CĐ Rogate Đà Lạt CHIẾC KÉO YÊU THƯƠNG Tác giả: Giuse Văn Thắng Sinh viên triết năm II Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Mỗi ngày là một hành trình lội ngược dòng đi tìm kiếm chính mình và tôi luyện chính mình. Có thể tôi đi rất xa, học rất nhiều, nhưng khi trở về, nghiệm lại, tôi giật mình tự hỏi: tôi đã làm được gì? … và đáp án là không có gì cả, nhưng tôi còn đánh mất chính mình lúc nào không hay. Ngày hôm sau tôi tiếp tục bước đi trên con đường cũ, lần này tôi cẩn trọng hơn trước, trước khi đi tôi đặt cho mình một mục tiêu cụ thể, tôi ra đi và kiếm tìm một phần đã mất ngày hôm qua. Thế là ròng rã suốt một ngày dài, tôi trở về cũng ngôi nhà thân thương ấy, tôi kiểm tra xem mình đã thu lượm được gì. Trong túi tôi với tất cả mọi thứ chỉ là của ngày hôm qua, tôi vẫn mãi sống cho ngày hôm qua mà thôi, ngay lập tức tôi cảm thấy sợ hãi vì mình đã lãng quên ngày hôm nay. Tôi tiếp tục tự hỏi: chả lẽ cứ kiếm tìm cái của ngày hôm trước thôi sao? Đêm về tôi vắt tay trên chán và suy nghĩ về viễn đích, mục đích của cuộc đời mình là gì? Sau một lúc trong đầu tôi chợt nảy ra một ý tưởng phát xuất từ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Mathêu “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9, 37-38) Vậy điều gì Chúa Giêsu đang mời gọi tôi? Phải chăng là một công trình vĩ đại, một hình ảnh đẹp nơi mọi người, một thần tượng…? và rồi tôi đã khám phá ra, nơi Ngài chỉ cần tình yêu của chúng ta mà thôi! Một tình yêu dâng tràn đón nhận và cho đi không tiếc nuối. Hình ảnh cánh đồng lúa chín gợi cho tôi một cảm giác ấm nồng, vui tươi, phấn khởi của những tầm hồn hạnh phúc vì được vào trong cánh đồng Giáo Hội của Chúa, nơi mà chỉ có hạnh phúc viên mãn vì được gần gũi bên bàn tiệc Thánh Thể, nơi mọi người cùng hội họp bên bàn tiệc Lời Chúa, nghe những lời răn dạy yêu thương thắm đượm tình người. Đó cũng là nơi mọi người cùng gọi nhau là anh em, là bạn bè, hơn nữa chúng ta sẽ lớn tiếng, đồng thanh thưa lên hai tiếng “cha ơi!” thật tuyệt vời biết bao. Giống như một gia đình sum vầy hạnh phúc bên nhau, có cha, có mẹ, con cái quây quần bên bữa cơm thân mật, tuy đơn sơ với canh rau muống, với cà dầm tương nhưng thắm nồng tình gia đình. Nơi giáo sứ, nơi họ đạo cũng như một gia đình với người cha chung là cha xứ, người đại diện của Chúa Kitô ở giữa đoàn con cái, săn sóc giữ gìn, chở che như người mục tử nhân lành sẵn sàng bỏ 99 con chiên lại để đi tìm con chiên bị lạc, và khi tìm thấy thì người ấy mở tiệc ăn mừng. Chúng ta hãy vượt qua ranh giới của không gian mà đến với ranh giới của tình người trong niềm hy vọng vào một thế giới biết cho đi, biết yêu đi, biết thứ tha, và biết nghĩ cho người anh em của mình. Trong cánh đồng lúa chín luôn thiếu những thợ gặt không quản ngại khó khăn, vất vả để vác hái, vác liềm ra đồng gặt hái những tâm hồn yêu thương về cho Chúa. Chúng tôi, anh em dòng Tông Đồ Cầu Nguyện cho Ơn Gọi Thánh Tâm Chúa Giêsu, tuy còn non trẻ trên quê hương Việt Nam yêu dấu nhưng với lòng nhiệt thành trong sứ mệnh truyền giáo của tỉnh dòng Thánh Mát-Thêu, chúng tôi luôn háo hức, hồ hởi để gặt hái trên cánh đồng quê hương. Chúng tôi bước đi với hành trang là Đức Kitô, giáo huấn và lời dạy của Người, cùng những hướng dẫn của cha Thánh Hanibal, người thợ tận tình, chăm chỉ trong cánh đồng mà Chúa đã trao phó thì không gì có thể cản ngăn chúng tôi đến với tha nhân. “Cánh đồng lúa chín” Chúa trao trên đôi tay chúng tôi là tất cả những bạn trẻ đang khao khát dâng hiến cuộc đời để phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, những người nghèo, những trẻ em mồ côi, những trẻ em khiếm thị, những cô chú bán vé số, hay những người ăn xin bên vệ đường… Những tâm hồn ấy không ngừng thôi thúc chúng tôi trong sứ vụ yêu thương và quảng đại cho đi, để có thể thực hiện sứ vụ này, việc đầu tiên được ưu tiên hàng đầu không hệ tại bên ngoài nhưng chính nơi bản thân mỗi người chúng tôi là phải trở nên những người thợ nhiệt thành và thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Tấm gương chúng tôi rọi chiếu vào mỗi ngày đó chính là Đức Kitô nhân lành và thiện hảo vô cùng, Người là thần tượng, là mẫu gương đầu tiên và cũng là cuối cùng cho đời sống thánh hiến của anh em chúng tôi. Lộ trình tình yêu của chúng tôi bao gồm nhiều phương tiện và sự giúp đỡ đến từ các vị ân nhân, những người có tấm lòng quảng đại hy sinh rất lớn, họ sẵn sàng hy sinh của ăn của mặc cho chúng tôi trên hành trình đem tình yêu Chúa đến với những mảnh đời khó khăn. Một trong những dụng cụ mà chúng tôi nhận được đó là “Chiếc kéo yêu thương”. Chiếc kéo mà tôi muốn nói đến ở đây trước tiên có lẽ mọi người sẽ nghĩ là, chúng tôi sẽ dùng nó như là một công cụ để đi cắt những mái tóc cho người nghèo, cho trẻ em, cho những ai có bộ tóc dài, tóc rối… nhưng không phải, cái kéo tôi muốn đề cập ở đây mang ý nghĩa sâu xa hơn về mặt tinh thần, cái kéo dùng để cắt tỉa chính những bề bộn nơi tâm hồn chúng tôi, những mái tóc dài của những thói hư tật xấu nơi bản thân chúng tôi, tất cả những gì là chưa hoàn thiện, chưa tốt đẹp thì phải là đối tượng đầu tiên cho chiếc kéo yêu thương cắt tỉa, uốn nắn từng ngày, trước khi dùng nó cắt cho người khác. Người mà sở hữu chiếc kéo yêu thương này không ai khác ngoài chính Đức Kitô, Người đào luyện, người dạy dỗ chúng tôi. Chiếc kéo yêu thương được người bề trên đại diện Chúa Kitô cắt đi phần dư thừa của tán cây um sùm, rập rạp vì lòng cứng cỏi, đầu óc u mê, thói xấu vô kể…. Một gốc xanh xinh xắn với cành lá gọn gàng, uyển chuyển làm cho người ta thích thú và say mê, chúng tôi cũng cần được Chúa tạo cho một vóc dáng đáng yêu, dễ mến, nhất là đầy tình yêu khi đến với mọi người. Trong cuộc sống xung quanh ta, rất nhiều người ao ước để chỉ dạy, nhưng có ít ai muốn được sửa dạy, chính vì lẽ đó Thập giá thì luôn ở đó mà chúng ta thì luôn né tránh. Đối với chúng tôi, những môn đệ bước theo Đức Kitô, chúng tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng để được chỉ dạy và được sửa dạy để nên hoàn thiện mỗi ngày, vì chúng tôi tin rằng điều chúng tôi nhận được là phần thưởng vô giá, là bài học sương máu của các bề trên đã có kinh nghiệm đi trước. Con người là tuyệt tác mà Thiên Chúa đã tạo nên, nơi mỗi con người có một trái tim biết yêu thương, không ai là không có đặc tính này. Chính vì thế, tôi nhận ra rằng: sau mỗi lần cắt tỉa đau đớn luôn là những lời an ủi, lời vỗ về đầy yêu thương của cha bề trên dành cho chúng tôi. Một bộ phận của cây xanh bị cắt đi có thể làm chảy rất nhiều máu là nhựa sống của thân cây, nhưng nhờ vậy mà nó trở nên tròn trĩnh, cân đối, gọn ghẽ, và đặc biệt là nó phải đẹp hơn trước. Chiếc kéo yêu thương cắt đi những đam mê, ước muốn xác thịt. Một con người, phần đi đôi với tinh thần là một thể xác nặng nề, yếu đuối và hèn nhát, vậy điều gì kéo con người xuống? đó không phải là những đam mê của ăn uống, hút chích, nhậu nhoẹt, chè chén say sưa ư! Đó không phải là những ước muốn trần tục về nhục dục sao! Hay là những thú vui nơi những quán bar, vũ trường, sân khấu,… Đối với người ngoài, chiếc kéo yêu thương cắt tỉa một lần là đủ, nhưng khi tới phần chúng tôi thì chiếc kéo yêu thương phải ưu tiên để cắt hai lần, ba lần, thậm chí rất nhiều lần, cho tới khi ghi dấu ấn của chính Chiếc kéo yêu thương nơi tâm hồn, nơi thể xác chúng tôi. Vì để bước đến vinh quang thì chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ và cái chết đau đớn nhất trên cây Thập giá. Cái đẹp ý nghĩa nhất đối với chúng tôi là cái đẹp của sự đau đớn sau mỗi lần cắt tỉa để kết hợp với Chúa Giêsu trên thập giá, với tình yêu Chúa chúng tôi luôn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ vượt qua mọi thử thách. Chiếc kéo yêu thương ra đi để đồng cảm, để chia sẻ với những tâm hồn đơn sơ, nhở bé còn nhiều đau khổ, còn nhiều những thiếu thốn, thiệt thòi về cả tinh thần lẫn thể xác. Một không gian không đâu xa, đó chính là nơi nhà Rogate chúng tôi, đó là anh em chúng tôi. Một gia đình có giàu sang đến đâu, có đầy đủ đến đâu thì cũng luôn có những thành viên bị thiệt thòi, có thể về khả năng học tập, có thể về khả năng chơi thể thao, có thể là về thể lý, hay tâm lý… Và tất cả những điều này thì đều bắt gặp tại cộng đoàn chúng tôi, gia đình thân thương của chúng tôi. Vì lẽ đó, chúng tôi cũng phải là chiếc kéo yêu thương cho anh em mình, để người anh em mình bớt tủi sầu, bớt ganh tỵ, ngay cả bớt tự kiêu, tự mãn quá đáng nhưng sống khiêm nhường, tự tạ, như Đức Kitô khiêm nhường, hạ mình rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Những biểu hiện của tình yêu cụ thể trong hành động chia sẻ những bữa ăn sáng, cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, phụ giúp nhau hoàn thành mọi công việc được giao phó, … Nó cũng được bộc lộ qua các giờ thể thao mang tình huynh đệ, không khí vui vẻ khi chơi đàn, chơi nhạc, hát hò ngêu rao. Lắm khi người bạn bên cạnh tôi cũng là chiếc kéo yêu thương sửa chữa những lỗi sai cho tôi, vì nhát kéo đó có thể gần gũi hơn, nhẹ nhàng hơn mà thắm đượm tình bằng hữu, thắm tình anh em. Duy chỉ có một mục đích là trở nên người thợ thánh thiện và nhiệt thành, chúng tôi được mời gọi nên hoàn thiện mỗi giây phút chúng tôi sống với anh em và vì anh em, không ky bo giữ bất cứ sự gì làm của riêng, ngoài duy nhất Đức Kitô là tài sản vô giá trong cõi lòng anh em chúng tôi. Sau quá trình được cắt tỉa, uốn nắn từ chiếc kéo yêu thương, dưới bàn tay của các vị bề trên, các cha, các thầy, chúng tôi được trao phó như là một chiếc kéo yêu thương mới cho mọi người xung quanh chúng tôi. Các tông đồ ơn gọi ra đi với hành trang là chiếc kéo yêu thương đã được gọt dũa, đã được chỉnh sửa, sẵn sàng cho mọi đối tượng mà chúng tôi gặp gỡ. Đối tượng ấy là những trẻ em khiếm thị ở trung tâm Blind center, những trẻ mồ côi ở mái ấm Tận Hiến. Điều đầu tiên chúng tôi đến với các em không phải là một sự cho đi nhưng là một sự nhận lại từ chính các em, những khoảnh khắc tuyệt vời đến từ những tiếng cười nói mến thương, những giọng hát nhẹ nhàng, thánh thót, biết bao câu nói vui đùa để lại cảm giác thật gần gũi, ấn tượng. Chiếc kéo yêu thương như đang cắt đi khoảng cách của sự lạnh lùng, chia rẽ mà thế giới đang phải đối mặt từng ngày. Khoảng cách xa nhất không được đo bằng khoảng cách vật lý nhưng là khoảng cách từ cái đầu đến trái tim, chiếc kéo yêu thương đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn, chia sẻ những câu chuyện buồn vui của cuộc sống, hay đơn thuần chỉ là dành thời gian cho nhau, lắng nghe những nỗi niềm từ tận cõi lòng sâu thẳm nhất của một tâm hồn. Nơi sâu nhất có thể đồng nghĩa với khoảng cách xa nhất, nó có thể là những đố kỵ, ghen tương, giận hờn, ghen ghét, hơn thua, tranh giành dẫn đến những cuộc chiến tranh vô cùng thảm khốc. Trên thế giới có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh cướp đi sự bình yên của biết bao gia đình, bao con người vô tội, vậy mà có thật ít ỏi những người can đảm dấn thân cho cuộc đấu tranh hòa bình, công lý và hạnh phúc của nhận loại. Sự thánh thiện của những tâm hồn đơn sơ cho chiếc kéo yêu thương cơ hội được đụng chạm, được lan tỏa, được hòa mình vào sự thánh thiện, tuyệt hảo nhất của Đức Kitô, Người là thầy, là anh, là bạn của tất cả những ai có tâm hồn giống trẻ thơ. Một ánh mắt trìu mến được thanh luyện qua những thử thánh của cuộc đời thánh hiến cho chúng tôi đôi mắt biết rơi những giọt lệ cảm thương, cho con người chúng tôi cảm nhận sáng hơn, thanh thoát hơn, gần gũi hơn, cho dù khoảng cách đó có xa tận chân trời góc bể thì cũng như đang cư ngụ trong lòng chúng tôi vậy. Chiếc kéo yêu thương sẽ là dấu chỉ cho một tình yêu cao đẹp biết mở lòng mình ra đón nhận anh em gần xa, sớt chia với biết bao con người đau khổ, cảm thông với người nghèo nàn rách nát, thiếu thốn về vật chất, tinh thần. Và cuối cùng xin trích dẫn một câu nói của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu về lời mời gọi của Chúa: “Vậy đó là tất cả những gì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Ngài không cần những công trình của chúng ta, nhưng Ngài chỉ cần tình yêu của chúng ta thôi.” Chúa không cần một công trình tượng đài cao ngút trời xanh để tưởng nhớ đến Ngài, nhưng Ngài cần nơi mỗi người chúng ta một TÌNH YÊU đón nhận và cho đi cao ngút tựa trời xanh, để tiếp tục với hành trình “Chiếc kéo yêu thương” hằng tuần, đi đến với mọi tâm hồn đang thao thức gặp gỡ Chúa. “Lạy Chúa, xin sai đến Hội Thánh Chúa, nhiều vị tông đồ nhiệt thành và thánh thiện!” Ngày 20 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan MỘT TẤM LÒNG ĐƠN SƠ 25-03-2022 - LỄ TRUYỀN TIN 02.04.2022 Chia Sẻ Bánh Mì Antôn Cho Người Khó Khăn Chia sẻ về Tước Hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Bài thơ: Ra Đồng