Chúa Nhật Các Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng - A BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14 "Này trinh nữ sẽ thụ thai". Bài trích sách Tiên tri Isaia. Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa". Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Đó là lời Chúa. ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6 Đáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh (x. c. 7c và 10b). 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. BÀI ĐỌC II: Rm 1, 1-7 "Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít, là Con Thiên Chúa". Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi. Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa. ALLELUIA: Mt 1, 21 All. All. - Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. - All. PHÚC ÂM: Mt 1, 18-24 "Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu. Ðó là lời Chúa. CÁC BÀI SUY NIỆM: 1. Đừng ngại --‘Manna’ Suy Niệm Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ, còn Tin Mừng Mátthêu lại nói đến việc truyền tin cho Giuse. Sứ thần Chúa giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của ông, khi báo cho ông hay thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình. Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết. Maria là một mầu nhiệm. Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm. Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc mình. Cả cuộc đời Giuse là chiêm ngắm các mầu nhiệm diễn ra một cách bình thường, sát bên ông. Và chính cuộc đời của ông cũng là một mầu nhiệm. Giuse chấp nhận ý định của Thiên Chúa dù nó phá vỡ ước mơ ông ấp ủ từ lâu. Ông muốn làm chồng cô Maria, người ông yêu mến, nhưng Thiên Chúa lại muốn ông làm bạn của cô thôi. Ông muốn là cha của một đàn con đông đúc, nhưng ông chỉ là cha nuôi của Đức Giêsu. Bề ngoài, Giuse vẫn gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha, nhưng căn tính sâu xa của ông, ít ai biết. Ông sống một mình mầu nhiệm đời ông trước Thiên Chúa. Giuse đã mau mắn nói tiếng Xin Vâng. Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang an nghỉ. Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó. Ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya. Từ Nadarét lên Bêlem, từ Bêlem đi Ai cập, rồi lại trở về. Giuse chịu trách nhiệm về những kho báu Chúa giao. Vâng phục một cách đơn sơ: đó là thái độ của Giuse. Hôm nay có thể Chúa không nói với tôi qua giấc mơ, nhưng qua bao con đường khác, rất riêng tư, mà chỉ mình tôi cảm nhận được. Nếu tôi mau mắn nói tiếng Xin Vâng như Giuse, tôi sẽ góp phần vào việc cứu độ cả thế giới. Để Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Giuse. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha: những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu như Giuse cứ cương quyết bỏ Đức Maria. Nhờ Giuse, Đức Giêsu đã là người thuộc nhà Đavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm (x. 2Sm 7,13). Cùng với Giuse, xin được gọi tên Con Thiên Chúa là GIÊSU. Cùng với cả vũ hoàn, xin gọi tên Ngài là EMMANUEL. GIÊSU là Thiên-Chúa-ở-với-ta cho đến tận thế. Gợi Ý Chia Sẻ Theo kinh nghiệm của bạn, Thiên Chúa thường nói với bạn bằng những cách thức nào? Có khi nào bạn xin vâng khi dự tính của bạn bị tan vỡ không? Con Thiên Chúa được gọi bằng nhiều tên: Giêsu, Kitô, Con vua Đavít, Emmanuel. Bạn thích tên nào hơn cả? Tại sao? Cầu Nguyện Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. Xin cho con dám ra khỏi chính mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen. 2. Điều kiện để đón tiếp Chúa--TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít. Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Phải chăng thánh sử Matthêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế? Thánh sử Matthêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, thánh sử có một dụng ý thần học. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận. Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít. Qua trung gian của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”. Nhờ đâu mà thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế. Qua bài Phúc Âm Truyền Tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây. 1) Các Ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa. Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường. Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân Do Thái. Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước. Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria chỉ khiêm tốn thưa: “Này là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Khi bà Êlisabeth ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn. Người nâng cao những người bé nhỏ”. Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa. Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán. Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng. Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường. Càng khiêm nhường lại càng kín đáo. Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối. Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền. Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi. Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế. Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình. Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. 2) Các Ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa. Các Ngài có chương trình cho đời sống. Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh. Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh. Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các Ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa “xin vâng” bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón. Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ. Vì Chúa, các Ngài đã từ bỏ ý riêng mình. Vì Chúa, các Ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống. Thay đổi quyết liệt. Từ bỏ dứt khoát. Vâng lời mau mắn. Thái độ của các Ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu. Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn. Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá. Đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu. Giống nhau thì tìm đến nhau. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời. Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn. Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1) Ngày càng có nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng Lễ Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Bạn sẽ chuẩn bị Lễ Giáng Sinh thế nào cho phù hợp với tinh thần của Chúa? 2) Sống khiêm nhường và vâng lời trong xã hội hôm nay có dễ không? 3) Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu tự nguyện xuống thế, làm một người, làm con trong một gia đình? 3. Mùa Vọng: Mùa trong veo--GM Giuse Vũ Duy Thống Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài. Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền. Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình. Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái. Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa. Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu. Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn. Kết truyện là đám cưới. Truyện có hậu và có nét hấp dẫn riêng của thể loại, nhưng điều hấp dẫn hơn hết đối với tôi không phải là cốt truyện cho bằng chính tựa đề “Tình yêu trong veo”: trong veo giữa hai người cha biết xoá tan ngờ vực để thêm gần gũi; trong veo giữa hai bạn trẻ biết vượt qua thử thách để giữ vững tình yêu. Xin mượn tựa đề “Tình yêu trong veo” ấy để gọi tên Mùa Vọng là mùa trong veo một tình yêu. 1) Bằng tình yêu trong veo, Thiên Chúa trao thân cho con người. Trong khi người Do Thái còn đang mải miết với một vì Chúa ở trên cao và dường như say sưa về một Đấng ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu, thay vì xin những biểu tỏ gần gũi để dễ dàng nắm bắt, họ lại chỉ dám xin một dấu lạ điềm thiêng mãi tận trời cao vượt quá tầm nhìn; và trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế, vốn là mạch sống hy vọng cho cả dân tộc, họ những tưởng nghĩ rằng Người sẽ đến, nhưng là đến trong cung cách của một vị Chúa oai phong lẫm liệt, cho muôn dân nếu không phải cúi đầu sợ hãi thì cũng phải bái phục tôn thờ. Có ngờ đâu, khi Chúa đến, Người lại chọn cho mình một cách đến rất khác lạ. Người đến thật gần: trong thân phận của một con người để làm người giữa muôn người trần thế. Người đến thật thấp: thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một người cùng khổ dưới đáy xã hội. Người yêu thương con người để sẵn sàng trao thân cho họ, chấp nhận phải điều đình, chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, chấp nhận được làm người: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) Phải chăng khi trao thân cho con người như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang? Phải chăng nếu không trao thân cho nhân loại, Thiên Chúa vẫn là Chúa, nhưng là một vị Chúa không được ai biết đến hay là một vị Chúa bị kết án phải cô đơn? Thưa không phải thế. Chính khi trao thân cho con người trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không còn úp mở như trong thời Cựu Ước nữa, Người đã dứt khoát cho thấy mình là Đấng giải cứu con người và sẵn sàng làm hết cách để thực hiện bằng được chương trình của Người mà không đợi chờ mảy may vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian. Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể; để cứu người, Thiên Chúa đã làm người. Chính hai Danh xưng được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên tất cả. Danh xưng Emmanuel khẳng định “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Danh xưng Giêsu bộc lộ “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25). Nối kết hai Danh xưng ấy nơi Đấng Cứu Thế, ta sẽ thấy một tình yêu trong veo Thiên Chúa dành cho con người: Người là Thiên Chúa ở cùng ta để cho ta ơn cứu rỗi, và Người là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở cùng ta. 2) Bằng tình yêu trong veo, con người gửi phận cho Thiên Chúa. Nếu bằng tình yêu trong veo cứu độ, Thiên Chúa trao thân cho con người, thì Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng cho thấy những nhân vật gần gũi với mầu nhiệm Giáng Sinh nhất là Đức Maria và thánh Giuse đã bằng tình yêu trong veo tự nhiên gửi phận mình cho Thiên Chúa. Đối với Đức Maria, tình yêu trong veo đã rõ qua tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Phụng Vụ hữu ý mừng kính ở đầu Mùa Vọng. Tình yêu ấy đã rõ trong việc Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, nhưng tình yêu ấy còn rõ ràng hơn khi tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ngày Truyền Tin, mới gặp sứ thần, Đức Maria đã bối rối, thứ bối rối của một tình yêu trong sạch buổi đầu gặp gỡ. Rồi, lúc được đề xuất làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được giải thích đôi câu. Và chính lúc thưa “Xin vâng” (Lc 1,38) là cả một tình yêu trong veo như chưa bao giờ trong đến thế, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp? Còn thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả. Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng. Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất. Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24). Nhìn như thế, tình yêu trong veo đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse, để mái nhà chung sống không chỉ là nơi che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà đã trở thành một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng để sinh Người ra cho dương thế, cho dẫu tình yêu trong veo ấy trên đường cứu độ như một bản trường ca sẽ không thiếu những quãng nghịch, mà việc khó xử hôm nay trong Phúc Âm mới chỉ là những nốt nhạc mở đầu. 3) Cũng bằng tình yêu trong veo, ta đón mừng lễ Giáng Sinh. Hiểu như trên, Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng rõ ràng là một tình yêu hai chiều trao gửi: Thiên Chúa trao thân cho con người để con người biết gửi phận mình cho Thiên Chúa. Đồng thời cũng là Chúa Nhật trong veo của những tấm lòng biết gửi trao tấm lòng trong ơn cứu độ. Trên nền tảng ấy, tình yêu trong veo đã trở nên tinh thần phải có để đón Chúa Giáng Sinh. Trong những ngày này, đi ra phố xá, đã nghe vang lên những bài ca Giáng Sinh quen thuộc; ngang qua nhà thờ, đã thấy trưng bày những bộ Noel với hang đá, cây thông, đèn sao đẹp mắt; và đi tới chỗ nào cũng thấy thấp thoáng Giáng Sinh với muôn màu lấp lánh. Nhưng có một màu được xem là không thể quên hay không bao giờ quên đối với mọi tín hữu mừng lễ Giáng Sinh, màu đó không ở trên áo quần giầy dép, môi mép tóc tai, hoa cài áo khoác, mà là ở trong tấm lòng kìa! Đó là màu trong veo của những tâm hồn trinh trong biết cưu mang ý Chúa và biết sinh hoa kết trái trong cuộc sống công minh chính trực của mình. Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng “Ai được lên Núi Chúa?” đã nhận được lời đáp “Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung” (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào. Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận. Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh? Hơn nữa, tình yêu trong veo cũng là tiếng nói cuối cùng của Mùa Vọng thúc đẩy ta đến với những người xung quanh. Không thể có Mùa Vọng đầy đủ nếu bỏ quên chiều kích tha nhân trong tình yêu của mình, và cũng chẳng tiếp đón Chúa cho đủ nếu từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong những sinh hoạt hằng ngày. Trong Phúc Âm, Giuse biết tiếp nhận ý Chúa “qua giấc mơ”, để rồi sau đó “tỉnh dậy” ông mau mắn đón Đức Maria nên bạn đường bạn đời của mình, cho dẫu hậu thế có kẻ điều ong tiếng ve xem ông như kẻ “vô tư”. Nhưng đó lại là bước đột phá của một tình yêu trong veo biết nhận ra rằng: Thiên Chúa đã ân cần trao thân cho mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, thì mình cũng tín thác gửi phận mình trong mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Đó là hai chiều gặp gỡ của tình yêu Giáng Sinh. Tóm lại, tình yêu trong veo là động lực khiến Chúa đến với con người và là nguồn lực thúc đẩy con người tiếp đón Chúa, để trong cuộc sống cụ thể trở thành nỗ lực của mọi tín hữu đón lễ Giáng Sinh. Trong khi còn chuẩn bị và chưa thực sự được tiếp đón Chúa, hãy bắt đầu bằng cách thực tập tiếp đón những hình ảnh sống động của Chúa là những người ta gặp hoặc những người gặp ta bằng một tình yêu trong veo luôn thăng tiến. “Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng” (thơ Xuân Ly Băng). Đến đây, xin được khép lại những chia sẻ Mùa Vọng năm nay. Xin cám ơn Mùa Vọng đã đem đến những ý nghĩ đẹp màu. Xin cám ơn cộng đoàn đã vui lòng lắng nghe. Hy vọng những tâm tình chia sẻ cũng cung cấp chút ý tưởng giúp mỗi người hình thành được Máng Cỏ tâm hồn. Và cám ơn đứa cháu nhỏ đã tình cờ viết lộn chữ Mùa Vọng thành chữ “Màu Vọng” để có được bốn sắc màu chia sẻ nơi đây. Qua xanh đến tím gặp hồng, dìu ta đón Chúa với lòng trong veo. 4. Thiên thần báo tin cho Giuse--ViKiNi--‘Xây Nhà Trên Đá’--Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm Vua Akhab, người làm chủ một đất nước, không tin Chúa nên đã đưa cả dân tộc đến chỗ diệt vong. Một gia trưởng, hết lòng tin vào Chúa, đã đưa muôn dân đến ơn cứu độ. Gia trưởng đó là ai? Thưa là Giuse, một người chồng lý tưởng trầm tĩnh sáng suốt, luôn luôn biết cầu nguyện bàn hỏi Chúa về mọi vấn đề, để hành động hợp với đức mến Chúa yêu người và luật lệ xã hội. Trước vấn đề gay cấn nhất của bậc vợ chồng là Maria đã mang thai ngoài ý của mình, Giuse đã cư xử thế nào? 1- Giuse đã rất tế nhị hiền lành: theo luật, Giuse được tố cáo Maria để ném đá. Nhưng Giuse đã không nói một lời nào làm phiền Maria, không một cử chỉ nhỏ nào làm Maria phải ngượng ngùng, e ngại, không một cái nhìn nhỏ nào làm cho Maria phải khó chịu. Giuse đã tỏ lòng trọng kính chân thành hết sức mình đối với Maria. Nếu chỉ tỏ một tí nghi ngờ, mặt nặng mặt nhẹ thôi, đủ gây đau khổ dai dẳng ngậm ngùi cho giới liễu yếu đào tơ đến chừng nào! Gia đình sẽ bị đổ vỡ lập tức. 2- Giuse đã cư xử rất thánh thiện và công chính: cứ theo nhận xét bề ngoài thì không thể biết được ơn phúc mang thai của Maria, nên Giuse không thể tự cho phép mình chung sống bất chính với Maria. Ông đã quyết định xa bà cách âm thầm. Quyết định đó rất công chính vì hôn phối của Giue và Maria chưa thành sự, mới đính hôn, chưa về chung sống với nhau, bỏ là rất hợp pháp và hợp lý cho đời sống trong sạch thanh tịnh của ông. Quyết định đó chứng tỏ Giuse rất nhân từ và thánh thiện. Thánh thiện vì Giuse thấy cái gì có dáng vẻ tội lỗi thì ông cương quyết tránh xa. Nhân từ vì ông đã hành động thật êm ái, kín đáo, không để lộ việc gì làm bà sợ hãi trong lúc mang thai. Ông còn hết sức giữ gìn danh thơm tiếng tốt của bà. Sự công chính của Chúa là biểu lộ lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân. Giuse đã biểu lộ được lòng thương xót của Chúa, nên Kinh thánh đã đặc biệt gọi thánh Giuse là Đấng công chính. Nhờ đó, Chúa giải quyết những vấn đề gây cấn nhất cho gia đình nhân loại để nhân loại được tràn đầy vinh phúc lãnh nhận ơn cứu độ. “Hãy đến cùng Giuse” - Xin cho hết mọi gia trưởng biết đến cùng Giuse thấm nhuần được lòng từ bi nhân hậu, thực thi đức mến Chúa yêu người như Thánh Cả để làm cho gia đình được sống trong tình thương hạnh phúc và chúc lành muôn thuở của Chúa Giáng Sinh. 5. Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta--Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Những người yêu nhau, thường thích ở gần nhau. Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài muốn ở mãi cùng chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn muốn chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong đời sống mỗi người. 1. Qua tạo vật Với một bông hồng nhung, hoặc hồng bạch, hoặc một đoá cúc trắng, người ta có thể trầm trồ khen “đẹp quá”. Khi đi xem vịnh Hạ Long, nhiều người buột miệng: “Thiên Chúa tài thế, Ngài tạo dựng cảnh đẹp tuyệt”. Tạo vật vô tri vô giác cũng là dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện với con người. Qua nét đẹp của tạo vật, con người có thể nhận ra Thiên Chúa đẹp tuyệt vời. Thiên Chúa hiện diện một cách đặc biệt qua con người. Nét đẹp tinh thần của con người, như lòng vị tha, lòng thương xót và bác ái được thể hiện qua việc làm, là những dấu chỉ giúp con người nhận ra “Thiên Chúa hiện hữu” và “Ngài đẹp tuyệt vời”. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người”. Những người bình thường, không bị bệnh về mắt “thiêng liêng”, có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện qua trung gian các tạo vật. 2. Qua lịch sử dân Do Thái Với những thăng trầm trong dòng lịch sử, như biến cố thoát cảnh nô lệ Aicập qua Môsê, việc thoát cảnh đàn áp bóc lột của những dân tộc xung quanh qua các thẩm phán, việc dân lưu đày trở về quê hương qua Kyrô, người Do Thái nhận biết Thiên Chúa không chỉ hiện hữu, những còn là Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Qua lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính Ngài cho các dân tộc khác. Chẳng hạn qua việc giải phóng dân Do Thái khỏi Aicập, Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính Ngài cho người Aicập nữa. Tuy vậy, những can thiệp này cũng có giới hạn, vì làm người ta tưởng rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương người Do Thái mà ghét bỏ các dân tộc khác, nhưng thật không phải vậy. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân tộc chứ không riêng gì dân tộc Do Thái, nhưng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người nói chung, theo sư phạm Ngài cần diễn tả tình yêu của Ngài đối với những con người và dân tộc cụ thể. Thiên Chúa không chỉ mặc khải Ngài là Đấng can thiệp vào lịch sử dân Do Thái, nhưng còn cho thấy Ngài quan tâm đến tương lai của một gia đình, một dòng họ. Qua lời hứa với Ahaz trong bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaya, Thiên Chúa là bảo đảm và niềm hy vọng của một gia đình, của một dòng tộc, và của cả một dân tộc. 3. Thiên Chúa hiện diện qua những con người Con người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Ta hãy tạo thành con người giống hình ảnh Ta” (St.1, 26). Qua lịch sử đời người, con người hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Thánh Yuse là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa cho Đức Maria. Trong trình thuật biến cố Đức Maria có thai, thánh Yuse cho thấy Ngài là người tuyệt vời. Ngài không tố cáo Đức Maria, không làm gì gây xúc phạm đến thanh danh và mạng sống của Đức Maria, tuy dù nếu Ngài tố cáo thì Ngài cũng vẫn chỉ là nói lên một sự thật. Không chỉ vậy, thánh Yuse còn quảng đại bảo bọc Đức Maria trong những giây phút khó khăn thử thách của cuộc sống. Thiên Chúa yêu thương bảo vệ Đức Maria qua thánh Yuse. Đức Maria cũng phản ánh tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Bao người cầu xin với Đức Mẹ, và họ nhận ra Thiên Chúa hiện diện và an ủi họ khi họ được nhận lời. Đức Maria cũng là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện diện và yêu thương Yuse. Qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria, Thiên Chúa yêu thương và hiện diện cách đặc biệt với con người qua Đức Yêsu. Đức Yêsu, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col.1,15). Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài một cách tuyệt vời nhất. Với cái chết và phục sinh, Đức Yêsu tỏ cho con người thấy Thiên Chúa là ai: Đấng trung thành, yêu thương, kiên nhẫn và tha thứ. Nơi Đức Yêsu, con người thấy rõ Thiên Chúa yêu thương và ở với con người. Thiên Chúa đã làm tất cả, đã có sáng kiến tuyệt vời để cứu độ con người. Ngài ở với con người. 4. Emmanuel “Thiên Chúa ở với chúng ta”. Đây là câu nói tuyệt vời. Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói lời này với Isaac (St.26, 3.24), với Yacob (St.31, 3), để đồng hành và bảo vệ những người được Ngài yêu thương. Thiên Chúa đã ở với Môsê (Xh.3, 12), để giải phóng dân Do Thái ra khỏi Aicập, Thiên Chúa đã ở với Yoshua (Gs.1, 5), để dẫn dân riêng của Ngài vào đất hứa. Thiên Chúa đã ở với Yêrêmia (Gr.1, 19), để giải phóng tiên tri khỏi bao người bách hại ngài. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri (Is. 41,10; 43,12), để giúp các tiên tri thi hành sứ mạng được trao. Thiên Chúa ở với ai, là để yêu thương và bảo vệ người đó. Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa ở với con người, để yêu thương và giải phóng con người khỏi tội, để chỉ con người con đường “yêu thương” cứu độ, để giúp con người kiên nhẫn vượt qua chính mình và đến với người khác. “Chúa ở cùng anh chị em”. Đây vừa là lời chào trong thánh lễ, vừa là lời chúc, và lời khẳng định một thực tại sâu thẳm. Với Đức Yêsu, Thiên Chúa ở mãi với con người. Câu hỏi gợi ý chia sẻ: 1. Trong kinh nghiệm sống, bạn có gặp ai diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho bạn một cách đặc biệt không? Xin bạn chia sẻ. 2. Bạn được mời gọi để giúp ai nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương họ? Bằng cách nào? 3. Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa đang ở với bạn không? Làm sao để có kinh nghiệm Thiên Chúa đang ở với mình? 6. Chúa nhật 4 Mùa Vọng—Lm Carôlô Hồ Bạc Xái A. Hạt giống... Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Chúa Cứu Thế sắp sinh ra là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (Câu 23). Bài Tin Mừng cũng giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra: Thánh Giuse. 1. Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thế của Chúa Giêsu là: a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước (Câu 20b: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít”; Câu 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý); b/ Bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu (câu 20c “Đừng ngại đón Maria về; câu 24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”; câu 25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”) 2. Về ý định ban đầu của Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và quyết định ở lại sau đó), đó là vì “Giuse là người công chính”. Một giải thích rất đáng lưu ý là: Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi (Công chính = không xâm phạm quyền lợi của người khác); sau đó khi biết ý Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính nên Ngài đã ở lại (Công chính = thi hành ý Thiên Chúa). 3. Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thề sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở... Yêu thương là chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận... B.... nẩy mầm. 1. Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây thập giá. Thập giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. - Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa. 2. Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo được ý Chúa. Những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của TC. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu ‘Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như CG. 3. Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của TC, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. - Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ nước Chúa. 4. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24) Tên thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi “Mình phải làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng?” Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì kể gì đến những chuyện lớn lao. Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài. (Epphata) 5. Một cha giảng đã nói với các gia trưởng trong một cuộc tĩnh tâm rằng: “Thánh Giuse đáng là mẫu gương cho các gia trưởng noi theo”. Một ông lên tiếng: “Hoàn cảnh của thánh Giuse rất khác hoàn cảnh của tôi: Ngài là một vị thánh, vợ Ngài không có tội lỗi nào, và con Ngài là Con Thiên Chúa. Vậy làm sao tôi bắt chước sống theo Ngài được?” Cha giảng vặn lại: “Thế vợ ông có mang thai trước khi về với ông mà ông không biết bào thai ấy là con của ai không? Và con ông có lạc mất khỏi gia đình ông suốt 3 ngày mà ông không biết nó đang ở đâu không?” Và người gia trưởng ấy không phản đối nữa. (Mark Link, Vision 2000). 6. Sinh con thì dễ hơn là làm cho con coi mình là cha của nó (lấy ý của ĐGH Gioan 23). 7. Ngài là Đấng Emmanuen--Lm Giuse Đinh Lập Liễm A. DẪN NHẬP. Chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Giáng sinh là sự kiện trung tâm của lịch sử ơn cứu độ và của lịch sử nhân lọai. Giáng sinh là một mầu nhiệm. Muốn hiểu được phần nào mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta cần phải biết Đức Giêsu Kitô là ai? Thiết tưởng không có định nghĩa nào hòan hảo hơn là định nghĩa mà tiên tri Isaia đã xác quyết trong bài đọc 1 hôm nay: Ngài là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Matthêu cho chúng ta thấy rằng lời loan báo của tiên tri Isaia đã được thực hiện nơi Đức Giêsu, mà theo một cách vĩ đại hơn rất nhiều, và có thể chính vị tiên tri này đã không thể tưởng tượng nổi. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong lòng trinh nữ Maria và được sinh ra. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người thật. Với tư cách là con người thì Ngài thuộc dòng tộc vua Đavít vì có thánh Giuse là cha nuôi. Ngài đến để chia sẻ thân phận con người của chúng ta và làm cho chúng ta vốn là người phàm, được thông phần thần tính của Người. Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã đến ở với lòai người qua việc tạo dựng, qua lời Ngài trong Kinh Thánh và trong con người của Đức Giêsu ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy mừng lễ Giáng sinh trong tinh thần yêu thương và phục vụ, biết đem Chúa đến cho mọi người để mọi người biết thương yêu nhau và coi tha nhân như hiện thân của Đức Kitô ở giữa lòng đời. B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. 1. Bài đọc 1: Is 7,10-16. Đây là một trong những đọan văn quan trọng nhất nói về niềm hy vọng Đấng Messia của Israel. Truyền thống Do thái không ngớt đọc đi đọc lại đọan văn này và khóac thêm cho nó những sắc thái mới. Sách Tin mừng thứ nhất sẽ đọc thấy trong đọan văn này sự hòan tất nơi việc Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu (Mt 1,22-23). Vua Achaz bị chống đối ngay trong nước, bị đe dọa bởi ngọai bang, vua nghĩ đến việc cầu cứu những người Assyri. Tiên tri Isaia đã ngăn cản ông và khuyến khích ông hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa hơn là vào liên minh quân sự. Nhà tiên tri đã cho ông một dấu hiệu từ trời cao: đó là cuộc sinh hạ của một người con trai, Đấng giải thóat dân mang tên là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Không nghe lời khuyên nhủ khôn ngoan đó, Achaz sẽ bị phạt và vương quốc bị phá hủy. Dầu vậy, Thiên Chúa cũng còn thương mà ban cho vua một người con yêu quí là Eùzechias, một ông vua hòan hảo. Ông không phải là Đấng Messia, nhưng chỉ là hình bóng Đấng Cứu Thế và mẹ ông là hình bóng của Đức Trinh nữ Maria. 2. Bài đọc 2: Rm 1,1-7. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô tỏ ra được vinh dự vì được kêu gọi vào hàng môn đệ của Đức Kitô, với trách vụ tông đồ rao giảng Tin mừng cho dân ngọai. Trọng tâm Tin mừng ngài rao giảng là Đức Kitô. Theo đó, Đức Kitô là Con Thiên Chúa theo bản tính từ đời đời và đã trở thành con vua Đavít theo xác thể và là người thật. Từ ý thức đó, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy sung sướng vì được thuộc về một Đấng cao sang như thế: “Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”; đồng thời cũng hãy sung sướng với ơn gọi của mình: “Anh em là những người mà Đức Kitô đã kêu gọi”. 3. Bài Tin mừng: Mt 1,18-24. Việc sinh hạ Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa được diễn ra một cách đặc biệt. Ngài có cha có mẹ đàng hòang: Mẹ Ngài là một trinh nữ có tên là Maria và cha Ngài là bác thợ mộc tên là Giuse. Cuộc kết hôn giữa thánh Giuse và Đức Maria đã được Thiên Chúa sắp đặt, nhằm những mục đích thích hợp với chương trình cứu độ: Đức Giêsu đã được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Ngài đến trần gian là “để cứu dân mình khỏi tội”. Thánh Matthêu hiểu rằng việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia từ trước: “Đức Giêsu chính là Emmanuel”, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Thiên Chúa ở cùng chúng ta. I. LỜI HỨA BAN ĐẤNG EMMANUEL. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Ngài sẽ thực hiện những điều đã hứa khi thời gian tới hồi viên mãn. Lời hứa đó đã được thực hiện cách đấy 2000 năm. Đức Giêsu Kitô đã đến không phải chỉ một lần trong lịch sử, nhưng Ngài vẫn đang đến, đang hiện diện với chúng ta hôm nay, và nhất là Ngài sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ngược dòng lịch sử nhân lọai, sau khi Nguyên tổ sa ngã, quay lưng lại với Thiên Chúa đi vào chỗ diệt vong, Thiên Chúa đã hứa ban một Đấng Cứu Thế để nhờ Ngài mà con người chuộc lại được sự sống đã mất (x. St 3,15). Thế rồi qua dòng lịch sử, mặc cho sự phản bội liên tục của con người, Thiên Chúa vẫn trung thành mãi và Tình yêu của Ngài vẫn tiếp tục đeo đuổi lấy con người (x. 2Tm 2,13). Từng bước một, Thiên Chúa đã chọn Abraham làm tổ phụ một dân riêng, để từ dân đó, Con Ngài được sinh ra.. Và trong dân đó, Đấng Messia của Thiên Chúa đã được báo trước sẽ thuộc dòng tộc vua Đavít (x. 2Sm 7,12-16). Thế nhưng, mặc dù đã nhận được lời hứa, con cháu của vua Đavít vẫn không giữ được lòng trung thành. Khi đó vào khỏang thế kỷ thứ 8 trước CN, các vua phương bắc đang đem quân tiến đánh thành Giêrusalem. Vua Giuđa lúc bấy giờ là Achaz thay vì hóan cải đời sống và tin tưởng vào Thiên Chúa, ông lại đi cầu viện đế quốc Assyri. Và để làm đẹp lòng vua của Assyri, ông đã dẹp bỏ bàn thờ của Giavê Thiên Chúa, và thay vào đó là tế đàn của các thần dân ngọai. Thậm chí, ông còn theo thói tục của dân ngọai, thiêu sinh cả con ông làm của lễ tòan thiêu. Trong hòan cảnh đó, Thiên Chúa đã cho tiên tri Isaia đến để kêu gọi nhà vua quay trở lại với Thiên Chúa, và đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Chính Ngài sẽ giải thóat dân Ngài khỏi mọi sự dữ. Và như để bảo đảm cho lời của mình, vị tiên tri bảo nhà vua “hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi một dấu ở dưới lòng đất hay ở trời cao”. Nhưng nhà vua vẫn không chịu xin, vì sợ rằng khi nhận được dấu chỉ, điều đó sẽ chứng tỏ sự sai trái của nhà vua. Ông vẫn cố chấp và tiếp tục sống trong tội lỗi của mình. Nhưng cho dù vua không xin, thì đây, Thiên Chúa vẫn cho ông một dấu chỉ để chứng tỏ lòng trung thành của Ngài: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chính Thiên Chúa sẽ đến ở với dân Ngài và giải thóat họ khỏi mọi đe dọa của quân thù. Dấu chỉ mà tiên tri Isaia loan báo đã được thực hiện. Ezechiel đã được sinh ra, và các vua phương Bắc đã lui quân. Vị vua này mặc dù rất trung thành với Giavê Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa phải là Đấng Messia. Cuối cùng, vào năm 587, Giuđa cũng đã mất vào tay đế quốc Babylon. Như thế, lời tiên báo của tiên tri Isaia không dừng lại ở vua Ezechiel, nhưng còn đi xa hơn, hướng đến Đấng Cứu Thế (Trần thanh Sơn). II. THỰC HIỆN LỜI HỨA BAN ĐẤNG EMMANUEL. 1. Nguồn gốc của Đức Giêsu. Theo Kinh Thánh, chúng ta phải xác nhận là Đức Giêsu được sinh ra bởi Đức Maria: “Đức Kitô giáng sinh trong hòan cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse”(Mt 1,18). Đức Giêsu đã có người Mẹ còn cha Ngài là ai? Ngài thuộc dòng tộc nào? Mẹ Ngài ra sao? Chúng ta phải tìm hiểu phong tục cưới hỏi của người Do thái. Luật Do thái phân biệt rõ ràng trong hôn nhân: việc đính hôn và cưới xin. Tuy cũng có lễ hỏi và lễ cưới nhưng giá trị và ý nghĩa khác với Việt nam chúng ta. * Lễ đính hôn (cũng gọi là lễ hỏi): Thời gian đính hôn kéo dài trong một năm. Trong năm đó đôi bạn được kể như vợ chồng dù họ không có những quyền của vợ và chồng. Lễ hỏi Việt nam chưa làm vợ chồng, còn lễ hỏi Do thái coi như thành vợ chồng. Chứng cớ là theo luật: . Vị hôn thê bất trung sẽ bị ném đá như vợ chính thức. . Vị hôn phu có chết thì vị hôn thê trở thành quả phụ. . Vị hôn thê cũng giống như người vợ chính thức chỉ có thể bỏ nhau bằng tờ ly dị. . Đứa con cưu mang trong thời gian đính hôn được coi là con chính thức. Như thế luật cho hai người quyền ăn ở với nhau trong thời gian này. Giuse và Maria đang ở trong giai đọan này. * Lễ thành hôn: Hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm hứa hôn. Nếu chúng ta hiểu biết phong tục cưới gả thông thường của người Do thái thì mối quan hệ trong khúc sách này hòan tòan là bình thường và rõ ràng. 2. Giuse là người công chính. Kinh Thánh gọi Giuse là người công chính: “Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”(Mt 1,19). Chữ “công chính” đã được hiểu khác nhau và vì hiểu khác nhau nên cũng cắt nghĩa khác nhau về thái độ của thánh Giuse. Chúng ta biết, nơi người Do thái, không phân biệt rõ thời kỳ đính hôn và cưới hỏi. Mặc dù chưa cưới, hai người đã đính hôn cũng có thể ăn ở như vợ chồng mà không có lỗi gì đối với luật lệ. Do đó, khi người ta thấy vị hôn thê có thai, thì chỉ một mình vị hôn phu có thể phán đóan trong việc đó là có tội hay không. Như vậy, thánh Giuse có thể hành động theo hai cách: Hoặc là tuyên bố theo sự hiểu biết tự nhiên của mình là Maria đã phạm tội ngọai tình, và như thế Maria bị mất thể diện hòan tòan; hoặc là để mặc cho người ta tin rằng ngài là cha của đứa bé sắp sinh. Giuse đã chọn giải pháp nào? Thật khó nghĩ! Một đàng ngài không muốn công khai bộc lộ ý tưởng của mình là Maria đã phạm tội, vì ngài không muốn gây tổn thương cho Maria, một thiếu nữ ngài rất yêu mến và không muốn cho cô phải đau khổ. Nhưng đàng khác, giả sử Maria đã phạm tội thật mà nhận cô làm vợ thì không được. Bởi đó buộc phải thực hành luật Maisen chăng? Cho phép bỏ vợ khi có lý do chính đáng quan trọng. Đang phân ân lo nghĩ không biết xử trí ra sao thì Thiên Chúa báo mộng cho ông: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về làm vợ mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Ông Giuse được báo mộng. Việc này thường xẩy ra trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn truyền cho ai một điều gì. Vậy hôm nay, việc báo mộng cho Giuse là cách thức Thiên Chúa dùng để tỏ ra thánh ý của Ngài về việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria. Sau khi được Thiên Chúa báo mộng, Giuse không còn thụ động nữa, ông tỉnh giấc và tuân hành lời thiên thần truyền. Giuse mau mắn thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa liên quan đến Con Thiên Chúa xuống thế làm người, qua việc ngài làm bạn với Đức Maria và cha nuôi Chúa Giêsu, không ăn ở với nhau cho đến khi sinh con. 3. Giuse, cha nuôi Đức Giêsu. * Đưa nhập vào dòng dõi Đavít. “Khi thức dậy, Giuse đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền”(Mt1,25). Với sự mau mắn của người công chính, hòan tòan sẵn sàng trước sự mới lạ của Thiên Chúa, Giuse đón nhận về nhà mình mầu nhiệm của Giao ước mới: “Ông rước vợ về nhà mình”, như thế, cho phép các lời tiên tri được thực hiện trọn vẹn: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, người sẽ đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Nhờ Giuse, Đấng Cứu Thế, thụ thai trong lòng Đức Maria, bởi Thánh Thần của sự sáng tạo mới, được đưa nhập vào dòng dõi Đavít. Từ đây với người cha là thánh Giuse, Đức Giêsu thực sự thuộc hòang tộc Đavít, đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ muôn thuở. Đây đúng là một tin vui, một tin mừng vĩ đại không chỉ cho dân Chúa mà là cho tòan thể nhân lọai. Cảm nghiệm điều đó, ngay trong những lời mở đầu thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã tuyên bố: “Tôi đã được kêu gọi làm tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng Tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần… Đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. * Việc đặt tên. Khi sai sứ thần đến trấn an và báo tin vui cho thánh Giuse, Thiên Chúa còn muốn cho chúng ta biết sứ mạng của Đức Giêsu. Thực vậy, lời sứ thần giải thích tên gọi của Đức Giêsu chính là lời công bố sứ mạng của Ngài. Trong Sách Thánh, những tên gọi đều có ý nghĩa riêng như chúng ta thường nói: tên là người. Vậy tên Giêsu, do từ Do thái Yehoshua có nghĩa là “Chúa Cứu Độ”, “Chính Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Giuse được ủy nhiệm một sứ mạng “đặt tên cho con trẻ” dành riêng cho ngài. Mà, theo H. Vulliez giải thích: “Theo luật Do thái lúc bấy giờ, đứa bé hiện hữu hợp pháp bằng tên mà người ta gọi nó, và nó thuộc dòng dõi người cha, dù đó là người cha (sinh vật học) ruột thịt hay không”. Theo ngôn ngữ Sêmít trong Thánh Kinh, việc đặt tên có nghĩa là “nhận lấy quyền làm cha pháp lý” của đứa trẻ. Chính qua dòng họ Giuse mà Đức Giêsu mới trở nên “con vua Đavít, để hòan tất mọi lời hứa của Thiên Chúa”(x. Mt 1,1-17). Như vậy, tư cách con vua Đavít thực sự của hài nhi và sự thực hiện trọn vẹn các lời tiên tri cứu thế tùy thuộc ở sự vâng lời của thánh Giuse. * Vai trò của thánh Giuse đối với Đức Giêsu. Vai trò của thánh Giuse không phải là tầm thường. Khoa tâm lý hiện đại đã tỏ cho chúng ta biết tầm quan trọng của hình ảnh người cha đối với việc tạo thành nhân cách của hài nhi. Chính nhờ gần gũi với Giuse mà Đức Giêsu sẽ học biết người cha là gi. Chính nơi ông, mà Ngài sẽ nhìn thấy phản ánh nhân lọai tình phụ tử của Thiên Chúa. Biết nói với chúng ta rõ ràng về Cha của Ngài, phải chăng khi đã nhìn thấy Giuse mà Ngài đã có kinh nghiệm về sự âu yếm của người cha: “Ai trong các anh, nếu đứa con xin bánh mà lại cho một hòn đá ư? Hay, nếu nó xin một con cá, mà lại cho nó một con rắn” (Mt 7,9-10). Ngài đã học biết rằng, các người cha dưới đất biết cho con cái mình những sự tốt lành. Ngài đã học biết điều đó nơi thánh Giuse. Tính cách làm cha của Giuse đối với Đức Giêsu quan trọng hơn ta vẫn thường nghĩ. Để gọi tên Đấng mà tất cả mọi người xưng là Thiên Chúa, để chỉ sự hiện diện rất gần gũi mà từ đó Ngài lãnh nhận tất cả mọi sự, hữu thể mà Ngài luôn luôn ý thức chỉ là một với Ngài. Đức Giêsu tự động dùng lại danh xưng mà Ngài âu yếm gọi Giuse: “Cha, Ba, Bố”. Và khi phải giải thích sự thật gây kinh ngạc này với Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa mà Ngài đòi tiếp tục công trình sáng tạo, Đức Giêsu lại dùng những từ ngữ đơn giản nhất khi còn tập tành ở Nazareth, trong xưởng của bác thợ mộc Giuse: “Cho đến bây giờ vẫn làm việc, và Ta cũng vậy, Ta cũng làm việc… Điều mà Cha làm, thì Con cũng làm giống như vậy. Chính Cha yêu mến Con, và chỉ cho Con tất cả những gì Ngài làm”(Ga 5,17-20). Chính nơi những từ ngữ thường ngày, những từ ngữ mà Ngài dùng để diễn tả cuộc đời Ngài, những mối liên hệ của Ngài, những tình cảm của Ngài, mà Đức Giêsu muốn nói đối với Ngài, Thiên Chúa là ai. Làm sao không tìm thấy trong tình cảm của cha mẹ Ngài những từ ngữ đúng đắn nhất để nói cho chúng ta biết mối liên hệ tuyệt đối duy nhất vốn vẫn hiện diện trong con tim Ngài: “Cha và Ta, Chúng Ta là một”(Ga 10,30) (Trích Fiches dominicales A, tr 28.29). III. ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ EMMANUEL. 1. Đức Giêsu sinh ra bởi Đức Mẹ đồng trinh. Chủ ý của bài Tin mừng hôm nay không nhằm vào sự công chính của Giuse cho bằng sự thụ thai kỳ diệu của Đức Giêsu trong cung lòng đồng trinh của Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thông thường, nói tới sự đồng trinh của Đức Maria, người ta nghĩ tới sự đồng trinh thể chất, ít ai để ý đến sự đồng trinh về mặt tinh thần của Ngài. Cả hai mặt của sự đồng trinh ấy đều quan trọng và cần thiết. Nhưng nếu chỉ đồng trinh về mặt thể chất mà không có mặt tinh thần thì đồng trinh ấy chẳng còn ý nghĩa. Sự đồng trinh về tinh thần nơi Đức Maria quan trọng hơn rất nhiều. Trước mặt Thiên Chúa, đồng trinh về mặt tinh thần có nghĩa là có tâm hồn trọn vẹn hướng về Ngài, hòan tòan dâng hiến bản thân cho Ngài để hòan tòan thuộc về Ngài, không còn thuộc về chính mình nữa. Trong chiều hướng đó, Đức Maria đã sống tinh thần “tự hủy”, để hòan tòan sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Biểu hiện quan trọng và rõ rệt nhất là không còn coi ý riêng mình là quan trọng, thậm chí không còn ý riêng nữa, để chỉ biết có thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Đức Maria cũng có thể nói như Đức Giêsu: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”(Ga 5,30)., hay như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). Trọn cuộc đời của Ngài đã chứng tỏ sự đồng trinh tinh thần ấy, được biểu hiện qua mọi hành vi của Ngài, cụ thể nhất qua hai chữ “Xin vâng” khi sứ thần truyền tin cho Ngài (JKN). 2. Đức Giêsu là Chúa và là người thật. Trong bài tụng ca, thánh Phaolô đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2,6-7). Ngài là Thiên Chúa mặc lấy xác phàm hèn, trở nên con người như chúng ta. Ngài cũng sống trong gia đình, có cha có mẹ, có anh em, trong xã hội có vua quan, có phép tắc, luật lệ, y trang như mọi người chúng ta. Ngài đã hòan tòan “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2,7), cũng “sinh làm con của một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật”(Gl 4,4) như chúng ta, cũng “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”(Dt 5,8-9). Vì thế, Ngài “không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”(Dt 4,15-16). Chắc chắn Ngài có thể nói như một triết gia nào đó: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Những điều của con người mà Ngài cảm nghiệm được nhiều nhất chính là đau khổ và sự chết. Dường như mọi hình thức của đau khổ Ngài đều đã cảm nghiệm: phản bội, oan ức, bị đàn áp, bóc lột, mất mát, roi vọt, nhục nhã.., Điều này làm cho chúng ta rất đuợc an ủi khi gặp đau khổ. Chúng ta nhận ra Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của chúng ta. Ngài đã dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của chúng ta (x. 1Pr 2,2b). Nghĩ như thế, chúng ta không cảm thấy cô đơn trong đau khổ, vì chúng ta cảm thấy như Ngài đang đau khổ với chúng ta, để biến những đau khổ của chúng ta thành một giá trị cao cả. Truyện: Đức Giêsu là người thật. Tiến sĩ John Coleman là Hiệu trưởng trường Đại học Haverford ở bang Pensylvania. Ông cũng là thành viên của Ban Giám đốc ngân hàng liên bang. Mới đây, ông đã dần dần từ bỏ những địa vị đặc biệt này. Vì muốn có kinh nghiệm về sự làm việc tay chân, ông đã cố gắng đào những đường mương, làm việc trên cánh đồng, thu quét rác rưởi, rửa chén đĩa. Ông đã học những gì phải làm với mồ hôi trán hơn là trí óc. Ông đã làm những công việc khó khăn và mệt nhọc, nhưng vì không có khả năng chuyên môn, lại làm việc giữa những người xa lạ, nên ông bị thải hồi làm người rửa chén đĩa. Ông đã bị thất nghiệp một thời gian, nhưng nhờ những kinh nghiệm hiện thực đó, ông đã khám phá ra những gì mà nhiều người đang trải qua. Có một Vị vô cùng nổi tiếng và có ảnh hưởng hơn tiến sĩ Coleman. Tên Ngài là Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa thượng trí và tòan năng, nhưng đã chấp nhận thân phận làm người, sinh ra dưới hình hài con trẻ cách đây đã 2000 năm, mà chỉ ít ngày nữa, chúng ta sẽ hân hoan cử hành Sinh nhật của Đấng Thiên Chúa làm người đó. Để chuẩn bị biến cố vui mừng này, chúng ta cần suy nghĩ về Đấng là Thiên Chúa thật đã trở nên con người thật. (GM Arthur Tonne, Bài giảng TMCN năm A, tr 14) 3. Muốn được Thiên Chúa ở cùng. Qua cách khởi đầu và kết thúc Tin mừng mình với chủ đề: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thánh Matthêu, muốn nêu bật một chủ điểm quan trọng đó là: qua việc Đức Giêsu Giáng sinh, Thiên Chúa trở nên hiện diện với dân Người một cách mới mẻ đặc biệt. Để đánh giá được tính cách hiện diện mới mẻ này, chúng ta cần nhắc lại ba cách Chúa dùng để hiện diện với chúng ta. a) Trước hết, Chúa hiện diện với chúng ta qua việc sáng tạo, đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài. Chúa không chỉ tạo dựng mọi sự mà còn gìn giữ cho nó được hiện hữu nữa. Sự hiện diện của Ngài trong việc tạo dựng có thể ví như một máy chiếu xinê phóng ảnh lên trên màn hình. Máy chiếu này làm hình ảnh hiện ra trên bức màn, và hình ảnh sẽ tồn tại bao lâu máy chiếu vẫn còn lưu giữ hình ảnh đó. Trong trường hợp của Chúa cũng vậy, Ngài làm cho tạo vật được hiện hữu và tạo vật sẽ tồn tại bao lâu Chúa còn bảo tồn nó. b) Thứ đến, Chúa hiện diện qua lời Ngài trong Kinh Thánh. Có người mô tả Kinh Thánh như là thư tình ông bố gử đến các con mình. Giống như một người bố trần gian biểu lộ ý nghĩ, tư tưởng mình cho con cái trong một lá thư thế nào thì Chúa cũng mạc khải tư tưởng Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy. Vì thế, nói thật chính xác, Kinh Thánh làm cho tâm trí Thiên Chúa trở thành hiện diện cụ thể rõ ràng, sống động đối với chúng ta. c) Cuối cùng, Chúa hiện diện với chúng ta qua Đức Giêsu, Con Ngài. Cùng với việc chào đời của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước thêm một bước khổng lồ để tiến đến cư ngụ giữa chúng ta. Như thế, Chúa đã hiện diện với chúng ta không chỉ qua việc tạo dựng, qua lời Ngài mà còn bằng đích thân Ngài nữa (Trích M. Link, Giảng lễ Chúa nhật A, tr 29-30). Chúng ta đang ở vào những ngày chót của Mùa Vọng để đón chờ lễ Giáng Sinh. Chúng ta hãy bắt chuớc thánh Giuse mà cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Thánh Giuse đã đón nhận mầu nhiệm này với lòng tin. Thiên Chúa cần đến Ngài để Ngài đứng ra chấp nhận làm cha Chúa Giêsu trước pháp luật. Ngài đã thuận theo thánh ý Chúa để mọi công cuộc của Chúa được diễn tiến theo đúng chương trình Ngài đã ấn định. Chúng ta cũng phải cộng tác với Chúa để mọi công việc của Chúa được diễn tiến trong trần gian và trong từng người chúng ta theo đúng kế họach của Ngài. Chúng ta hãy làm cho mọi người cảm nhận được rằng Đấng Emmanuel đang hiện diện giữa lòai người. Ngài hiện diện nơi từng người, trong những người hèn mọn nhất trong chúng ta, để rồi chúng ta phải xác nhận rằng “Tha nhân chính là Chúa”. Truyện: Chúa đến nơi tha nhân. Một tác giả kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức dậy rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau. Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy ngòai cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậây cám ơn và tiếp tục công việc. Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn báo cho người khách quí biết mình phải đi ra ngòai. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé, và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn. Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ. Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh: “Cảm ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. 8. Sống bao dung--Lm. JB. Lê Ngọc Dũng Con Thiên Chúa, quyền lực, cao sang quyền quý vô cùng, sao lại chọn một người cha mọn hèn dưới đất làm cha của mình? Đấng Cứu Thế sao lại thưa với bác thợ mộc rằng: “Thưa cha”, “Con xin phép cha”? Trong cả hằng trăm ngàn hậu duệ của Đavit sao không chọn người nào khác mà chọn Giuse, một người thợ mộc tầm thường. Để có thể hiểu được phần nào, chúng ta hãy nhìn vào một số sự kiện liên quan đến Thánh cả Giuse, được Kinh Thánh thuật lại. Khi vị hôn thê yêu quý của mình có bầu, Thánh sử Mathêu ghi lại rằng: Giuse đã định tâm sẽ bỏ vị hôn thê của mình cách kín đáo. Theo tâm lý người đời, thì chắc hẳn Giuse sẽ vô cùng tức giận, cho rằng vị hôn thê của mình đã phản bội, đã ngoại tình. Giuse sẽ tức tốc tố cáo Maria trước hội đường cho hả giận, và kẻ phản bội sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng Giuse đã không làm như vậy. Giuse đã không tố cáo nàng, đã không cãi vã to tiếng, ngài chỉ âm thầm rút lui. Khi định tâm với tấm lòng bao dung tha thứ như vậy, Thiên Chúa không để cho Giuse phải bối rối, liền sai Thiên thần ra tay can thiệp để soi sáng cho Giuse biết rằng, đây là chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta phải ghi nhận rằng, Thiên Chúa chủ động tất cả trong chương trình cứu thế của Ngài. Việc chọn Giuse làm dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế, là tùy theo ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng ở đây chúng ta cũng phải ghi nhận rằng sự quảng đại và bao dung của Thánh cả Giuse, đã góp phần rất lớn vào sự chọn lựa của Thiên Chúa Giuse vâng theo ý Chúa, đón nhận Maria về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như người con sắp sinh ra. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa, phải quyết định. Thiên Chúa biết rõ, thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm lòng chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta. Đó là phản ứng của lòng yêu thương hay giận ghét, của lòng quảng đại hay hẹp hòi. Có những người luôn phản ứng với sự chê bai ghen ghét, luôn chỉ trích phê phán, cho dù người khác có làm điều tốt đi chăng nữa. Ta thấy có những người thường tụ tập, la cà nơi này đến nơi khác, quán này đến quán khác, miệng mồm luôn tuôn ra những câu chưởi thề, dọa nạt người khác. Mà lại nói to, có ý nói cho cả người không muốn nghe. Họ muốn biểu lộ ra bên ngoài một tâm hồn chất chứa đầy những kiêu hãnh, những bất mãn, và muốn che dấu cái bất an, bực tức trong tâm hồn. Vì vậy, những cuộc chiến tranh nhỏ thường xảy ra trong xã hội. Lại có những người vợ người chồng, không tha thứ cho nhau, cải vả nhau. Một cuộc chiến tranh nhỏ xảy ra trong gia đình, của những người đã thề nguyền yêu thương nhau suốt đời, và kết thúc ở tòa án, ly dị. Gia đình tan vỡ và họ gây đau khổ cho nhau, cho con cái; mà nhiều khi cũng chỉ vì tự ái, vì bất mãn, vì thiếu khoan dung, thiếu tâm lòng quảng đại. Hơn bao giờ hết, con người chúng ta cần có sự bao dung, tha thứ. Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu chuyện như sau: Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập để an cư nhập định, một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có gì xảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều nầy làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng nếu sư phụ không xử tội hắn thì bọn họ sẽ bỏ, theo thầy khác hết. Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói: “Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê lầm lạc và thiếu can đảm để tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cả các anh có bỏ đi hết.” Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải người ta tự dưng biết mất khỏi anh. Nhờ cảm được tấm lòng xót thương mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào. Như vậy, tiến trình hoán đổi con người không nhất thiết là cứ phải kết án, khước từ, hay trục xuất. Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng sự cảm thông nhân ái mới làm tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người. Sự kiện Con Thiên Chúa chọn Giuse làm nghĩa phụ của Đức Kitô làm nổi bật đức tính bao dung. Đó là một đức tính khởi đầu cho một gia đình thánh thiện, một gia đình an vui hạnh phúc. Khoan dung tha thứ quả là rất cần thiết để xây dựng một cộng đoàn dòng tu được bình an thánh thiện. Những bậc chính nhân quân tử, những bậc lãnh đạo đều cần trang bị cho mình sự bao dung. Chắc chắn mọi người sẽ mến phục người bao dung và được Thiên Chúa chúc phúc. Sống bao dung cũng là một nét của sống yêu thương, quảng đại theo gương Đấng Cứu Thế mà chúng ta sắp mừng Đại lễ Giáng Sinh. Ngài đã khoan dung tha thứ, tha thứ cho kẻ bách hại mình và Ngài đã yêu thương đến cùng, cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã nêu gương và luôn kêu gọi chúng ta noi gương Ngài. Hôm nay, chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, ít nhất chúng ta cũng cần noi gương Thánh Giuse, không lên án, tố cáo người khác, ngay cả khi người khác ấy phản bội. Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa của lễ của lòng yêu thương tha thứ. Một tâm hồn yêu thương quản đại chắc chắc sẽ được Thiên Chúa ban nhiều ân phước. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. 9. Hạnh phúc khi có Thiên Chúa ở cùng--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ Lộ trình phụng vụ mùa Vọng đã mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng tiếp đón, đồng thời tỉnh thức để nhận ra và chiêm ngưỡng biến cố Chúa Cứu Thế bước vào trần gian. Nên thời gian trước lễ Giáng sinh mang tính đặc thù của nó là chờ đợi với niềm vui, mong muốn gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên chúa làm người sống giữa chúng ta. Chúng ta thấy ông Dacaria và bà Êlisabét, đặc biệt là Mẹ Maria và thánh Giuse, là những người đầu tiên đã cảm thấy vui mừng khi đối với mầu nhiệm Giáng sinh. Toàn bộ lời hứa trong Cựu Ước được thực hiện với biến cố Con Thiên Chúa, Vị Cứu Tinh giáng trần. Như thế bên cạnh sự chờ mong của các nhân vật trong Thánh Kinh cũng có sự chờ mong của chúng ta nữa... Isaia loan báo: "Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi". Đó là các lời chúng ta thường lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV và cũng là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng hôm nay. Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa "sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai..." ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng: Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai..." Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa. Chân trời ơn cứu độ phổ quát hôm nay nhằm vào đối tượng cụ thể trong lịch sử và thời gian là: Gia Đình Thánh Gia Nazarét, trong đó Đức Maria là đối tượng của lời ngôn sứ, thánh Giuse, người công chính được sứ thần hiện đến trong giấc mơ, và Đức Giêsu Đấng phải đến đã nhận được hai tên: Giêsu, nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ"; và "Em-ma-nu-el", theo Thánh Kinh nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Bước vào Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, người ta có cảm thấy bầu khí nhẹ nhàng và thân thiện của Giáng sinh; máng cỏ được trưng ra với bò, lừa, tất cả sẽ được trang trí ở đó, đưa chúng ta đến gần với máng cỏ đã dọn sẵn. Bằng cách giới thiệu bản văn Tân Ước, Isaia (7,14) chứng tỏ lời hứa đã được thực hiện, hoàn tất lời Thiên Chúa phán qua miệng các tiên tri: 'Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai' (Mt 1,22-23). Vì niềm tin của dân Israel mà lời Thiên Chúa hứa được thi hành. Đó là ý nghĩa đích thực của sự mong chờ trong Mùa Vọng. Thiên Chúa không từ trời xuống, như một giải pháp kỳ bí cho sự tuyệt vọng của con người, Ngài đến để lấp đầy khát vọng từ con tim của Abraham, Isaac, Giacob, và của toàn dân Israel, vì ước muốn này "tin vui mà Thiên Chúa đã hứa qua các ngôn sứ trong Thánh Kinh" (Rm 1,2). Cần phải đón nhận Thiên Chúa đến trong "Thần Khí", nghĩa là như một hồn ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải "theo xác thịt" (Rm 1,3-4). Kết quả là những lời hứa cứu độ phổ quát dành cho dân Do thái do miệng các ngôn sứ loan báo nay hoàn tất trong biết cố Giáng sinh. Không có gì là chiến thắng hết: còn qui chiếu nào đơn giản hơn là một người nam và một thiếu nữ đang sẵn sàng sinh em bé không? Nhưng con trẻ là đối tượng của lời hứa: Thiên Chúa cứu độ nay đến ở cùng chúng ta. "Emmanuel" nghĩa là, "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." Vâng, Người là Thiên Chúa ở trên chúng ta, nhưng hôm nay Người đến ở cùng chúng ta! Người là Thiên Chúa ở với chúng ta trong nhân tính và trong ân sủng của Người, Người ở với chúng ta trong sự yếu hèn của chúng ta và tốt lành của Người, Ngài ở với chúng ta trong đau khổ của chúng ta với tình thương của Người để đưa chúng ta vào trong tình yêu dịu dàng và từ bi của Người đối với chúng ta. Thiên Chúa ở với chúng ta! Tác giả thư Do thái viết: Anh em là con cái Adam đã không thể lên trời ở với Thiên Chúa "Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?" (x. Dt 30,12) Thiên Chúa từ trời xuống là "Emmanuel", Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến nhà chúng ta, chúng ta đến với Chúa để được ở với Người! "Phàm nhân hỡi, cho đến bao giờ lòng vẫn còn chai đá ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối? "(Tv 4:3) Ở đây có sự thật: "Sao lại yêu mến sự hư vô? " Và đây lời chân thật và bền vững: "Tại sao tìm kiếm sự dối trá?" Đây là Thiên Chúa ở với chúng ta. Nhỏ bé như ta, yếu đuối như ta, trần truồng như ta, nghèo khó như ta, trong mọi sự, Người đã trở nên giống tôi, mặc lấy tôi và hiến mình cho tôi. Tôi nằm chết, không có tiếng nói, không có ý nghĩa, thậm trí ánh sáng cũng không còn trong mắt tôi. Hôm nay Thiên Chúa đã hạ mình xuống làm người như ta vậy. Ôi! còn sung sướng và hạnh phúc nào hơn nữa. Thiên Chúa đến cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, sau khi Adam và Eva phạm tội, Người đã tái ôm hôn chúng ta và mở toang cửa dẫn chúng ta tới sự sống đời đời. Thánh Ireneo giải thích rằng "Chính Con Thiên Chúa đã xuống trong một xác phàm giống xác phàm của tội lỗi" (Rm 8,3) để lên án tội lỗi và sau khi đã lên án nó, Ngài hoàn toàn loại trừ nó khỏi loài người. Ngài kêu gọi con người giống chính mình, Ngài làm cho nó bắt chước Thiên Chúa, và dẫn nó đi trên con đường Thiên Chúa Cha đã chỉ, để nó có thể trông thấy Thiên Chúa và ban tặng chính Thiên Chúa Cha cho nó" III, 20,2-3). Ireneo khẳng định rằng: với Chúa Giêsu Hài Nhi, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống Người. Chúng ta thấy Thiên Chúa như Người là. Và như thế Người nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta phải giống Thiên Chúa, và phải bắt chước Người. Thiên Chúa đã tự hiến cho chúng ta, trong tay chúng ta. Thánh Ireneo còn khẳng định như sau: "Ngôi Lời của Thiên Chúa đến ở giữa loài người và làm Con của loài người, để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa quen sống trong con người theo ý Thiên Chúa Cha. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như "dấu chỉ" ơn cứu rỗi của chúng ta, Đấng được sinh ra từ Đức Trinh Nữ, là Emmanuel". Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm Giáng Sinh với lòng biết ơn được canh tân. Amen. 10. Ôi thật diễm phúc vì có Thiên Chúa ở cùng!--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ Theo nguồn tin của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO: World Meteorological Organization) nói hôm Thứ Năm (27/01/2011). Trái đất này đang nóng dần lên, các lớp băng ở Bắc Cực tan thêm và bởi thời tiết cực đoan. Có một số khác lại cho rằng trái đất đang lạnh đi, ngày 06/01/2014 cơn bão Hercules đi qua khu vực phía bắc Mỹ khiến nhiệt độ nơi này xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm -31 độ C ở Chicago, thậm chí đến -60 độ C tại một số thành phố làm 13 người chết, gần 3.000 chuyến bay bị hủy. Ngày 7/1, 50 bang nước Mỹ đều có nhiệt độ dưới 0 độ C vào một thời điểm. Ngay tại Sapa, Việt Nam có tuyết phủ mấy ngày. Số khác trung dung hơn, cho rằng nhiệt độ Trái đất đang thay đổi nóng lạnh bất thường và thay đổi đột ngột một cách bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất chuyển sang mức nóng đỉnh điểm trong chưa đầy 100 năm, khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử. Hôm 2/5, các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn TRAPPIST tại Chile để theo dõi và phát hiện ra ba hành tinh có kích thước giống Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn ở khoảng cách thích hợp, tạo điều kiện cho sự sống phát triển với hy vọng con người có thể sống được ở đó. Tóm lại, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta đi tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn. Về phương diện con người, nạn phá thai đã lến tới mức báo động chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Mỗi năm chỉ riêng Việt Nam đã có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai. Thứ nhất là Sài Gòn, kế đến là Hà Nội, Huế, Cần Thơ... Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc, ấy vậy mà họ đang tiêu hủy sự sống con người. Con người đã dùng vũ khí sinh học giết người hàng loạt để hủy diệt nhau. Có những chuyện chưa từng nghe thì nay đã thấy, như "Bất hiếu với cha mẹ nơi cửa tử bệnh viện" gây nỗi xót xa, tức giận trong cộng đồng, nghĩa là mẹ ốm có thể chữa được, 4 người con của bà có mặt tại viện (trong số tất cả 8 người con) tranh cãi nhau rồi quyết định mang mẹ về chờ chết (Vnexpress,Thứ ba, 27/8/2013). Hay cả năm người con đồng ý với án tử hình bố. Một vài dẫn chứng cụ thể trên cho thấy Trái đất này, con người ngay nay khó sống và khó yêu quá. Trái đất và con người đang như thế, nhưng Đức Giêsu con Thiên Chúa đã đến sống cùng chúng ta, như Isaia loan báo: "Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi". Những lời trên đây được lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV, để khẳng định rằng Trái đất vẫn rất đáng yêu và con người vẫn còn đáng mến. Thiên Chúa đến vì mến địa cầu, Thiên Chúa thương vì tình thương vấn vương khi tạo dựng. Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa: "Sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai…" ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng: Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai …" Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa. Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta, vì Ngài vẫn còn tin tưởng chúng ta!... Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người. Thiên Chúa xuống thế làm người vì chúng ta, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận; chúng ta khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá. Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta. Trên mặt đất này, kể từ khi Người muốn "dựng lều" để cư ngụ, thì không còn ai là kẻ xa lạ nữa. Thật vậy, tất cả chúng ta là những khách lữ hành sống tạm qua trên trần gian này, chính Chúa Giêsu là Ðấng làm cho chúng ta có cảm nghiệm dường như mình đang sống tại nhà mình, trên mặt đất này, nơi được thánh hoá do bởi sự hiện diện của Chúa. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biến trái đất này trở thành căn nhà đón tiếp tất cả mọi người. "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14; Mt 1,23). Các Giáo Phụ đã giải thích. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngài trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng trẻ thơ, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Ngài dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân, ngõ hầu sức mạnh của tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; để phẩm giá của các em được tôn trọng. Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó.... Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta... trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”. Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền... Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta. Amen. Ngày 17 tháng 12 Năm 2022 Bài liên quan CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY Năm C CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-C 03.04.2022 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY Năm C CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ- C 17.04.2022 - CHÚA NHẬT PHỤC SINH Năm C