Chúa Nhật 12.12.2022 - CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-A Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10 “Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi”. Trích sách Tiên tri Isaia. Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta. Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa. Ðó là lời Chúa. Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10 Ðáp: Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con (x. Is 35, 4). Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp. Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10 “Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến”. Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ. Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðó là lời Chúa. Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 12) Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia. Phúc Âm: Mt 11, 2-11 “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?” Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”. Ðó là lời Chúa. CÁC BÀI SUY NIỆM: 1. Còn phải đợi ai?--‘Manna’--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ. Suy Niệm “Anh em ra xem gì trong hoang địa?" Đức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế. Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay, vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục. Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc, vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da. Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả, vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước, đồng thời ông là người giới thiệu Đức Kitô cho dân Israel. Đối với ông, Đức Kitô là Đấng mạnh mẽ. Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11). Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái và quăng vào lửa (x. Mt 3,10). Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12), thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho. Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11). Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ. Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt. Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Đức Giêsu làm. Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo. Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài. Đức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Đức Kitô, vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo. Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù, nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ. Gioan đứng trước một thách đố. Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Đấng Mêsia không? Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Đức Giêsu, Đấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia. "Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin. Ông không thể nào chấp nhận một Đấng Mêsia chịu đau khổ. Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1). Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ. Ngài không như điều ta tưởng, thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng. Gioan đã vượt qua chính mình khi nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30). Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Đức Giêsu. Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa, khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Đấng Mêsia. Mùa vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến. Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt, thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ. Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang, thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối. Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi! Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên. Gợi Ý Chia Sẻ Thiên Chúa thích chơi ú tim với con người. Ta tưởng Ngài ở đây, thì Ngài lại ở kia. Ngài luôn vượt quá điều ta nghĩ về Ngài. Vậy theo ý bạn, làm sao gặp được Ngài? Đức Giêsu đã kể ra những việc Ngài làm để cho thấy Ngài thật là Đức Kitô (x. Mt 11,5). Theo ý bạn, đâu là những việc bạn phải làm để cho thấy bạn là Kitô hữu thật sự? Cầu Nguyện Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Nguời là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore) 2. Dung mạo Đức Kitô--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu. Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”. Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ngài chao đảo. Nửa tin nửa ngờ. Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau: 1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo. Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi. Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang. 2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù. Ông bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan. Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng. Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh. Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi. Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết. Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội. Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ. Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế. Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thày, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương. Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thày: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ. Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thày, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương. Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ. Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn. Hãy bắt đầu bằng tình thương. Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới. Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1) Đức Thánh Cha đã khiêm nhường xin lỗi Trung Quốc. Bạn nghĩ sao về cử chỉ này? Cử chỉ của Đức Thánh Cha có làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội không? 2) Bạn muốn một Giáo Hội yêu thương phục vụ hay một Giáo Hội cai trị quyền uy? 3) Bạn nghĩ gì về những lầm lỗi trong Giáo Hội? 4) Bạn phải làm gì để làm chứng cho Chúa. Bằng những việc lớn lao hay bằng những việc nhỏ bé hằng ngày? 3. Mùa Vọng: mùa màu hồng----‘Nút Vòng Xoay’--GM. Giuse Vũ Duy Thống Nếu khởi đầu Mùa Vọng là một màu xanh của những tâm hồn biết rằng Thiên Chúa hằng hy vọng vào mình và hành trình Mùa Vọng là một màu tím của những cuộc đời sám hối, thì ở giữa lòng Mùa Vọng, đời người đã được đặt vào một vận hành mới với một năng lực mới cho một cuộc đời mới. Những cái mới ấy Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả bằng một niềm vui và lễ phục minh họa bằng một tông màu bất ngờ tươi sáng để cùng với Giáo Hội, Chúa Nhật hôm nay xin được gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng. Vâng! Màu hồng. Nhưng không phải là một thứ ửng hồng e lệ của tình yêu buổi đầu gặp gỡ, cũng không phải là thứ bột hồng điểm trang của hương phấn trong ngày lễ hội, mà chính là màu hồng của niềm vui chan hòa và những chí bền chiến đấu đã làm nên sức sống và sức mạnh không ngừng gieo hưng phấn trên hành trình đức tin. Qua cách gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng, xin được gợi ý về hiệu quả của niềm hy vọng. 1) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một niềm vui chan hòa. Không phải vô cớ mà thánh Phaolô năm xưa đã kêu gọi các tín hữu của mình “Hãy vui lên!” cũng chẳng phải tình cờ khi Phụng Vụ gọi Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng là Chúa Nhật của niềm vui, mà tất cả đã là một hữu ý dàn dựng để làm nổi bật lên nỗi vui mừng và niềm hy vọng không phải như hai nỗi niềm đặt cận kề nhau, mà như hai yếu tố tương tại vào nhau của cùng một nỗi niềm duy nhất kết nên đời sống Kitô hữu. Có hy vọng là có niềm vui. Bởi có hy vọng nên đời tín hữu cũng có một vũ trụ quan tươi vui: Họ không chấp nhận cuộc đời theo kiểu “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trôi nổi vật vờ theo dòng nước cuốn, mà là đón nhận cuộc đời bằng một phong thái thanh thản vui tươi. Họ không chấp nhận nhìn môi trường mình đang sống như những sự kiện bên lề mà biết nhận ra đó chính là nơi mình được kêu gọi đến để thể hiện ơn gọi làm người và làm con Chúa. Cho dẫu cuộc đời có thế nào cũng vẫn có đó niềm hy vọng vươn cao. “Trong khi chưa có được điều mình thích, hãy bắt đầu bằng cách thích những điều mình đang có”. Tôi muốn một cuộc đời rộng đẹp nhưng trước mắt tôi vẫn chỉ là những mảnh đời chật hẹp thì trong niềm hy vọng, tôi phải bắt đầu bằng cách nới rộng đời mình ra. Bởi có niềm hy vọng nên đời tín hữu cũng có một nhân sinh quan chan hòa. Trong đại dương không ai là một hòn đảo. Trong chuyến đi cuộc đời chẳng ai là người lữ khách cô đơn. Thế nên, trong tinh thần liên đới, tín hữu là những kẻ đồng hành và đồng hành cũng có nghĩa là biết cho đi và nhận về. Cũng giống như tình yêu, hy vọng là rộng mở, là biết cho đi. Trong đổi chác, không ai có thể cho cái mình không có, nhưng trong niềm hy vọng, không ai có thể có được điều mà mình không biết cho đi. Bởi lẽ bạc tiền cho đi sẽ có lúc vơi cạn, nhưng niềm hy vọng biết cho đi thì ngược lại, bỗng trở nên phong phú lạ thường. Nỗi vui cho đi sẽ thành nỗi vui lớn hơn của kẻ cho và người nhận gộp lại, và niềm hy vọng biết cho đi sẽ nên niềm hy vọng vĩ đại của một sự sống triển nở sinh sôi. Rõ ràng là với niềm hy vọng, cuộc sống đã biến thành niềm vui, cho dẫu niềm vui ấy chưa ở độ tinh ròng mà vẫn còn đan xen với những nỗi niềm riêng tư hay nỗi lo đại cuộc, nhưng đã hồng hào lên một sức sống tươi trẻ vì đó chính là thành quả của niềm hy vọng. Chắc cộng đoàn còn nhớ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I. Triều đại Giáo Hoàng của ngài chỉ có ba mươi ba ngày nhưng hình ảnh của ngài thì thế giới khó mà quên. Đó là hình ảnh của một Giáo Hoàng với nụ cười thật tươi, nụ cười trong hồn và nụ cười ngoài miệng. Chính ngài là người đã lập lại quan điểm của thánh Tôma để chủ trương: vui vẻ là một nhân đức. Và Mẹ Têrêsa Calcutta, một trong mười phụ nữ được xếp vào hàng vĩ nhân hiện đại, khi người ta hỏi Mẹ xem phải làm gì cho cuộc sống tốt hơn, Mẹ bảo: “Hãy mỉm cười. Cười là thông điệp hòa bình. Cười là nếm cảm thực tại Thiên Chúa”. 2) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một chí bền chiến đấu. Những lúc an bình, niềm hy vọng mở ra một cuộc sống tươi vui nhưng khi gặp phải thử thách, niềm hy vọng lại trở nên sức mạnh kiên cường. Chính vì thế, hy vọng không chỉ được xem là nhân đức của nụ cười mà còn được khẳng định là nhân đức của sự chiến đấu trước những thách đố không thiếu trong đời. Có những thách đố đến từ những nghịch lý trong đời sống đức tin thể hiện qua những câu hỏi “tại sao?” khó mà trả lời nếu không có niềm hy vọng. Như câu hỏi tại sao của Cựu Ước: “Tại sao kẻ lành thường gặp hoạn nạn còn kẻ dữ lại cứ phây phây?”. Như câu hỏi của thánh Phaolô: “Tại sao điều tốt muốn làm tôi lại chẳng làm, còn điều xấu muốn tránh tôi lại hay vấp phải?”. Như câu hỏi về Giáo Hội: “Tại sao Giáo Hội bản chất là duy nhất mà trong lịch sử vẫn cứ mãi ghi dấu bằng những cuộc phân ly?”. Như câu hỏi của các bạn trẻ Tây Ban Nha đặt ra cho Đức Gioan Phaolô II năm 1982: “Tại sao Thiên Chúa tốt lành mà trong tạo thành của Ngài lại có quá nhiều tội ác?”. Như câu hỏi của báo chí: “Tại sao người ta cứ phải lo đề phòng đối phó mà không biết yêu thương nhau?”. Hay như câu hỏi mỗi người thường đặt ra với lòng mình: “Tại sao nhân đức như lúa tốt chăm hoài vẫn khó mọc còn nết xấu như cỏ dại nhổ mãi vẫn cứ còn?” Những câu hỏi ấy được đặt ra và còn được đặt ra mãi mãi. Sẽ là hoang mang chao đảo nếu không tìm được giải đáp; nhưng sẽ không có câu trả lời đích thực nếu không nại đến niềm hy vọng vào điều toàn bích vốn chỉ có nơi Thiên Chúa và trong cuộc sống mai sau. Có những thách đố đến từ những nghịch biến trong lối sống đạo như sự ly thân giữa giáo lý tốt lành của đạo với đời sống kèn cựa của người tín hữu, như cách sống thực dụng của một số thành phần có đạo, như xu hướng tục hóa đang có nguy cơ tràn lan, và phổ biến nhất vẫn là thái độ “mackeno” dửng dưng với đạo của một số kẻ tự nhận là có đạo mà thực tế chẳng tốt hơn ai. Sẽ là dị ứng co cụm nếu chỉ thở dài thất vọng, nhưng sẽ là bản lĩnh hy vọng nếu biết vươn lên khẳng định niềm tin. Và cũng có những thách đố đến từ những nghịch cảnh trong cuộc đời như tai nạn bất ưng, như sức khỏe yếu kém, như hoàn cảnh không thuận lợi cho ngành nghề, như những thất bại nhiều mặt. Sẽ là thất vọng nếu cúi gập trên nỗi đau của mình, nhưng sẽ là hy vọng nếu biết vươn lên, cho dẫu hoàn cảnh có tuyệt vọng đi nữa thì ở đó vẫn cứ sáng rỡ một niềm cậy trông. Trọn trang Tin Mừng hôm nay là một thách đố không nhỏ mà Gioan Tẩy Giả đã gặp phải: rao giảng về một sự trừng phạt đến cận kề nhưng lại gặp phải sự chậm trễ; loan báo về Đấng Cứu Thế như một vị Chúa oai phong đáng sợ nhưng lại thấy Chúa Giêsu chan hòa nhân ái; công bố về thời mở cửa cứu độ nhưng chính mình lại bị cầm tù vào giữa lúc mọi người xôn xao hạnh phúc. Đã có lúc nóng lòng chờ đợi như việc gửi môn đệ đến chất vấn Chúa Giêsu qua đoạn Phúc Âm hôm nay, nhưng từ những thách đố ấy, nơi Gioan Tẩy Giả đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường: ông không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẽ cậy trông. Niềm hy vọng chính là sức mạnh hồng hào giúp Gioan Tẩy Giả và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả. Tóm lại, với hiệu quả của niềm hy vọng là niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu, đời sống của tín hữu đã được đặt vào một vận hành mới vươn tới một điều còn lớn lao hơn cả chính nỗi niềm của mình. Đó không chỉ là chân lý cho trí ta đong đầy, không chỉ là thiện hảo cho lòng ta mê thích, cũng không chỉ là nét đẹp cho mắt nhìn no thỏa mà chính là một Đấng, Đấng ấy là Thiên Chúa hằng hy vọng vào ta. Và như thế, thiết tưởng đã đến lúc đặt ra vấn đề: liệu ta có niềm hy vọng ấy chưa? Bài đọc thứ nhất nhắc nhở “Đừng sợ”. Đừng sợ không có niềm hy vọng vì trước khi ta có thể hy vọng thì Chúa đã hy vọng vào ta. Đó là một hồng ân. Cũng đừng sợ mình mất niềm hy vọng như thể ta sống có một mình. Có một Đấng cùng sống với ta và Đấng ấy không dễ gì để mất ta đâu. Cũng đừng sợ niềm hy vọng của ta sao quá nhạt nhòa, bởi hy vọng là một công trình cả đời. Điều đáng sợ đáng ngại và đáng đau khổ nhất là “thấy Thiên Chúa bị bóp chết trong một đời người”, nghĩa là người ta khước từ hy vọng, bóp nghẹt hy vọng nhân danh sự tự do hoặc danh lợi thú. Bài đọc thứ hai khuyến khích “Hãy vui lên!” Vui vì ta là niềm hy vọng trong mắt nhìn cứu độ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là niềm hy vọng thắp sáng cho anh em mình nữa, để không chỉ gây thắc mắc “nghĩ gì vui thế mà cười một mình” như Trần Tiến trong ca khúc “Thành phố trẻ”, mà còn để chuyển tải đến môi trường xung quanh một niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu. Ai đã coi cuốn phim “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” chắc còn nhớ lúc kết, sau khi đã có biến cố lên trời và lời trao sứ vụ đến với muôn dân, người ta cho xuất hiện trên màn ảnh một chân dung của Chúa Giêsu thật lớn tươi cười với chiếc răng khểnh đàng hoàng. Không biết dụng ý của đạo diễn thế nào, nhưng phải nói là có tác dụng phấn khích, vừa đem lại nét tươi tắn cho cuốn phim, vừa đem đến niềm vui chan hòa hy vọng. Mong rằng nụ cười thật lạ ấy cũng trở thành niềm vui cho ta trên nẻo sống đức tin và thể hiện niềm hy vọng. Được như thế, Chúa Nhật hôm nay đích thực là Chúa Nhật của niềm vui, và Mùa Vọng cũng thêm sáng nghĩa là mùa màu hồng hy vọng thật đẹp thật tươi thật nhiều nụ cười cho người người hạnh phúc. 4. Hãy vui lên, Đấng đem lại hạnh phúc đang đến--Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ. Nếu ai đó mang lại hạnh phúc hoặc những gì mà người ta ước ao, thì khi người đó đến, người ta vui đến độ nào! 1. Ngài có phải là Đấng phải đến? Người Do Thái tin rằng, Thiên Chúa sẽ sai người đến (Đấng Thiên Sai) giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ ngoại bang, như xưa Thiên Chúa đã sai Môsê và các thẩm phán tới giải phóng dân Ngài. Vì thế những người Do Thái sống thời bị người Roma đô hộ, mong chờ Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ. Yoan Tẩy Giả, tiên tri của thời đó, cũng ao ước muốn biết Đức Yêsu có phải là Đấng Thiên Sai không. Vì đang trong tù không thể tự mình đi tìm biết câu trả lời nên tiên tri đã sai môn đệ đến hỏi Đức Yêsu: Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi phải chờ một Đấng khác? Đấng phải đến sẽ đến, Đấng nhân danh Thiên Chúa sẽ đến, và con người sẽ được giải phóng, không phải là cảnh nô lệ chính trị, nhưng là nô lệ hận thù ghen ghét, nô lệ những tiêu chuẩn giá trị phù vân, nô lệ những kiến thức hão huyền. Ngài yêu thương và dạy người ta yêu thương, Ngài cho thấy giá trị đích thực của con người không nằm ở bạc tiền danh vọng địa vị, nhưng hệ tại con người sống theo lời mời gọi của Thiên Chúa vang vọng trong tâm hồn mỗi người, hệ tại con người biết yêu thương tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, hệ tại mỗi người có biết tìm cách giúp đỡ tha nhân và làm cho người khác triển nở. Tuy dù háo hức mong chờ Đấng Thiên Chúa sai đến giải phóng mình ra khỏi cảnh bị áp bức lầm than, người Do Thái vẫn không nhận ra Đức Yêsu là Đấng Thiên Sai, vì Ngài đã không giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người Roma. Đấng Thiên Sai mà người Do Thái mong chờ, là Đấng Thiên Sai uy quyền mà mọi người phải kính phục, trong khi Đức Yêsu âm thầm khiêm tốn, dạy bảo phải yêu thương con người, phải biết thứ tha…! Hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người Do Thái đã có, không tương hợp với điều người ta thấy nơi Đức Yêsu. Người Do Thái mong chờ được giải phóng chính trị, Đức Yêsu mang lại giải phóng thiêng liêng và cả thể xác nữa. Thiên Chúa làm quá điều người ta mong ước, và người ta không ngờ được. Thiên Chúa là Đấng người ta không hiểu hoàn toàn, Ngài tốt lành vượt khả năng suy nghĩ của con người. Ngài ban cho con người hơn điều con người mơ ước và có thể tưởng tượng nổi. 2. Hãy để Ngài giải phóng và làm chủ trái tim ta Ngày Đấng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho toàn dân đến, là ngày vui của tất cả, ngay cả hoang địa và đất khô cằn cũng nhẩy mừng, thảo nguyên sẽ nở hoa. Ngày đó, trời vui đất vui, khắp thiên hạ vui. Làm sao không vui khi mình được giải phóng khỏi nô lệ, nô lệ cho lòng tham tiền bạc, tham danh vọng chức quyền. Vui vì mình có điều mình quý nhất, vui vì không ai cướp được điều vô cùng quý mà mình đang có, vui vì mình được yêu vô cùng, vui vì mình là niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Đấng giải phóng chúng ta đã và đang đến. Ngài vẫn để chúng ta tự do, để chúng ta có thể đón tiếp Ngài hay không. Vi nếu Ngài là vua là Chúa của lòng ta, nếu ta sống theo lời Ngài chỉ dạy, ta sẽ được tự do thanh thản trước tất cả. Tự do, là thái độ nền tảng của tương quan với Thiên Chúa. Ngài không cưỡng ép ai, Ngài không bó buộc ai phải theo Ngài “một cách mất tự do”, Ngài dùng tình yêu để “chinh phục” con người. Ngài chấp nhận hậu quả của tự do: con người có thể từ chối Ngài lúc này, nhưng Ngài cũng “hy vọng” sẽ chinh phục được trái tim khô cứng của con người, sẽ làm trái tim “chai như đá” của con người thành “trái tim bằng thịt”, nghĩa là, biết rung động trước tình yêu chân thật của Thiên Chúa. Hãy để Ngài làm chủ trái tim ta. 3. Kiên nhẫn sống trong niềm vui và hy vọng từng ngày Yoan Tẩy Giả thực hiện sứ mạng của mình một cách hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Tuy dù đã làm phép rửa cho Đức Yêsu ở sông Yordan, nhưng Yoan cũng vẫn không biết rõ nguồn gốc của Đức Yêsu. Là người, có những lúc ta xác tín, nhưng lại có lúc ta hoài nghi. Yoan Tẩy Giả hoài nghi, hay Yoan Tẩy Giả muốn tạo dịp để các môn đệ của ông biết Đức Yêsu? Dầu sao, Yoan Tẩy Giả muốn có một câu trả lời từ chính Đức Yêsu cho những người Yoan Tẩy Giả gởi đi. Đức Yêsu trả lời môn đệ của Yoan Tẩy Giả: “hãy về nói với Yoan điều mắt đã thấy và tai đã nghe: kẻ mù được thấy, kẻ què đi được, người phong được sạch, và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng.” Dường như tất cả chúng ta, kể cả các tiên tri, cũng đều ở trong tình trạng “sống trong đêm tối đức tin”. Các tiên tri cũng “phải” tin để thi hành sứ vụ, và các tiên tri cũng “phải” tin để đón nhận mặc khải. Yoan Tẩy Giả truy tầm Đấng Thiên Sai, hàm chứa thái độ lắng nghe và đón nhận, phản ánh tinh thần khiêm tốn và sẵn sàng chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong đời mình. Thư thánh Yacôbê viết: “hãy kiên nhẫn”, “đừng càm ràm lẫn nhau”. Yoan Tẩy Giả phải sống thực tại đời của Ngài từng ngày, phải chấp nhận cảnh tù tội và cuối cùng là cái chết “không nổi đình nổi đám”. Đức Yêsu cũng sống từng ngày thân phận làm người với cái đói, lời khen tiếng chê. Và cả chúng ta cũng tương tự vậy, vẫn sống từng ngày với thân phận làm người: tiền bạc, danh vọng chức quyền, lời khen tiếng chê, sự hiểu lầm cùng khích bác. Thiên Chúa đang đến qua tất cả những thực tại đời mình. Hãy vui lên trong mọi hoàn cảnh. Câu hỏi gợi ý chia sẻ: 1. Mấy ngày nay, mấy tuần nay, tôi bận tâm về điều gì nhất? Điều đó làm tôi bình an và hạnh phúc hơn hay ngược lại? Tại sao? 2. Theo bạn, làm sao để mình vui mỗi ngày? 3. Theo bạn, học biết về điều gì hoặc nghề gì làm mình hạnh phúc bây giờ và suốt đời? Tại sao? 5. Vui mừng và kiên nhẫn--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên Một ý tưởng nổi bật dễ nhận thấy khi nghe các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, đó là niềm vui. Cùng với ngôn sứ Isaia, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên. Đây là niềm vui của ngày chiến thắng, niềm vui của người nông dân trong ngày gặt lúa, niềm vui của người được trở về quê cha đất tổ sau bao năm xa cách, niềm vui của cô dâu chú rể và khách dự tiệc cưới. Quan trọng hơn cả, đó là niềm vui vì có Chúa hiện diện giữa dân Người. Thiên Chúa hiện diện. Còn niềm vui nào lớn lao hơn. Chúa từ trên cao, Đấng ngự trên chín tầng trời, nay hạ cố xuống trần gian để gặp gỡ con người, tâm sự với họ bằng tình thương yêu trìu mến. Những lời ngôn sứ Isaia được tuyên bố vào lúc người Do Thái còn đang bị lưu đày ở Babylone. Niềm hy vọng được giải phóng đã thôi thúc họ. Phải đặt mình vào bối cảnh cụ thể của thời lưu đày mới thấy được niềm vui của họ lớn lao như thế nào. Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Người. Không chỉ là niềm vui của người lưu đày được trở về cố hương, mà đó còn là niềm vui của thời Thiên Sai: mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò. Từng câu chữ trong lời ngôn sứ đều diễn tả niềm vui tròn đầy. Phụng vụ Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng mượn lời ngôn sứ Isaia để kêu mời chúng ta hãy vui mừng, vì Đấng Thiên Sai đã đến trong lịch sử và Người đang hiện diện giữa chúng ta. Ngày 25-3-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký và cho công bố Tông huấn gửi người trẻ với tựa đề “Chúa Kitô đang sống – Christus vivit”. Ngài mở đầu Tông huấn như sau: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống” (số 1). Sự hiện diện của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta niềm vui. Người không giống như các vĩ nhân khác của lịch sử, bởi họ là những nhân vật đã đi vào dĩ vãng, dù giáo huấn và tư tưởng của họ có giá trị cho mọi thời đại. Đức Kitô không phải là một nhân vật của quá khứ, nhưng Người đang sống giữa chúng ta. Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta chân lý quan trọng này. Giáo Hội Kitô khẳng định Đức Kitô đang sống. Tuy vậy, dường như những dấu hiệu của thời Thiên Sai vẫn chưa đến. Nhân loại hôm nay bị xâu xé bởi bạo lực và xung đột. Cuộc sống còn đầy những gian dối mưu mô hòng huỷ diệt và loại trừ lẫn nhau. Đâu là cuộc sống hài hoà phong phú đến mức “chảy sữa và mật” như Giáo Hội vẫn loan báo? Không ít người hoang mang và lạc hướng khi chứng kiến sự dữ tồn tại trên thế gian này. Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta: hãy kiên nhẫn. Thánh Phaolô dùng hình ảnh của một người nông phu để diễn tả sự kiên nhẫn này. Người nông phu gieo hạt, kiên nhẫn chờ đợi. Ông kiên nhẫn vì ông biết chắc hạt giống sẽ nảy mầm. Ông cũng tin rằng không thể “đốt cháy giai đoạn” được, nhưng phải dần dần từng bước. Qua hình ảnh này, vị Tông đồ dân ngoại mời gọi các tín hữu: “đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm phán đang đứng ngoài cửa”. Nếu thời điểm phán xét chung trong ngày tận thế còn xa vời, thì giờ phút phán xét riêng mỗi người lại rất gần kề. Quả thật, cái chết không chờ đợi người ta đến tuổi già, mà nó đến bất thình lình. Xung quanh chúng ta, có những người còn ít tuổi, mà đã kết thúc cuộc đời một cách rất đột ngột. Bất kể xã hội lạc hậu hay văn minh, cuộc sống vẫn mong manh và vô thường. “Hãy kiên nhẫn và giữ mình để khỏi vấp phạm”. Đó là thông điệp Chúa Giêsu muốn gửi cho ông Gioan Tẩy giả và gửi đến chúng ta hôm nay. Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng: Gioan Tẩy giả là người mạnh mẽ và xác tín đến thế, mà cũng có lúc bị dao động. Nếu Đức Giêsu đích thực là Đấng Thiên sai, sao ông phải giam tù đau khổ như thế? Ông can đảm phê phán lối sống vô đạo đức của vua Hêrôđê, sao bây giờ phải cô đơn và dường như bị quên lãng trong ngục tối? Đức Giêsu nhắn gửi Gioan Tẩy giả: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. Không phải vì tâm trạng dao động mà Gioan Tẩy giả trở nên tầm thường. Chúa Giêsu đã công khai khen ngợi ông, và gọi ông là người cao trọng nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ. Ông cao cả vì ông là người khiêm tốn dọn đường cho Chúa đến. Ông cũng cao cả vì ông chấp nhận những khó khăn về mình, miễn là Đấng Thiên Sai được biết và được yêu mến. Lời kêu gọi vui mừng của Mùa Vọng không phải là một ảo tưởng. Đó cũng không phải là lời ru ngủ chúng ta để quên đi những bất công khó nhọc của cuộc sống. Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, như lời khẳng định của Người: “Này đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đó là câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đó cũng là cốt lõi Đức tin Kitô giáo, tồn tại vững bền từ hai mươi thế kỷ. Hãy vui mừng vì có Chúa hiện diện giữa chúng ta. Hãy kiên nhẫn dẫu cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan. Giữa những chông gai thử thách này, ai trung thành, sẽ được Chúa ban thưởng. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. Đó cũng là lời Chúa Giêsu đang nhắn gửi chúng ta hôm nay. Ngày 11 tháng 12 Năm 2022 Bài liên quan CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY Năm C CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-C 03.04.2022 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY Năm C CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ- C 17.04.2022 - CHÚA NHẬT PHỤC SINH Năm C