Cổ vũ ơn gọi SỰ ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI Tất cả chúng ta đều phải nghiêm chỉnh tìm ra ơn gọi cho cuộc đời của mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý. Ơn gọi chính là một mầu nhiệm, vì đó là sự gặp gỡ giữa tự do của ơn Chúa và sự tự do đáp trả của con người. Con người có toàn quyền tự do để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Khi dựng nên ta, Chúa không hỏi ý kiến ta. Ngài dựng nên ta vì Ngài yêu ta, Ngài muốn điều tốt đẹp cho ta. Ngài ban cho ta điều qúi giá nhất, đó là sự tự do. Nhưng khi muốn cứu chuộc ta, Ngài cần sự cộng tác của ta, Ngài tôn trọng sự tự do của ta. Vì tự do, chúng ta có thể phản bội Ngài, chống lại Ngài. Sự tự do lựa chọn này luôn tạo ra những giằng co, những thử thách, những hy sinh, đắng cay và đôi khi cả tủi nhục nữa. Ơn gọi là một mầu nhiệm. Nếu Chúa mời gọi mà ta không đáp trả, Chúa cũng phải chịu, vì Ngài tôn trọng tự do của ta. Nhưng, nếu ta muốn mà Ngài lại không gọi, ta cũng phải hiểu rằng, Ngài có lý do của Ngài. Bởi đó, ta luôn phải tìm hiểu thánh ý Ngài: “Anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.” (Eph 5, 17) Để biết được thánh ý Chúa, ta luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng, cầu nguyện và lắng nghe. a. Tỉnh thức và sẵn sàng Chúng ta không thể biết trước được khi nào Chúa mời gọi chúng ta và mời gọi như thế nào. Chúa có thể gọi ta bước theo Ngài vào bất cứ lúc nào trong đời và bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Tỉnh thức và sẵn sàng sẽ giúp ta đọc ra được những dấu chỉ, những tiếng gọi thầm kín và nhẹ nhàng của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày. Trong Cựu ước, Chúa gọi Maisen nơi bụi gai bốc cháy (x. Xh 3, 1-6), Chúa gọi Isaia trong đền thờ (x. Is 6, 1-8), Chúa gọi Samuen vào giữa đêm khuya (x. Sm 3, 1-20),… Có khi Chúa gọi trực tiếp và rõ ràng như Chúa gọi Abraham (x. St 12, 1). Trong Tân ước, Chúa gọi các tông đồ Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Matthêu (x. Mc 1:14-20; 9, 9-13) đều đột ngột và bất ngờ. Không ai trong các ông biết trước rằng vào một lúc nào đó mình sẽ được gặp Chúa và Ngài sẽ gọi mình. Nhưng các ông đã đáp lại tiếng gọi không một chút do dự. Không ai trong các ông biết Chúa là ai? Họ đã bỏ tất cả và lập tức theo Ngài. Thánh Antôn, khi vào nhà thờ nghe đoạn Tin mừng: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết…” (Mt 19, 21; Mt 6, 34), đã cảm nhận được tiếng Chúa gọi ngài, và ngài đã bán hết của cải, bố thí cho kẻ nghèo để bước theo Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng nghĩa là khi Chúa đến, ta gặp được Ngài; khi Ngài gọi ta: “Hãy theo Ta”, ta nghe được tiếng gọi đó cách huyền nhiệm và ta “lập tức” đáp lại. Thật vậy, không thiếu những dấu chỉ, những lời gọi trong đời sống của mỗi người. Tỉnh thức để có thể nghe và hiểu được tiếng Chúa gọi, sẵn sàng để đáp lại một cách quảng đại, không do dự. Muốn tỉnh thức và sẵn sàng, ta cần phải biết cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. b. Cầu nguyện và lắng nghe Cầu nguyện là yếu tố then chốt để biết được thánh ý Chúa. Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện để có thể nghe được tiếng gọi của Ngài. Đây là điều kiện không thể thiếu cho một người luôn tỉnh thức và sẵn sàng trước tiếng gọi của Chúa. Dụ ngôn “10 cô trinh nữ” (x. Mt 25, 1-13) cho thấy nếu muốn luôn tỉnh thức và sẵn sàng, thì phải luôn dự trữ dầu đầy bình. Dầu ở đây chính là lời cầu nguyện: khi không còn dầu, đèn sẽ tắt; khi không cầu nguyện, con tim sẽ khô héo. Khi cầu nguyện, chúng ta lắng nghe được tiếng Chúa nói. Cầu nguyện thực sự là tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Bởi đó, để gặp được Chúa và nghe được tiếng Người, ta cần phải liên lỉ cầu nguyện. Khi cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ sống kết hợp mật thiết với Chúa. Và nhờ đó, ta càng nghe rõ tiếng Người gọi ta, cũng như biết rõ được ý định của Người cho ta. Khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa, ta sẽ nghe được tiếng của Người. Chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần, Ngài là nguồn gốc mọi ơn gọi và đặc sủng, để xin Ngài mở lòng trí chúng ta, giúp chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Lời cầu nguyện liên lỉ sau đây sẽ giúp ta tìm hiểu về ơn gọi của ta và lắng nghe ý Chúa: Lạy Chúa, con đây, Chúa muốn con làm gì? Này con xin đến để thực thi ý Chúa. Xin cho con biết được ý Chúa và vâng theo ý Ngài. Chúa muốn con sống đời tu trì hay sống đời hôn nhân? Nếu Chúa muốn, con xin hiến thân để phụng sự Chúa. Xin cho con luôn can đảm và quảng đại để dấn thân phụng sự Chúa…. Không có một ơn gọi hay một bậc sống nào là dễ dàng cả. Ơn gọi nào cũng đòi hỏi phải bỏ mình, hy sinh và dấn thân. Khi biết được Chúa gọi ta, dù ta cảm thấy bất xứng và yếu hèn, ta cần can đảm, tin tưởng và phó thác vào Chúa, vì “ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta” (2Cr 12, 9). Các tông đồ ngày xưa là những con người quê mùa chất phát, nhưng Thiên Chúa đã tuyển chọn họ để trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa đã tuyển chọn những con người tầm thường để làm nên những công trình tuyệt tác của Ngài. Như vậy, ta mới nhận thức được rằng đó chính là công trình của Thiên Chúa chứ không phải do người phàm, vì đối với Thiên chúa không có gì là không có thể. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, nhân ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu 13/5/1973, đã kêu gọi lòng quảng đại dấn thân của các bạn trẻ: “Chúng tôi kêu gọi cách riêng các bạn trẻ mà chúng tôi rất ưu ái. Các bạn chưa có một quyết định tối hậu nào để các bạn tỏ ra hào hiệp hy sinh. Có rất nhiều tiếng gọi. Có rất nhiều ngả đường đang mở ra trước mắt các bạn, kêu mời các bạn tiến lên để phục vụ dân Chúa và Giáo hội. Phải chăng tiếng gọi này sẽ không có đáp ứng? Phải chăng con đường ấy sẽ không có người đi? Các bạn đầy rộng lượng hy sinh. Hãy hy sinh cho lý tưởng ấy. Vì sao bạn dừng chân và chờ đợi? Trong khi đó thế giới này đang thay đổi mau chóng. Từng đoàn người mới xuất hiện trên trái đất. Tin mừng phải được rao giảng cho mọi người, cho người nghèo khó hôm qua cũng như hôm nay và ngày mai. Luôn luôn có những người đói khát, lao tù, những người bệnh tật trong thể xác và tâm hồn. Họ đang chờ đợi bạn. Trong họ, Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn. Có việc cho mọi người. Có chỗ đang đón bạn.” Nguồn: Trích từ "Ơn Gọi" - Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf. Ngày 27 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI