánh Thần Trong Cuộc Sống Của Chúng Ta Cách vận hành này phản ánh quan niệm về sự quan phòng của Thiên Chúa: Ngài tôn trọng tự do con người. Ngài ban khôn ngoan và ơn sủng để dẫn dắt, nhưng không cưỡng bách ý chí. Ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần nên được hiểu như những lời thì thầm nhẹ nhàng, khơi lên tâm nguyện hướng thiện, chứ không phải mệnh lệnh cưỡng chế. Cầu Nguyện và Sự Quy Phục Tin vào quyền năng cầu nguyện không có nghĩa là biến lời nguyện thành công cụ điều khiển ý Chúa. Thật dễ để ta vô tình xem lời nguyện như “bảo đảm” cho những điều ta mong muốn. Nhưng thực chất, cầu nguyện là cách chúng ta mở lòng, dâng lên Thiên Chúa tâm tình tín thác và chấp nhận Thánh Ý Ngài. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô từng nhắc nhở, cầu nguyện chính là “sự quy phục” — để nhìn thế gian bằng đôi mắt Thiên Chúa, chứ không phải để ép buộc Ngài phải làm theo ý chúng ta. Lòng Trung Tín Của Thiên Chúa Dù lịch sử có ghi nhận những sai sót trong một số cuộc bầu Giáo hoàng và cả ở một vài vị Giáo hoàng, Hội Thánh vẫn tin chắc lời Chúa Giêsu phán với thánh Phêrô: “cửa địa ngục sẽ không thắng nổi Hội Thánh” (Mt 16,18). Điều này không hứa hẹn sự hoàn hảo tuyệt đối, nhưng cam kết sự kiên vững trước thử thách. Từ những cuộc ly giáo đến những bê bối, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người. Ngài cho phép thất bại, nhưng không để thất bại có lời cuối cùng. Qua mạng lưới tự do và yếu đuối của con người, Ngài vẫn thực hiện ý định cứu độ. Kết luận, Chúa Thánh Thần không “chọn” Giáo hoàng theo kiểu máy móc, nhưng Ngài luôn hiện diện và dẫn dắt từng bước của Hội Thánh. Ân sủng của Ngài hiện diện trong lời nguyện của toàn thể tín hữu và trong lương tâm các hồng y, để qua tiến trình đầy nhân bản ấy, Thiên Chúa vẫn thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài. Tác giả: Daniel Esparza Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 8 tháng 5 Năm 2025 Bài liên quan Lời cầu nguyện cho Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV Từ khói trắng đến “Habemus Papam” Robert Francis Prevost – Tiểu sử của vị Tân Giáo Hoàng Lêô XIV là vị tân Giáo hoàng Khói đen ở lần đầu tiên: Giáo hội tiếp tục lắng nghe Tên của Giáo hoàng, “giấy khai sinh” của Giáo hoàng mới Một vài chi tiết liên quan đến Mật nghị Mật nghị Hồng y sắp tới: Lần đầu tiên có hơn 120 Hồng y cử tri