Cổ vũ ơn gọi Tu sĩ trẻ hôm nay Sĩ là một đẳng cấp cao trong một lãnh vực nào đó, đã qua quá trình rèn luyện, học tập và nghiên cứu mà người bình thường không có được. Ai đã đạt được cấp sĩ thì làm công việc ở cấp cao, mang tính chuyên sâu, tương ứng với việc làm thầy (giáo sư, kỹ sư…) để dẫn dắt người khác, như bác sĩ, viện sĩ, nghị sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ… Cơ bản là phải có được trình độ và kiến thức sâu rộng về ngành mà người đó theo đuổi. Còn như tu sĩ là người đặc biệt hơn, bản thân họ phải là một người đã qua quá trình tu tập, thấm nhuần những yếu tố linh diệu về tâm linh, nắm giữ được những phương pháp cơ bản về việc tu luyện, cũng như có những kinh nghiệm và kiến thức cao sâu trong việc tu trì, do đó họ có thể dẫn dắt người khác trong lãnh vực tinh thần và tâm linh. Bởi vậy đây là một loại “kẻ sĩ” ngoại hạng, đặc biệt, đòi hỏi nhiều yếu tố, từ tự nhiên lẫn siêu tự nhiên, mà không phải ai muốn cũng đạt được. Theo thống kê trên thế giới có khoảng 1.300.000 tu sĩ nam nữ. Trong thế giới hiện đại ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực, đời sống tiện nghi vật chất quá đầy đủ, yếu tố tâm linh ít được chú trọng, nên tu sĩ không còn được người ta quan tâm mấy, không còn được trọng dụng như các bậc sĩ trong các lãnh vực khác. Vì tu sĩ không còn được đề cao trong xã hội, nên vai trò của người tu sĩ ngày nay như bị “chìm xuồng” giữa một thế giới ồn ào, hướng về khoa học vật chất và sự hưởng thụ. Cũng vì vậy, nhiều chông gai và sự thử thách cho các bậc tu sĩ ngày nay thật lớn lao, đồng thời sự biến thái từ bản thân của các tu sĩ cũng đa dạng, đôi khi làm méo mó đi hình ảnh chân chính của người tu sĩ, như những đặc tính và bản chất đích thực của một tu sĩ cần phải có. BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI TU SĨ Người tu sĩ lấy con người của Đức Giêsu làm hình ảnh để đối chiếu, làm mẫu mực cho mình, vừa mang tính “xuất thế” vừa mang tính “nhập thế”, theo đuổi một sứ mạng là đưa Tin Mừng đến với mọi người. Để làm được việc đó, họ phải là người mẫu mực, vào đời và sống giữa thế gian, tiếp thu nền văn hóa của xã hội, nhưng lại không không thuộc về thế gian – không kể những dòng chiêm niệm.Tu sĩ sống như một triết lý siêu thoát mà lại rất thực tiễn, có mà như không, không mà như có: “Có vợ như không có vợ, Khóc lóc như không khóc, Vui như chẳng vui, Mua sắm như chẳng có gì, Hưởng dùng của cải như chẳng hưởng” (1Cr 7, 29-31), được chuyển dẫn trong nguyên tắc: Chiêm niệm trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm. Đây là luật quân bình cho loài thụ tạo mang “tinh thần nhập thể” vượt trên mọi sinh vật khác, không chỉ dành riêng cho người đi tu mà còn cần cho mọi người, vì con người có tâm linh nên được tinh thần dẫn dắt chứ không phải bản năng. Trong tinh thần đó, qua các vị ẩn tu xa xưa, các thánh Giáo phụ, Giáo hội đã đúc kết trong ba điều luật, trở thành tôn chỉ (nguyên tắc cơ bản để sống và hoạt động), là kim chỉ nam, trở thành ba điều thề hứa (khấn dòng) cho mọi tu sĩ sống và làm việc. 1-Tinh Thần Nghèo Khó (Thanh bần) Đây là tinh thần tiên khởi của một người muốn Tận Hiến cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Mục đích là để chế ngự và hướng dẫn mọi dục vọng nơi bản năng con người, thoát khỏi những nô lệ vào sự hưởng thụ trần tục, gỡ bỏ khỏi những dục lạc mà thân xác đòi hỏi, rũ bỏ những ràng buộc tiện nghi vật chất, giải thoát tâm hồn khỏi những mê đắm thế gian, để con người được tự do trong tinh thần, là sự tự do nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho con người.Vì khi con người không còn bị ràng buộc, không bị nô lệ vào những vật dục nơi thân xác, nơi vật chất và thế gian, lúc đó tâm và trí con người mới có khả năng mở ra để đón nhận những chân lý từ trời cao. Lúc này tâm trí mới đủ ánh sáng, đủ khôn ngoan để nhìn nhận và cảm nghiệm được những lẽ huyền nhiệm của nguồn hạnh phúc thật đời này và đời sau. Như Đức Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc.16, 13). Tinh thần này cũng được chú trọng đặc biệt trong Đạo học Á đông, như triết lý Vô Vi của Lão tử trong tinh thần “Vi vô vi, Sự vô sự, Vị vô vị, Đại thiểu vô tiểu, Báo oán dĩ đức” (làm mà không làm, lo mà không lo, nếm mà không mùi, xem lớn như nhỏ, coi nhiều như ít, lấy đức báo oán), trong “Sắc Sắc; Không Không” của nhà Phật… Cũng như trong nhiều học thuyết tâm linh, đạo đức và nhân bản từ đông tây kim cổ, mà đạo đức dân gian chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, được ca tụng trong nếp sống giản dị và thanh khiết. Vì vậy, người tu sĩ cần tu luyện đặc biệt để đạt được tinh thần này qua lời khấn KHÓ NGHÈO, nhưng không chỉ người tu sĩ, mà bất cứ ai cũng cần có tinh thần này mới mong có được sự thăng hóa trong đời sống tinh thần, có được hạnh phúc thật, tìm được cứu cánh cho cuộc đời – do gỡ khỏi nhiều ràng buộc đa đoan cuộc đời, thoát khỏi sự nô lệ những dục vọng, không bị đắm chìm vào vật chất và danh lợi trần thế. 2- Nhân Đức Tuân Phục (vâng lời) Đức tuân phục là nhân đức tối cần cho người tu sĩ, vì nếu thiếu nó, mọi xáo trộn và lầm lạc sẽ nảy sinh. Mục đích của sự tuân phục là để hãm dẹp và dẫn dắt cái cái Tôi nơi con người, là nguồn của sự thác loạn nơi bản ngã, luôn có khuynh hướng quy chiếu về mình, luôn muốn chiếm đoạt và thống trị người khác, thống trị mọi vật, không chịu sự điều khiển và kiểm soát của bất cứ ai, của bất cứ quy luật nào mà không phải để phục vụ cái Tôi. Đức tuân phục của người tu sĩ hướng tới cùng đích là Thiên Chúa, thông qua Giáo hội và các bề trên. Mở rộng hơn, còn phải tuân phục mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, dù hay dù dở, dù tốt dù xấu trong đời sống. Nó chấp nhận được mọi nghịch cảnh xem ra thật vô lý, trong một nội tâm thanh thản, an bình chứ không phải như đầu hàng số phận một cách miễn cưỡng. Từ đó nó biến thành một sức mạnh phi thường trong việc chiến thắng bản thân, không vướng mắc vào khuynh hướng nổi loạn bởi dục vọng nơi vô thức con người. Trong tiểu sử các vị thánh, các ngài đều là những người có đức tuân phục tuyệt đối trong mọi lúc, mọi trường hợp. Đây không phải là sự vâng lời mù quáng như có một số người hiểu, đến nỗi đòi xét lại vấn đề này để “cải thiện” hay hủy bỏ. Rộng hơn nữa, đức tuân phục này cần có nơi mọi Kytô hữu, không miễn trừ cho bất cứ ai, từ Giáo hoàng cho tới giáo dân. Sự tuân phục khởi đầu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, vì có cùng một bản thể nên có sự hiệp nhất và tuân phục trong nhau một cách tuyệt đối, vì “Ta và Cha là một”(Ga. 10,30), chứ không phải truyền lệnh hay sai khiến như kiểu của con người. Ngôi Hai mặc xác phàm, Người đã tuân phục Chúa Cha và tất cả lề của Thiên Chúa. Noi gương đó, mọi Kytô hữu cũng phải tuân phục như Người đã tuân phục, trong đó có Hội Thánh của Người, ở cả hai phương diện, huyền nhiệm và cơ cấu, “vì tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai sai tôi” (Ga 6,38). Không có hay thiếu sự tuân phục này, kể như tự mình tách khỏi một phần hoặc nằm ngoài Hội Thánh, mọi xáo trộn và lầm lạc sẽ nối tiếp, hậu quả là không hoặc khó có thể lãnh được ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô. Người ngoài Kytô giáo vẫn có sự tuân phục bằng cách họ bằng lòng chấp nhận một hoàn cảnh, một số phận không thể tránh được, hoặc không may mắc phải. Họ đã làm hết sức mà không đạt được hay không thể tránh được thì đi đến sự chấp nhận nó, tuân phục nó một cách dũng cảm, vì họ đã nhận ra rằng,“Tận nhân lực, tri thiên mệnh”, và biết “Thuận thiên tri thiên mệnh”. Đó là do biết tuân phục quy luật của trời đất, nên họ vẫn có thể tìm được sự bình an và hạnh phúc tự nhiên trong tinh thần và đời sống. 3- Nhân Đức Trong Sạch (Khiết Tịnh) Nhân đức trong sạch này có ý nói đến dục tính nơi con người, được thúc đẩy do bản năng truyền sinh, nó thật cuồng nhiệt, nên rất cần được sự thiện hảo soi đường. Người tu sĩ hy sinh và cống hiến việc này cho Thiên Chúa để có thể tùy thuộc cũng như có thể trở nên giống Thiên Chúa một cách hoàn hảo nhất. Nếu để tự nhiên không được chân lý soi sáng, dục vọng dễ đưa con người đến sự buông thả để thỏa mãn ước muốn, dẫn đến sự mê muội khởi phát từ tư tưởng, diễn ra qua những hành động của thân xác, lúc đó linh hồn và thân xác đều có chung một sự ô uế như nhau.Thiên Chúa có sự trọng sạch tuyệt đối, nên không thể tiếp nhận một hoen ố nào, vì vậy muốn được gần gũi và nên giống Người, người tu sĩ cũng phải có sự trong sạch tương xứng, trong tầm mức của con người có thể, lúc đó mới được “Phúc cho ai có lòng thanh sach, vì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt.4,8). Tư tưởng và ước muốn là cơ sở hội đủ yếu tố để trở nên trong sạch hay không, còn thân xác chỉ là thừa hành, nên căn nguyên của tội ở nơi linh hồn chứ không phải ở thân xác. Vì vậy sự phán xét chính là cái tội trong tư tưởng, như Đức Giêsu đã phán dạy: “Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi” (Mt. 5,28). Để hãm dẹp và triệt tiêu tư tưởng này, người tu trì thường áp dụng phương pháp chay tịnh, là cách hữu hiệu nhất để chế ngự dục vọng mạnh nhất nơi con người, sau nhu cầu về ăn uống, để nó không có cơ hội và điều kiện hoành hành. Có những người nghĩ rằng, nhân đức trong sạch này chỉ dành riêng cho các tu sĩ. Nhưng không phải vậy, nó cần cho mọi người, ở mỗi bậc sống đều có cách thể hiện khác nhau. Người tu sĩ tuyệt đối không được phép dan díu tính dục bằng bất cứ hình thức nào trong vấn đề phái tính, cả trong tư tưởng lẫn hành động, vì linh hồn và thân xác đã được Thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa cả về mô thể và chất thể. Còn những người ở bậc gia đình, họ đã thuộc về Thiên Chúa khi được Thánh hiến qua bí tích rửa tội, nay lại được thánh hóa trong bí tích hôn phối, nên một mặt họ thuộc về người bạn phối ngẫu, mặt khác họ thuộc về Thiên Chúa trong sứ mạng cao cả là yêu thương và sinh sản con cái, cộng tác vào sự sáng tạo của Người. Vì vậy họ cũng phải có đức trong sạch qua sự tiết chế tính dục, trong sự trung thành tuyệt đối với bạn phối ngẫu của mình, không có vấn đề ly dị trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả ngoại tình trong tư tưởng cũng là một trọng tội, vì: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”(Mc. 9). *Tu sĩ ngày nay gặp nhiều thử thách rất lớn lao, do đà tiến của xã hội, ít nhất ở mấy điểm như sau: 1-Tiện nghi vật chất và sự tha hóa trong tinh thần Khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ vượt bực, đời sống được cải thiện và nâng cao, mọi người gần như được thỏa mãn trong lối sống tiện nghi vật chất, trở nên một thói quen hưởng thụ, nó biến thành nhu cầu gắn bó với con người như máu huyết, như một lẽ sống không thể thiếu trong cuộc sống. Vì vậy để rũ bỏ hay tách sự thụ hưởng ra khỏi đời sống xem ra có vẻ như là một điều lập dị, khác người, thậm chí có người còn cho những người có đời sống giản dị, từ chối tiện nghi vật chất và sự giải trí là bệnh hoạn, là bất bình thường. Với thói quen và lối tư duy thiên về khoa học vật chất, đã ảnh hưởng rất lớn ngay từ trong gia đình cho đến văn hóa xã hội, khiến cho tinh thần và đời sống của người tu sĩ cũng bị chao đảo và biến động. Người tu sĩ chân chính như thấy mình bơi ngược dòng sông, nên dễ thấy mệt mỏi, cảm thấy bị lạc loài, có khi thấy như có một sức mạnh vô hình đè nén tâm trí, cảm thấy ê chề và bất lực trong nội tâm, chỉ muốn buông trôi. Trong khi đó, tổ chức xã hội cũng không trọng dụng những tu sĩ theo như phải cần và đáng được như vậy, cộng với sự hững hờ của con người xã hội, trong lối giao lưu, qua sự tiếp xúc trong sứ vụ tông đồ, khi giúp đời và mang Tin Mừng đến cho mọi người. Song song với đời sống hướng về thực dụng, tiện nghi và sự hưởng thụ, là sự tha hóa về tinh thần, đặc biệt với vấn đề tâm linh, bị xuống cấp trầm trọng. Con người ngày nay có xu thế định hướng theo cách “duy lý” trong mọi sinh hoạt và tổ chức xã hội, nên muốn giảm bớt hay loại trừ những yếu tố thuộc tâm linh, để cho công việc được hiệu quả và đắc dụng, là những thứ mà con người có vẻ hài lòng, thông qua những hình thức trần tục mà mọi người có thể cảm thấy và chiêm ngắm được nó trong mọi sự vật, sự việc. Đây được gọi là sự tục hóa đang lan tràn trong thế giới ngày nay. Cũng từ đó, vấn đề thánh thiêng, huyền nhiệm trong Thánh Kinh, trong Hội Thánh, trong các bí tích, trong ân sủng và trong tín lý, tất cả được giản lược cho dễ hiểu, và nó trở thành thứ yếu, không còn là nòng cốt trong việc giữ và thực hành việc đạo đức nữa, và việc giữ đạo chỉ còn là cái vỏ theo thói quen mà thôi. Người tu sĩ cũng ảnh hưởng sự tha hóa này ngay từ trong gia đình, nên khi chọn lựa ở bậc sống này cũng khó thoát khỏi những tư duy duy lý và duy thực trong đời sống tu trì, đã được gieo mầm từ trong gia đình và xã hội . Đây là sự thử thách đáng kể phải vượt qua cho những tu sĩ trẻ ngày nay. 2- Sự quyến rũ của thế gian và xác thịt Những tình yêu thuộc về thế gian, như ái tình, danh vọng, quyền thế, tiền bạc… lên ngôi, trở nên mục tiêu của mọi người trong xã hội, nó ảnh hưởng trầm trọng đến ngay cả trong bậc sống tu trì, đến nỗi chức linh mục cũng trở thành một danh vọng hấp dẫn cho người theo đuổi. Nó có thể đi vào cái vòng xoáy của mê hồn trận, trong một ước muốn tiềm tàng, tuy đây chỉ là mặt trái của lý tưởng tu trì: đi tu để làm linh mục, làm linh mục để có danh vọng (danh giá), để được quyền thế, để thoát cảnh nghèo hèn, để cho mọi người ngưỡng mộ, để có thể “làm cha thiên hạ”, để được “làm quan” cả đời… Nên người tu sĩ tất nhiên phải loại trừ ngay những tư tưởng yêu thế gian này trước tiên, nhưng lại là sự chiến đấu kiên cường và là một thách đố cho bản thân giữa thế giới ngày nay. Trong thực tế, có tu sĩ khi biết mình không được làm linh mục liền xin tháo lời khấn và hồi tục. Một sự từ bỏ lớn lao khác cho tu sĩ là phải hy sinh tình yêu đôi lứa để hướng tới và dành nó cho Thiên Chúa, cho tha nhân. Nguyên trong tính dục yêu đương, là một bản năng mạnh mẽ nhất, giúp con người lưu truyền nòi giống qua bản năng sinh tồn, trong đó còn để thực thi thiên chức làm cha và làm mẹ mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi con người. Nhưng trong thế giới ngày nay, chủ nghĩa tự do và lãng mạn đang ngự trị, dục tính yêu đương được đề cao bằng đủ hình thức, từ những phong cách yêu đương thoải mái, từ trong cách sống, thời trang, mà sắc đẹp đứng ở vị trí cao nhất, nên việc phô diễn thân thể của phụ nữ được xem là ưu tiên, vì người ta quan niệm rằng, có thân hính đẹp mà không biết khoe ra là dại dột, là uổng phí. Vì vậy bản năng tính dục có cơ hội phát triển và hoành hành nơi con người ngày nay, ngay cả trẻ em cũng được làm quen với tính dục qua cách ăn diện, qua lời nói và cử chỉ vuốt ve thông qua những việc làm của người lớn, nhất là qua hình ảnh và ngôn ngữ quảng cáo trên truyền hình, trong phim truyện của điện ảnh, đặc biệt là trên internet ở những trang Web đen. Những vấn đề sắc dục này trở nên bình thường và tự do phát triển trong xã hội ngày nay, khó xác định được một lằn ranh như xã hội truyền thống trước đây. Đứng trước vấn đề này, người tu sĩ trẻ cũng có những lần bị chao đảo nơi tâm hồn và thể lý, nên họ phải điều chỉnh để lấy lại quân bình trong trong tâm sinh lý, quân bình trong nhận thức và phán đoán. Người tu sĩ luôn định hướng cho việc tu trì của mình, luyện tập ý chí, củng cố nghị lực để hướng tất cả tình yêu vào Thiên Chúa và tha nhân, nhất là luôn tiếp nhận ân sủng từ Thiên Chúa cho linh hồn bằng việc thực thi nguyên tắc: chiêm niệm (cầu nguyện) trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm. Nhờ vậy nhiều tu sĩ ngày nay mới có thể đứng vững trước bao tà khí vây hãm của thế gian và xác thịt. Nhưng đây quả là sự chiến đấu can trường của tu sĩ trong thế giới hôm nay. 3- Chủ nghĩa cá nhân lớn mạnh Trong giáo dục con người ngày nay, trình độ tri thức được tiếp thu và phát triển tối đa, tính độc lâp được khích lệ và vun đắp tích cực, vì vậy tính cá nhân được nảy nở, hướng tới sự chứng tỏ bản thân thật rõ nét, có nhiều sáng tạo, nhiều khi thật táo bạo. Xem ra đây là sự tích cực trong việc giáo dục để hình thành một nhân cách trưởng thành. Nếu chỉ như thế thì chẳng có gì cần xem xét, nhưng đàng sau của nó lại có cái nguy cơ làm cho tinh thần độc lập bị biến tính, trở thành môi trường nuôi dưỡng cái “bản ngã”, làm nó trở mên kiên định để làm bệ phóng cho mọi tư tưởng và hành động xuất phát từ cái Tôi cố hữu này. Người ta dễ nhầm tưởng đây là người có cá tính như thường được khen ngợi, mang chất cá nhân độc đáo theo tính khí của một người, để họ trở thành chính mình chứ không là ai khác. Còn nặng tính cá nhân lại không như thế, họ lấy chính mình làm cơ sở, làm gốc để bắt mọi sự tùy thuộc theo như khuôn mẫu của mình. Đây là đặc tính của “chủ nghĩa cá nhân” mà các nhà nghiên cứu về xã hội đã đúc kết bằng thuật ngữ này, họ luôn luôn biểu lộ mạnh mẽ để chứng tỏ mình, chỉ chấp nhận ai như mình mà bất chấp những ai không giống mình, cũng như luôn củng cố vào những suy nghĩ hay quan điểm và việc làm của chính mình, chứ không muốn cậy nhờ vào người khác. Người tu sĩ ngày nay vấp phải gò núi của chủ nghĩa cá nhân không phải là nhỏ, nó diễn biến ở hai phương diện. một mặt về phía bản thân, mặt khác ở phương diện làm việc tông đồ trong sự giáo dục nhân bản và đức tin Kytô giáo cho người khác. Về phía bản thân, như trình bày trên, cá nhân chủ nghĩa thấm nhiễm một cách tiệm tiếm nơi mọi người sống trong thời đại hôm nay, mà con người ít khi chú trọng đến nó. Bởi vậy nơi môi trường sống và làm việc trong cộng đoàn, sự chịu đựng giữa những anh chị em với nhau trở nên khá khắc nghiệt, gây nhiều đau khổ cho nhau mà vô tình không nhận thức được điều đó, vì mỗi người đều nhìn người khác theo cái Tôi đã được định hình như căn tính cố hữu của mình, chứ không có cái nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa. Ngay cả đối với bề trên, tính cá nhân vẫn luôn muốn chỗi dậy, bằng hình thức trao đổi, bàn luận, ý kiến, chất vấn hoặc đối kháng qua hình thức bất bạo động – bất tuân trong tư tưởng, thụ động trong việc làm. Bởi vậy có những tu sinh bỏ tu, tu sĩ xuất dòng vì lý do không thể chịu đựng được anh chị em khác khi sống và làm việc, hoặc chỉ vì đòi bề trên phải hiểu mình mà không được như ý muốn. Như Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, cho biết mỗi năm có hơn 3 ngàn tu sĩ nam nữ trên thế giới xin tháo lời khấn trọn đời. Về phương diện làm tông đồ và giáo dục, tu sĩ vấp phải “tảng băng” từ những người tiếp nhận, hoặc người thụ huấn. Tính (chủ nghĩa) cá nhân của họ nảy sinh vấn đề cố chấp, quá bảo thủ, quá cấp tiến, tương đối hóa chân lý, xét lại vấn đề, đặt vấn đề, kiểm chứng, phản biện… Trong khi đó, người giảng huấn vẫn phải mềm mỏng trong tình thần đại lượng bao dung, nên luôn phải khắc phục bản thân trong những lúc cảm thấy mệt mỏi và ê chề. Thách đố này dễ đưa đến sự ngao ngán trong việc thi hành sứ vụ tông đồ. Lúc này duy chỉ còn tình yêu Thiên Chúa mới là nguồn an ủi lấp đầy khoảng trống nơi tâm hồn “người được sai đi” mà thôi. LỜI KẾT Tu sĩ trẻ trong thế giới hôm nay có nhiều thuận lợi bởi vì có điều kiện học hỏi và nghiên cứu chuyên sâu, có nhiều phương pháp linh thao để tu dưỡng, bén nhạy và dễ thích nghi trong thế giới đầy biến động, có nhiều phương tiện vật chất hiện đại hỗ trợ khi thi hành sứ vụ tông đồ, như cơ sở vật chất, truyền thông, internet… Nhưng lại phải đối diện với nhiều thử thách trong thế giới luôn bị động và biến chuyển, từ nội tâm mỗi người cho đến những tổ chức xã hội, cũng như trong cộng đoàn tôn giáo lại có nhiều vấn nạn nảy sinh. Cái chung nhất của sự khó khăn cho bậc tu sĩ có lẽ là thế giới hôm nay đang tụt dốc về tinh thần và tâm linh một cách thê thảm nhất. Xu thế nhân loại như muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, họ như thấy Thiên Chúa chỉ làm cản đường thăng tiến của con người, làm mất tự do cho cuộc sống. Mặt khác họ muốn được canh tân qua những điều mới lạ, dễ dãi, bằng cách sáng tạo ra những lý thuyết hấp dẫn hơn, hợp lý hơn, hoặc họ muốn phục hồi lại những lạc thuyết đã giãy chết từ lâu. Tất cả như muốn làm cuộc cách mạng cho những ý đồ riêng, từ cá nhân cho đến những tổ chức xã hội và tôn giáo. Người ta khó có thể thống kê về giáo phái mới trên thế giới, nhưng chắc chắn nó phải lên đến nhiều ngàn, trong đó hầu hết đều mang tính kỳ bí, quái lạ, phi nhân bản. Người tu sĩ hôm nay phải chịu đựng và đương đầu với tất cả, nhất là những tu sĩ trẻ như đang phải đứng đầu chiến tuyến để vun trồng, bảo vệ và chiến đấu, dọn lại từng mảnh đất cho chân lý Nước Trời được gieo vãi, cho Đức Kytô ngự trị. Phải đối diện với muôn vàn cam go và thách đố như mỗi ngày được nhân lên, nhưng nhờ vậy mà những điểm son của tu sĩ hôm nay càng được rạng sáng và mang dấu ấn anh hùng. Miệng các người đã ngậm đầy Thánh Thần của Thiên Chúa để thổi hơi lửa bừng cháy giữa những tâm hồn tối tăm, đã mặc lấy áo giáp của Tổng Thần Micae, rút gươm xông pha giữa trận tuyến để bảo vệ chính mình cùng con cái Thiên Chúa cho hôm nay và ngày mai. Vì ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy không còn sai lầm và tăm tối. Xin tặng những bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tu dòng Hàn Cư Sĩ Nguồn: dongten.net Ngày 30 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI