Cổ vũ ơn gọi “... Bốn giờ chiều” Khi ơn gọi làm cho mỗi giây phút trở nên trọn vẹn Bối cảnh Tin Mừng về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên trở nên kiểu mẫu vì nó chứa đựng những yếu tố thiết yếu nhất trong mọi hoàn cảnh ơn gọi. Mọi vật luân chuyển phải ngưng lại trước lời mời gọi của Thầy Giêsu; các bạn hãy tự đưa ra cho mình những câu hỏi đúng đắn để sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Cuối cùng, những người mục vụ ơn gọi là người luôn đặt trọn ánh mắt vào Đức Giêsu. Tường thuật Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ là một tác phẩm kinh điển về ơn gọi. Trong một cách nào đó, đây là điều không thể lặp lại, trong cách khác thì đây là một khung cảnh gốc thực sự, trong đó người gọi và người được gọi tái khám phá các nguyên tắc cơ bản của mỗi biến cố ơn gọi. Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về phiên bản mà Gioan đưa ra (Ga 1:35-42), người mà sau bao nhiêu năm đã được gọi, vẫn nhớ lại cảnh tượng như thể nó đã xảy ra ngày hôm qua. Đây quả là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. “Đặt trọn ánh mắt vào Chúa Giêsu…” Gioan Tẩy Giả đang ở với hai môn đệ, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ngài chăm chú nhìn Người. Gioan đã chờ đợi Ngài từ lâu như là Đấng cứu thế; ngài chú tâm nhìn Chúa gần như muốn thông nhập vào bí nhiệm của Ngài và không để lạc hướng. Và thánh nhân đã chỉ dạy điều đó cho các môn đệ của mình, để họ cũng bước theo Người. Đó là cao điểm trong sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, hay sứ vụ của người mục vụ ơn gọi. Vậy ai là người biết đặt trọn ánh mắt vào Chúa Giêsu. Đó là người mãi thuộc trọn về Chúa, không chút cậy dựa vào mình, cũng không dựa vào những thứ "của mình". Đây là lý do tại sao người ấy có thể bước đi đúng hướng, mang lại cho họ sự chắc chắn. Ngược lại, biết bao nhiêu lần do thiếu xác tín của người được gọi, diễn tả qua sự thiếu minh bạch và thiếu tự do nội tâm của người mục vụ ơn gọi! “Các anh tìm gì?” Thật khó cho hai người bắt đầu cuộc đối thoại với Đấng Mêsia, và vì thế, chính Chúa Giêsu đã phá vỡ mọi sự do dự bằng một câu hỏi gây bối rối và rất căn bản: “Các anh tìm gì?”. Câu hỏi tầm cở và đúng đắn. Và câu hỏi rất chi là ơn gọi. Bởi vì nó giúp xác minh ơn gọi, nhưng nó cũng có thể làm gợi hứng nên ơn gọi. Đó là một câu hỏi mà không chỉ các nhà giáo dục khôn ngoan đặt cho người trẻ đang trên đường tìm kiếm, mà người trẻ còn phải học cách tự hỏi chính mình trong một cách thức hiệu quả và tự do, để hiểu rằng trong bản thân mình có một nhu cầu ơn gọi, nghĩa là mong đợi một điều gì đó (một người nào đó), điều có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, nhu cầu chọn một thứ gì đó tuyệt vời mà họ xứng đáng đánh cược bằng cả cuộc đời. Bởi vì, không thể tồn tại một người trẻ, người mà chẳng biết đi tìm kiếm sự thật cho chính mình. Thay vào đó, anh ta cần trở nên chân thật với chính mình, và biết đưa ra những lựa chọn mạch lạc, và hạnh phúc với lựa chọn này. Những ai biết học cách đặt câu hỏi này cho mình mỗi ngày, người ấy thực sự sống tốt hơn. “Thầy sống ở đâu?” Đây là câu trả lời-câu hỏi của hai người môn đệ Gioan. Câu này không nhằm mục đích tránh sự trêu chọc của Thầy Giêsu; nhưng nếu có bất cứ điều gì, họ ấy muốn khẳng định mạnh mẽ rằng chính Thầy Giêsu là người mà họ đang tìm kiếm, đây không phải như một chân lý trừu tượng và lý thuyết, mà là một con người, là lời nói, một lối sống, một mối quan hệ giữa các cá nhân, một tình gia đình... Đây cũng là một câu hỏi về ơn gọi, câu hỏi này đặt ra cho mọi người được gọi. Khi chúng ta hỏi Chúa: Thầy sống ở đâu, cũng chính là lúc chúng ta tìm kiếm cho chính mình một hướng đi đúng đắn, đây không phải là đi tìm kiếm một bậc sống, nhưng là một mối tương quan, một tình thân mật, một khuôn mặt..., để tìm thấy chính mình trong mối tương quan ấy, trong tình thân mật, và nơi khuôn mặt ấy. Khi một người thốt lên câu hỏi – lời cầu nguyện như thế này đến với Chúa, không thể nào những lời này lại không được Chúa lắng nghe. “Hãy đến mà xem” Không có những bài thuyết trình dài dòng và những giờ đối thoại kéo dài đến hai giờ sáng để làm sáng tỏ, chứng minh, thuyết phục..., như thường thấy trong các buổi định hướng ơn gọi cho nhóm nhỏ hay cá nhân. Nhưng đây là một lời mời gọi để trải nghiệm, để tham gia với tất cả con người của mình vào một thực tế nhất định, để thử một cuộc sống khác, với các thước đo và tiêu chí hành động khác. Bởi vì, chỉ khi bạn cảm nhận được một sự lôi cuốn hấp dẫn nào đó trong tất cả sức mạnh quyến rũ, chỉ khi đó bạn mới có thể khám phá ra căn tính mới giống như căn tính đích thực nhất của mình. Chừng nào chúng ta còn trong tình trạng lý thuyết, hoặc chúng ta giới hạn bản thân trong việc giả định và đưa ra các giả thuyết, thì chắc chắn chúng ta vẫn ở trong tình trạng không chắc chắn, và như thế, nếu có lựa chọn họ chẳng thể đưa ra chọn lựa nào chắc chắn. Và đây là điều vẫn xảy ra, ngày nay trong nhiều trường hợp: chúng ta tiếp tục tạo ra một lối mục vụ ơn gọi lý tưởng và trừu tượng, không liên quan nhiều và thậm chí ít mang tính trải nghiệm-hiện sinh, và không phải vì chúng ta thiếu khả năng tiếp cận một loại môi trường chắc chắn (vì vậy chính xác phải được gọi "đến và xem" là một trải nghiệm), nhưng bởi vì trải nghiệm này thường chỉ là một phần và theo từng giai đoạn, dù phi thường (chẳng hạn như đi tình nguyện ở Châu Phi), hoặc hời hợt và mang tính khái niệm, dầu trải qua vô số so sánh (với cha thiêng liêng hay nhà tâm lý học), nhưng đó không phải là kinh nghiệm nền tảng, một kinh nghiệm hoán cải đắt giá trong đời! “Họ đã đi đến ... và thấy ... và ở lại với Ngài” Đây là ba động từ ơn gọi, có lẽ cũng chuyển tải ý nghĩa của sự biến đổi này và tính cách cụ thể của nó: “đi đến”, như một sự thay đổi địa điểm nội tâm và nếu cần thiết, nó như một sự từ bỏ bề ngoài; "nhìn thấy", như một diễn tả sự thay đổi quan điểm về bản thân và cuộc sống, về những gì quan trọng và những gì thể hiện căn tính chính yếu của một người; "ở lại", như một cách tạo sự ổn định cho tất cả, đối lập với việc chỉ cần biết thông tin, nhìn sơ qua rồi quay đi, một dạng thức đánh rồi bỏ chạy, hoặc chỉ tiếp xúc ảo trên mạng, nhưng việc quyết định ở lại và ở lại với Thầy, Người mà có thể mặc khải cho tôi biết rõ chính mình; quyết định chọn cắt đứt dòng xoáy chạy đua để có, những cuộc chạy đua để làm, để có thể lắng nghe những lời của cuộc sống, những lời mà trong đó câu chuyện đời tôi đang ẩn chứa, những điều mà chỉ có Ngài, Chúa của sự sống, mới có thể thổ lộ... “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” Thánh Gioan viết đoạn văn này khoảng sáu mươi năm sau cuộc gặp gỡ, nhưng ngài còn nhớ thời gian. Đây giống như một cuộc gặp gỡ quyết định đã thay đổi cuộc đời và căn tính của ngài. Khi một người gặp Chúa, trong thực tế, người ấy cũng tìm gặp được chính mình, hoặc khi bước ra khỏi cuộc gặp gỡ, họ trở nên khác với trước. Đó trở thành sự thật. Quả thế, một mầu nhiệm của sự hiệp thông của căn tính bắt đầu hình thành, một cách không thể cưỡng lại giữa Thầy và môn đệ. Thiên đàng đã bàn thảo về những cái tên chỉ có Chúa mới biết, những tư tưởng Ngài biết từ muôn thuở. Và trong một thời khắc chính xác cho một thụ tạo, bạn cũng tỏ lộ khuôn mặt của mình. Ơn gọi là thời khắc chính xác đó: bốn giờ chiều hồng phúc... Lm. Phê-rô Hoàng Văn Đồng, RCJ (Dịch theo: Amedeo Cencini, Vangelo Giovane, il mistero della chiamata e della risposta mancata, Rogate, 2010) Ngày 21 tháng 4 Năm 2023 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI