Cổ vũ ơn gọi Thập giá minh chứng tình yêu Một trong những quà tặng tốt đẹp và cao quý nhất mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại chính là tình yêu. Khi nói tới tình yêu, chúng ta thật khó đưa ra một định nghĩa chính xác vì tình yêu không phải là thứ con người có thể cân đong đo đếm, nhưng tùy thuộc vào mức độ cảm nhận của mỗi người. Tình yêu tuy trừu tượng, nhưng lại rất gần gũi và thiết thực trong đời sống con người mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận và diễn tả nó bằng một cách thức riêng. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người cũng rất đỗi giản dị và chân thành như thế. Tình yêu ấy không hệ tại ở những lời nói êm dịu, ngọt ngào nhưng được biểu lộ bằng hành động cụ thể. Thật vậy, trong hai chương đầu của trình thuật Sáng Thế đã cho chúng ta một cái nhìn rất chi tiết về công trình tạo dựng mà qua đó nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Hơn thế nữa, con người còn được thông phần vào sự sống thần linh khi mang hình ảnh của chính Đấng Tạo Hóa (GLHTCG, số 51). Bởi đó, khi con người sa ngã, Thiên Chúa không vì thế mà chối bỏ hay hủy diệt nhưng đã hứa ban ơn cứu độ qua việc nhập thể của người con duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô (St 3, 15). Tình yêu ấy đạt tới đỉnh điểm là Giá Máu của Ngôi Lời Nhập Thể, điều tưởng chừng như không thể đối với suy nghĩ của loài người nhưng lại là một kế hoạch tuyệt vời xuất phát từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa (Rm 5,8). Cuộc đời của Đức Giê-su có thể gọi là cuộc hành trình từ Be-lem đến Núi Sọ. Hành trình đó không có gì đặc sắc, càng không đáng để ước ao hay ngưỡng mộ vì chẳng ai lại ước ao một cuộc đời đầy ngang trái và khổ đau. Ngay từ khi sinh ra Đức Giê-su đã phải nếm trải sự thiếu thốn, nghèo nàn và trốn chạy vì bắt bớ (Mt 2,3). Sau ba mươi năm sống ẩn dật, đến ngày Chúa thi hành sứ mạng nhằm đem lại cho con người ơn giải thoát cùng sự sống đời đời thì con người lại trả ơn Ngài bằng sự vong ân bội nghĩa, sỉ nhục và cuối cùng là cái chết đau thương trên thập giá. Thử hỏi có vị vua nào dám từ bỏ ngai vàng, bỏ đi mọi vinh hoa phú quý, địa vị, chức quyền để sẵn sàng sống cùng, sống với và sống như một người vô danh tiểu tốt ngoài vị vua Giê-su? Và động lực nào mạnh mẽ đến mức khiến Đức Giêsu, một Thiên Chúa quyền uy làm được mọi sự lại có thể hiến mình chịu chết như một con chiên hiền lành chịu đem đi làm thịt nếu không phải vì tình yêu (Gr 11,19)? Bởi đó, thánh Gioan đã quả quyết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thập giá – một biểu tượng tàn ác, hung bạo của sự chết chóc, nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô đã trở thành Thánh Giá – dấu chỉ ơn cứu độ. Thập giá ấy cũng là bằng chứng hùng hồn nhất về một tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Là người nữ tu Mến Thánh Giá, được mang chính tước hiệu của Đấng Chịu-Đóng-Đinh, phải chăng là một sự ưu ái đặc biệt mà Thiên Chúa muốn dành cho những tâm hồn Ngài tuyển chọn? Tuy nhiên, “Niềm Vinh Dự” ấy không hệ tại ở tên gọi bên ngoài nhưng chỉ thực sự trở nên giá trị khi người nữ tu Mến Thánh Giá biết “hướng trọn lòng trí và cuộc sống của mình về Đức Giê-su Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất”. Đó cũng là đặc sủng mà Đức Cha Lambert de la Motte – Đấng Sáng lập dòng đã nêu gương. Cal-vê chiều vắng năm nao Giêsu Ngài đã hiến trao thân mình Dầu cho nhân thế tội tình Bao nhiêu cay đắng nhục hình Ngài mang Tình yêu của Chúa tặng ban Phận con hèn mọn đáp đền sao cân Tháng năm chan chứa hồng ân Mà con đây vẫn trăm lần dối gian Vì con Chúa chịu nát tan Tấm thân tàn tạ tâm hồn đớn đau Trái tim Chúa phải ưu sầu Chỉ mong con được nhuốm mầu thánh thiêng Ngợi khen Vua Cả Thiên Đường Từ đây con quyết can trường dấn thân Ra đi làm chứng muôn dân Để tôn danh Chúa vô ngần VÌ YÊU. Tác giả: Black Mây Nguồn: gpbuichu Ngày 22 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI