Tin Giáo Hội Hoàn vũ Đức Thánh Cha Lêô XIV: Không phải truyền thông ồn ào, nhưng là một truyền thông biết lắng nghe Trong buổi tiếp kiến dành cho giới truyền thông hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI vào sáng thứ Hai ngày 12/5, Đức Thánh Cha Lêô XIV mời gọi họ chọn lựa với ý thức và lòng can đảm con đường của một nền truyền thông hòa bình: loại bỏ khỏi truyền thông sự phán xét, giận dữ, cực đoan và thù hận. Điều cần thiết không phải là một nền truyền thông ồn ào, cơ bắp nhưng là một truyền thông có khả năng lắng nghe, có khả năng thu thập tiếng nói của những người yếu thế không có tiếng nói. Đức Thánh Cha đã dành buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi đắc cử cho khoảng 3.000 nhà báo thuộc các đài truyền hình, đài phát thanh, các tờ báo lớn cũng như các trang báo mạng từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có các nhân viên của Bộ Truyền thông của Tòa Thánh. Đây là cuộc gặp gỡ truyền thống thường được các tân Giáo hoàng thực hiện vào những ngày đầu tiên sau khi được bầu chọn làm người kế vị Thánh Phêrô. Hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta Mở đầu bài diễn văn, Đức tân Giáo hoàng nhắc lại một Mối Phúc – “Phúc cho những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5,9), và nói rằng mối phúc này liên quan gần gũi với những người làm truyền thông khi “kêu gọi mỗi người dấn thân cổ võ một truyền thông khác biệt, không tìm kiếm sự đồng thuận bằng mọi giá, không dùng những ngôn ngữ hiếu chiến, không sử dụng cách thức đua tranh, không bao giờ tách rời việc tìm kiếm chân lý từ tình yêu mà chúng ta phải khiêm nhường tìm kiếm”. Ngài giải thích rằng hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta: “từ cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác, nói chuyện với người khác”. Do đó, cách thức chúng ta truyền thông có tầm quan trọng cơ bản: “chúng ta phải nói ‘không’ với chiến tranh bằng ngôn ngữ và hình ảnh, chúng ta phải chối từ các mô hình chiến tranh”. Giáo hội liên đới với các nhà báo bị cầm tù Tiếp đến, Đức Thánh Cha khẳng định sự liên đới của Giáo hội đối với các nhà báo bị cầm tù vì tìm kiếm và trình bày sự thật và yêu cầu trả tự do cho họ. Ngài nói rằng sự hy sinh mạng sống của họ là “lòng can đảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền của các dân tộc được thông tin, bởi vì chỉ có những dân tộc được thông tin mới có thể thực hiện những chọn lựa tự do”. Giáo hội phải đón nhận thách đố của thời đại Trong khi cảm ơn các nhà báo đã ở Roma để tường thuật về Giáo hội, về sự đa dạng, tính toàn thể và sự hiệp nhất của Giáo hội, tường thuật các sự kiện của Giáo hội trong thời gian vừa qua, từ các nghi lễ Tuần Thánh đến tang lễ Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, Mật nghị bầu Giáo hoàng, và những ngày sắp đến, Đức tân Giáo hoàng cũng nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong những thời gian khó khăn để theo dõi và tường thuật, nhưng chúng ta không được trốn chạy. Ngược lại, ngài nói, “chúng đòi mỗi người, trong vai trò và công việc khác nhau, không bao giờ nhượng bộ cho sự tầm thường. Giáo hội phải đón nhận thách đố của thời đại và, đồng thời, không thể có một ngành truyền thông và báo chí đứng bên ngoài thời đại và lịch sử”. Truyền thông không chỉ là chuyển tải thông tin, nhưng là kiến tạo một nền văn hóa Một trong những thách đố quan trọng nhất, theo Đức Thánh Cha, đó là cổ võ một nền truyền thông có thể thoát khỏi “tháp Babel”, khỏi sự mơ hồ gây nhầm lẫn của ngôn ngữ thiếu vắng tình yêu, thường là những ngôn ngữ của ý thức hệ và chủ nghĩa phát xít. Do đó công việc của các nhà truyền thông rất quan trọng. Ngài giải thích: “Truyền thông không chỉ là chuyển tải thông tin, nhưng là kiến tạo một nền văn hóa, những không gian nhân bản và kỹ thuật số có thể trở thành không gian đối thoại và gặp gỡ”. Điều này càng cần thiết hơn khi xét đến sự tiến hóa của công nghệ. Đặc biệt, nghĩ về trí tuệ nhân tạo với những khả năng to lớn, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng nó đòi hỏi trách nhiệm và sự phân định để hướng các dụng cụ đến thiện ích và sinh ích lợi cho tất cả nhân loại. Cần một nền truyền thông biết lắng nghe Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông: “loại bỏ khỏi truyền thông sự phán xét, giận dữ, cực đoan và thù hận; thanh tẩy chúng khỏi sự hiếu chiến. Điều cần thiết không phải là một nền truyền thông ồn ào, cơ bắp nhưng là một truyền thông có khả năng lắng nghe, có khả năng thu thập tiếng nói của những người yếu thế không có tiếng nói. Hãy cùng nhau giải trừ vũ khí bằng lời nói và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí trên Trái Đất”. Hồng Thủy – Vatican News Ngày 12 tháng 5 Năm 2025 Bài liên quan Sau thời gian niêm phong, căn hộ Giáo hoàng chính thức được mở lại Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Lêô XIV và Tổng thống Zelensky Cha Edgard – Thư ký riêng của Đức Thánh Cha Lê-ô XIV Các Hồng y Hoa Kỳ ca ngợi tấm lòng truyền giáo và kinh nghiệm quốc tế của Đức Thánh Cha Lêô XIV Đức Giáo hoàng Leo XIV tại Regina Coeli: Không bao giờ còn chiến tranh nữa! Chúa nhật 18/5, Thánh lễ khai mạc triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (11/5): Cầu nguyện cho các ơn gọi Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV