Cổ vũ ơn gọi HẠT GIỐNG ƠN GỌI Ơn gọi là gì? Làm sao để biết chúng ta có ơn gọi dâng hiến? Nuôi dưỡng ơn gọi dâng hiến như thế nào? Trong đời sống của người Kitô hữu, cứ mỗi khi nhắc đến hai từ “ơn gọi” là hầu như mọi người đều nghĩ đến những người đi tu làm linh mục, sơ và thầy, nhưng rất ít người biết hai từ “ơn gọi” được dùng diễn tả chung cho ơn gọi gia đình, ơn gọi độc thân và ơn gọi dâng hiến. Trong niềm tin của người Kitô hữu, Thiên Chúa đã biết và chúc phúc cho mỗi người chúng ta ngay từ khi hình thành trong dạ mẹ như ngôn sứ Giêrêmia đã diễn tả: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi.” (Gr 1:5). Thiên Chúa luôn chúc phúc cho mỗi người và Ngài cũng gieo vào mỗi người hạt giống ơn gọi khác nhau. Tùy thuộc vào sự lựa chọn và nuôi dưỡng ơn gọi mà hạt giống sẽ nảy mầm và phát triển mang lại hoa quả niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người chúng ta như: ơn gọi độc thân, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến. Trong các ơn gọi thì ơn gọi dâng hiến là đặc biệt nhất vì đó là sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa và dấn thân làm việc trong cánh đồng của Ngài. Nhưng làm thế nào để mình biết là mình có ơn gọi dâng hiến và làm thế nào để nuôi dưỡng ơn gọi của bản thân? Chúng ta không thể nhận biết về ơn gọi dâng hiến của chúng ta trong một sớm một chiều nhưng phải trải qua những trải nghiệm trong cuộc sống về đức tin, qua sự khuyến khích và ủng hộ của gia đình, giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội và cách riêng là niềm khao khát xuất phát trong mỗi người chúng ta. Do đó, hạt giống ơn gọi sẽ nảy mầm và phát triển trong mỗi người chúng ta mà môi trường đầu tiên cho hạt giống ơn gọi nảy mầm là gia đình. Gia đình là cái nôi cho con cái lớn lên trong đức tin thông qua sự chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ được nhấn mạnh trong hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium: “Trong gia đình như là Giáo Hội tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.” Gia đình đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của con cái và là nơi giúp con cái nuôi dưỡng ơn gọi. Tôi còn nhớ những gì tôi học về sống đời sống đức tin qua các câu kinh hay tham dự thánh lễ đều bắt nguồn từ gia đình và các thành viên trong gia đình. Chỉ là những câu kinh đơn giản như cách làm dấu, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh nhưng được tôi lập đi lập lại cùng với gia đình trong những giờ cầu nguyện trước bữa ăn hay là đi tham dự thánh lễ cùng với các anh chị em của tôi vào Chủ Nhật, kể cả các ngày trong tuần. Tôi đã không biết rằng, với những hành động nho nhỏ này đã nuôi dưỡng đức tin và ơn gọi của tôi ngay trong gia đình cho dù hồi đó tôi chưa biết tí gì về ơn gọi. Từ những câu kinh đơn giản và việc tham dự thánh lễ hằng ngày lại giúp ích cho đời sống đức tin, cách riêng là nuôi dưỡng ơn gọi trong tôi không biết từ khi nào. Đôi khi vì lười biếng, tôi thật sự không muốn đi lễ ngày thường nhưng tôi được cha mẹ đốc thúc đi tham dự thánh lễ hàng ngày. Hơn thế nữa, Gia đình không chỉ là nơi sum họp cho các thành viên trong gia đình qua những bữa tiệc hoăc qua các sự kiện, nhưng gia đình còn là nơi quy tụ mọi người lại để cầu nguyện chung với nhau. Cầu nguyện không chỉ để xin ơn nhưng cầu nguyện còn để dâng lên Chúa lời chúc tụng và tạ ơn. Cầu nguyện cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta nuôi dưỡng đức tin ngoài việc tham dự thánh lễ. Bên cạnh đó, trong tông huấn Familiaris Consortio về bổn phận của gia đình Kitô hữu, Thánh Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã nhấn mạnh về bổn phận và vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc hướng dẫn, giáo dục, khuyến khích và thực hành trong cầu nguyện: “Các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài.” Gia đình là nơi dạy tôi biết cầu nguyện qua các giờ đọc kinh chung của gia đình. Có những lúc tôi cảm thấy lười biếng và tìm đủ mọi lý do để không phải đọc kinh chung với gia đình. Nhưng qua những lời nhắc nhở, khuyên răn của ba má, tôi đã từ bỏ những lý do không thích đáng để tham gia đọc kinh với gia đình. Những giờ kinh chung của gia đình đã dạy cho tôi sự yêu thích cầu nguyện và nhận ra tầm quan trọng trong cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ để nuôi dưỡng đức tin nhưng còn nuôi dưỡng hạt giống ơn gọi trong tôi. Việc cầu nguyện chung với gia đình còn giúp tôi thuộc nhiều kinh khác và cảm nhận được sự ấm ám, vui vẻ, và bình an khi đọc kinh chung với các thành viên trong gia đình. Đôi khi chính môi trường cầu nguyện trong gia đình đã tác động, ảnh hưởng và âm thầm chăm sóc, nuôi dưỡng hạt giống ơn gọi trong tôi mỗi ngày mà tôi đã không hay biết. Việc thực hành đời sống đức tin của cha mẹ là chứng tá sống động và ảnh hưởng lớn đối với đời sống đức tin của con cái. Cha mẹ không chỉ dạy những điều hay lẽ phải nhưng cha mẹ còn phải là những mẫu gương trong việc thực hành những gì mà cha mẹ dạy cho con cái để cho con cái nhận thức rằng: những lời dạy của cha mẹ không chỉ là lời dạy suông, nhưng còn được thực hiện qua hành động như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã đề cập trong tông huấn Familiaris Consortio về bổn phận của gia đình Kitô hữu về đời sống chứng tá của cha mẹ: “Chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái.” Đời sống chứng tá của cha mẹ rất quan trọng, đặc biệt trong giáo dục đức tin và nuôi dưỡng ơn gọi của con cái. Con cái sẽ noi theo khi con cái thấy cha mẹ chúng thực hành những gì đã dạy. Trong gia đình tôi, ngoài việc cha mẹ dạy tôi các câu kinh. Cha mẹ còn đồng hành với tôi và các thành viên khác trong gia đình trong các giờ đọc kinh. Cho dù có lúc vắng cha hay mẹ vì công việc thì tôi vẫn có thói quen đọc kinh với các thành viên khác trong gia đình. Có khi tôi còn được nhắc nhở và khuyến khích đọc kinh từ các anh chị trong gia đình. Đời sống chứng tá là gương sáng cho những hạt giống ơn gọi phát triển trong tôi. Qua những chứng tá sống động đó, tôi nhận ra rằng cha mẹ không chỉ dạy tôi những lời kinh mà còn tạo cho tôi một trường thực hành qua các giờ đọc kinh chung của gia đình như cầu nguyện trước bữa ăn và các giờ kinh tối của gia đình. Ngoài ra còn tập cho tôi thói quen biết cầu nguyện một mình khi không có ai như đọc kinh trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy…. Bên cạnh việc khuyến khích và nuôi dưỡng ơn gọi xuất phát trong gia đình thì giáo xứ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ơn gọi. Qua những hoạt động trong giáo xứ cũng mang đến cho thiếu nhi và giới trẻ một môi trường nuôi dưỡng đức tin và ơn gọi, cách riêng là ơn gọi dâng hiến. Hình ảnh các linh mục hiền lành, thánh thiện và hòa đồng với thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ cũng phần nào khuyến khích ơn gọi trong các em. Đặc biệt hơn là khi các linh mục luôn tạo mọi điều kiện cho các em nhận định và phát triển ơn gọi trong giáo xứ và giáo phận như các lớp ơn gọi hay là nhóm lễ sinh. Đức Thánh Giáo Hoàng Phao Lô VI, trong sắc lệnh về đào tạo linh mục optatam totius, đã từng đề cập đến vai trò của các linh mục là khơi nguồn cảm hứng và vun trồng ơn gọi qua đời sống chứng tá của linh mục. Ngài nói: “tất cả các linh mục phải nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để vun trồng thật nhiều ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn người trẻ đến với chức linh mục, bằng đời sống khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục.” Giáo xứ không chỉ là địa điểm quy tụ người Kitô hữu đến để tham dự thánh lễ, nhưng giáo xứ cũng là nơi giúp cho những người Kitô hữu nuôi dưỡng đức tin qua các buổi học giáo lý và các hoạt động sinh hoạt đức tin, cách riêng đối với thiếu nhi và giới trẻ muốn khám phá và theo đuổi ơn gọi dâng hiến. Mặt khác, sự chăm sóc và vun trồng ơn gọi cũng được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đề cập đến trong ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 48. Ngài đã nhấn mạnh: “mỗi Giáo Hội địa phương ngày càng phải nhạy cảm và quan tâm hơn đến việc mục vụ ơn gọi, giáo dục ở các cấp độ, gia đình, giáo xứ, hội đoàn, nhất là những người trẻ nam nữ, như Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ.” Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo Hội địa phương luôn dành những sự quan tâm đến việc mục vụ ơn gọi. Mục vụ ơn gọi không chỉ dừng lại ở vai trò của các linh mục ở giáo xứ nhưng mục vụ ơn gọi còn được mở rộng và mời gọi cho tất cả các Kitô hữu trong Giáo Hội tham gia, quan tâm, chăm sóc và vun trồng ơn gọi ở chính nơi chúng ta sinh sống và hoạt động. Cho dù chỉ là những hành động yêu thương nho nhỏ hay những khuyến khích từ những người xung quanh cũng có thể giúp cho thiếu nhi và giới trẻ khơi nguồn cảm hứng về ơn gọi của bản thân. Đối với bản thân tôi cũng vậy, tôi chẳng biết gì về ơn gọi, cũng chẳng biết cuộc sống ơn gọi có vui hay tốt không nhưng qua những lời khuyến khích từ cha mẹ hay anh chị đã làm cho tôi có cảm giác thích thú về đời sống ơn gọi. Có khi chỉ là những lời nói bóng nói gió từ những người xung quanh như đi tu cho khỏe, hay đi tu cho sướng đỡ phải lo lắng, đỡ khổ…… cũng tạo cho tôi sự tò mò tại sao đi tu thì lại sướng mà không phải lo lắng gì. Nhưng giờ tôi nghĩ lại, cho dù đó chỉ là những câu nói vu vơ từ cha mẹ, các thành viên trong gia đình hay người tôi biết đã góp phần vào việc nuôi dưỡng ơn gọi và kích thích sự tò mò muốn khám phá về ơn gọi trong tôi. Hơn thế nữa, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta vô bờ vô bến. Ngài cũng luôn luôn mời gọi chúng ta cộng tác vào kế hoạch yêu thương của Ngài qua cách này hay cách khác. Trong ơn gọi cũng vậy, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở thành chứng tá sống đời sống đức tin qua sự đáp trả trong ơn gọi: ơn gọi gia đình, ơn gọi độc thân hay ơn gọi dâng hiến. Cho dù chúng ta lựa chọn ơn gọi nào đi nữa thì chúng ta hãy luôn can đảm và dám theo đuổi ơn gọi đó với một niềm đam mê khao khát, không sợ sệt mà luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua đời sống chứng tá của chúng ta như Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 55: “Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi – bất luận là đời sống giáo dân trong hôn nhân, đời sống linh mục trong sứ mạng thừa tác, hay đời sống thánh hiến đặc biệt – để trở thành chứng nhân của Chúa, ở đây và bây giờ. Mọi người đều được mời gọi để sống ơn gọi của mình, Đức Giáo Hoàng nói, và không có lý do gì để sợ ơn gọi của Thiên Chúa, ngay cả một đời sống tận hiến vì nước Thiên Chúa. Thật tuyệt vời và ân sủng lớn lao để hoàn toàn và mãi mãi tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em của chúng ta.” Ơn gọi luôn là một chiếc cầu nối giữa chúng ta với Thiên Chúa, giữa chúng ta với mọi người, và giữa chúng ta với thiên nhiên. Đời sống của chúng ta chỉ trở nên hạnh phúc khi chúng ta dám thực hiện và dám cho bản thân cơ hội trải nghiệm, đặc biệt là ơn gọi dâng hiến. Ơn gọi là một lời mời gọi và là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Hãy luôn can đảm dấn thân theo đuổi, nuôi dưỡng ơn gọi và trân trọng ơn gọi trong chúng ta, đừng để sau này phải hối hận vì những gì chúng ta đã đánh mất như Thánh Hannibal Mary Di Francia đã đề cập đến trong tuyển tập những lá thư của ngài: “Ơn gọi của chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, chúng ta phải biết trân trọng và nuôi dưỡng ơn gọi. Nếu không chúng ta sẽ hối hận và trở nên lo lắng, buồn phiền vì để đánh mất nó.” Tác giả: Lm. Phaolô Trần Đức Chính, RCJ Ngày 18 tháng 4 Năm 2024 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI