Tin Giáo Hội Hoàn vũ Trải nghiệm sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bệnh tật và đau khổ Những biến cố trong cuộc đời đã hun đúc nên con người và tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bệnh tật, ngành y, cũng như những người đang chịu đau khổ. Ngay từ những ngày đầu triều đại giáo hoàng, và thậm chí từ Mật nghị Hồng y năm 2005, tình trạng sức khỏe của phổi ngài đã được công chúng biết đến. Ngài từng nhiều lần lâm bệnh, nhưng thông tin cho rằng ngài "chỉ có một lá phổi" là không chính xác. Trên thực tế, Đức Giáo Hoàng có đủ hai lá phổi, nhưng vào năm 20 tuổi, ngài đã phải trải qua một ca phẫu thuật lớn để cắt bỏ các u nang ở thùy phổi phải. Hồi ức về cơn bạo bệnh Trong cuốn tự truyện gần đây của mình, Hy Vọng, Đức Giáo Hoàng hồi tưởng về biến cố đau đớn vào tháng 8 năm 1957, trong bối cảnh dịch cúm châu Á hoành hành, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Khi ấy, Jorge Mario Bergoglio – một chủng sinh trẻ – cũng đổ bệnh như bao người khác. Nhưng tình trạng của ngài nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn. Thế nhưng, vị bác sĩ của chủng viện – người mà các chủng sinh đặt cho biệt danh khắc nghiệt là “Con Thú” – lại không xem trọng bệnh tình của ngài. Được một nữ tu cứu sống Nhờ quyết định kịp thời của vị giám học, ngài được chuyển đến Bệnh viện Syria-Lebanon ở Buenos Aires. Nhưng chính một nữ tu đã góp phần quan trọng trong việc cứu sống ngài. Đức Giáo Hoàng xúc động kể lại: “Tôi sống sót phần lớn là nhờ một nữ tu.” Đó là sơ Cornelia Caraglio, một nữ tu Đa Minh, người đã kiên quyết yêu cầu tăng gấp đôi liều kháng sinh cho ngài. Vị bác sĩ được sơ triệu tập đã hút ra một lít rưỡi dịch từ phổi của ngài. “Đây là khởi đầu của hành trình chậm chạp và đầy bất trắc để quay trở lại từ ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết,” ngài viết. Để thực hiện nội soi phổi mà không ảnh hưởng đến tim, ngài được tiêm morphine. “Thế giới trở nên méo mó, con người biến thành những hình nhỏ bé. Đó cũng là một trải nghiệm khủng khiếp, một phần của cơn ác mộng mà tôi đã rơi vào.” Những người bạn chủng sinh đã đến thăm và thậm chí hiến máu cho ngài. “Dần dần, những cơn sốt rời bỏ tôi, và ánh sáng lại quay trở lại,” ngài hồi tưởng với lòng biết ơn. Bước ngoặt thay đổi cuộc đời Trải nghiệm cận kề cái chết này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Tôi yêu thích cuộc sống ở chủng viện, nhưng cuối cùng tôi đã rời đi. Đúng hơn, họ khiêng tôi ra khỏi đó trên cáng, khi tôi đang cận kề cái chết,” ngài nhớ lại. Sau khi bình phục, Jorge Mario Bergoglio gia nhập Dòng Tên vào năm sau, bước vào một hành trình đào tạo lâu dài, dẫn đến việc chịu chức linh mục vào năm 1969 và tuyên khấn cuối cùng vào năm 1973. “Chúa Giêsu đã chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta” Trải nghiệm bệnh tật thời trẻ đã định hình suy tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự đau khổ. Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân 11/2/2025, ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cảm nhận được sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ nỗi đau khổ của con người qua Đức Giêsu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và thường ban cho chúng ta một sức mạnh mà chúng ta không ngờ tới.” Ngài khẳng định rằng bệnh tật không chỉ là thử thách mà còn có thể trở thành cơ hội để biến đổi, để khám phá một điểm tựa vững chắc giữa những giông bão cuộc đời. Với Đức Giáo Hoàng, bệnh viện không chỉ là nơi điều trị, mà còn là môi trường của tình liên đới và huynh đệ. “Những nơi đau khổ cũng thường là nơi của sự sẻ chia và làm giàu lẫn nhau. Qua những người chăm sóc, chúng ta khám phá ra tình yêu.” Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi người – bệnh nhân, bác sĩ, y tá, gia đình, bạn bè, linh mục, tu sĩ – đều có thể trở thành “sứ giả của hy vọng” cho nhau, dù ở bệnh viện, nhà dưỡng lão hay trung tâm y tế. Những thông điệp từ bệnh viện Vào ngày 11/7/2021, Đức Giáo Hoàng đã đọc kinh Angelus từ Bệnh viện Gemelli, ngay sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đại tràng nghiêm trọng. Ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đang đau khổ, đặc biệt là những người trong tình trạng nguy kịch. Xin đừng ai bị bỏ lại một mình, nhưng tất cả đều nhận được sự chăm sóc đầy yêu thương.” Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với đội ngũ y bác sĩ và không quên gửi lời động viên đến những trẻ em bệnh nặng mà ngài đã gặp trong thời gian nằm viện. Ngay cả trong những lúc đau yếu và mong manh, Đức Giáo Hoàng vẫn thể hiện vai trò của mình với tinh thần đức tin và lòng biết ơn dành cho ngành y. Trong một thông cáo từ bệnh viện Gemelli, người ta cho biết rằng vào sáng Chúa Nhật, ngài đã “dâng Thánh lễ cùng những người chăm sóc ngài trong những ngày nằm viện.” Hành động này là minh chứng rõ nét cho tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – một con người luôn sống đức tin, ngay cả giữa những thử thách của bệnh tật, và luôn biết trân trọng những bàn tay cứu giúp mình trên hành trình cuộc đời. Tác giả: Cyprien Viet Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 27 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan “Santo Subito” – Khát vọng phong thánh sớm cho Đức Phanxicô Những “từ khóa” về Ðức Phanxicô Người Canh Giữ Ngôi Nhà Chung: Di sản sinh thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, một con người tận hiến Vị Giáo hoàng khác biệt Đức Thánh Cha: Đừng mất hy vọng ngay cả khi chúng ta thấy mình không thể thay đổi cuộc sống Đức Thánh Cha khuyến khích các cha giải tội trở thành các thừa tác viên của lòng thương xót