Chúa Nhật Các bài suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng-A BÀI ĐỌC I: Is 11, 1-10 "Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó". Bài trích sách Tiên tri Isaia. Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa. Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng. Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương. Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang. Đó là lời Chúa. ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17 Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7). 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. 2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng.Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. 3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ. 4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người. BÀI ĐỌC II: Rm 15, 4-9 "Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người". Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: "Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại". Đó là lời Chúa. ALLELUIA: Lc 3, 4. 6 All. All. - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - All. PHÚC ÂM: Mt 3, 1-12 "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng". Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt". Đó là lời Chúa. Các Bài Suy Niệm: 1. Hãy sám hối--‘Manna’ Suy Niệm Nước Trời đã gần, Đấng Mêsia sắp đến: đó là điều Gioan đã hô to trong hoang địa miền Giuđê. Đối với ông, Đấng Mêsia thật là vị Thẩm phán đáng sợ. Chính Ngài sẽ tách biệt người lành với kẻ dữ, như người ta phân biệt thóc mẩy với thóc lép, “thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa”. Ngày Đấng Mêsia đến cũng là ngày Thiên Chúa thịnh nộ. Rìu đã sẵn, cây không sinh quả thì bị chặt đi. Người ta sẽ phải chịu phép rửa trong lửa hồng. Chính vì thế Gioan khẩn trương mời gọi dân chúng sám hối. Thực tế cho thấy Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia kinh khủng như ông nghĩ. Tuy nhiên lời mời gọi sám hối của Gioan vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta không sám hối vì bị đe dọa và sợ hãi, nhưng vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương nơi Đức Giêsu. Mùa Vọng là mùa sám hối để đón Chúa đến. Chúa đã đến âm thầm ở Bêlem. Chúa sẽ đến khải hoàn vào ngày tận thế. Chúa vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày qua các bí tích và các biến cố lớn nhỏ. Để chuẩn bị Hội Thánh mừng Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho năm 1996 là Sám hối và Canh tân. Sám hối là nhìn nhận mình đã gieo rắc bao gương mù khiến khuôn mặt Đức Giêsu trở nên khó tin. Sám hối là tự vấn về những hành động gây chia rẽ các anh em Kitô hữu với nhau. Sám hối là ăn năn về những cử chỉ thiếu khoan dung, về việc đôi khi dùng bạo lực để bắt người khác chấp nhận chân lý. Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước bao sự ác của thế giới hôm nay. Đây không phải là việc của cá nhân, nhưng là việc của cả Hội Thánh. Một Hội Thánh có can đảm sám hối là một Hội Thánh đang vươn tới sự thánh thiện. Chúng ta cần nghe lại những lời nhắc nhở của Gioan. Ông kéo chúng ta ra khỏi sự tự mãn: “Đừng tưởng mình có cha là Apraham” (Mt 3,9). Đừng tưởng mình đương nhiên được vào Nước Trời. Gioan mời mọi người xưng thú tội lỗi (Mt 3,6). Sông Giođan đã thành nơi con người làm hoà với Thiên Chúa. “Hãy dọn đường cho Chúa đến” Hội Thánh và mỗi Kitô hữu là những con đường, để Chúa đến với nhân loại và để nhân loại đến với Chúa. Ước gì đó là những con đường thẳng và phẳng phiu, để ai cũng muốn đi và đi tới đích. Gợi Ý Chia Sẻ Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh sám hối và canh tân. Bạn có thấy giáo xứ, gia đình hay nhóm của bạn làm điều gì ngược với tinh thần Đức Kitô và gây gương mù cho người khác không? Bạn nghĩ gì về đời sống của bạn? Hiện nay, bạn thấy mình cần hoán cải và canh tân về những điểm nào? Cầu Nguyện Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con. Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. 2. Các sứ điệp của Gioan Tiền Hô--TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại? Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người. 1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc. Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ. Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm. Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình. Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo. Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta. 2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh. Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống. Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa. 3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối. Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời. Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa: Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo… Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài. Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen. GỢI Ý SUY NIỆM 1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào? 2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả? 3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không? 4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa? 3. Tìm một con đường--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên “Tìm một con đường, tìm một lối đi ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi lạc loài niềm tin, sống không ngày mai sống quen không ai cần ai” Đó là lời mở đầu bài hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy. Bài hát mở ra một cái nhìn lạc quan giữa cuộc sống còn đầy nghi ngờ, chia rẽ và hận thù. Vâng, giữa bối cảnh hỗn độn và đầy vấn nghi đó, cần phải tìm một con đường để đem lại niềm vui cho con người, giúp họ sống tích cực yêu thương, bất kể trong hoàn cảnh nào. Mỗi khi Mùa Vọng về, lại thấy xuất hiện hình ảnh Gioan Tẩy giả trong Phụng vụ. Vị ẩn sĩ này khiêm tốn chỉ nhận mình là một tiếng kêu trong sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu bát ngát, chỉ có nắng, gió và cát. Một tiếng kêu trong sa mạc nhiều khi như vô vọng và vô ích. Tuy vậy, tiếng kêu ấy vẫn vang lên, và đã lôi kéo nhiều người trở lại với Chúa. Ông được gọi là vị “Tiền hô”, nghĩa là người đi trước mở đường. Gioan Tẩy giả kêu gọi: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối thẳng để Người đi”. Con đường mà vị ẩn sĩ này nói đến, chính là con đường tâm hồn. Ông đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể với dân chúng và với từng hạng người đang xếp hàng xin ông thanh tẩy. Tựu trung những lời khuyên nhắm tới tâm tình sám hối, sửa lại những sai lầm, thay đổi cuộc sống và thân thiện với tha nhân. Lời phê phán của ông rất nghiêm khắc: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Qua những lời này, ông cảnh báo: một thứ đạo đức bề ngoài không có khả năng cứu rỗi con người, nhưng cần có tâm tình đạo đức và đời sống nội tâm, thiện chí quay về với Chúa và phục thiện. Mùa Vọng là mùa tìm một con đường để đến với Chúa, nhưng cũng là dọn một con đường để Chúa đến với mình. Thiên Chúa là Cha, luôn bao dung chờ đợi và giang rộng vòng tay ôm lấy các tội nhân để họ trở về và được tha thứ. Tuy vậy, nhưng tâm hồn ngổn ngang bề bộn những đam mê dục vọng hoặc đầy ắp những hận thù thì không thể đón Chúa. Khi thiện chí canh tân đời sống và thanh tẩy tâm hồn, chúng ta sẽ được đón Chúa đến. Con đường Chúa đến tâm hồn ta sẽ thênh thang rộng mở. Và con tim đã vui trở lại tình yêu đến cho tôi ngày mai tình yêu chiếu ánh sáng vào đời tôi hy vọng được ơn cứu rỗi. Và con tim đã vui trở lại và niềm tin đã dâng về người trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng người mà thôi… Nhạc sĩ Đức Huy không trực tiếp nhắc đến Chúa trong ca từ của ông, nhưng chúng ta thấy hiện rõ hình ảnh của một Đấng là đối tượng của tình yêu và niềm tin tuyệt đối. Đấng ấy, người Kitô hữu gọi là Cha. Hình ảnh “dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì vì người gần bên tôi mãi” chính là ý tưởng của Thánh vịnh 23, câu 4 mà chúng ta vẫn thường xuyên hát trong Đáp ca của Thánh lễ cầu hồn. Một khi có Chúa đến trong tâm hồn, con tim chúng ta sẽ được phục hồi và vui trở lại. Tình yêu đến thức tỉnh chúng ta và chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời. Đó là kết quả của thiện chí sám hối phục thiện. Xã hội hôm nay đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Mỗi người tín hữu được mời gọi trở nên một tiếng kêu giữa sa mạc để giới thiệu Chúa và chuẩn bị con đường cho Ngài đến giữa con người. Ta hãy xem ngôn sứ Isaia diễn tả một xã hội mơ ước trong tương lai, khi Chúa đến: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương”. Vâng, chính chúng ta hãy cộng tác với Chúa để làm cho hình ảnh ấy trở thành hiện thực. Giáo Hội của Chúa Giêsu, xuyên suốt lịch sử, vẫn đang cố gắng để làm giảm thiểu bạo lực và chiến tranh. Giáo Hội cổ võ hòa bình và phát triển, giúp con người xích lại gần nhau hơn để sống trong sự thân thiện hài hòa. Nhờ lời cầu nguyện và cộng tác của Giáo Hội, các cường quốc trên thế giới đã có thể bàn bạc với nhau tìm ra những giải pháp xây dựng hòa bình và góp phần thăng tiến phẩm giá con người. Hãy cùng tìm một con đường để dẫn đưa cuộc sống này tới niềm vui. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu. Chính Người đã tuyên bố là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Nhờ con đường Giêsu mà chúng ta gặp Chúa Cha là suối nguồn hạnh phúc và là nguồn mạch của sự thánh thiện. Đến với Chúa Giêsu, chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, và con tim chúng ta sẽ vui trở lại sau những tháng năm u buồn. Hạnh phúc sẽ tràn trề như đại dương và tình yêu sẽ nối kết muôn người. 4. Dọn đường Tình Yêu--GM. Antôn Vũ Huy Chương Giáo hội bước vào Mùa Vọng, 4 tuần lễ chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời đã làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ cách đây hơn 20 thế kỷ. Cử hành Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh là cử hành việc Chúa ĐÃ ĐẾN để khởi đầu công trình cứu độ trần gian, mà cao điểm là sự kiện CHẾT và SỐNG LẠI của Người, một lần là đủ cho tất cả mọi thời và mọi nơi, nhưng mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo này được cử hành trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày nhằm “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chính vì thế, Mùa Vọng còn hướng về việc Chúa SẼ ĐẾN. Khi cá nhân và tập thể định hướng cho THỜI GIAN thì con người và thời gian đó làm nên LỊCH SỬ. Khi cá nhân người Kitô hữu và tập thể Giáo hội định hướng cho lịch sử theo ý định của Thiên Chúa là cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho lịch sử đó trở thành LỊCH SỬ CỨU ĐỘ. Như thế, lịch sử mỗi người và lịch sử nhân loại nằm giữa RỒI và CHƯA: Chúa đã đến rồi (Giáng Sinh) để định hướng cho Lịch Sử Cứu Độ, nhưng chưa hoàn tất, nghĩa là chưa đạt tới cứu cánh chung cuộc (Cánh Chung). Mùa Vọng vừa cử hành việc Chúa đã đến RỒI, vừa hướng về việc Chúa CHƯA đến. Do đó, nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu cũng như của tập thể Giáo hội, trong thời gian này của Lịch Sử Cứu Độ, là cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô sớm tới ngày hoàn tất, ngày đó Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để khánh thành công trình cứu độ mà Người đã khởi sự. Theo bài Tin Mừng, sống tinh thần Mùa Vọng là sống tinh thần SÁM HỐI theo lời mời gọi của ông Gioan Tẩy Giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần… Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Dọn đường là tuyên xưng Đức Tin và Đức Cậy vào Tình yêu Nhập Thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, là sống Đức Ái một cách cụ thể và thiết thực theo gương Người, để đem lại niềm tin và hy vọng cho những người chung quanh. Đặc biệt khi làm việc bác ái từ thiện, mọi người nhớ lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cagliari: “Chúng ta phải thực thi các công việc từ bi bác ái với lòng từ bi, dịu dàng, và luôn luôn với lòng khiêm tốn! Anh chị em biết không: Đôi khi người ta cũng thấy sự kiêu hãnh trong việc phục vụ người nghèo! Một số người làm đẹp, sống bằng người nghèo; một số người lợi dụng người nghèo để phục vụ cho tư lợi hoặc cho phe nhóm của họ. Tôi biết đó là chuyện phàm nhân, nhưng điều ấy không tốt! Và tôi muốn nói hơn nữa, đó là tội lỗi! Tốt hơn những người ấy nên ở nhà”. Thánh Gioan Tông Đồ viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 9-11). Chúa Giêsu đã không nói “chúng ta cũng phải yêu thương Thiên Chúa”, mà nói “chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Rõ ràng yêu người và mến Chúa là một giới răn duy nhất! Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại và đầy lòng trắc ẩn” với những ai cậy trông vào Ngài (Xh 34,6). Trong Tân Ước, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên hữu hình và sống động nơi Đức Giêsu, vì ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Qua những dụ ngôn nói về lòng thương xót, dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32), Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha luôn đi bước trước cảm thương và tha thứ. Chúng ta cùng nhau DỌN ĐƯỜNG TÌNH YÊU để đón Chúa đến trong Mùa Giáng Sinh, đến trong cuộc đời mỗi người và đến trong ngày Chúa quang lâm. 5. Mùa Vọng: Mùa màu tím--‘Nút Vòng Xoay’--GM. Giuse Vũ Duy Thống Nếu Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, với lối nhìn viễn cảnh, người ta thấy sáng lên dung mạo của Thiên Chúa, Đấng hằng hy vọng vào con người, đồng thời cũng nhận ra dáng đứng của tín hữu là biết hy vọng vào Thiên Chúa bằng lòng tỉnh thức, để Mùa Vọng được gọi là mùa xanh lên niềm hy vọng thì Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, với lối nhìn cận cảnh, người ta lại thấy Phụng Vụ được diễn tả bằng một màu khác, không còn êm ả mướt xanh nữa mà đã đi vào lắng đọng tím màu để Mùa Vọng cũng gọi được là mùa màu tím. Tím không ở chân trời nắng xế; tím không ở dòng sông Giođan chiều về nơi Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa; tím cũng không ở sắc phục linh mục bước ra dâng lễ, mà tím ở tâm can những tín hữu biết chân thành ăn năn lầm lỗi bao ngày qua để thấy trong lệ sa màu tím của lòng mình. Mùa Vọng đích thực là mùa của màu tím sám hối. Nhưng làm sao để lòng sám hối diễn tả được nỗi lòng Mùa Vọng, hay nói lên được sắc màu hy vọng? Trả lời câu hỏi này tức là cùng lúc phải xét đến những đặc tính sám hối của Mùa Vọng. 1) Sám hối mang màu hy vọng không cúi gập trên những lầm lỗi của mình mà hướng mở về tình thương Thiên Chúa. Đối với nhiều người, sám hối cũng đồng nghĩa với lòng hối hận, tức là nhận thức về thân phận tội lỗi của mình, ý thức về những lỗi lầm mình đã phạm và buồn vì mình đã làm xấu cuộc đời mình đi. Tất nhiên, lòng hối hận như thế tự nó có một ý nghĩa nhất định, nhưng nếu chỉ có thế và chấp nhận dừng lại như thế, rõ ràng là có khuynh hướng co cụm lại và cúi gập trên những lầm lỗi của mình. Hối lỗi thì ít mà xem ra hận mình lại nhiều, để rồi khi tự mình vùng vẫy trong tình huống mất thăng bằng ấy, người ta dễ bị rơi xuống vực sâu thất vọng, giống như con muỗi sa vào lưới nhện càng vùng vẫy càng bị xiết chặt, và giống như những kẻ sa vào vũng lầy càng ngoi ngóp càng bị lún sâu. Thực ra, hối hận chỉ là một thành phần trong hành vi sám hối, hay đúng hơn là khởi điểm của cả một tiến trình trở về mà Thiên Chúa chính là cao điểm và kết điểm. Chính vì đối diện với Thiên Chúa mà tôi biết mình có tội và cũng vì hướng đến Thiên Chúa mà tôi hối hận tìm về. Người ta vẫn bảo sám hối là hai mắt nhìn của con người nội tâm: một mắt nhìn vào mình để nhận ra những tội lụy của một đời xa vắng đã dẫn tới sa ngã rồi xa lìa tình thương Thiên Chúa và mắt khác nhìn vào Thiên Chúa để thấy nơi Ngài một tình yêu như tấm lòng người cha, như trái tim người mẹ bao dung thương xót mà xin ơn làm lại cuộc đời. Hai con mắt, hai hướng nhìn nhưng vẫn chỉ là một lòng sám hối mang màu hy vọng. Thiếu một trong hai, sắc màu hy vọng đều bị nhạt nhòa. Sẽ là thất vọng nếu chỉ nhìn tội mình mà quên nhìn tình Chúa và sẽ là vô cùng ảo vọng nếu chỉ nhìn tình Chúa mà quên nhìn tội mình; nhưng sẽ là hy vọng dâng đầy cho những ai vươn lên tình yêu Thiên Chúa khởi đi từ lòng sám hối tội lỗi của mình. Hình như trong lời kêu gọi “Hãy sám hối” đã có tiếng giục giã “Hãy hy vọng”, và sở dĩ Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối hôm nay là bởi vì đã có niềm hy vọng dọn đường chờ mong Chúa đến. 2) Sám hối mang màu hy vọng không dừng lại trong nội vi tâm thức mà biết tỏa rộng lên cả cuộc đời. Đối với một số người khác, sám hối là một cách nói ám chỉ một chuyển biến từ một tình trạng cũ và xấu đến một tình trạng mới và tốt hơn, nhưng hối lỗi chỉ là một chuyển biến xảy ra trong nội vi ý thức của cuộc sống tâm hồn, cùng lắm cũng chỉ được diễn ra bằng những nghi thức đã được quy định. Thế thôi. Rõ ràng cách nhìn như thế quả là không ổn. Không ổn ở chỗ nó quá máy móc, làm như cứ tham dự một số nghi thức sám hối là đương nhiên mình được thanh tẩy bất kể đời sống của mình ra sao; và không ổn ở chỗ nó quá nội giới, làm như sám hối chỉ là một thứ tâm lý liệu pháp nào đó theo kiểu kể tội trong gió, gió thổi bay đi là xong. Sám hối Mùa Vọng đâu phải là thứ sám hối như thế, mà thật ra phải là thứ sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối” có nghĩa là hối lỗi và “cải” là kiểu nói tắt của chữ cải thiện. Nếu hối lỗi là lời đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới. Và đến khi sám hối trở thành một thói quen ăn sâu vào trong nhịp sống để nỗ lực chuyển đổi không ngừng lên những tình trạng tốt hơn thì đó chính là một cuộc lột xác đổi đời; không giống như đổi đời xe đời máy mà là đổi đời sống cách sống với những hệ lụy cụ thể không thể lần lữa chần chừ được. Không phải vô tình mà Gioan Tẩy Giả bảo những kẻ đến với ông là “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối” nhưng qua đó ngài cho thấy lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể của mình. 3) Sám hối mang màu hy vọng biết vượt qua những động tác để trở thành một thái độ sống. Đối với một số người khác nữa, sám hối thường được quan niệm như một cao trào chỉ bùng lên một năm vài lần vào những dịp lễ đặc biệt như cách phân bổ Lịch Công Giáo hiện nay, tức là xuân thu nhị kỳ: một lần vào Mùa Vọng để dọn lòng mừng lễ Giáng Sinh cho sốt sắng và lần nữa vào Mùa Chay để tỏ bày sự thông công vào lễ Phục Sinh cho phải đạo, “Xưng tội một năm ít là một lần và chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh”. Xem ra cách thực hành sám hối như vậy cũng có những nét cụ thể nhất định, nhất là lại phù hợp với đại đa số giáo dân vốn đầu tắt mặt tối chạy vạy với cuộc sống kinh tế gia đình hoặc xã hội. Nhưng từ căn bản có cái gì đó chưa ổn. Một mặt quá gắn liền động tác sám hối với việc đón nhận Bí tích Hòa Giải sẽ dẫn tới ý nghĩ rằng khi mình không nhận Bí tích Hòa Giải thì mình cũng chẳng cần đến sám hối nữa; và mặt khác coi sám hối chỉ như một động tác diễn ra trong khoảnh khắc sẽ tới lúc nghĩ rằng sám hối chỉ là điều kiện ắt có và đủ cho việc xưng tội chứ không như một thái độ thường xuyên phải có trong đời Kitô hữu. Thực ra sám hối mang màu hy vọng không đơn thuần là một động tác cho bằng là một thái độ. Sám hối là một thành phần của đời sống đức tin, nhưng lại gói ghém và len lỏi vào mọi ngõ ngách của toàn bộ cuộc sống đức tin ấy. Chả thế mà Gioan Tẩy Giả khi trả lời cho đám đông về việc thực thi sám hối đã mở ra cho họ một nhãn giới thật rộng bao gồm cả việc thực thi công bình và sống tình bác ái. “Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt thấp” đâu phải chỉ là chuyện dọn dẹp đường xá, mà đã trở thành chuyện khai quang tâm hồn để nhìn thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. Cũng thế, việc chia cơm sẻ áo đâu phải chỉ là chuyện cứu trợ, mà đích thực đã là cách diễn tả cụ thể của lòng sám hối chờ mong Chúa đến. Tóm lại, sám hối mang màu hy vọng là sám hối tìm về tình thương Thiên Chúa, chấp nhận thay đổi cuộc đời và biết để cho ơn tha thứ thấm đẫm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đức tin. Đó là sám hối Mùa Vọng chuẩn bị đón lễ Noel, nhưng đó cũng là thái độ thường xuyên của đời tín hữu. Và cũng vì có sám hối như vậy, Mùa Vọng đúng nghĩa chính là mùa màu tím từ bên trong ra bên ngoài và từ ngôn ngữ tới hành vi. Chúc mọi người những ngày Mùa Vọng thật sốt sắng. 6. Món “ăn năn”--‘Làm Nụ Hoa Trắng’--GM Vũ Duy Thống Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh. Món ấy là món gì? Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, cũng là món ăn hữu ý được nhìn qua trang Tin Mừng hôm nay. Nhưng để tránh dị ứng hoặc phản ứng phụ, đồng thời để tận hưởng những hiệu quả bổ dưỡng, trang Tin Mừng đề nghị ta những động tác quan trọng để hưởng dùng món “ăn năn sám hối”. 1) Động tác thứ nhất là chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình. Đây là động tác mở đầu trong tiến trình ăn năn sám hối, cũng là động tác mở đầu cho bất cứ một sinh hoạt phượng tự nào khi con người tiếp cận với Thiên Chúa: ta vừa mở đầu Thánh Lễ với tâm tình thú tội ăn năn. Chính Chúa Giêsu ngày trước cũng đã mở đầu sứ vụ công khai của Người bằng lời kêu gọi không quên “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Và ngay Gioan Tẩy Giả cho dẫu trong hoang địa nắng cháy khô cằn chẳng có gì ăn, cũng hô vang đồi núi: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần trong không gian và cũng vì Nước Trời đã gần đến trong thời gian. Động tác “nhìn nhận tội lỗi” trong mắt nhìn của những kẻ xa lạ với Tin Mừng có thể là một thứ tâm lý xa rời thực tế theo kiểu “không ai bắt lỗi ngu gì mà thú nhận”; nhưng đối với những kẻ tin vào Phúc Âm đó lại là hai mắt nhìn của một tấm lòng chân thành: một mắt nhìn vào mình để nhận ra thân phận mình tội lụy và một mắt nhìn lên Chúa để nhận lấy lòng thương bao dung tha thứ của Ngài. Ta nhận mình có tội bởi ta đã nhìn vào tình thương của Chúa từ hồi nào. Ta nhận ra Chúa yêu ta bởi ta đã nhìn thấy từng ngày lỗi tội của mình. Như vậy, “nhìn nhận tội lỗi” chính là động tác mở đầu của món “ăn năn sám hối”, cũng là động tác mở về tình thương của Thiên Chúa và mở vào kho tàng thiêng liêng chất chứa ơn tha thứ do Thiên Chúa thết đãi con người. Tự căn bản, xưng thú tội lỗi của mình cũng là tuyên xưng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. 2) Động tác thứ hai được gặp thấy trong lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”. Có thể có ai đó ngẩn ngơ thầm nghĩ: “Ơ hay, cái ông Gioan Tẩy Giả này mới thật là ngớ ngẩn, sám hối như trong động tác thứ nhất tự nó đã là một việc lành rồi, cần phải làm thêm việc lành khác nữa sao? Vẽ chuyện!”. Xin thưa rằng ông Gioan Tẩy Giả không ngớ ngẩn đâu, ngược lại, trong lời kêu gọi đơn giản của ông đã hàm chứa những ý nghĩa đẹp đến độ ngẩn ngơ cho một lòng ăn năn tích cực và đích thực. Lòng ăn năn tích cực không dừng lại trong ý thức nhìn nhận tội lỗi của mình, bởi nếu chỉ có thế nó có nguy cơ biến dạng thành một thứ dày vò lương tâm bất bình bất ổn bất an bất toàn; hay thành một thứ hối hận theo tự điển tra ngược, là “hối thì ít mà xem ra hận lại nhiều!”. Không phải thế, lòng ăn năn tích cực là cả một tâm tình sống ơn tha thứ, sống do ơn tha thứ và cũng sống cho ơn tha thứ, có nghĩa là một sức sống được chuyển dịch một cách cụ thể qua những việc lành mọi lúc mọi nơi cho Chúa và cho anh chị em mình. Đó cũng là lòng ăn năn đích thực không đồng hóa với một thứ tình cảm chợt đến chợt đi, bởi nếu chỉ có thế nó có nguy cơ biến dạng thành một thứ cảm tình vị kỷ theo kiểu làm việc lành cho “sướng”, thế thôi, trong khi lòng ăn năn đích thực gọi đến một phẩm cách, một trách nhiệm. Gioan Tẩy Giả không bảo làm việc lành cho “sướng” mà hãy làm việc lành cho “xứng” với lòng sám hối. 3) Động tác thứ ba để thưởng thức món “ăn năn”, đó là khiêm tốn đợi chờ Đấng đang đến. Đấng ấy không phải là người xa lạ, mà là một THỰC KHÁCH viết hoa viết đậm của mọi Kitô hữu quanh bàn “ăn năn”. Đấng ấy là Đức Kitô đã đến lần thứ nhất trong lịch sử với ngả nghiêng cây Thập Tự, sẽ đến lần thứ hai ngày cánh chung với sự công chính và nền hòa bình viên mãn, và Người đến từng ngày cho tất cả những ai khiêm tốn đợi chờ với lòng sám hối. Thảo nào trang Tin Mừng hôm nay nói nhiều đến từ ngữ “dọn đường và sửa đường”. Dọn đường bởi vì Đấng ấy đang trên đường đến với ta và sửa đường “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống” là bởi vì Người chỉ thích đến với ta trên đường công chính. Hiểu như thế, ăn năn không phải là ăn điều gì khác hơn là ăn chính Đấng đang đến: Chúa Kitô. Chính Người là đích điểm của việc sám hối. Vắng Người là thiếu tất cả: việc sám hối có thể co cụm lại như một thứ nghi thức thực hiện cho yên lương tâm; nhưng có Người là có tất cả: việc sám hối bấy giờ sẽ trở nên một mạch nguồn sức sống mới trong Thánh Thần. Nói cách khác, lòng người sám hối Mùa Vọng ví tựa những căn phòng, quá ngổn ngang chật hẹp, Chúa Kitô sẽ không thể chen chân bước đến; nhưng ngược lại biết dọn dẹp sạch sẽ thẳng ngay, Người sẽ ung dung tìm vào như vào trong căn hộ của mình. Tóm lại, dẫu chẳng phải là “người có tâm hồn ăn uống” mà chỉ vì cái phong phú và lắt léo của tiếng Việt, nên đã xin chia sẻ Phúc Âm hôm nay qua dạng thức của một món ăn: món “ăn năn sám hối” với ba động tác: nhìn nhận tội lỗi, thực hiện việc lành và chờ đợi Chúa đến; một cách trực tiếp là họa lại lời Gioan Tẩy Giả vang lên trong trang Tin Mừng, một cách gián tiếp là lòng hẹn lòng hãy tìm đến món “ăn năn” qua việc sống Bí tích Hòa Giải. Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân. Mười năm trước khi kinh tế còn khó khăn, trên đường đi hằng ngày thấy xuất hiện những tấm bảng hiệu nhận phục hồi những cơ phận máy móc, tôi đã có ý nghĩ nên ghi trên tòa Hòa Giải một tấm bảng hiệu nhận “phục hồi sự sống các tâm hồn”. Hôm nay, thời kinh tế mở cửa, trên đường từ chợ Bến Thành về đây thấy nhan nhản những bảng hiệu của các quán ăn đặc sản, từ Hương phố tới Hương đồng, từ Hương xưa tới Hương rừng lao xao. Tôi nghĩ có lẽ phải ghi trên tòa Hòa Giải tấm bảng khác thôi: Hương thiêng đặc sản tâm hồn, món “ăn năn” dẫn đến nguồn thánh ân. 7. Sám hối--Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ. Yoan Tẩy Giả rao giảng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Sám hối là thái độ cần thiết để đón nhận Tin Mừng Đức Yêsu. 1. Nhận ra sự thật Yoan, con của Zacharia, đã sống nơi hoang địa và rao giảng ở đó. Nơi con người của Yoan Tẩy Giả người ta nhận ra điều không quan trọng: quần áo, thức ăn, nơi ở. Người xưa có câu: “ăn để mà sống, chứ đâu phải sống để mà ăn”. Qua lời rao giảng của Yoan, người ta nhận ra điều thực sự quan trọng: thái độ nội tâm, cách sống. Sứ điệp Yoan rao giảng: “hãy sám hối”. Sám hối, đòi con người nhận biết mình thực sự, nhận biết mình sai lệch và cần trở về với Thiên Chúa. Người ta vẫn thuờng đánh giá con người qua vải vóc họ khoác trên mình, với những mốt thời trang, và những món ăn người ta được thưởng thức. Không phải chỉ những người “đời” đánh giá con người theo kiểu trần thế, nhưng cũng có cả những người “tu hành” sống và đánh giá con người theo kiểu trần thế. Tuy nhiên, qua cách ăn vận và lối sống, Yoan cho người ta hiểu, đó không phải là đúng. Con người phải sửa đổi cách suy nghĩ, cách đánh giá của mình. Sám hối, đòi người ta nhận ra sự thật về chính mình. Nhận ra cái nhìn và tiêu chuẩn đánh giá sự vật và con người của mình không đúng đắn, nhận ra lời nói và thái độ sống của mình còn bất công đối với những người thấp cổ bé miệng. Khiêm tốn xin Chúa giúp mình sửa đổi, để mình có cái nhìn và cách đánh giá giống như Chúa. Đó là sám hối thật sự. Sám hối không là chỉ đơn thuần đấm ngực và đọc “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng là nhận ra và chấp nhận sự thật về chính mình, để sửa đổi theo cái nhìn và cách cư xử của Thiên Chúa. 2. Không tự mãn Với những người biệt phái và Sađốc, Yoan Tẩy Giả cảnh cáo: đừng cho rằng mình có Abraham là cha, và như thế là đủ. Có lẽ theo cách nói này, ngày nay phải nói: “đừng ỷ mình là Kitô hữu, đừng ỷ mình là tu sĩ, đừng ỷ mình là linh mục, và tưởng thế là đủ”. Sám hối là thái độ tất cả mọi người cần có. Thái độ cho mình là đủ, làm điều này điều kia là đủ, không phải là thái độ sám hối thật sự. Chỉ là sám hối khi nhận ra mình còn điều sai lệch phải sửa đổi, và ao ước sửa đổi. Người sám hối thực sự cũng nhận biết rằng, tự sức mình, mình không thể sửa đổi được, nhưng cần Thiên Chúa giúp mình. Những người kiêu ngạo, không chấp nhận chính mình, không nhận ra mình có gì dở hoặc cần sửa đổi, không thể có lòng sám hối thật sự. Người sám hối, là người khiêm nhường, người mở lòng đón nhận sự thật về chính mình. 3. Làm việc thiện “Tất cả những gì được viết, là để giáo huấn chúng ta”. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, Ngài luôn ở với con người và giúp con người nhận biết chính mình, để sám hối và trở lại với Ngài. Ai cho mình biết tất cả, và không cần biết gì hơn nữa, e rằng không phải là người mở lòng và sẵn sàng đón nhận chân lý. Thiên Chúa vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta qua Kinh Thánh, qua những người chung quanh, qua những biến cố xảy đến với chúng ta. Cần mở lòng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, để nhận ra sự thật, để trở lại với Ngài. “Hãy làm việc thiện, đó là dấu chỉ cho thấy mình có sám hối thật hay không”. Thái độ nội tâm, lời nói và hành động luôn đi liền với nhau. Việc làm cho thấy tình trạng tâm hồn của mỗi người. Không chỉ là nói, không chỉ là làm một vài hành vi tôn giáo và cho rằng đó là đủ. Sám hối thật sự, được diễn tả qua hành vi làm việc thiện, làm việc bác ái, yêu thương tha nhân bằng những hành vi cụ thể thậm chí đòi mình phải hy sinh. Thiên Chúa yêu thương và mời gọi con người trở nên con Ngài, nghĩa là, trở nên giống Ngài hơn. Yêu thương không là hành vi một lần cho cả đời, nhưng là yêu thương liên lỉ từng giây phút hiện tại của cuộc đời. Qua khao khát thuộc trọn về Chúa và yêu thương tha nhân, người ta hình thành chính mình từng giây phút. Câu hỏi gợi ý chia sẻ: 1. Xin bạn mô tả một người khiêm nhường? Đâu là nét căn bản của người khiêm nhường? 2. Sám hối, đòi hỏi chính yếu điều gì? 3. Đâu là tương quan căn bản giữa Thiên Chúa và tạo vật? 8. Ngày Chúa quang lâm--Lm Lm Carôlô Hồ Bạc Xái A. Hạt giống... Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về ngày Chúa quang lâm. Điều quan trọng để đón ngày đó là phải luôn sẵn sàng. Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ điều đó: - Trước hết Ngài dùng chuyện ông Nôê trong Cựu Ước để khuyến cáo các môn đệ mình: người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống, cưới vợ lấy chồng). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất. - Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu: Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng, hai người đàn bà cùng xay một cối bột) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau: kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong). Kết luận, Chúa khuyên hãy tỉnh thức luôn vì chúng ta không biết lúc nào thì ngày ấy đến. B.... nẩy mầm. 1. Theo cách viết của Mt, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả. 2. “Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay... thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”: những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không. 3. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’: (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài. 4. Tính trì-trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự trì trệ kiểu đó. - Sự nguội lạnh, phai lạt: Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng, và trở thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với nước Trời cũng vậy. - Sự cạn kiệt: Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói: ‘Quỳ lâu, chầu mỏi’. 5. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes). 6. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm: ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều. 7. Trách nhiệm: “Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa” (Chờ đợi Chúa) 8. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói: trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề. - Cái gì? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề? - Đúng vậy. - Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không? - Không. - Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt) 9. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau: người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người. Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích: Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. ("Mỗi ngày một tin vui") 9. Chúng con hãy tỉnh thức--Lm Giuse Đinh Lập Liễm A. DẪN NHẬP. Mùa Vọng lại trở về sau một năm phụng vụ. Mùa Vọng, tiếng La tinh là “Adventus”. Adventus có nghĩa là “đến, hiện diện hay hiển trị”. Người đến hay hiển trị ở đây là Chúa Cứu Thế. Ngài đã đến và hiển trị, sao mỗi năm còn chờ Ngài đến nữa? Thực ra, chờ ở đây không phải là chờ Ngài đến vì Ngài đã đến rồi, nhưng là chờ ngày Quang lâm của Ngài, ngày Ngài đến trong vinh quang như một vị Vua Thẩm phán oai hùng. Trong mùa Vọng này, trước mắt là chúng ta dọn lòng để mừng lễ Giáng sinh cho sốt sắng, nhưng còn là dịp để thúc đẩy chúng ta dọn mình đón Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày tận thế, nhưng đặêc biệt để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến lần sau hết của đời mình. Số phận đời đời của mỗi người mỗi khác tùy theo mình có chuẩn bị hay không. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến lúc họ không ngờ. Vì thế họ cần phải tỉnh thức và tích cực chuẩn bị. Ngài nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ của ngày Ngài đến để khuyên chúng ta luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Tuy thế, phần đông người ta xưa nay vẫn coi thường lời cảnh cáo đó, họ coi như không bao giờ chết, họ cứ sống mà hưởng thụ, hoặc khá hơn thì họ còn chần chừ chưa muốn sám hối, chưa chịu chuẩn bị cho số phận tương lai của mình. B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. 1. Bài đọc 1: Is 2,1-5. Đọan văn này có lẽ được viết vào sau thời Giêrusalem thất thủ, bị các đạo quân của vua Babylon xâm chiếm và tàn phá. Trong một thị kiến vĩ đại về tương lai, tiên tri Isaia ngắm nhìn Giêrusalem thời Thiên Sai. Giêrusalem mới này là một Giêrusalem huy hòang rực rỡ, người người tiến về đó, và tin chắc sẽ tìm được ở đó một nền hòa bình viên mãn và một niềm hạnh phúc chứa chan. Tiên tri đã thấy trước Ngày của Chúa, ngày mà Thành được xây dựng lại từ trong đống đổ nát của mình, sẽ nhìn ngắm các dân tộc, sau khi giao hòa với nhau, tuốn về mình như một thành trì của Thiên Chúa. Khi mọi người đã biết tôn thờ Chúa thì đó cũng là thời thái bình: “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lữỡi cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa”. Thành Giêrusalem lý tưởng này chính là Hội thánh do Đức Giêsu thiết lập. Nhờ Hội thánh và trong Hội thánh, Đức Giêsu chiếu giãi ánh sáng của Ngài trên mọi dân tộc, hòa giải họ với nhau để biến họ thành dân Thiên Chúa. 2. Bài đọc 2: Rm 13,11-14. Thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Rôma khuyên họ đừng mê ngủ nữa, hãy tỉnh thức vì Ngày tươi sáng đó rất gần rồi: “Giờ phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”. Theo đó, thánh nhân khuyên tín hữu hãy tỉnh thức sẵn sàng là hãy từ bỏ những việc làm đen tối của thời chưa tin đạo, hãy cầm lấy khí giới của sự sáng mà chiến đấu, nghĩa là phải tích cực lọai trừ sự dữ và cổ vũ sự thiện. Ngòai ra, tỉnh thức sẵn sàng còn là đổi mới cuộc sống: khử trừ các tệ đoan xã hội, ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… Thay vào đó hãy tạo nên một cuộc sống mới theo gương Đức Kitô. Lời khuyên này vẫn còn hiệu nghiệm đối với chúng ta: hãy chuẩn bị cho ngày Chúa đến. 3. Bài Tin mừng: Mt 24,37-44. Trong đọan Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến vào lúc họ không ngờ. Vì thế họ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến để khỏi bị ngỡ ngàng. Đức Giêsu có ý nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ như thời ông Noê, cơn đại hồng thủy xẩy đến lúc người ta đang mải mê với những sự thế tục “Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi chính ngày ông Noê vào tầu mà người ta không ngờ”. Do đó, khi ngày của Chúa đến, có người sẽ bị lọai ra, có người sẽ được nhận vào hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, trong Ngày Chúa đến, số phận của mỗi người sẽ khác nhau: có người sẽ được đem đi về với Chúa, có người sẽ bị bỏ lại trong hư vong, nghĩa là có người được cúu rỗi, có người bị trầm luân. Được chấp nhận hay bị bỏ rơi là do người ta có chuẩn bị sẵn sàng không. Do đó, Đức Giêsu kết luận: “Vậy các con phải sẵn sàng” (Mt 24,14). C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Dọn tâm hồn đón mừng Chúa I. MÙA VỌNG LẠI ĐẾN. Mùa Vọng Giáng sinh bởi chữ “Adventus” nguyên gốc tiếng La tinh xưa được đọc trại theo lối chuyển âm là “Mùa Apventô” hay “Mùa Aùp” mà chúng ta vẫn gọi ngày xưa, nay được chuyển thành “Mùa Vọng”. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi cái gì sắp xẩy đến, bởi vì Vọng có nghĩa là chờ, là mong. Chúng ta đợi cái “Adventus”: sự đến, tức là “Quang lâm”. Vậy Quang lâm là gì? Quang là ánh sáng, lâm là đến, ngụ ý là người trên đem vinh quang đến cho người dưới. Để nói về việc Con Người trở lại, thánh Matthêu, duy nhất trong bốn tác giả, đã dùng từ ngữ “Quang lâm”(Parousia). Nguyên khởi, chữ này có nghĩa là “đến, hiện diện”. Theo văn hóa La-Hy, người ta dùng nó để chỉ việc hòang đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm một thành nào. Trong Kitô giáo sơ khai, từ ngữ sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung. Người Rôma xưa có thờ một vị thần tên là Janus. Từ đó chúng ta có danh từ Januarius (tháng giêng). Vị thần này được các họa sĩ vẽ bằng hình đầu người có hai mặt: một mặt nhìn về đàng sau, mặt kia nhìn về đàng trước. Mùa Vọng cũng tương tự như thế. Nó nhìn về hai phía: một lần nhìn lại lần Giáng sinh đầu tiên của Đức Giêsu trong lịch sử, đàng khác là hướng đến cuộc tái giáng của Ngài vào cuối lịch sử. Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Vọng của năm phụng vụ mới. Mùa Vọng mang hai đặc tính thiết thực cho chúng ta: vừa là mùa chuẩn bị mừng lề Giáng sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với lòai người; vừa là mùa mà qua cuộc kính nhớ này, chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (AC 39). Chúng ta đang đứng giữa hai biến cố lịch sử này. Phận vụ chúng ta không phải là cứ lè phè ngồi chơi trên đỉnh đồi ngóai cổ về đàng sau và ngóng trông về đàng trước, mà phải xắn tay áo lên dấn thân vào công việc mà Đức Giêsu đã trao phó cho chúng ta khi Ngài đến lần đầu tiên trong lịch sử. II. Ý NGHĨA CỦA MÙA VỌNG. Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về hai lời cảnh cáo: một lời cảnh cáo về trận lụt lớn trong thời ông Noê. Lời cảnh cáo nữa là ngày tận thế sẽ đến. Chúng ta thấy có mối liên lạc giữa hai lời cảnh cáo này. Việc Đức Giêsu đến trong ngày phán xét cuối cùng sẽ như trận lụt cuốn hết mọi người, trừ những người ở trong tầu Noê. Đức Kitô cảnh cáo chúng ta: “Vậy các con hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào Chúa mình sẽ đến”. Ngài còn nói thêm: “Các con phải sẵn sàng vì lúc các con không ngờ, Con người sẽ đến”. Ngài còn nói đi nói lại về ngày Tận thế. Ngài bảo chúng ta không biết ngày nào giờ nào, nên phải sẵn sàng. 1. Ngày tận thế. a) Một bí mật. Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài giảng về ngày tận thế, ngày Chúa đến. Đức Giêsu tuyên bố: ngày và giờ tận thế không ai biết, kể cả Con Người, trừ một mình Chúa Cha mà thôi. Nói thế, Đức Giêsu không có ý phủ nhận việc Ngài biết. Về bản tính Thiên Chúa sao Ngài lại không biết, song không phải biết để mà nói. Ngài có ý bảo ta: không phải sứ mạng của Ngài định đọat và công bố ngày đó. Việc định đọat và công bố ngày giờ thuộc thẩm quyền Chúa Cha, cũng như việc sắp đặt chỗ ở trên trời ở trong quyền quan phòng của Chúa Cha. Ngày và giờ là bí mật của Chúa Cha. Đó không phải là cơn thịnh nộ và sự trừng phạt vào ngày đã định. Nói rằng, chỉ một mình Chúa Cha biết ngày tận thế và việc Con Người trở lại, có nghĩa là đặt thế giới và nhân lọai trong tay của Ngài, trong đôi tay nhân từ của Ngài. Đó là đặt chúng ta trong sự thanh thản, an tòan: ai có thể rứt chúng ta ra khỏi đôi tay của Chúa Cha? Chúng ta còn sợ gì, nếu chúng ta được ấp ủ trong tình yêu của Ngài? Vì thế, việc tìm biết ngày giờ Chúa Quang lâm là một việc làm phạm thượng, vì làm điều đó là tìm cách chiếm đọat những bí mật riêng của Thiên Chúa. Phận sự của con người không phải là tìm cách xác định ngày Chúa trở lại nhưng là chuẩn bị chính mình và tỉnh thức đợi chờ ngày đó. b) Một bất ngờ. Nói về ngày tận thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rằng: “Các con hãy sẵn sàng vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,14). Thời giờ sẽ đến hết sức bất ngờ cho những kẻ miệt mài nơi vật chất thế gian. Trong câu chuyện ngày xưa, Noê đã chuẩn bị cho mình khi thời tiết còn tốt sẽ sẵn sàng cho cơn nước lụt đến, thì ông đã chuẩn bị, nhưng những người còn mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng nên bị nước lụt cuốn đi cách bất ngờ. Những câu này là lời cảnh cáo cho lòai người, đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên đi cõi đời đời, đừng bao giờ quá quan tâm đến việc thế gian, mà quên rằng có một Thiên Chúa, và vấn đề sống chết nằm trong tay của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài gọi, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, chúng ta đều phải sẵn sàng. Truyện: Biến cố bất ngờ. Ai cũng biết ngọn núi lửa Sainte Hélène ở tiểu bang Washington. Ngày Chúa nhật 18 tháng 5 năm 1980, có một nhà địa chất học còn trẻ tên là David Johnston, với 30 bạn tổ chức cắm trại cách quả núi 8 cây số. Lúc ấy là 8 giờ 31 phút sáng Chúa nhật, bỗng nhưng một tiếng nổ vang trời động đất mạnh bằng 500 quả bon nguyên tử nổ cùng một lúc. Các thành phố chung quanh bị chôn vùi dưới trận mưa tro. Johnston co giò chạy, nhưng một dòng sông lửa đã chận đường anh, chôn vùi anh và các bạn anh dưới nấm mồ tro hừng cháy (Lm Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 4). c) Phải đề cao cảnh giác. Sách có câu: “Cẩn tắc vô ưu”: cẩn thận đềâ phòng thì khỏi bị ưu phiền. Ai lơ là trong cuộc sống sẽ gặp nhiều bất trắc xẩy đến mà không kịp đối phó, hậu quả sẽ tai hại khôn lường. Sống không cảnh giác sẽ phải rước lấy tai họa. Một tên trộm sẽ không bao giờ gửi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào cũng phải canh chừng. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu điều này cho đúng, chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa cảnh giác chứ không nhằm chơi khăm chúng ta, dường như cứ nhằm lúc nào chúng ta sơ hở là Chúa trở lại. Đàng khác, người Kitô hữu trông đợi Chúa mình trở lại không phải sống trong sợ hãi kinh khiếp, nhưng đó là một sự trông chờ náo nức ngày vui vẻ vinh quang sắp đến. Truyện: Tư thế sẵn sàng. Vào năm 79 trước công nguyên, núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38 người lính La mã đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên. 2. Phải tỉnh thức. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức, đừng ngủ vùi trong việc trần thế. Chúng ta đang mê ngủ sao? Đúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù: - Chúng ta ngủ vì “những việc làm đen tối”. - Chúng ta ngủ vì cứ “chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng”. - Chúng ta ngủ vì chỉ “lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở rằng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” và “Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo”, vậy “Đây là lúc chúng ta phải thức dậy”. Nhưng khi nào là đêm, khi nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm? Truyện: tha nhân là anh em. Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi với các học trò của mình: - Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu? Một anh nhanh nhảu đáp: - Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt nó là con bê hay con lừa. Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: - Thưa thầy, khi nào con nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn. Nhiều câu trả lời khác cũng được đưa ra, nhưng dường như vị sư phụ không thóang một chút hài lòng. Cuối cùng cả đám nhao nhao xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: - Khi nào các con nhìn vào tha nhân và nhận ra đó chính là anh em chị em mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới. Thế ra, không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng tỏa rạng. Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời ta cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, lừøa dối… Còn khi để cho yêu thương dẫn lối cuộc sống, ngày mới cuộc đời bắt đầu lên ngôi, nhờ ánh quang soi tỏ mọi đường lối. Chúng ta còn phải tỉnh thức trong những công việc rất bình thường ta vẫn làm mỗi ngày. Ở đây Đức Giêsu kể ra các việc bình thường như ăn uống, cưới vợ lấy chồng, làm ruộng, xay bột… Mỗi Kitô hữu hôm nay đều có thể kể ra những công việc chính mình vẫn làm hằng ngày, từ việc nội trợ, gia công, đến việc buôn bán hay nghề nghiệp. Đức Giêsu nhắc đến nạn lụt lớn thời ông Noê, mà không nói đến sự sa đọa của lòai người thời đó. Ngài có ý đặt chúng ta trong bối cảnh bình thường hiện ta đang sống. Chính trong bối cảnh đó chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa đến với chúng ta. 3. Phải sẵn sàng. Theo cách viết của Matthêu, những người thời ông Noê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: “ăn uống, cưới vợ gả chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt, không phải là vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả. “Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay… thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”: những người bề ngòai hòan tòan giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không. Đức Giêsu nhắc nhở ta phải luôn sẵn sàng vì Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào. Ngài dùng một dụ ngôn để nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tỉnh thức. Ngài ví ta như chủ nhà nọ, nếu biết vào canh nào trộm sẽ đến, chắc chắn sẽ canh thức không để nó đào ngạch khóet vách! Ngài đã dùng tới bản năng tự vệ của thính giả để giúp họ hiểu được sự tỉnh thức quan trọng như thế nào đối với sự an tòan của mình. Với của cải vật chất mà đã phải tỉnh thức như vậy, phương chi là với chính tính mạng của ta, thì lại càng phải tỉnh thức hơn gấp bội. III. THỰC HÀNH TRONG MÙA VỌNG. 1. Chờ đợi trong tin yêu. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi. Chờ đợi trong tin yêu chứ không lo lắng sợ hãi, như chờ người cha thân yêu đến với con cái. Mùa vọng là mùa chờ đợi: - Không phải đợi chờ trong mòn mỏi, day dứt khôn nguôi nhưng là đợi chờ trong hy vọng. - Không phải đợi chờ mà không làm gì cả, nhưng làm việc trong đợi chờ. - Không phải đợi chờ một ai đó, nhưng là đợi chờ chính Con Thiên Chúa. Chờ đợi phải mang tính năng động, tránh tính trì trệ (inertie) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ năm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh khỏi sự trì trệ kiểu đó. Nó được biểu lộ trong: - Sự nguội lạnh, phai lạt: một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng và trở thành lạnh ngắt. Sự “nhiệt thành” của ta đối với Nước Trời cũng vậy. - Sự cạn kiệt: Một chiếc xe Honđa chạy mãi mà không được châm thêm, xăng dầu sẽ cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói: “Quỳ lâu, chầu mỏi” (Cf Carôlô, Hạt giống nảy mầm). Trong cuộc sống hằng ngày người ta hay có ảo tưởng rằng thời gian còn nhiều, chưa vội, cứ từ từ mà sống, tương lai còn dài. Người ta có một nhược điểm hết sức phổ biến là luôn cho rằng vẫn còn ngày mai để chuẩn bị, còn ngày mai để sám hối ăn năn, còn ngày mai để thay đổi nếp sống. Nhưng có một kinh nghiệm hết sức chua xót đã từng đổ ập xuống bao người là ngày mai ấy không bao giờ trở lại. Chần chừ, khất lần là cơn cám dỗ hiểm độc nhất của ma qủi. Có một truyện ngụ ngôn về ba con quỉ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỉ về những kế họach cám dỗ lòai người. Con quỉ thứ nhất nói: - Tôi sẽ bảo với lòai người là không có Thiên Chúa. Con quỉ thứ hai nói: - Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục. Satan trả lời: - Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ lòai người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân. Con quỉ thứ ba nói: - Tôi sẽ bảo với lòai người đừng có vội vã làm gì. Satan đáp: - Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số lòai người bằng cách đó. Aûo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn lắm thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời của một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hõan vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không. Truyện: Pháp quan Archais. Lịch sử còn ghi lại câu truyện bi thảm sau đây: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi áo và nói: “Để mai hễ hay”. Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra thì cả chính phủ bị bắt trọn. Vị pháp quan Archais đã hất sứ điệp ấy qua một bên vì ông nghĩ hãy còn nhiều thời giờ. Quan tổng đốc Phêlít ngày xưa đã run rẩy trước sứ giả của Chúa là Phaolô nhưng vẫn chần chừ nói rằng: “Bây giờ ngươi hãy lui ra, đợi khi nào rảnh, ta sẽ gọi lại”. Nhưng từ chỗ đó chúng ta không thấy chỗ nào nói đến ông ta rảnh cả. 2. Dọn mình chết lành. Đức Giêsu không mời gọi ta sợ hãi, nhưng mời gọi ta tỉnh thức. Ngài so sánh lụt đại hồng thủy và ông Noê. Người ta không nghi ngờ gì hết cho đến khi lụt đại hồng thủy đến cuốn trôi hết tất cả mọi sự. Tất cả mọi người mải lo lắng sự đời… Chúng ta cũng vậy, chúng ta mải lo lắng sự đời và đó là điều cần thiết. Chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta. Nhưng để khỏi bị bất ngờ khi Ngài đến, chúng ta phải chuẩn bị như ông Noê. Cũng giống như ông, chúng ta có Lời Chúa cảnh báo và nhắc nhở chúng ta. Đức Giêsu nói: Đó, Thầy đã báo trước cho các con. Ngài đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước. Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra vào lúc tận thế. Cái chết của mỗi người cũng sẽ bất ngờ. Phải chăng cái chết không phải là ngày tận thế, ngày tận thế riêng của mỗi người, lúc mà Đức Giêsu đến gặp riêng mỗi người chúng ta đó sao? (Fiches dominicales, năm A, tr 6). Đối với những người không tin tưởng, chết là tận điểm cuộc sống, chết là hết, chết phá tan sự nghiệp công danh và mọi lạc thú trên đời. Kiếp sống của con người vì thế chỉ là kiếp bèo bòng, lo hưởng thụ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì theo sau”.. Họ không chờ đón và mong đợi gì sau cuộc sống! Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, chết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Trong giây phút vĩnh biệt cuộc đời trần thế để về thế giới bên kia, mỗi người chúng ta phải trình diện trước tôn nhan Chúa. Cuộc gặp gỡ quyết định số phận đời đời của mỗi người chúng ta. Nhưng khốn nỗi mấy ai quan tâm, mấy ai đặt cho đúng tầm hệ trọng và tính cách vô cùng khẩn thiết của giây phút lìa đời ấy! Chúng ta như người mê ngủ, từ sớm tinh sương đến chiều tàn, chúng ta bận tâm lo ăn lo mặc, lo sinh kế, lo công danh, lạc thú… Cuối tuần chúng ta dành thời giờ đi dạo ở đồng quê, leo đồi, leo núi hay tắm biển phơi nắng. Nại vào những bận tâm vật chất ấy, chúng ta lơ là việc thiêng liêng, bỏ rơi cầu nguyện, bỏ suy niệm Lời Chúa, bỏ dâng lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, không chịu các phép bí tích. Tựu trung, một cuộc đời hòan tòan vật chất, hiện sinh, sống như là không bao giờ phải chết, sống cuộc đời không có Chúa. Ta đã suy niệm câu “Lúc Con Người đến”. Lúc Con Người đến chính là ngày tận thế, ngày Chúa Quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng thật là trớ trêu là nó lại đến một cách bất ngờ. Bất ngờ như trận lụt đại hồng thủy thời ông Noê. Vì vậy chúng ta phải dọn mình luôn, cứ tưởng tượng rằng hôm nay Chúa có thể đến gọi tôi. Tôi sẽ vui vẻ ra đi với Chúa. Truyện: Chiếc quan tài. Tại chùa Tô châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được. Khách đến chơi trông thấy cười nói rằng: - Ngài chế ra cái này dùng để làm gì? Vị sư trả lời: - Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái chết là gì. Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi. Hôm nay chúng ta đã bước vào Mùa Vọng. Giáo hội nhắc nhở chúng ta hãy đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự gặp được Ngài, mặt đối mặt, khi chúng ta ra đi về với Ngài. Nhưng muốn được gặp Ngài trong tình thương yêu của tình Cha con, chúng ta cần phải dùng từng giây phút hiện tại để chuẩn bị cho cuộc ra đi gặp gỡ đó. 10. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến”--ViKiNi--‘Xây Nhà Trên Đá’--Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm Việc rao giảng của Gioan Tẩy giả, của Chúa Giêsu và các tông đồ đều khởi đầu bằng câu: “Hãy ăn năn trở lại vì nước trời đã đến gần (Mt. 4, 17; 10, 7; Cv. 2, 38). Đây là việc khẩn trương, không thực hiện thì sẽ diệt vong. Khi nghe những lời hô hào của các nhà bác học về cứu thế giới khỏi ô nhiễm môi trường, khởi tệ nạn ma túy và dịch bệnh sida, thì ai cũng lo thực hiện những phương pháp đề phòng, trừ hạng cố chấp liều mạng lao đầu vào chốn tử thần. Lời hô hào của Gioan mang tính chất cứu nguy cho cả thế giới hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nếu muốn sống trong nước Trời. I- Nước Trời là gì cho con người được sống? Nếu thế giới vật chất muốn tồn tại cần có thiên nhiên nguyên thủy trong lành như Thiên Chúa đã dựng nên nó, thì thế giới loài người muốn trường tồn bất tử còn cần hơn nữa một nước trời như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa đã muốn một nước trời lạ lùng mà tiên tri Isaia chỉ có thể mô tả bằng những hình ảnh kỳ diệu trong bài đọc một: 1- Về Đấng cai quản nước trời: đó là Đấng thần trí Chúa, thần trí khôn ngoan, minh mẫn, thấu hiểu, anh dũng, sáng suốt, sùng tín và sủng ái của Thiên Chúa. Công việc của Ngài là xét xử công minh nhân từ cho người thấp cổ bé miệng, phán quyết vô tư, bênh kẻ nghèo. Lời Ngài như gậy đập tan bọn cường hào, hơi thở Ngài giết chết phường gian ác (Isaia). Ngài là nguồn kiên nhẫn, an ủi và đầy lòng thương xót. Ngài đến phục vụ Do-thái và các dân ngoại (Phaolô). 2- Về dân trong nước trời là ai? đó là tất cả các dân tộc: Do thái cũng như dân ngoại. Họ là những người ăn năn trở lại, được rửa bằng Thánh thần và lửa. Họ được sống trong triều đại đua nở hoa công lý và thái bình thịnh vượng trong hạnh phúc, như beo sống với dê con, bò ăn chung với sư tử và gấu. II- Điều kiện sống trong nước trời vinh phúc là ăn năn trở lại. Ăn năn trở lại hay sám hối trở về là từ bỏ tình trạng tội lỗi trở về sống ơn cứu độ, từ bỏ lối sống xa Chúa, về sống với Chúa (Os. 14, 2; Ger. 3, 14), như thế ăn năn trở về là biến đổi sâu xa của hai trạng thái tâm lý: đổi mới não trạng và đổi mới nội tâm do Thần trí Đức Kitô tác động. a/ Đổi mới não trạng nhờ trí khôn nhận ra và hối tiếc về tội mình (metanoia: repentir). Đây là công việc của trí khôn luôn luôn xét mình, kiểm tra cuộc sống mình đối chiếu với lời Chúa, luật Chúa. Sự ăn năn sám hối được thể hiện qua nhân vật điển hình: người thâu thuế. Khi nhận ra lầm lỗi của mình, ông đã khiêm tốn đấm ngực ăn năn, cúi mặt xuống đất, nhận mình tội lỗi và cũng không dám xin tha. Não trạng ông đã đổi mới vì hoàn toàn nhận ra mình khốn nạn trước mặt Chúa. Trái lại, người biệt phái không thấy tội lỗi mình, chỉ thấy mình đầy công đức, đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên khen mình và chê trách người thu thuế. b/ Đổi mới nội tâm nhờ ý chí quyết tâm trở về nguồn gốc vinh quang của mình (epistrephein: revenir), mình đã bỏ nguồn gốc ra đi, cuộc đời lang thang bơ vơ, trụy lạc, chỉ gặp những khốn cùng “cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”. Đó là thứ con thiêu thân, như đứa con hoang đàng: ôm hết của cha đi ăn chơi trác táng, gặp nạn đói cùng khốn khó mới nhận ra mình xúc phạm đến cha hiền. May thay, anh đã kịp thời ăn năn khóc lóc hối cải, chỗi dậy tiến về nhà cha, nguồn gốc tổ ấm chan hòa tình thương vui mừng hạnh phúc chân thật. Phaolô cũng nhận ra tình thương vô biên đó, đã trở lại và đã mạnh mẽ tuyên bố trước vua Agripa “Tôi đi rao giảng kêu gọi chư dân sám hối và trở về cùng Thiên Chúa” (Cv. 2 6, 20). Đó là nước Trời thật. Ngày 3 tháng 12 Năm 2022 Bài liên quan CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY Năm C CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-C 03.04.2022 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY Năm C CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ- C 17.04.2022 - CHÚA NHẬT PHỤC SINH Năm C