Cổ vũ ơn gọi Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC Đôi dòng cảm nghĩ Ba mươi năm đời linh mục! Ba mươi năm trải nghiệm đời tông đồ, phục vụ. Ba mươi năm với biết bao nhiêu gặp gỡ, trao đổi. Những gặp gỡ, trao đổi giữa anh em linh mục với nhau. Những gặp gỡ, trao đổi với mọi người, thuộc đủ thành phần: nghèo-giầu, lương-giáo, trí thức-thất học, chức vị-bình dân.Những gặp gỡ, trao đổi với tư cách khác nhau; khi thì là bạn hữu, khi thì là thế hệ đàn anh, đàn em, khi thì là bề trên, khi thì là huynh đệ linh mục. Những gặp gỡ, trao đổi muôn hình muôn vẻ. Lúc thì dễ dàng, lúc lại khó khăn; lúc đạt kết quả, lúc lại thất bại; có khi gia tăng tình nghĩa, có khi tình nghĩa chẳng còn. Tất cả kết tinh lại thành một số suy nghĩ tản mạn. Tất cả đúc kết thành một số kinh nghiệm chia sẻ. Có thể có ích cho chính mình, cho người khác. Cũng có thể là vô ích! Tuy vậy, được suy nghĩ, được viết ra đã là niềm vui! Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên Bài 1 MẪU LINH MỤC HOÀN THIỆN THEO GƯƠNG ĐỨC KITÔ Trong Tin Mừng Mát-thêu, khi dạy môn đệ và dân chúng về yêu thương cả kẻ thù, Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Đâu là mẫu linh mục hoàn thiện theo gương Đức Kitô? Một linh mục kể với tôi về một người bạn khi vừa chịu chức linh mục được một thời gian ngắn. Vị tân linh mục này đã tâm sự với anh: “Nói thực với cậu, làm linh mục với làm thầy khác nhau một trời một vực”. Có thể tân linh mục đó nói về sự phục vụ cao quí trong chức thánh như khi cử hành các bí tích, khi làm việc bác ái, khi đi tìm những con chiên lạc, bỏ Chúa…; cũng có thể vị này nói về sự kính trọng, quyền thế, uy tín, tiền bạc, v.v. Kể từ đó, cùng với sự gặp gỡ những linh mục khác, ở khắp nơi, tôi suy nghĩ nhiều về các linh mục, trong đó, có bản thân tôi cũng là một linh mục, về cách cư xử, lối sống, suy nghĩ và não trạng của anh em linh mục chúng ta. Từ những suy nghĩ, những gặp gỡ, tôi nhận ra có thể có những mẫu linh mục sau đây: 1. Mẫu linh mục ý thức và cố gắng nên thánh. Đa số anh em linh mục chúng ta thuộc mẫu này. Đây là mẫu linh mục mà người ta gặp nhiều nhất. Các linh mục này ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh nhờ thi hành chức vụ linh mục một cách nhiệt thành, tận tuỵ, quên mình. Tuy nhiên, mẫu linh mục này có thể phân biệt thành những mẫu người khác nhau sau: - Thứ nhất là mẫu người ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh, nhưng lại bị trói buộc, bị lôi kéo về phía sau bởi những khuynh hướng xấu, tính xấu, thói quen xấu. Tuy biết, nhưng lại yếu đuối, ý chí bạc nhược, nên không chống đỡ nổi cám dỗ, không vượt qua được những chướng ngại, những thử thách gian nan. Và trong cuộc chiến dai dẳng, trường kỳ này, phần thất bại nhiều hơn là chiến thắng. Nhưng có một điểm tích cực, đó là mẫu người này biết mình, biết thất bại của mình, cũng như biết những chiến thắng ít ỏi của mình. Vì vậy, vẫn có hi vọng một ngày nào đó, với ơn Chúa giúp, họ sẽ vượt qua. - Thứ hai là mẫu người có ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh, với ý chí mạnh, với khuynh hướng tốt, với tính tự nhiên tốt, tuy vẫn tồn tại một số khuyết điểm. Mẫu người này sẽ ngày một tiến triển trên con đường nên thánh. Tuy có vấp váp, trở ngại đó, họ cũng sẽ vượt qua để sống thánh thiện, đạo đức một cách mạnh mẽ. - Thứ ba là mẫu người thánh thiện nhờ luôn ý thức và cố gắng nên thánh mỗi ngày. Đây là mẫu người sống đaọ đức gần như hoàn hảo, tuy đôi khi người khác nhìn vào thấy như là “quá khích”, như là “điên điên”. Mẫu người này hầu như toàn tâm, toàn trí hướng về Chúa, hướng về đời sống siêu nhiên, kết hợp mật thiết với Chúa, không màng chi đến những sự trần thế. Con người họ toả ra xung quanh khí chất của một người “thiêng liêng” mà ai tiếp xúc cũng cảm nhận được. Đây là mẫu linh mục lý tưởng nhất. Thú thực, trong đời tôi, chỉ khi còn bé, lúc mới vào chủng viện, năm đầu tiên, có cảm nhận đó, theo trực giác, trong lần gặp một linh mục người Pháp, đến giảng phòng cho chúng tôi, những cậu bé mới vào chủng viện, bằng tiếng việt trọ trẹ, khó nghe. 2. Mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tốt lành. Mẫu linh mục thứ hai là những linh mục sống theo tính tự nhiên tốt lành. Tôi đã gặp một số linh mục coi xứ, sống chan hoà với giáo dân và mọi người, ăn mặc bình dân, tiền bạc rộng rãi, thương người và sẵn lòng giúp đỡ những người túng thiều, nghèo khổ, không so đo, tính toán. Những linh mục đó cũng không tích luỹ tiền bạc cho bản thân một cách ích kỷ. Có lần tôi hỏi một vị trong số đó: “Cha có làm những việc đó với ý thức là muốn theo gương Chúa Giêsu không? Và để trở thành người mục tử nhân lành như Chúa không? Và có coi đó là những dịp thuận tiện để luyện tập nhân đức, nhờ đó ngày một tiến tới trên con đường thiêng liêng không?” Linh mục đó trả lời là mình không nghĩ tới những điều đó bao giờ. Có thể những linh mục này sống theo tính tốt tự nhiên sẵn có, và tính tốt đó đã phần nào được học tập, được thành hình, nhờ thời gian đào tạo ở chủng viện và thời gian làm mục vụ tại các giáo xứ chăng? Tiếc rằng các linh mục đó không tận dụng cơ hội sẵn có, tính tốt sẵn có, để tiến ngày một xa hơn trên con đường thiêng liêng, nên thánh. 3. Mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tiêu cực. Xin kể ra đây vài câu chuyện tôi đã chứng kiến hoặc nghe kể lại: - Có linh mục kia, dâng thánh lễ như một cái máy, cử chỉ, điệu bộ, lời đọc, ngồi, đứng, đi lại đều rất nhanh, như có ý làm cho xong, càng mau càng tốt. Giáo dân đi dự lễ than: cha xứ của mình dâng lễ vô hồn, không thấy một chút đạo đức, sốt sắng nào. Đây là tính tự nhiên làm gì cũng mau, nhưng chỉ làm cho có lệ, không ý thức về những gì thánh thiêng, siêu nhiên. - Có linh mục nọ, hễ gặp ai có tiền, những “đại gia” là xán lại làm thân, xin số phone, địa chỉ. Mỗi lần tổ chức tiệc tùng của cá nhân hay của giáo xứ, đều kiếm cách mời những “đại gia” đó cho bằng được. Đây là tính tự nhiên xu hướng về tiền bạc, của cải vật chất. - Rồi có linh mục rất hay gắt gỏng, la mắng giáo dân; gặp gì trái ý là quát mắng liền, không vị nể ai hết. Đây là tính tự nhiên nóng nảy, ngược với tính hiền từ của một mục tử. - Có linh mục lại thường hay làm theo cảm tính tự nhiên. Thích ai thì dùng người đó. Không thích ai thì dù người đó có khả năng đến đâu cũng không dùng. Thích việc gì thì làm tối đa, không thích việc nào thì dù tốt đến mấy cũng không chịu làm. - Có linh mục làm theo ý riêng, thuận tiện cho mình, chứ không nghĩ đến giáo dân, ví dụ khi hẹn làm thủ tục hôn phối vào một ngày duy nhất, vào một giờ duy nhất, ai không đến đúng giờ, thì đợi tuần sau. Đây là tính tự nhiên ích kỷ, chỉ biết mình, bắt người khác phục vụ mình. - Có thể còn nhiều hình thức khác làm theo tính tự nhiên tiêu cực của anh em linh mục chúng ta, không thể kể ra hết ở đây. Trên đây là một số minh hoạ cho mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tiêu cực, chứ không tích cực, tốt lành. Dĩ nhiên, một linh mục không phải hoàn toàn sống theo tính tự nhiên tiêu cực về mọi mặt. Có thể mặt này thì tiêu cực, nhưng mặt khác lại tích cực, tốt lành hơn. Tuy vậy, khi những mặt tiêu cực lộ rõ, ảnh hưởng xấu đến người khác, đến việc phục vụ, thì cần phải tránh, cần phải hoán cải và canh tân. 4. Mẫu linh mục giả hình. Mẫu linh mục thứ bốn là mẫu linh mục giả hình. Giả hình thực sự từ đầu đời linh mục hay giả hình được thành hình theo thời gian, điều đó khó có thể nhận ra và phân biệt được. Rất có thể khởi đầu là phát xuất từ lòng đạo đức, nhiệt thành tông đồ, rồi dần dà bị những tính hư tật xấu xâm nhập biến linh mục đó từ người đạo đức thật thành người đạo đức giả chăng? Ví dụ điển hình. Một linh mục nọ thường dang tay cầu nguyện với giáo dân trước tượng đài Đức Mẹ. Nhờ đó, linh mục này được khen là đạo đức. Đến khi chuyển đổi đến một giáo xứ khác, vị này cũng cầu nguyện dang tay như vậy. Nhưng chỉ sau một thời gian, giáo dân kêu ca, thư từ thưa gởi lên toà giám mục chồng chất. Nhiều người cho đó là một người giả hình. Một ví dụ khác: có linh mục kia, suy tư và viết lách về đời sống đạo đức sâu sắc, nhưng đáng tiếc, đó chỉ là những suy tư trên bình diện trí khôn, mà không tác động gì đến đời sống hàng ngày. Viết về khiêm nhường, nhưng thực sự lại rất kiêu căng; viết về khó nghèo, nhưng thực sự lại rất lo lắng kiếm tiền; viết về từ bỏ, nhưng lại bám rất chắc vào uy tín, quyền thế. Thật khó mà nhận ra! Chúng ta cũng có thể giả hình khi lời nói, lời giảng khác xa với lối sống, thậm chí đôi khi còn trái ngược nữa; hoặc cũng có thể giả hình, khi chúng ta vô tình hay hữu ý làm chỉ cho người khác coi, nhất là trước mặt đông người, còn khi không có ai thì chúng ta không làm việc đó, hay không quan tâm thực sự đến ai đó. Có lẽ không ai trong chúng ta hoàn toàn thuộc về mẫu linh mục này. Nhưng chúng ta có thể sống giả hình cách này hay cách khác, hoặc về mặt này hay mặt khác, hoặc vào thời gian này hay thời gian khác. Vì vậy, để tránh lối sống giả hình, không có cách nào khác ngoài phải luôn phản tỉnh, xét mình cách chân thực, nhờ Lời Chúa soi dẫn, và nhất là nhờ ơn Chúa ban, qua đời sống cầu nguyện thường xuyên. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu trong Tin Mừng Mát-thêu (23, 13-32): “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!...” 5. Suy nghĩ cá nhân: Tôi hay suy nghĩ và đặt câu hỏi: Tại sao linh mục chúng ta dâng thánh lễ thiêng liêng cực trọng mỗi ngày; cử hành các bí tích cao quý thánh thiêng mỗi ngày; cầu nguyện Phụng vụ giờ kinh của Hội Thánh mỗi ngày, mà sao đời sống đạo đức, thiêng liêng, siêu nhiên không mấy tiến triển, có khi còn thụt lùi cách thảm hại nữa? Xét mình kỹ lưỡng chân thực trước mặt Chúa, nhất là vào những giờ cầu nguyện sốt sắng, tôi càng thấy mình bất xứng. Những năm tháng đầu đời linh mục với biết bao nhiệt tình, hăng say, sốt sắng dấn thân phục vụ đâu mất rồi? Giờ nhìn lại, tuy có những điểm sáng đáng khen đó, nhưng hình như đang bị “rong rêu” bám ngày càng dầy che khuất dần, theo số năm tháng, tuổi đời linh mục. Nhìn lại đời linh mục; 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm và hơn nữa, có lẽ chúng ta thấy mình có tiến bộ về khả năng điều hành giáo xứ, khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn trong khâu tổ chức, vận hành giáo xứ, các hội đoàn, các gia đình; khả năng xây dựng, kiếm tiền, khả năng trí thức, v.v. Nhưng nếu xét mình về đời sống thiêng liêng, nên thánh, về đời sống linh mục là một người phải thánh thiện, một người đã gặp Chúa, một người toả ra chung quanh hương thơm của đời sống siêu nhiên, thì chúng ta phải đấm ngực, thú nhận mình còn quá lơ là, thiếu sót. Rất cần thời gian để phản tỉnh, suy nghĩ và tự vấn, hầu nhận ra đâu là nguyên nhân. Kết Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Piô Năm Dấu. Và cũng ước gì trước hết và trên hết, anh em linh mục chúng ta giúp nhau nên thánh. Đó là sự hiệp hành tốt nhất, tích cực nhất và cao quí nhất. Xin Chúa thương trợ giúp chúng ta. Amen. Ngày 13 tháng 4 Năm 2023 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI