Cổ vũ ơn gọi Kinh Lạy Cha và Lời Cầu Nguyện “Hãy Xin” Lời cầu nguyện tuyệt vời nhất chắc chắn là lời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, chính là Kinh Lạy Cha. Do đó, khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta cần chú tâm đến những lời thiêng thiêng và các ý nguyện chứa đựng trong lời kinh này. Giải thích ngắn gọn Có nhiều cách diễn giải tuyệt vời về Kinh Lạy Cha trong các sách thiêng liêng khác nhau, và việc tìm hiểu, ghi nhớ chúng khi cầu nguyện là điều đáng quý. Chắc chắn rằng chúng ta đều biết lời kinh này, và dưới đây là lời giải thích ngắn gọn: “Nguyện Danh Cha cả sáng”: Nghĩa là, lạy Chúa, xin cho Danh Ngài được mọi dân tộc biết đến, yêu mến và chúc tụng. “Nước Cha trị đến”: Nghĩa là, lạy Chúa, xin cai trị tâm hồn chúng con bằng ân sủng của Ngài, và loại bỏ mọi tội lỗi. “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”: Nghĩa là, lạy Chúa, xin tha thứ những lỗi lầm chúng con đã phạm đến Ngài, như chúng con tha thứ những người xúc phạm đến chúng con. (Đây là một bài học tuyệt vời!) “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”: Nghĩa là, lạy Chúa, xin ban sức mạnh và sự trợ giúp để chúng con không chiều theo những ham muốn xác thịt (gây hại cho linh hồn), cũng như không sa vào những cám dỗ của ma quỷ, kẻ luôn tìm cách xúi giục chúng con phạm tội. “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”: Nghĩa là, lạy Chúa, xin giải thoát chúng con trước hết khỏi tội lỗi – điều ác lớn nhất, khỏi sự hư mất đời đời, và khỏi những đau khổ trong cuộc sống hiện tại. Bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng Tertulliano, người đầu tiên bình luận về Kinh Lạy Cha trong tác phẩm De oratione, viết vào cuối thế kỷ II, khẳng định rằng lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy là “breviarium totius evangelii – bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt vời, vì nó bao hàm tinh thần cầu nguyện cho “những thợ gặt tốt lành” một cách ngầm định, nhưng không nêu rõ ràng. Trong khi đó một cách rõ ràng, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cầu nguyện để xin cho có nhiều thợ gặt tốt lành: “Messis multa quidem, operarii autem pauci. Rogate ergo Dominum messis ut mittat operarios in messem suam – Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38). Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin: “Xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”. Vậy sự dữ nào lớn hơn sự thiếu vắng các linh mục tốt lành? Chúng ta cũng cầu: “Xin tha nợ chúng con”. Nhưng làm sao tội lỗi chúng ta được tha nếu không có các linh mục? Chúng ta xin Chúa ban cho “lương thực hằng ngày”, và lương thực này trước hết là Thánh Thể! Làm sao chúng ta có được “bánh các thiên thần” nếu không có linh mục? Và để có được các linh mục, Chúa Giêsu đã dạy Giáo Hội: “Rogate ergo Dominum messis ut mittat operarios in messem suam - Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mát-thêu 9,38). Chúa Cha lắng nghe chúng ta Chúng ta không biết cách cầu nguyện, và vì lý do đó, Chúa Giêsu đã đến để giúp chúng ta vượt qua sự thiếu hiểu biết này (x. Rm 8,26) và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện. Ngài không chỉ dừng lại ở việc dạy chúng ta cầu nguyện một cách chung chung, mà còn truyền đạt những lời cụ thể để chúng ta dùng khi hướng về Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài đã sáng tạo nên lời kinh cao cả của Kinh Lạy Cha (Lc 11,2). Lời kinh này chứa đựng những lời xin ơn mà Thiên Chúa không thể từ chối chúng ta. Làm sao Người có thể từ chối? Người sẽ từ chối trao Nước Người cho chúng ta? Người sẽ từ chối thực hiện ý muốn của Người? Người sẽ từ chối ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, v.v.? Thay vào đó, chúng ta cần phải điều chỉnh những ước muốn và những lời cầu xin của mình theo những gì chúng ta đã thưa trong Kinh Lạy Cha. Có ích gì khi tạo ra hàng ngàn ước muốn và nhiều khát khao khác nhau, v.v.? Chẳng phải tất cả đã được bao hàm trong lời cầu xin với Thiên Chúa rằng ý Người được thể hiện, chúng ta được giải thoát khỏi sự dữ, v.v.? Vậy tại sao chúng ta lại lạc vào những mong muốn không phù hợp với lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy? Như những đứa trẻ Hãy nhìn xem, sự thiếu hiểu biết và những lợi ích nhỏ nhoi mà chúng ta tìm kiếm đã dẫn chúng ta đến đâu! Chúng ta thường đọc Kinh Lạy Cha để xin những điều không tốt; nhiều lần chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Mân Côi và nhiều lời cầu nguyện khác, nhưng không phải để xin điều được nói trong lời kinh, mà là để đạt được điều chúng ta mong muốn bằng mọi giá! Chúng ta mong ý muốn của mình được thực hiện hơn là cầu nguyện để ý Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta giống như những đứa trẻ la hét đòi những thứ mình muốn mà không nghĩ rằng những điều đó có thể gây hại cho mình. Tuy nhiên, một người cha yêu thương sẽ không bao giờ ban cho con mình những gì có thể làm nó bị tổn thương. Nếu một đứa trẻ đang ốm mà muốn ra ngoài đi chơi thì chắc chắn người cha sẽ không cho phép; hay nếu nó bị ốm mà đòi ăn những thức ăn không lành mạnh thì người cha sẽ từ chối. Thiên Chúa cũng giống như vậy đối với chúng ta; chúng ta như những đứa trẻ, thường than khóc, xin xỏ những điều có thể làm hại linh hồn chúng ta, và Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, sẽ từ chối những điều đó. Uốn nắn những khát vọng Người cầu nguyện phải biết kiên nhẫn, tuân theo ý muốn Thiên Chúa và không xin những điều trái với ý Ngài. Chúng ta xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ nhưng chúng ta lại tự đặt mình vào hoàn cảnh phạm tội. Kinh Lạy Cha giúp chúng ta điều chỉnh mong muốn của mình, nhắc nhở chúng ta rằng không có chiến thắng nếu không chiến đấu, không có Thiên Đàng nếu không nỗ lực trên trần gian. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta Kinh Lạy Cha để uốn nắn những khát vọng của chúng ta; Ngài khôn ngoan từ chối những ơn không hợp lý: mong chiến thắng mà không chiến đấu, muốn được Thiên Đàng mà không phải lao nhọc trên trần thế. Vì thế, khi chúng ta chắp tay cầu nguyện, chúng ta hãy đọc Kinh Lạy Cha vào các buổi sáng và tối; chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật để bước đi trên con đường cứu rỗi đời đời! Nguồn: difrancia.net Chuyển ngữ: Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 10 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI