Cổ vũ ơn gọi Gặp Chúa trên đường Nhận ra Chúa hiện diện bên chúng ta là điều không dễ tí nào. Ngay cả các môn đệ, những người đã từng sống chung với Người một khoảng thời gian dài cũng không ngay lập tức nhận ra Người. Không biết có điều gì thay đổi về vẻ bề ngoài của Giêsu hay không nhưng rất nhiều người, dù có một tương quan gắn bó rất chặt chẽ với Chúa cũng không thể nhận ra Người sau khi người sống lại từ cõi chết. Đầu tiên là bà Maria Madalena. Buổi sáng ngày đầu tuần, bà cùng một số phụ nữ khác kéo nhau ra mộ, dự định là sẽ dùng dầu thơm để xức xác Chúa, nhưng không thấy xác Chúa đâu. Bà đứng bên ngoài mà khóc, vì ngỡ là người ta đã nhẫn tâm mang xác Chúa đi giấu ở đâu rồi. Thầy Giêsu hiện ra đứng sau lưng gọi tên bà, bà cứ ngỡ là người làm vườn. Mãi đến khi Giêsu gọi bà bằng cái tên thân thương, bà mới sực nhận ra đó là Chúa. Hai môn đệ Emmaus cũng vậy. Họ đang lê bước về quê nhà sau một thời gian rong ruổi theo Chúa. Cái chết của Thầy dường như là một cú sốc rất lớn với họ. Họ liên hồi bàn thảo với nhau những chuyện liên quan đến Người. Giêsu bước tới, giả vờ hỏi han. Họ chẳng hề nhận ra, còn trách “người khách lạ” sao vô tâm với những chuyện động trời vừa xảy ra ở Giêrusalem trong những ngày vừa rồi. Thấy họ vẫn còn mê muội chưa hiểu chuyện gì, Giêsu lên tiếng dạy dỗ họ, giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh và những lời tiên tri nói về Đấng Mêsia. Lòng họ như bừng cháy, nhưng vẫn chưa nhận ra. Cho đến khi Giêsu được họ mời vào nhà và làm những cử chỉ hệt như trước kia là bẻ bánh trao cho mọi người, họ mới nhận ra người đã đồng hành với mình từ chiều đến giờ là Thầy Giêsu chí thánh. Tại bờ hồ Tiberia cũng vậy. Suốt một đêm cực nhọc đánh cá, các tông đồ, dù là những người tay ngư phủ cừ khôi một thời, chẳng bắt được con cá nào. Khi ngày vừa lên, họ mỏi mệt chèo chiếc thuyền vào bờ trong tâm trạng của những người thất bại. Bỗng đâu xuất hiện trên bãi biển một người đàn ông lạ mặt, hỏi han các ông về thành tích lao nhọc của đêm qua. Họ thật thà trả lời là mình tay trắng mà không hề nhận ra người hỏi đó là ai. Nghe theo lời chỉ dẫn của người này, họ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền như một hy vọng cuối cùng, vớt vác được chút đỉnh. Quả nhiên, mẻ cá thu được mới kinh khủng làm sao. Mọi người tất bật lo kéo lưới để thu lượm cá bắt được, thì chỉ có một người trong số đó nhận ra chính Thầy là người đang đứng trên bờ hồ kia. Các bạn trẻ thân mến, Nhận ra Chúa hiện diện bên chúng ta là điều không dễ tí nào. Ngay cả các môn đệ, những người đã từng sống chung với Người một khoảng thời gian dài cũng không ngay lập tức nhận ra Người khi Người hiện đến, huống gì những con người xa lạ như chúng ta. Chúa Giêsu đã phục sinh, và chắc là sau khi phục sinh, Ngài vẫn là Ngài, nhưng cũng có gì đó khác trước. Cuộc sống với biết bao khó khăn che khuất đôi mắt của ta bằng những giọt lệ buồn như Madalena, bằng những tranh luận như hai môn đệ Emmaus hay bằng những chán chường, thất vọng như các tông đồ, khiến ta không còn nhìn thấy Chúa hiện diện ngay bên chúng ta. Những tư tưởng buồn lại nối tiếp tư tưởng buồn. Hễ cứ gặp một chuyện không vui là ta tiếp tục suy diễn ra những hoàn cảnh khác tệ hại hơn, khiến cho tâm trí ta chỉ toàn những hố sâu của u buồn và chán nản. Chúa ở ngay đó, nhưng có mấy khi ta nhận ra Người. Maria Madalena đã được Chúa gọi đích danh mình bằng giọng nói thân quen ngày nào. Nhờ thế mà bà như bừng tỉnh và được giải thoát khỏi những giọt nước mắt tang thương. Các môn đệ Emmaus thấy Chúa nơi những lời giáo huấn tuyệt diệu thiêu đốt tâm tư và cử chỉ bẻ bánh mà Người vẫn hay làm. Còn các tông đồ thì nhận ra Người qua phép lạ mẻ cá. Ngày đầu tiên khi Giêsu kêu gọi Phêrô, Ngài cũng thực hiện một phép lạ tương tư như vậy. Làm từ không ra có, hóa ít ra nhiều, chỉ có thể là Thầy Chí Thánh của mình mà thôi. Chúa sẽ để lại những dấu chỉ để người ta nhận ra Ngài. Hai người yêu nhau luôn có những ký ức về nhau mà chỉ cần nhìn hay nhớ đến ký ức ấy, là trọn vẹn hình ảnh của người kia sẽ được nhận ra. Đối với chúng ta, có lẽ Chúa cũng để lại muôn vàn dấu ấn như thế để ta có thể nhận ra Người. Hình ảnh về Người là hình ảnh của những người nghèo đang cần hơi ấm, cần chút cơm. Hình ảnh về Người là hình ảnh của những người đi tha hương cầu thực, của những ông già bà lão bơ vơ, hình ảnh của những em bé ngây thơ thiếu thốn tình cảm, nơi những bệnh nhân hay những người bị gạt ra bên lề cuộc sống. Người ta sẽ nhận thấy Chúa trong ta khi ta cũng biết gọi tên người khác bằng một giọng ấm áp yêu thương, khi ta biết dùng những lời dịu ngọt để vỗ về những con tim khô cứng, biết sống một cuộc đời sẻ chia, nâng đỡ, biết an ủi người khác và làm gia tăng những niềm vui nho nhỏ của mọi người. Các bạn thân mến, giữa các bạn và Giêsu có dấu hiệu gì của riêng nhau không để khi bạn nhìn vào đó, bạn có thể gặp được Giêsu? Có một ký ức nào về Giêsu hằn in trong trái tim bạn không? Giêsu vẫn đang ở đó, chờ đợi bạn đến gặp Người. Pr. Lê Hoàng Nam, SJ Ngày 13 tháng 4 Năm 2023 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI