Tin Giáo Hội Hoàn vũ Người Canh Giữ Ngôi Nhà Chung: Di sản sinh thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Có lẽ khát vọng dấn thân cho sứ mạng bảo vệ môi trường nơi Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã được khơi dậy ngay từ khoảnh khắc Đức Hồng Y Bergoglio được chọn làm người kế vị Thánh Phêrô, lãnh đạo hơn 1,4 tỷ tín hữu Công giáo toàn cầu. Khi xuất hiện lần đầu nơi ban công quảng trường Thánh Phêrô vào năm 2013, ngài đã chọn cho mình danh hiệu Phanxicô, theo tên vị thánh nghèo thành Assisi – người được muôn đời nhắc đến như một tâm hồn chan chứa tình yêu đối với toàn thể tạo vật. Laudato Si’ – Lời gọi từ trái tim của Ngôi Nhà Chung Hai năm sau, đối diện với cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu ngày càng trầm trọng – từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nguồn nước, đến sự xuống cấp của đa dạng sinh học – câu hỏi về trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên đã trở nên cấp bách. Nhận ra thách đố này như là một “dấu chỉ thời đại,”[1] ĐTC Phanxicô đã có những đóng góp mang tính nền tảng trong việc xây dựng một nền thần học sinh thái mang tính toàn diện, đặc biệt thông qua Thông điệp Laudato Sí (LS – Chúc Tụng Chúa, 2015) – một văn kiện có ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi Công giáo. Qua thông điệp này, ĐTC không chỉ phác thảo một nền tảng vững chắc cho thần học sinh thái, ngài còn mời gọi mọi người “hoán cải sinh thái”, gợi mở một lối sống mới như nền linh đạo mang tính sinh thái. Trước hết, nền thần học sinh thái được đặt nền tảng trên niềm xác tín Kitô giáo cho rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và thế giới là công trình của Ngài. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thế giới vật chất không phải là một điều gì đó thứ yếu, tạm bợ hay đơn thuần là một công cụ cho con người khai thác và sử dụng. Đúng hơn, thế giới là một quà tặng Thiên Chúa dành cho con người; thế giới cũng là nơi Thiên Chúa tỏ lộ vẻ đẹp và vinh quang của Ngài. Mọi thụ tạo đều mang nơi mình một giá trị nội tại bởi vì mọi sự được tạo dựng “bởi” và “trong” Đức Kitô. ĐTC nhắc nhở rằng chúng ta không phải là Thiên Chúa, cũng như trái đất có trước chúng ta và được ban cho chúng ta. Sách Sáng thế cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã sáng tạo nên thế giới và trao cho con người “canh tác” và “gìn giữ.” Thuật ngữ “canh tác” ở đây có nghĩa là trồng trọt, khai hoang; “gìn giữ” có nghĩa là bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc và canh chừng (LS, 67). Theo Đức Phanxicô, “vũ trụ này không xuất hiện như là kết quả của quyền năng độc đoán, biểu dương lực lượng hoặc ước muốn khẳng định bản thân. Sự tạo dựng nằm trong hệ tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là động lực căn bản nằm ở trong muôn vật được tạo thành” (77). Trái đất đang kêu cứu – Và câu hỏi về trách nhiệm Thế giới tươi đẹp là thế, mọi vật đáng quý là thế, nhưng vì không còn nhận ra vẻ đẹp của công trình sáng tạo và bị “che mờ” bởi chủ nghĩa tiêu thụ, bởi một nền “văn hoá vứt bỏ”, con người đã khai thác và bóc lột trái đất một cách tàn nhẫn. Sự khai thác quá mức đã dẫn đến một sự xuống cấp trầm trọng nơi “ngôi nhà chung” của nhân loại. Các bằng chứng của khoa học và kinh nghiệm sống hàng ngày của mỗi con người trên hành tinh này cho thấy trái đất quả thực đang kêu cứu: không khí bị ô nhiễm, nguồn nước sạch bị khủng hoảng và bị thiếu trầm trọng (LS, 27-31), rất nhiều loài động vật và thực vật biến mất mỗi năm (LS, 32 – 41).[2] Là “ngôi nhà chung” của toàn thể nhân loại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không loại trừ ai. Trong những năm gần đây, hiện tượng những cơn nóng bất thường xảy ra không còn là chuyện hiếm gặp. Với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, không ít người đã phải rời bỏ nhà cửa, quê hương và quốc gia để tìm một nơi sinh sống an toàn hơn. Mặc dầu mọi người đều phải gánh chịu hệ quả của biến đổi khi hậu, ĐTC chỉ ra rằng, “người nghèo khổ phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất của tất cả mọi cuộc tấn công vào môi trường” (LS, 48), ở mức độ cá nhân cũng như quốc gia. Sự khủng hoảng khí hậu cùng với hậu quả vô cùng tai hại của nó là điều hiển nhiên với hầu hết mọi người trên hành tinh này. Tuy nhiên, không ít người vẫn coi đó là sản phẩm của thuyết âm mưu, từ đó dẫn đến thái độ thờ ơ, lãnh đạm, thậm chí là chế nhạo. Một số người khác coi đó là kết quả tất yếu của quy luật tự nhiên và con người không thể làm gì được. Qua Thông điệp, ĐTC Phanxicô cho thấy rằng có không ít người thành tâm thiện chí đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua khủng hoảng sinh thái nhưng đôi lúc nỗ lực này vẫn còn hạn chế. Một trong những giới hạn này là việc con người quá cậy dựa vào não trạng khoa học, cho rằng khoa học có thể giải quyết được mọi vấn đề của con người, kể cả những vấn đề về sinh thái. Thực tế cho thấy đó là một ảo tưởng của con người trong thời đại chúng ta. Mặt khác, để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu, các tổ chức quốc tế và liên quốc gia đã có nhiều sáng kiến và nhiều phương án cụ thể để cùng nhau đối diện với thời đại, tuy nhiên hiệu quả của chúng vẫn còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính của sự hạn chế ấy là thái độ hời hợt trong việc áp dụng các phương án nhằm giải quyết vấn đề đưa ra. Sinh thái toàn diện – Một lối đi mới cho nhân loại Đối diện với vấn nạn trên và nhận ra các giới hạn đối với mỗi đường hướng tiếp cận, ĐTC Phanxicô đã đề xuất một giải pháp gọi là “sinh thái toàn diện”. Ngài không chỉ kêu gọi bảo vệ môi trường tự nhiên bằng các giải pháp kỹ thuật mà còn kết nối khủng hoảng môi sinh với khủng hoảng xã hội, kinh tế và luân lý. Quả thực, trong tính liên đới của nhân loại, mọi sự trong thế giới đề có mối tương quan mật thiết với nhau (LS, 16). Một trong những đóng góp đặc biệt quan trọng và đặc sắc của ĐTC Phanxicô trong Laudato Sí là việc ngài nhấn mạnh đến một nền linh đạo sinh thái và việc giáo dục sinh thái. Linh đạo là một thuật ngữ ám chỉ đến một lối sống hay một con đường để nên thánh. ĐTC mời gọi mọi người, đặc biệt là Kitô hữu ý thức về một cuộc hoán cải sinh thái (ecological conversion), trong đó mỗi cá nhân được mời gọi để thay đổi lối sống, học cách “sống đơn sơ” và biết tạ ơn vì những quà tặng mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Linh đạo sinh thái bao gồm 4 chiều kích. Khởi đầu là thái độ chiêm niệm, nhận ra sự hiện diện và vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi các tạo vật. Thái độ chiêm niệm giúp con người sống lòng biết ơn, khiêm tốn và tôn trọng sự sống của chính mình cũng như của mọi thụ tạo khác. Chiêm niệm giúp chúng ta nhận ra thế giới là quà tặng của Thiên Chúa, là nơi để chiêm ngắm, hơn là để khai thác và bóc lột (LS, 11-12). Linh đạo sinh thái mời gọi mỗi người đi ngược lại những quyến rũ của chủ nghĩa tiêu thụ và thái độ ích kỷ, để chọn một lối sống giản dị, tiết chế và hài hoà với thiên nhiên. Đây không phải là một thái độ bi quan, khước từ niềm vui, nhưng đúng hơn là con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc đích thực. Theo ĐTC, sự điều độ, nếu được sống với tự do và ý thức, sẽ mang tính chất giải phóng, bởi vì “hạnh phúc là biết cách giới hạn một số nhu cầu vốn chỉ làm giảm giá trị con người, và rộng mở trước những khả thể phong phú mà cuộc sống mang lại” (LS, 222). Ngoài ra, linh đạo sinh thái giúp ta nhận ra rằng con người không phải trung tâm, là “kẻ thống trị” vạn vật, nhưng là anh chị em trong một gia đình được Thiên Chúa là Đấng yêu thương sáng tạo nên. Chúng ta không phải là những người “khách lạ” hay người đến từ bên ngoài thế giới rộng lớn này, mà là một phần của nó. Thế nên, chúng ta được mời gọi để nhìn nhận các giá trị đúng đắn nơi các sự vật, tôn trọng và giữ gìn chúng. Cuối cùng, trong nhãn quan bí tích học, ĐTC lập luận rằng: Thánh Thể là đỉnh cao của linh đạo sinh thái, vì chính nơi bí tích Thánh Thể các yếu tố vật chất – bánh, rượu, con người, cộng đoàn – được kết hợp trong hiến lễ và trong ân sủng. Phụng vụ trở thành nơi nối kết trời – đất – con người và tạo vật.[3] Bên cạnh linh đạo sinh thái, ĐTC cũng mời gọi cải cách các chính sách kinh tế, chính trị và luật pháp toàn cầu, hướng đến một mô hình phát triển bền vững và công bằng hơn. Ví dụ, khi nói về kinh tế, ĐTC cảnh báo chúng ta cần phải loại bỏ quan niệm cho rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng cách gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Cần phải thiết lập một nhóm lãnh đạo để có thể vạch ra con đường để đáp ứng các nhu cầu hiện tại dành cho tất cả mọi người, đồng thời quan tâm đến thế hệ tương lai. Thêm vào đó, việc thiết lập một khung pháp lý cho thấy các ranh giới rõ ràng và đảm bảo việc bảo vệ hệ thống sinh thái là điều thiết yếu. Ảnh hưởng của Laudato Sí và di sản của ĐTC Phanxicô Laudato Sí không chỉ là thông điệp dành cho người Công giáo mà cho toàn thể nhân loại. Thông điệp này được trích dẫn và sử dụng rộng rãi trong các hội nghị khí hậu, các diễn đàn Liên Hiệp Quốc và các phong trào xã hội. ĐTC Phanxicô đã thành công trong việc đưa vấn đề sinh thái trở thành mối ưu tư luân lý toàn cầu, nhấn mạnh rằng khủng hoảng môi sinh là khủng hoảng thiêng liêng và văn hóa. Laudato Sí không chỉ là thông điệp dành cho người Công giáo mà cho toàn thể nhân loại. Thông điệp của ĐTC đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận và được đánh giá cao bởi các học giả Công giáo và ngoài Công giáo. Tại Hoa Kỳ, nữ thần học gia danh tiếng Elizabeth Johnson, nhận định rằng Laudato Sí đã mở rộng tầm nhìn thần học về thụ tạo, mời gọi con người nhận ra giá trị nội tại của mọi sinh vật, và thức tỉnh trách nhiệm luân lý sâu xa trong việc bảo vệ chúng như những “anh chị em” trong cùng một gia đình tạo thành.[4] Từ truyền thống Thần học Giải phóng, Leonardo Boff đánh giá thông điệp như một bản hợp xướng sống động về tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, đồng thời là sự tiếp nối trung thành với di sản thần học Mỹ Latinh – nơi công lý cho người nghèo và việc bảo vệ môi trường không tách rời mà phải hoà quyện vào nhau như hai mặt của một sứ mạng Tin Mừng.[5] Tại Úc, Denis Edwards, một trong những gương mặt tiên phong của thần học sinh thái, gọi Laudato Sí là bước ngoặt lớn trong tiến trình hình thành một nền thần học liên ngành, nối kết đức tin Kitô giáo với khoa học hiện đại và các giá trị đạo đức toàn cầu.[6] Không chỉ trong giới thần học, Laudato Sí cũng nhận được sự đánh giá cao từ các học giả ngoài Kitô giáo. Dale Jamieson, giáo sư sinh thái học và triết học tại Đại học New York, đã gọi thông điệp này là: “văn kiện quan trọng nhất về môi trường trong thế kỷ XXI” – một lời chứng mạnh mẽ về sự giao thoa giữa đạo lý tôn giáo và lương tâm nhân loại trong thời đại khủng hoảng sinh thái.[7] Thông điệp Laudato Sí đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong Giáo hội Công giáo mà còn lan rộng ra cộng đồng quốc tế, các tôn giáo khác và nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Hiệp Quốc, thông qua vị Tổng Thư Ký, đã ca ngợi Laudato Sí như một đóng góp đạo đức quan trọng trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận vai trò của Laudato Sí trong việc thúc đẩy công bằng môi sinh và phát triển bền vững. Cuối cùng, để hiện thực hóa những ước mong của Đức Thánh Cha, Laudato Sí Movement (trước đây là Global Catholic Climate Movement) đã được thành lập để lan tỏa hành động sinh thái trong cộng đồng Công giáo toàn cầu. Không chỉ được đón nhận rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế, Thông điệp này còn được chào đón, ủng hộ và sử dụng nơi các cộng đoàn tôn giáo bạn. Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I,[8] đại diện cho Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, nhấn mạnh mối tương quan giữa con người – Thiên Chúa – thụ tạo. Các lãnh đạo Anh giáo, Do Thái giáo và Phật giáo đã tổ chức các hoạt động liên tôn nhằm cổ vũ Laudato Sí như một lời kêu gọi chung bảo vệ Trái Đất. Các học giả Hồi giáo như Ibrahim Ozdemir đánh giá Laudato Sí là tài liệu mang giá trị công lý phù hợp với đạo đức sinh thái của Hồi giáo. Như chúng ta đã biết, vào lúc 7h35 sáng (giờ Vatican) ngày 21 tháng 4 năm 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở về nhà Cha. Ngài ra đi an nghỉ trong Chúa, khép lại hành trình dương thế kéo dài 88 năm – một hành trình thấm đẫm ân sủng, yêu thương và phục vụ. Ngài ra đi như một người môn đệ đích thực, một vị mục tử hiền hậu, và một nhân chứng sống động của lòng thương xót và hy vọng. Trong suốt giáo triều của mình, ngài không chỉ là người cha tinh thần của gần 1,4 tỷ tín hữu Công giáo, mà còn là một tiếng nói tiên tri cho toàn thể nhân loại. Người ta sẽ còn nhớ đến ngài như một “Giáo hoàng Xanh” – một vị Giáo hoàng đã đặt trọn trái tim và nghị lực cho việc chăm sóc “ngôi nhà chung”, hành tinh xanh mà Thiên Chúa đã ân ban, cũng là nơi đang bị tổn thương bởi lòng tham, sự thờ ơ và lối sống vô trách nhiệm của chính con người. Ngài đã ra đi trong thinh lặng, nhưng lời chất vấn đầy tha thiết của ngài vẫn tiếp tục vang vọng trong trái tim và lương tri nhân loại: “Chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai – cho con cháu của chính chúng ta – một trái đất như thế nào?” (LS, 160). Một câu hỏi không chỉ để nhớ, mà còn để sống – và hành động. Lm. Augustinô Nguyễn Minh Triệu, S.J. Nguồn: Dongten.net [1] Thuật ngữ này trở nên phổ biến kể từ Công đồng Vaticanô II, và chiếm một vị trí quan trọng trong Giáo Huấn xã hội Công Giáo. [2] Laudato Si’ được triển khai theo phương pháp quen thuộc của Giáo Huấn xã hội Công giáo, gồm ba bước: “Xem – Xét – Làm”. Chương I trình bày bước đầu tiên là “xem”, với các dự kiện của hoa học và thực tiễn xã hội về khủng hoảng môi sinh. Tiếp đến, ở phần “Xét” (chương 2 – 4), ĐTC chiêm niệm về công trình tạo dựng dưới ánh sáng của Kinh Thánh và lý trí con người, đồng thời phê phán não trạng kỹ trị và cái nhìn méo mó về mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Chính tại đây, ngài đề xuất một hướng đi mới: sinh thái toàn diện, kết nối chiều kích môi sinh, xã hội và thiêng liêng. Cuối cùng, phần “Làm” (chương 5 – 6) mời gọi chúng ta hành động: từ thay đổi chính sách và mô hình phát triển, đến thay đổi tận căn lối sống, qua việc giáo dục và linh đạo môi trường – một linh đạo của sự đơn sơ, biết ơn và trách nhiệm trước ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã trao ban. [3] Về chủ đề này tác phẩm The Meal That Reconnects: Eucharistic Eating and the Global Food Crisis (2020) của Mary E. McGann, RSCJ có mối liên hệ rất sâu sắc với thông điệp Laudato Si’ của ĐTC Phanxicô – dù không trực tiếp chú giải văn kiện này, nhưng cuốn sách phản ánh và mở rộng chiều sâu thần học – sinh thái mà Laudato Si’ đề xuất. [4] Elizabeth A. Johnson viết rất nhiều tác phẩm thần học, nổi bật trong đó là hai tác phẩm: Come, Have Breakfast: Meditations on God and the Earth (Maryknoll, NY: Orbis Books, 2024) và Ask the Beasts: Darwin and the God of Love (London: Bloomsbury, 2014). Tác phẩm thứ nhất là tập hợp các suy niệm về vẻ đẹp và tình trạng bị đe dọa của Trái đất, được nhìn dưới ánh sáng Kinh Thánh. Mỗi bài suy niệm là một cái nhìn sâu sắc về mầu nhiệm thánh thiêng, về Đấng tạo dựng hiện diện, cứu chuộc và thánh hóa toàn bộ thế giới; Tác phẩm thứ 2 là một cuộc đối thoại giữa thuyết tiến hóa của Darwin và thần học Kitô giáo, khám phá mối quan hệ giữa khoa học và đức tin trong bối cảnh tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi loài thụ tạo. [5] Leonardo Boff, Cry of the Earth, Cry of the Poor (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1997); “How to Inhabit the Earth: The Path Towards Universal Fraternity.” Laudato Si’ Movement, March 17, 2022. [6] Denis Edwards, “Sublime Communion: The Theology of the Natural World in Laudato Si’,” Theological Studies 77, no. 2 (2016): 377–391; Denis Edwards, “Everything is Interconnected: The Trinity and the Natural World in Laudato Si’,” The Australasian Catholic Record 94, no. 1 (2017): 81–91. [7] X. Dale Jamieson, “Why Laudato Sí Matters,” Environment: Science and Policy for Sustainable Development 57, no. 6 (2015): 19. [8] Trong dẫn nhập của Laudato Sí, ĐTC Phanxicô cũng nêu bật sự đóng góp của Đức Thượng Phụ Chính Thống Barthôlômêô I, mang danh hiệu là “Thượng phụ xanh” vì những dấn thân cho các vấn đề sinh thái từ non một phần tư thế kỷ. Ngày 25 tháng 4 Năm 2025 Bài liên quan Những “từ khóa” về Ðức Phanxicô Tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, một con người tận hiến Vị Giáo hoàng khác biệt Đức Thánh Cha: Đừng mất hy vọng ngay cả khi chúng ta thấy mình không thể thay đổi cuộc sống Đức Thánh Cha khuyến khích các cha giải tội trở thành các thừa tác viên của lòng thương xót 24 giờ cho Chúa 2025 – “Chúa là niềm hy vọng của con” Bác sĩ điều trị cho Đức Thánh Cha: ngài hồi phục là phép lạ nhờ lời cầu nguyện của các tín hữu