Cổ vũ ơn gọi Đi tu để hiến thân hay tiến thân? Cách đây mấy ngày, tôi nhận được thông báo về việc thi đậu vào Chủng viện của hai bạn trẻ quen biết. Tôi mừng cho hai bạn ấy vì ước mơ bấy lâu nay của hai bạn giờ đã thành hiện thực. Tôi cũng thầm tạ ơn Chúa vì đã gọi hai bạn ấy trên bước đường dâng hiến. Bởi lẽ ơn gọi là do Chúa ban tặng chứ không do nỗ lực của con người. Lục lọi trong ký ức, tôi nhớ lại những lời chia sẻ của hai bạn trẻ ấy về lý do chọn đời tu. Cả hai đều có chung lý tưởng là muốn được hiến thân mình trong đời tu để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân cách triệt để hơn. Một lý do thật đẹp và thật tuyệt vời, hợp với điều Chúa Giêsu đã nói “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Với lý do đó, đời tu thực sự là để hiến thân mình, biến bản thân mình thành khí cụ của Thiên Chúa trong việc phục vụ Người và đồng loại, đặc biệt là những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng. Và vì lý tưởng đó, tiền bạc, vật chất hay bất cứ cái gì trần tục này đi chăng nữa cũng không còn quan trọng với người đi tu. Giờ đây người tu sĩ hay linh mục cũng không còn sống cho chính mình nữa nhưng họ sống cho Chúa như lời thánh Phaolô nói “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi”. Không khó để chúng ta có thể tìm thấy những tấm gương hiến thân phục vụ như thế nơi các tu sĩ và linh mục, đặc biệt là những người nhà truyền giáo ở các thế kỷ trước. Đó là cha Giêrônimô Liêm, cha Cuenot Thể, cha Retord Liêu, cha Đắc Lộ… Quả thật, các ngài đã dám từ bỏ gia đình thân yêu và quê hương văn minh, giàu sang của mình ở trời Tây để đến với vùng đất lạc hậu, nghèo nàn, xa xôi như Việt Nam. Các ngài biết và sẵn sàng chấp nhận những đau đớn, hiểm nguy trước mắt để làm chứng cho Chúa và phục vụ đồng loại nơi phương xa. Với các ngài, đi tu là để hiến thân mình phục vụ Chúa và tha nhân. Thế nên, các ngài xem những đau khổ và cái chết là chuyện nhỏ so với việc làm chứng cho Chúa và phục vụ tha nhân. Không riêng gì các vị truyền giáo, những tu sĩ, linh mục Việt Nam cũng luôn ý thức việc hiến thân mình trong đời tu. Tỉ dụ như cha Anrê Trần An Dũng (Lạc), cha Phanxicô Trương Bửu Diệp… Các ngài không ham đòi danh vọng, lợi lộc hay quyền uy nhưng một mực hiến thân mình. Thế nên, các ngài đã chấp nhận cái chết để bảo vệ đức tin, bảo vệ đoàn chiên mà Chúa đã trao cho mình. Có một điều chắc chắn rằng ngày nay cũng không hiếm những tu sĩ, linh mục đang âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân một cách không mệt mỏi. Các ngài từng ngày, từng ngày đang mang vào mình “mùi chiên”. Thế nhưng, bề nổi của một số bộ phận sống đời tu đã làm cho đời tu được hiểu theo một nghĩa khác. Nghĩa là nó làm cho nhiều người cảm tưởng ngày nay đi tu để tiến thân hơn là hiến thân. Nguyên do chỉ vì xem vật chất quý hơn đời sống khó nghèo, danh vọng hơn khiêm tốn, được phục vụ hơn phục vụ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng lý do ban đầu của hầu hết người tu trì khi bước vào đời tu là để hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân như trường hợp hai bạn trẻ nói trên. Và lý do này vẫn mãi in sâu trong cõi lòng người tu trì. Dù rằng với thời gian và hoàn cảnh, lý tưởng này có thể dần dần bị che mờ bởi những nhu cầu rất con người. Thế nên điều quan trọng nhất người tu trì cần nơi những người khác là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện để người tu trì kiên trung trong ơn gọi của mình. Lời cầu nguyện để người tu trì luôn ghi nhớ và sống theo lý tưởng ban đầu của đời tu. Khắc ghi và sống theo lý tưởng ban đầu là điều cần thiết với người tu sĩ và linh mục. Xin được mượn lời bài hát “Xin giữ con” để kết thúc và cũng để nhắc nhở bản thân hãy luôn bắt đầu lại và cố gắng sống với lý tưởng đời tu của mình: “Xin giữ con để con phụng sự Chúa. Con phụng sự Chúa trong suốt đời con, dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường. Xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi thất vọng, dù khi mỏi mòn con vẫn cậy trông…Xin giữ con để con vì người thế, loan truyền danh Chúa cho khắp mọi nơi. Dù chết cho Người dù chết cho đời. Xin giữ con hiên ngang vì Nước Trời.” (Nguồn: Giáo phận Bùi Chu) Ngày 11 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI