Cổ vũ ơn gọi Tôi đi tu Duyên lành đưa bước chân linh mục TD đến gia trang chúng tôi vào một chiều tháng 3/2013 vừa qua. Được nghe lời tự sự của ngài như thể hoa quả tâm linh từ buổi gặp gỡ này, nên xin ghi lại để chia sẻ cùng bạn hữu, mong hòa điệu trong tâm tình tri ân Thiên Chúa. Anh chị em Công giáo gọi tôi là “Ông Cha tân tòng” với ý nói đến hành trình đức tin của tôi được phát khởi từ khi tôi còn là một người thuộc đạo khác. Tôi không thích sử dụng từ “lương dân” khi nói và nghĩ về người đạo khác… vì có vẻ không tôn trọng họ. Cha tôi là một thầy tụng. Mẹ tôi là một Phật tử và có Pháp danh… Thửa nhỏ, tôi cũng đi chùa… rồi cũng đi học và làm việc như những thanh niên của thời loạn lạc. Do công việc thường gặp những mối nguy hiểm, nên một người bạn tặng cho tôi một chuỗi tràng hạt và dạy cho tôi thuộc ba kinh: Kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh để phòng thân. Tôi thấy cỗ tràng hạt cũng đẹp nên đeo vào cổ của mình suốt. Thật không ngờ rằng: từ ấy, tôi thoát được rất nhiều tình huống nguy hiểm, nhưng bản thân chưa có ý thức gì về Đấng thiêng liêng bên Công giáo. Rời Việt Nam từ năm hai mươi tuổi. Trong hoàn cảnh mới, tôi cũng gặp một người bạn Công giáo và thường đi lễ với nhau, rồi tôi gặp linh mục và chúng tôi có những buổi trò chuyện lúc rảnh… Thú thật, đi lễ với bạn, bạn làm sao thì mình làm theo, chứ có biết gì đâu à! Mình thích nhất là lúc cả nhà thờ đọc kinh Lạy Cha, vì kinh này mình thuộc mà! Độ vài tháng sau thì xin nhập đạo Công giáo. Lúc ấy cũng có một kỷ niệm vui vui: số là khi tôi nói muốn xin nhập đạo, bấy giờ Bạn mới té ngửa ra là “tôi không phải Kitô hữu”. Anh ấy lo lắng mọi việc cho tôi một cách chu đáo: nào là đưa đi học giáo lý, tìm người đỡ đầu, hẹn với linh mục ngày ban Bí tích Thanh tẩy cho tôi … Từ đấy, đức tin trong tôi đã được tưới tắm đều đặn trên mảnh vườn mầu mỡ của một người tân tòng, để phát triển và sinh hoa kết trái. Khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, duyên may đến với tôi trong một đám cưới, khi gặp lại vị linh mục đã ban bí tích Rửa tội cho tôi dạo trước. Sau đó cha con chúng tôi giữ mối liên lạc với nhau, mình được học giáo lý thêm song song với việc học văn hóa… thời gian loáng thoáng trôi… Mười ba năm sau, tôi có một quyết định bất ngờ đối với hết thảy mọi người quen biết (kể cả bạn gái): “đi tu”. Hồ sơ vào Dòng của tôi do cha linh hướng làm cho. Nghĩ lại chặng đường đức tin của mình, thấy cũng ngộ ngộ: khi tôi gia nhập đạo Công giáo, thân phụ của tôi nói “tùy tự do của con.” Còn thân mẫu nói “theo đạo Công giáo là bất hiếu đấy!”. Khi tôi vào Dòng tu, không dám nói với ai cả và cũng ít gặp ai. Có dịp về Việt Nam thăm lại gia đình, thì nhận được quyết định “tuyệt giao của toàn gia đình” kèm theo lời nói của người anh “Chú chán đời thế nào mà phải đi tu!?” Mình nghĩ gì lúc ấy? Mình nghĩ: “Chúa có kế hoạch nhiệm mầu của Ngài, con chỉ có việc ra đi…” Tôi mua máy thu âm, nói tâm sự, tình cảm và những chuyện buồn vui trong hoạt động tông đồ nơi phương xa của mình… cuốn băng thu âm đó được gởi đến cho cha mẹ tôi. Không ngờ nó lại làm tốt vai trò “thay lời muốn nói” đến vậy. Số là, toàn gia quyến hơn mấy chục người cũng thương nhớ mình, nên dầu giận thì giận – mà thương vẫn thương ! Nghe lại được tiếng nói của người con phương xa làm ấm lòng các cụ và phần nào biết được hoạt động hiện tại của đứa con trai khác tính. Cuộn băng trao đi – lá thư phản hồi từ gia đình với nội dung “con bỏ cúng giỗ tổ tiên!”. Tôi hồi âm lại “con vẫn nhớ ơn tổ tiên đấy chứ, vì bên Công giáo có ngày mùng Hai Tết “kính nhớ tổ tiên”, trong thánh lễ hằng ngày vẫn có phần cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên và tháng mười một dành riêng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn… Lần sau tôi về thăm nhà, sống trong mái ấm gia đình thật là vui. Thân phụ thấy tôi đeo Thánh giá trên cổ, ông hỏi “cổ con đeo cái gì vậy? Tôi đáp “Đây là cây Thánh giá”, rồi từ từ tôi giới thiệu cho ngài nghe về Thiên Chúa, khởi đi từ tâm tình thờ Trời của người Việt với bàn thờ Ông Thiên trước nhà… rồi hành động thắp nhang khấn vái hằng ngày của cha mẹ và mọi người để cầu phúc lành v..v… sau này mình mới thấy kết quả to lớn do cuộc đối thoại liên tôn ấy đem lại. Khi về lại nước Mỹ, tôi nhận được tin vui từ thư của gia đình báo tin “Cha Chánh xứ giáo xứ Phú Xuân đã làm Phép Rửa cho bốn thành viên trong nhà sau khi đã dạy giáo lý cho họ, đó là cha tôi và ba cô em gái độc thân.” Lúc này cha tôi đã bảy mươi tám tuổi. Ôi ! tạ ơn Chúa, tạ ơn kế hoạch nhiệm mầu của Chúa. Ba năm sau, cha tôi được gọi về với Chúa, tôi không kịp hồi hương chịu tang đúng ngày! Giáo xứ đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong việc tổ chức tang lễ và phúng viếng, chia buồn, cầu nguyện… rất chu đáo, mẹ tôi quan sát và suy đi nghĩ lại trong lòng… Lễ an táng cha tôi xong, tôi mới về. Người này người kia trách “cha chết mà không về!” Mình trả lời “Tôi về vì người sống, còn người chết đã có Chúa lo.” Còn mẹ tôi vẫn hay đi chùa với các bạn già của mẹ, trước khi tôi đi Mỹ, bà chợt hỏi tôi “Mẹ học đạo để theo đạo được không?” Quý vị có thể tưởng tượng được cảm xúc choáng ngợp tôi khi nhận được phần thưởng lớn lao Thiên Chúa ban cho tôi và gia đình ngay tại đời này không? Hai mươi lăm người trong nhà cùng lãnh bí tích Rửa tội một trượt. Nhà thờ Phú Xuân sáng hôm đó thật vui và lắm người xôn xao vì sự kiện “cả nhà theo đạo”. Những hàng ghế phía trên chật kín người, vì có đến hai mươi lăm dự tòng ngồi xen với hai mươi lăm vú bõ đỡ đầu, chưa kể họ hàng và bạn bè gần xa cũng dự… Khi em gái tôi quen với bạn trai khác đạo, em hỏi tôi phải làm sao? Tôi nói “không được bắt người ta theo đạo, mà anh khuyên em phải sống sao để làm chứng cho đạo…” Có người hỏi linh đạo của dòng Thừa sai Máu châu báu Chúa Kitô là gì? Tôi cũng xin chia sẻ cùng các bạn, đó là “hòa giải”, hòa giải như chính Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa Cha trên thập giá. Hoạt động cụ thể là làm mục vụ cho những anh chị em bị gạt ra bên lề xã hội (họ là phường trộm cướp, dân buôn phấn bán hương…) Vậy khi làm việc với họ, có khi nào bị họ lôi cuốn theo hoặc bị rủi ro chăng? - Chúng tôi được đào tạo những kiến thức và kỹ năng giao tiếp chuyên biệt để thực hiện sứ mạng. Trước tiên mình phải “tự mạnh”, cầu nguyện trước khi xuống đường, khuya về cầu nguyện… nếu có rủi ro thì chịu… Cảm nghiệm riêng của tôi là: đời sống tâm linh của mình có lúc trồi, lúc sụt, nhưng chính những cảm xúc vui mừng kể trên đã giúp tôi kiên vững. Công việc Loan báo Tin Mừng của mình được khích lệ rất nhiều từ kinh nghiệm gia đình. Và những gì mình muốn kêu gọi người khác thực hành, thì chính mình phải làm gương trước. Ước ao cháy bỏng trong tôi là được đến với những anh chị em bị xem là “nghèo phẩm giá làm người”, để nói với họ rằng “ơn hòa giải của Chúa Giêsu sẽ phục hồi phẩm giá làm người đích thực cho bạn, hãy đứng thẳng, ngẩng cao đầu và sống theo Lời Chúa". Như thế, bạn sẽ khám phá ra kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi nhân loại cũng như nơi từng người chúng ta. (Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/toi-di-tu-34493) Ngày 11 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI