Cổ vũ ơn gọi Là Linh Mục, Con Hứa Sẽ Trung Kiên Cù Lao Thới Sơn 27.02.2016 Lm FX. Nguyễn Văn Thượng Gp. Mỹ Tho Trong thánh lễ truyền chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi ứng viên: - “Con có muốn trở thành linh mục, cộng tác viên của hàng Giám Mục trong chức linh mục, để phục vụ và dẫn dắt Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?” - “Con có muốn trung thành chu toàn tác vụ Lời Chúa, nghĩa là rao giảng Tin mừng và trình bày giáo lý Đức Tin Công giáo theo truyền thống của Hội Thánh để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo không?” - “Con có muốn mỗi ngày kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, Đấng tận hiến mình cho Cha Người và với Người, thánh hiến con cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người không?” Dĩ nhiên từ ngôn ngữ, và trong tâm khảm mỗi ứng viên hân hoan ưng thuận và hứa vâng phục Đức Giám Mục. Thế rồi tiến chức đến quỳ gối đặt tay vào lòng bàn tay Đức Giám Mục của mình như một lời tuyên thệ phó thác tất cả trong tay Chúa qua Đấng Bề Trên của mình. Rồi cộng đoàn phụng vụ hiệp thông, cả triều thần thánh, và cộng đoàn Dân Chúa trong thánh đường đều dâng kinh hát cầu nguyện cho tiến chức đang nằm phủ phục. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động nhất trong ngày thụ phong linh mục. Thánh Phaolô đã nhận xét về đời sống tông đồ của ngài trong câu bất hủ: “Nay tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20), thì linh mục cũng có thể khiêm tốn tự hào nói lên: “Nay tôi nói và làm, nhưng không còn là tôi, mà Chúa Kitô nói và làm qua tôi”. Tân Linh mục mạnh dạn đứng lên sau khi phủ phục, tự thâm tâm, Chúa đón nhận các ngài rồi, và chính các ngài sẽ diễn tả qua cuộc sống của mình theo gương thánh Phaolô: “Chúng ta sống là sống cho Chúa” (x. Rm 14,8). Phaolô viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. Vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (x. Rm 14,7-9). Nếu Tân chức, trước đây sống cho mình, thì giờ đây, Phaolô cầm tay, dẫn tới tình huống mới, đi vào con đường mới, là không còn sống cho mình nữa, nhưng là sống cho Thiên Chúa. Như khi nhìn ngắm đóa hoa phô sắc trên bàn thờ, người ta dễ quên đi quá trình hình thành của nó. Nếu chúng ta theo dõi cây hoa từ khi mới được ươm trong vườn, nó phải chống chọi với sương nắng, với gió lạnh, đương đầu với khí nóng, phải hút lấy nhựa sống, hô hấp khí trời và thải ra những chất carbon. Tất cả những tiến trình này phải lựa chọn và từ bỏ liên tục mới đi đến thành công, giúp chúng ta đánh giá đúng mức sự quý báu của đóa hoa mà chúng ta đang nhìn ngắm. Sống cho mình là sống như người có nguyên lý riêng để sống, có mục tiêu riêng để sống. Đó là sống tự mình, sống vì mình. Điều này có nghĩa là sống khép kín, giới hạn cho mình mà thôi, chỉ hướng tới việc làm thoả mãn các nhu cầu riêng, hướng tới vinh quang của mình, không có một ý hướng nào về vĩnh cửu hoặc không nhằm tới vĩnh cửu. Còn sống cho Chúa là sống bởi Chúa, sống bằng sự sống phát xuất từ Chúa, sống bằng Thần Khí của Ngài. Sống cho Chúa là sống vì Ngài, vì vinh quang của Ngài. Hoàn toàn ngược lại với cách sống cho mình. Nguyên lý chủ yếu được thay thế: nguyên lý không phải là tôi, nhưng là Thiên Chúa. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Không còn coi mình là trung tâm. Trung tâm giờ đây là Chúa. Ta đặt Ngài làm trung tâm đời mình. Đâu là ý nghĩa của việc bước theo Giê-su trong cuộc hành trình linh mục, hay nói cách khác, hành trình lên Đồi Can-vê hiến tế với Chúa Kitô linh mục, ban phát chính mình, tự hủy mình ra không, ngang qua Thập Giá và Phục Sinh. Trong sứ mạng của mình trên trần gian, Chúa Giê-su đã đi qua khắp các nẻo đường của vùng Đất Thánh. Ngài đã gọi 12 con người đơn sơ để họ cùng ở lại với Ngài, để họ cùng sẻ chia với Ngài trong cuộc hành trình, và để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Ngài đã chọn họ giữa những người đầy lòng tin vào lời Thiên Chúa hứa. Chúa Giê-su mời gọi linh mục tiến vào Giê-ru-sa-lem khi khoác chiếc áo thánh, cầm lấy chén thánh để thực thi chặng cuối của cuộc hành trình này, và trong chặng cuối ấy nó gồm tóm hết mọi hiện hữu của một tân hữu thể - hữu thể Linh Mục, đó là tự trao hiến hoàn toàn, mà không giữ lại gì cho mình, thậm chí mạng sống mình. Trong Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã chia bánh và nâng chén chúc tụng và trao chén “cho các con và nhiều người...”. Con Thiên Chúa được trao cho thừa tác vụ thánh của linh mục. Mình vào Máu của Ngài được trao đến tận tay linh mục, để qua hành vi phục vụ, Chúa Kitô luôn ở cùng dân Người, để Ngôi Hai Thiên Chúa luôn ở giữa thời đại và nhân sinh. Và trong Vườn Dầu, cũng như trong phiên tòa trước Phi-la-tô, Ngôi Lời chẳng hề kháng cự, đã tự trao hiến; Chúa Giê-su là vị Tôi Trung đau khổ mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo, vị Tôi Trung lột trần chính mình cho đến khi chịu chết! (x. Isaia 53,12). Đức Kitô thế nào, linh mục cũng phải sống thế ấy, vác lấy thánh giá làm một với Người. Trên Thập Giá, Chúa Giê-su “là Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Ga-lát 2,20). Thế nên mỗi người linh mục có thể nói: “Chúa Giê-su đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”. Mỗi người linh mục có thể nói tất cả điều này là “vì tôi”. Và, rồi đến lượt tôi, sống như Người để hiến thân “nên mọi sự cho mọi người” (x. 1Cr 9,22). Đây cũng chính là con đường mới cho mọi người được mời gọi thông hiệp vào chức tư tế thừa tác của Con Thiên Chúa. Bước theo Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần bằng cảm xúc của tâm hồn, nhưng bằng mọi hành vi nội tâm, mặc lấy tâm tư của Đức Kitô (x. Pl 2,5-11). Bước theo Chúa Giê-su Linh Mục là ra khỏi chính cái tôi của mình, không còn sống cho chính mình nữa để bước vào cuộc gặp gỡ với những người khác, để bước ra vùng ngoại viên của cuộc đời, để chúng ta tự đẩy mình tiên phong đến với những người cần tiếp xúc với Lòng Thương Xót, trước cả là những người xa xôi nhất, những người bị lãng quên, những người đang cần nhất sự thấu hiểu, niềm ủi an cũng như sự giúp đỡ. Thế giới cồn cào, đau đớn, chia cắt cần lắm sự hiện diện sống động của Chúa Giê-su từ bi và giàu lòng thương xót, đầy tình thương. Đi vào con đường làm linh mục là đi vào trong luận lý của Thiên Chúa, của Thập Giá. Thánh Phaolô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Đó không phải con đường của đau khổ mang tính chuyên nghiệp và thập giá không phải là tột đỉnh của đau khổ mà là tột cùng của tình yêu. Được trao thánh chức Linh Mục là món quà không phải ai cũng nhận được. Đến lượt Linh mục, cũng trao tặng chính bản thân mình, một món quà trao ban sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô cho Dân Chúa. Nói cách khác, Linh mục đi vào trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng và diễn tả sứ điệp ấy bằng chính đời sống của mình. Bước theo Chúa, đồng hành với Đức Ki-tô và ở lại với Người trong chức thánh đòi hỏi một sự “đi ra”: ra khỏi. Khỏi cám dỗ khép mình lại trong khuôn khổ của chính mình và rốt cuộc là khép kín với chiều kích hoạt động đầy sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi ra khỏi chính mình để đến với và ở giữa nhân loại, đã cắm lều ở giữa nhân sinh để mang họ đến với lòng thương xót của Thiên Chúa vốn cứu độ và trao ban niềm hy vọng. Linh mục nếu muốn theo Chúa Kitô và ở lại với Chúa, không được hài lòng với việc ở lại trong tiện nghi, lối sống thụ hưởng, an nhiên cam phận mà phải cùng với Đức Kitô xông pha tìm kiếm những con chiên lạc, con chiên ở xa nhất. Chức Linh mục là ân phúc mà Chúa ban cho thụ tạo của Người để mở cửa các tâm hồn, mở cửa cuộc sống, mở cửa các giáo xứ, các phong trào, hội đoàn, nghĩa là không bao giờ được đóng kín mình sau cổng cao, tường dày của nhà xứ. Chính trong môi trường giáo xứ, các phong trào và hội đoàn, linh mục dầu trẻ hay già đều được mời gọi ra đi để gặp gỡ người khác, đến bên cạnh họ để mang ánh sáng và niềm vui đức tin. Hội Thánh cần các linh mục làm điều này với tình yêu thương và sự dịu hiền của Thiên Chúa, trong niềm tôn trọng và kiên nhẫn, đặt bàn tay, đôi chân, con tim vào việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Chính Thiên Chúa hướng dẫn linh mục và làm cho mỗi hoạt động của linh mục được phong phú. Phần các linh mục là bước theo Chúa với lòng can đảm, mang trong mình tia sáng tình thương Chúa cho bao người gặp gỡ. Diễm phúc thay được nghe bài ca của Isaia, cũng là bài ca cho những người dấn bước theo Chúa mỗi ngày: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (x. Is 56,6-7) Như thế, mỗi linh mục được mời gọi trở thành người trung gian nhờ đó Thiên Chúa Chân Thật sẽ được muôn dân nhận biết. Như vậy, Dân Ngoại cũng sẽ đến thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thánh Giêrusalem và thậm chí từ những người ngoại này, một số sẽ được tuyển chọn để trở thành những tư tế. Vì thế, các linh mục, ngôn sứ của Tân Ước, trong sự hoàn thiện căn tính của mình, sống tận tụy trong sứ vụ Giáo Hội ủy thác, sống liên đới và tìm cách giữ gìn liên đới hiệp nhất của các chi thể trong cùng một thân thể. Do đó, những ai được Đức Kitô uỷ thác cho việc dạy bảo và cai quản cũng như dẫn dắt cộng đoàn hiệp nhất trong việc thờ phượng, phục vụ và yêu thương nhau. Đúng là sứ vụ của linh mục rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Một viên ngọc quý được đặt trong bình sành. Nhưng có Chúa ở cùng, chúng ta không lo sợ. Vì theo sát gót Chúa Giêsu, nên bổn phận chúng ta cũng làm con người tư tế một cách tử tế như chính Đức Kitô. Có nghĩa là làm trung gian giữa trời và đất. Ngày 5 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI