Cổ vũ ơn gọi Những Kẻ Buôn Bán Trong Đền Thờ Ơn gọi không phải "thương mại" Não trạng của một lối mục vụ ơn gọi “trọng thương mại” là chỉ nhắm đến lợi ích, bè phái và chỉ tạo ra đau khổ vẫn đang còn tồn tại, nhưng ơn gọi là thực tại của một hồng ân hoàn toàn nhưng không. Đó là một món quà tuyệt vời từ Đấng Tạo Hóa đến nỗi nó đòi hỏi sự tự hiến hoàn toàn từ những thụ tạo. Câu chuyện về những người buôn bán bị trục xuất khỏi đền thờ như một tình tiết hiếm thấy trong Tin Mừng mà ngang qua đó tiết lộ cho chúng ta về Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nhưng trong trường hợp này dường như rất khác. Rõ ràng là có điều gì ở đây gây chấn động sâu sắc đến sự nhạy cảm của Chúa đến mức gây nên sự tức giận và bực tức, thậm chí là hành động tay chân (lật nhào bàn ghế và hất tung tiền bạc của những người đổi tiền). Điều gì thế? Đó là do thái độ của những người đã biến đền thờ thành “phố chợ”. Đứng trước thảm cảnh này, lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu đối với “nhà Cha” bùng nổ, và chính lòng nhiệt thành này khiến Người trở nên nổi nóng như vậy. Tình tiết này mang lại cho chúng ta những suy tư gì về những người không được gọi? Thiên Chúa không mặc cả Chúng ta không nên nhìn nhận sự kiện dựa theo những gì bản văn thuật lại, nhưng như một lời nhắc nhở về điều gì đó sâu sắc hơn. Cơn giận của Chúa Giêsu bùng nổ dữ dội vì Ngài đặt lại chính trọng tâm của sự thật mà Ngài đến để mặc khải trong thế giới này, sự thật về tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu nhưng không mà con người không bao giờ cảm thấy xứng đáng, để chinh phục, thậm chí không thể lấy làm đối tượng để mua hay bán... Thiên Chúa không phải là đối tượng để ta cảm thấy xứng đáng, Ngài là sự đón nhận. Bởi tất cả như một quà tặng không cân xứng, cường điệu, thậm chí phi logic, vượt sức tưởng tượng của con người. Nếu sự thật này bị lãng quên hoặc bị đánh mất, toàn bộ đời sống Kitô giáo sẽ bị đánh mất. Bởi vì chính sự thật này kích hoạt những sự thật khác, do đó điều này luôn phải đặt trong logic của một ân ban cách nhưng không tuyệt đối: sự sống được ban chẳng phải chính mình xứng đáng, nhưng đó quà tặng đón nhận; chúng ta không xứng đáng với những người khác, nhưng chúng ta đón nhận từ họ; lòng tự trọng của chúng ta không phải do kết quả của những nỗ lực của chúng ta, mà là kết quả của sự tin tưởng triệt để mà Người Khác đã gửi gắm nơi chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta trước và muốn chúng ta hiện hữu hơn là hư không. Bởi thế, chúng ta không tự hiện thực hoá chính mình, mà đó chính là hạt giống do chính Chúa gieo trồng được lớn lên trong chúng ta. Ngay cả ơn gọi cũng là một phần và là dấu hiệu của logic nhưng không này. Thiên Chúa kêu gọi không phải vì con người xứng đáng, cũng không phải vì tương xứng với ơn gọi đối với những khả thể của chủ thể. Tất cả các Lời mời gọi trong Kinh thánh đều tiết lộ điều ngược lại: Đấng Vĩnh cửu gọi những kẻ tội lỗi giữa một dân tộc tội lỗi, và mời gọi họ làm một việc mà con người không thể làm được. Ơn gọi, như đã nói, là điều không thể nhưng Thiên Chúa làm nên có thể. Điều này nghĩa là ơn gọi không xứng đáng cho người đón nhận, nhưng họ đã được trao ban, vì thế người được gọi không được phép cảm thấy mình hơn người khác hoặc coi ơn gọi của mình quan trọng hơn ơn gọi của những người khác . Mục vụ ơn gọi trọng thương mại Và kéo theo là, ngay cả việc quảng bá ơn gọi cũng tuân theo các tiêu chí ơn gọi không bỏ qua logic của một quà tặng. Một logic mời gọi người làm mục vụ ơn gọi phải tôn trọng sâu sắc kế hoạch của Đấng Tạo Hóa dành cho mọi thụ tạo, đồng thời cũng phải tôn trọng sâu sắc mỗi thụ tạo với quyền tự do lựa chọn của nó, điều này dẫn đến, trong mọi trường hợp không thể bị chi phối theo nhu cầu của hội dòng. Thật không may, việc chăm sóc mục vụ ơn gọi theo kiểu “con buôn” vẫn tiếp tục tồn tại, và hoa trái của những ơn gọi đau đớn này chỉ tạo ra nỗi đau chứ không phải ơn gọi… Điều chắc chắn rằng, cần có những hoạt động trong việc cổ vũ ơn gọi và can đảm đưa ra những đề xuất rõ ràng và triệt để, nhưng tất cả chúng ta cùng xác tín rằng Thiên Chúa kêu gọi mọi người, và Ngài sẵn sàng giúp đỡ mỗi người tùy theo hồng ân mà họ đã lãnh nhận. Tiếp đến, toàn thể Hội Thánh phát triển như một nơi được gọi và những người được kêu gọi, các ơn gọi tăng trưởng như một đáp trả luôn mới mẻ của thụ tạo đối với Đấng kêu gọi đời đời, và - chúng ta hãy chắc chắn rằng - cả các ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến cũng sẽ gia tăng. Nhà của Cha Ta Lối diễn tả nghe qua ta thấy ám chỉ ngay đến đền thờ, nhưng qua miệng của Chúa Con, trên hết từ ngữ này ám chỉ đến sự thân mật mà Người đã sống với Chúa Cha từ đời đời. Trong sự mật thiết ấy, Ngôi Lời đã làm cho con người tìm được “nhà” của mình và lắng nghe lại tiếng của Chúa Cha, Đấng luôn yêu thương Ngài và sai Ngài đi loan báo tình yêu ấy cho mỗi thụ tạo. Ơn gọi là sự khám phá lại tình thân mật này, là tìm thấy bản thân mình trong ngôi nhà này, nơi mọi người lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha, của Đấng duy nhất có thể mặc khải cho biết bạn là ai, Ngài muốn mời gọi bạn làm gì, sự thật về bạn; một căn nhà nơi mọi người khám phá ra - giống như Ngôi Lời - rằng mình là một người con được mời gọi để loan báo tình yêu của Chúa Cha. Đây là hành trình hoàn toàn nhưng không, giống như món quà tình yêu mà bạn đã lãnh nhận cách nhưng không. Một lần nữa, không có bất kỳ sự mặc cả nào ở đây. Người được gọi là người “đã tìm được chỗ ở” trong nhà Cha; ơn gọi là được ở trong ngôi nhà này, thật đẹp để tái khám phá lại cội nguồn của chính mình mỗi ngày. Đền thờ của thân xác Khi những người Do Thái - bối rối trước sự bực mình bằng lời nói cũng như thể lý của Thầy Giêsu - xin Người cho một dấu lạ, Chúa Giêsu đã tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Người, Ngài đã mặc khải chính thân xác của Người là đền thờ mới, ngôi nhà mới của Chúa Cha, được “xây dựng lại” trong ba ngày. Những người Do Thái không hiểu, và chúng ta cũng không thể hiểu rõ nếu chúng ta không đọc được trong những lời này một điều gì đó liên quan đến tất cả chúng ta. Nếu người nào được kêu gọi để cư ngụ, giống như Ngôi Lời, trong nhà Chúa Cha, và liên tục nghe Ngài mặc khải cho biết về căn tính của mình, thì ơn gọi của người ấy sẽ càng ngày càng dẫn người ấy tới sự hiến dâng trọn vẹn, tới bản chất của việc hiến dâng triệt để chính mình. Bởi vì điều này và chỉ điều này là ý nghĩa của mọi lời mời gọi đến từ Thiên Chúa. Diễn tả trên như muốn nói rằng, đời sống và con người đích thực của mỗi người sẽ ngày càng trở nên giống thân xác Chúa Giêsu, một đền thờ nơi Chúa Cha làm mới lễ vật của Chúa Con, đền thờ sẽ bị tàn phá theo thời gian, nhưng trong đó là phụng vụ lắng nghe Thiên Chúa – Đấng kêu gọi và cho con người – người hiến thân cho sự sống của thế giới: một phụng vụ ơn gọi. Thật quan trọng và tự nhiên là cơ thể tham gia vào phụng vụ này và trong sự kiện ơn gọi, bởi vì thân xác "xác minh" (nghĩa là làm cho đúng) và đưa ra những kết quả mạnh mẽ với lời xin vâng của con tim và khối óc đối trước lời mời gọi của Chúa, giống như một sự xác tín rằng nó được thiện toàn trong sự cụ thể của một cuộc sống trao ban, trong sự từ bỏ, mặc dù phải trả giá đắt, ngay cả những đòi hỏi chính đáng của thân xác, và nếu cần thiết, có thể can đảm đối mặt với cái chết. Mọi ơn gọi đều được kêu gọi đến tử đạo. Nếu không nó chỉ đơn thuần là một hợp đồng. Thường đi đến thất bại... (Lm. Phêrô Hoàng Văn Đồng RCJ; Dịch theo: Amedeo Cencini, Vangelo Giovane, il mistero della chiamata e della risposta mancata, Nxb Rogate, 2010) Ngày 28 tháng 4 Năm 2023 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI