Cổ vũ ơn gọi VIỆC LINH HƯỚNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÁC ỨNG SINH LINH MỤC Ở CHỦNG VIỆN Tác giả: Lm. Bernard Pitaud, PSS Chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Hữu Đức, PSS 1. Dẫn nhập: Giáo hội và việc đào tạo cho tác vụ linh mục Kiểu nói “linh hướng”, nhất là kiểu nói “cha linh hướng / linh giám”, có thể gây ra những hiểu lầm, nên cần được giải thích ngay từ đầu bài viết này. Trong rất nhiều chủng viện, cha linh giám là người chịu trách nhiệm việc đào tạo thiêng liêng, qua việc giảng dạy và cùng lúc đồng hành thiêng liêng với một số chủng sinh (các chủng sinh còn lại được đồng hành bởi các linh mục khác được bổ nhiệm làm việc này). Việc linh hướng vì thế có thể được hiểu theo nghĩa rộng này. Còn ở đây, chúng ta sẽ hiểu việc linh hướng theo nghĩa hẹp, tức là việc đồng hành cá nhân thuộc phạm vi tòa trong. Vì vậy, đây là một việc rất chuyên biệt, đòi hỏi sự liên tục và đều đặn trong suốt thời gian đào tạo. Mục tiêu căn bản của việc đào tạo ứng sinh linh mục là nhằm giúp các chủng sinh chuẩn bị cho đời sống tương lai qua việc đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ cách thích hợp, dựa theo những quy chuẩn đã được đặt ra trong các bản “Ratio” khác nhau của Giáo hội toàn cầu và địa phương. Nhưng bên trong việc đào tạo đó, cần có một sự phân định thiêng liêng nhằm lượng giá khả năng phù hợp của ứng sinh, trước khi giới thiệu lên Đức giám mục để chịu chức. Vì chính Đức giám mục là người, xét cho đến cùng và do trách nhiệm giám mục, chuẩn nhận việc đào tạo ở chủng viện dành cho các ứng sinh của giáo phận mình và quyết định gọi họ vào linh mục đoàn giáo phận hay không. Đức giám mục làm việc này dựa trên sự giới thiệu của Hội đồng chủng viện, mà Hội đồng này, trong một số trường hợp, có thể đưa ra một nhận định tiêu cực nếu họ xét thấy một ứng sinh không hội đủ những yếu tố cần thiết. Hội đồng này đưa ra nhận định và trình bày với Đức giám mục theo tòa ngoài, dựa trên sự hiểu biết về chủng sinh qua dòng thời gian, và thẩm định khả năng của chủng sinh theo các chiều kích khác nhau của việc đào tạo. Đó là một nhiệm vụ tinh tế, được ủy thác cho các linh mục được xem là có khả năng phán đoán, có kinh nghiệm thiêng liêng và mang tâm thức mục vụ. Nó đòi hỏi một thái độ chia sẻ thật sự đời sống của chủng sinh, một sự cảm thông với những khát vọng của họ, và một cuộc đối thoại huynh đệ chân thành. Đây đích thật là một công việc của Giáo hội, vì chức tư tế của hàng linh mục là nhân danh Chúa Ki-tô mà phục vụ chức tư tế của các tín hữu, nhằm giúp họ tăng trưởng trong đức tin, đức cậy và đức mến. Chính vì vậy mà toàn thể Giáo hội tham gia vào quá trình đào tạo và chọn gọi các ứng sinh lên chức linh mục: Đức giám mục dĩ nhiên là người có thẩm quyền sau cùng, Hội đồng chủng viện được Đức giám mục bổ nhiệm, và sau nữa là tất cả những ai mà Giáo hội tham vấn, gồm linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giáo dân, là những người quen biết các ứng sinh và có thể đưa ra ý kiến đánh giá. Chức tư tế của hàng linh mục là một hồng ân mà Giáo hội nhận được từ Chúa Ki-tô nhằm phục vụ con người, vì thế, chỉ được trao ban cho những ai có khả năng phù hợp theo cái nhìn của Giáo hội để thi hành sứ vụ này. Do đó, cần có một sự phân định dài lâu nhằm xác minh và thử thách các khả năng này. Cả Giáo hội và ứng sinh đều dấn thân vào quá trình này, mỗi bên theo cách thức và vai trò của mình: Giáo hội với tư cách là người chịu trách nhiệm chọn gọi và phong chức linh mục, ứng sinh với tư cách là người trao hiến cách tự do cho Giáo hội để phục vụ. Cả hai đều chỉ có một mục đích: lợi ích của các cộng đoàn tín hữu và của tất cả những ai mà các linh mục tương lai gặp gỡ và thi hành sứ vụ. Đó chính là nền tảng sự tin tưởng mà Giáo hội và ứng sinh dành cho nhau trong suốt những năm tháng đào tạo trước khi chịu chức. Ứng sinh đặt niềm tin vào Giáo hội vì biết Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo hội, và bởi chính trong Giáo hội và vì Giáo hội mà các linh mục hiến mình phục vụ con người; còn Giáo hội tin tưởng ở các ứng sinh vì biết rằng Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động nơi họ, khiến họ trao ban chính mình với tất cả sự chân thành, không che giấu. 2. Niềm tin vào Giáo hội là người mời gọi và sự dấn thân cá nhân cách tự do Trong viễn tượng này, trở thành linh mục không thể được xem là việc thi hành một ước vọng cá nhân. Các linh mục dấn thân phục vụ Giáo hội qua việc loan báo Tin mừng, và họ nhận sứ vụ này từ Giáo hội. Họ liên kết mật thiết với Giáo hội, không thể tách rời. Họ là thừa tác viên của Giáo hội. Họ nói và hành động nhân danh Giáo hội. Đời sống của một linh mục sẽ ra sao nếu thiếu đi niềm xác tín mà chúng ta đang nói tới đây? Dĩ nhiên đời sống này phải bắt đầu ngay từ thời gian đào tạo. Nó là tiền đề của sự cộng tác mà họ sẽ thể hiện sau này với giám mục của mình, với linh mục đoàn mà họ làm việc chung, và với giáo dân mà họ thi hành tác vụ. Để nhận định dễ dàng hơn, điều cần thiết là các ứng sinh phải bộc lộ con người mình để những người có trách nhiệm đào tạo có thể đánh giá một cách ý thức và đầy đủ về những khả năng thích hợp của ứng sinh đối với sứ vụ linh mục. Nếu họ che giấu những nết xấu trong tính cách của mình hoặc những tình tiết nghiêm trọng của lịch sử bản thân vì sợ không được làm linh mục, thì họ có nguy cơ sống đời linh mục như một cuộc chinh phục cá nhân, chứ không như một hồng ân Chúa ban qua tay Giáo hội. Một thái độ như vậy, nếu có, là một hình thái phủ định, thường là một cách vô thức, về chính bản tính chức tư tế của hàng linh mục. Đó là thái độ xem chức linh mục như một giá phải trả, chứ không phải là một hồng ân, xem đó là việc thực hiện một dự án cá nhân, chứ không phải là việc đón nhận một lời mời gọi từ Chúa qua Giáo hội. Dĩ nhiên trong thực tế, mọi việc thường phức tạp hơn, mờ mịt hơn, và khó xác định. Vì thế, điều cốt yếu là giúp các ứng sinh linh mục đừng cư xử như thể là người làm chủ dự án của mình, nhưng là đón nhận dự án đó từ Chúa qua Giáo hội. Đây là một trong những mục tiêu chính yếu của việc đào tạo. Ta có thể nói rằng khi một ứng sinh linh mục chân thành tin tưởng đặt để ơn gọi của mình vào tay Giáo hội, thì người đó sẽ sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình với một sự tự do thiêng liêng mang lại hoa trái dồi dào. Nhưng tin tưởng phó thác vào Giáo hội không đồng nghĩa với một thái độ hoàn toàn trơ ì, thụ động. Giáo hội cần sự dấn thân tích cực của các ứng sinh. Trong phần lớn trường hợp, chính các ứng sinh tự mình đến với Giáo hội, do được thúc đẩy bởi một tiếng gọi nội tâm mà họ nghe được từ giữa cuộc sống Ki-tô hữu và muốn trải nghiệm tiếng gọi ấy, nên họ bày tỏ ước nguyện với Giáo hội. Còn trong một số trường hợp khác, chính Giáo hội, qua trung gian một linh mục hoặc các thành viên của cộng đoàn địa phương, khởi xướng một đề nghị trực tiếp với những bạn trẻ có đời sống Ki-tô hữu mạnh mẽ và xác tín; các ứng sinh lúc đó phải xem câu hỏi người ta đặt ra cho mình như là của chính mình vậy. Dù việc tiếp xúc giữa Giáo hội và ứng sinh có theo hình thức nào đi nữa, thì chính ứng sinh, hoặc là người chủ động bày tỏ ước nguyện của bản thân hoặc là người đón nhận lời mời gọi của Giáo hội, phải cho thấy sự dấn thân tích cực trong việc định hướng đời sống đang mở ra trước mắt mình. Được cụ thể hóa qua việc phong chức, ơn gọi linh mục thật ra là cuộc gặp gỡ giữa hai ước nguyện, thường là mãnh liệt như nhau: một là mong ước của Giáo hội, vì Giáo hội cần các linh mục và ký kết giao ước với những người mà Giáo hội quyết định chọn gọi; hai là ước vọng của ứng sinh, người dấn thân trọn vẹn vào một dự án mà mình xây dựng song cũng đồng thời giao phó nó trong tay Giáo hội. 3. Linh hướng: yếu tố hàng đầu trong cơ chế đào tạo Cần phải luôn nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai ước nguyện trên đây và cuộc đối thoại kèm theo đó, nếu người ta muốn định vị đúng việc linh hướng trong toàn thể chương trình đào tạo linh mục. Cuộc đối thoại này được biểu tượng trong lời trao đổi diễn ra trong chính nghi thức truyền chức, giữa vị giám mục và người sắp lãnh nhận chức thánh. Đức giám mục hỏi ứng sinh có muốn được truyền chức và có chấp nhận những đòi hỏi của chức vụ sắp được giao phó cho mình hay không. Câu hỏi này rõ ràng không hoàn toàn mang tính hình thức. Câu trả lời cũng biểu lộ một ý chí tự do và xác quyết mạnh mẽ. “Thưa, con muốn”, lời đáp của người thụ phong có thể được hiểu thế này: “Con muốn với tất cả sức mạnh của ý chí, tận hiến chính mình như một quà tặng tự do tự nguyện”. Qua cuộc đối thoại này, Giáo hội cho thấy tầm quan trọng của việc bày tỏ ước nguyện nơi các ứng sinh, và của sự tự do nơi họ nữa. Người ta chỉ có thể liều mình sống sứ vụ linh mục, nếu người ta dấn thân với tất cả sức lực và sự quảng đại do lòng khát khao của mình. Chính ở đây, việc linh hướng đóng vai trò quan trọng. Trong việc đào tạo, đây chính là nơi ưu tiên để xem xét và giáo dục ý hướng của các ứng sinh. Vì lý do đó, Giáo hội muốn làm sao để các chủng sinh có được các phương thế linh hướng nghiêm túc và đầy đủ. Các cha linh hướng được Đức giám mục bổ nhiệm, vì đây là một công việc chính thức, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ của cha giám đốc chủng viện là lo liệu làm sao để mỗi chủng sinh có một cha linh hướng, và đảm bảo cho việc lựa chọn linh hướng được hài hòa. Việc lựa chọn cha linh hướng được thực hiện qua trung gian cha giám đốc. Cha giám đốc cũng chính là người mà chủng sinh sẽ thưa chuyện khi muốn thay đổi cha linh hướng. Cha giám đốc phải lưu ý làm sao để việc thay đổi cha linh hướng không phải là một ý thích nhất thời, nhưng nếu ngài nhận thấy có sự thiếu tự do thật sự trong tương quan đôi bên, thì ngài sẽ tạo điều kiện thay đổi dễ dàng, luôn với ý hướng mang lại cho các chủng sinh những phương thế dấn thân cách tự do nhất. Một điều rất may mắn và vẫn thường xảy ra là, trước khi bước vào giai đoạn đào tạo ở chủng viện, các chủng sinh đã có kinh nghiệm về việc linh hướng, vốn là động lực đưa họ đến ngưỡng cửa chủng viện. Vị linh hướng đã đồng hành với một chủng sinh ở giai đoạn tiền chủng viện này, dù từng có vai trò quan trọng thế nào đi nữa, thì giờ đây cũng phải biết xóa mình đi. Nếu ngài cứ tiếp tục gặp gỡ thường xuyên người thụ hướng cũ của mình, sẽ khiến họ khó tạo lập sự tin tưởng với cha linh hướng mới. Kiểu “linh hướng song đôi” như vậy luôn có hại, người ta không nói cùng một sự việc cho cả hai vị linh hướng, và ít nhiều có khuynh hướng chọn lọc những lời khuyên nhận được. Điều này không có nghĩa là các chủng sinh phải cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ, mà chỉ muốn nói rằng họ phải làm cho mối liên hệ đó tiến triển nhằm giúp cơ chế đào tạo đóng vai trò trọn vẹn hơn. Như vậy, việc linh hướng không được tách rời khỏi cơ chế đào tạo, ngược lại, nó là thành phần không thể thiếu, tùy theo mức độ trong đó vai trò của cơ chế đào tạo là thiết lập cuộc đối thoại giữa điều mà chúng ta đã gọi là ước vọng của Giáo hội và của ứng sinh, cuộc đối thoại mang ý nghĩa và đạt tới đỉnh cao trong lời vấn đáp ngày lễ phong chức. Thật vậy, việc linh hướng nhằm giúp xem xét và tinh luyện động cơ, ý hướng của người chủng sinh, và nhờ đó giúp họ chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Giáo hội. Một cuộc hội thảo cách đây mấy năm, có một bài tham luận về đề tài này mang tựa đề “Việc linh hướng hay sự phòng vệ của người thụ hướng”, như thể người thụ hướng có những lý do để tự bảo vệ mình trước một Giáo hội bị coi là tấn công hoặc đe dọa anh ta. Điều đó là đúng nếu như có một cuộc cạnh tranh giữa đôi bên. Chúng ta đã nhấn mạnh điều này: cả cơ chế đào tạo lẫn người linh mục tương lai đều phụ thuộc vào một thiện ích vượt cao hơn họ: đó là lợi ích của những người nam, người nữ mà người linh mục tương lai nhận lãnh trách nhiệm săn sóc mục vụ. Như vậy, hai bên cùng có chung “lợi ích”. Và sự phân định của mỗi bên được đặt trên một nền tảng chung, đó là thiện ích của Giáo hội. Chính vì vậy, các quyết định sau cùng của họ liên quan đến định hướng chức thánh thông thường phải phù hợp với nhau, vì Chúa Thánh Thần soi sáng cho cả hai, cả cơ chế đào tạo lẫn ứng sinh linh mục. Thế nhưng, việc phân định cũng là việc của con người, và có thể xảy ra là những cái nhìn khác nhau đưa đến những kết luận khác nhau. Đau lòng nhất là trường hợp một ứng sinh cứ khăng khăng theo định hướng của mình, trong khi Hội đồng chủng viện đề nghị người đó từ bỏ ý định tu trì. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc trao đổi, đối thoại trong suốt quá trình đào tạo. Thật vậy, cha giám đốc chủng viện gặp gỡ mỗi chủng sinh cách đều đặn (kinh nghiệm cho thấy nhịp độ hai lần mỗi năm là tốt) để cho họ biết quá trình tiến triển của mình, theo cách thức mà Hội đồng chủng viện nhìn nhận theo tòa ngoài. Chính trong cuộc gặp gỡ này, cha giám đốc cho chủng sinh biết những điểm tích cực, đồng thời cả những nhận xét tiêu cực nhằm giúp chủng sinh sửa mình. Đôi khi, ngài phải cho chủng sinh biết những e ngại của Hội đồng chủng viện về tương lai của họ, nhằm hướng dẫn họ đặt ra những câu hỏi căn bản hơn nữa về định hướng của mình. Cuộc trao đổi giữa cha giám đốc và chủng sinh tất nhiên sẽ được lặp lại trong việc linh hướng. Cha linh hướng cần lưu tâm nhất đến việc chủng sinh đã hiểu như thế nào về ý kiến mà cha giám đốc đã nói, nhằm giúp họ suy nghĩ và tiến triển hơn trong sự phân định của bản thân. 4. Người thụ hướng và cha linh hướng Không phải cha linh hướng là người phân định, nhưng là chính chủng sinh. Chính chủng sinh là người cho ý kiến về định hướng đời mình, và là người quyết định tiến lên chức linh mục hay không. Người chủng sinh không cần phải đợi cha linh hướng chỉ bảo tương lai của mình. Cha linh hướng hiện diện ở đó là để giúp người chủng sinh phân định, và không làm thay. Chính người chủng sinh dấn thân vào cuộc, và cha linh hướng phải để cho anh được hoàn toàn tự do mà đưa ra một quyết định đầy trách nhiệm. Một trong những cám dỗ của cha linh hướng, khi thấy người thụ hướng do dự, là tìm cách giải quyết mau chóng tình trạng lưỡng lự của họ, thay vì dùng thời gian để giúp họ định hình tính cách của mình rồi tự quyết định sự việc một cách trưởng thành. Như vậy, nói đúng hơn, không phải cha linh hướng đại diện cho cái được gọi là tòa trong (tức là nơi đưa ra nhận định), nhưng là chính bản thân chủng sinh; cha linh hướng giúp họ làm việc này: là xây dựng con người nhân bản và thiêng liêng của mình làm sao để có thể đưa ra một lựa chọn đúng đắn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là cha linh hướng giữ thái độ im lặng thụ động. Nếu ngài nhận thấy người thụ hướng đang lầm lẫn khi định hướng tiến đến chức linh mục, thì ngài phải cho anh biết điều đó. Trong trường hợp ngược lại, ngài có thể kín đáo cho biết rằng quyết định xin phong chức mà người thụ hướng đưa ra là phù hợp với quá trình phân định bấy lâu nay. Nhưng ngài phải tránh quyết định thay cho người thụ hướng, và đừng đi trước anh trong sự lựa chọn này. 5. Tôn trọng tự do của ứng sinh và sự tin tưởng của họ đối với cha linh hướng Bây giờ ta hãy trở lại với ý tưởng đã được đề xuất trên đây: trong việc đào tạo, linh hướng là nơi ưu tiên để xem xét và giáo dục ý hướng của các ứng sinh. Nơi ưu tiên có nghĩa không phải là nơi duy nhất, vì toàn bộ việc đào tạo góp phần vào đó. Tuy nhiên, chính trong khuôn khổ việc linh hướng mà người ta có thể nhìn lại và tóm kết cả cuộc đời mình; những tình tiết cuộc đời xem ra rời rạc giờ đây có thể gắn kết làm một; người ta có thể dệt nên tấm lưới đan kết các sự kiện với nhau, nhờ vào khoảng cách mà cuộc trao đổi với cha linh hướng mang lại; toàn bộ đời sống nhờ đó mặc lấy ý nghĩa, tìm thấy lối đi và định hướng, qua việc đặt mọi phần của cuộc sống vào đúng vị trí trong lịch sử bản thân. Việc xếp đặt lại mọi sự này sẽ được làm tốt hơn nhiều nếu người chủng sinh chịu để cho ánh sáng chiếu soi cách trung thực trên những động lực, ý hướng sâu xa của mình, trên những góc mờ khuất nhất của con người mình, nhằm giúp nhận ra bản thân cách tốt hơn, và nhờ vậy cho phép cha linh hướng giúp mình cách hiệu quả nhất. Như vậy, trung thực về bản thân rõ ràng là một đòi buộc, nhưng cũng là một trong những điều kiện thiết yếu để tiến bộ về đàng thiêng liêng, để thật sự chấp nhận bản thân trước mặt Chúa, để đón nhận với sự biết ơn lòng thương xót của Chúa, để lượng giá chính xác các khả năng của mình theo cái nhìn của Chúa, và nhờ đó có đủ thành thật khi tự hiến để phục vụ Giáo hội. Như thế, trong việc linh hướng, rõ ràng người khởi xướng không phải là cha linh hướng, mà phải là chủng sinh. Đã hẳn, cha linh hướng có thể thúc đẩy, khuyến khích, khuyên bảo, nhưng không làm thay người thụ hướng. Duy chỉ người thụ hướng có khả năng mở rộng cánh cửa tâm hồn, điều mà mọi truyền thống linh đạo đều xem là một điều kiện thiết yếu để tiến bộ về đàng thiêng liêng. Chỉ khởi đi từ việc rộng mở lương tâm này mà cha linh hướng mới có thể, bằng kinh nghiệm và sự cảm thông chân thành của mình, giúp người thụ hướng làm sáng tỏ hết sức có thể những gì còn tối tăm mờ mịt trong đời sống của họ, giúp họ nhận ra ý muốn của Chúa và đưa ra quyết định cần thiết qua việc phân định. Điều này giả thiết người thụ hướng phải có một sự tin tưởng đặc biệt đối với cha linh hướng. Người ta không thể vén mở lương tâm và bày tỏ những động cơ sâu kín của lòng mình, nếu lo ngại trước những phản ứng của người nghe, hoặc cảm thấy không được thông hiểu, thậm chí bị xét đoán. Ít ra người thụ hướng cần được an tâm về sự kín đáo của cha linh hướng. Về vấn đề này, luật giữ bí mật phải được áp dụng. Đó là điều kiện cần thiết để người thụ hướng có thể thổ lộ với tất cả tự do. Đã xảy ra trường hợp luật này bị đặt vấn đề. Ví dụ trường hợp cha linh hướng biết được những sự kiện hoặc hoàn cảnh nào đó tự bản chất ngăn trở người thụ hướng tiến chức, ngài không có bổn phận phải nói ra sao? Trong trường hợp đó, cha linh hướng trước tiên có bổn phận phải thông báo cho người thụ hướng về trách nhiệm nặng nề họ phải chịu nếu tiếp tục tiến chức, mời họ nói ra ở tòa ngoài, yêu cầu họ đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu đó là những điều gây mất sự cân bằng tâm lý, tình cảm. Trong một số trường hợp và nếu không có nguy cơ bị vu khống hay hiểu lầm, cha linh hướng thậm chí có thể ngừng việc đồng hành và đề nghị họ thay đổi cha linh hướng. Nhưng nếu các vị linh hướng được phép tiết lộ điều mình biết, ngay cả trong những điều kiện rất hợp lý, thì việc này sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến sự tin tưởng của các chủng sinh, không chỉ đối với các vị linh hướng mà còn với cả toàn bộ cơ chế đào tạo nữa; hơn thế, điều này có thể dẫn đến hậu quả tai hại: những ai cảm thấy lo lắng về tương lai của mình sẽ không còn cởi mở nữa, và như thế sẽ không được trợ giúp để suy nghĩ thấu đáo về hoàn cảnh của mình. Vậy các cha linh hướng không được can thiệp ở Hội đồng chủng viện khi liên hệ đến những người thụ hướng của mình, và thông thường trong đời sống hằng ngày, các ngài phải giữ một sự kín đáo lớn nhất về họ nữa. Sự kín đáo này nhấn mạnh rằng việc linh hướng có mục tiêu hàng đầu là việc đào tạo con người bên trong, ở đó họ lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, ở đó, như các bậc thầy của Trường phái linh đạo Pháp thường nói, Chúa Giê-su Ki-tô được thành hình trong các tâm hồn, ở chốn sâu thẳm nhất này của con tim là nơi tinh luyện thái độ sẵn sàng với Chúa Thánh Thần và là nơi chuẩn bị lễ vật dâng lên Chúa Cha. Trong một chủng viện, hành trình chuẩn bị cho việc tiến đến chức thánh phải dựa trên nền tảng của việc đào sâu đời sống Ki-tô hữu. Người ta không thể được đào luyện tinh thần của chức tư tế linh mục mà không đồng thời tiến sâu hơn luôn mãi trong đời sống Ki-tô hữu. Không phải người ta hết làm người Ki-tô hữu khi trở thành linh mục, ngược lại, họ phải sống Phép Rửa của mình cách sâu xa hơn. Khi dấn thân phục vụ các Ki-tô hữu khác, các linh mục vẫn là anh em của họ, và sống các đòi hỏi của Tin mừng khi thi hành tác vụ. Về điểm này, còn có thể kể đến một tình huynh đệ đích thật giữa các nhà đào tạo với những người chuẩn bị tiến chức. Bên cạnh việc thực thi trách nhiệm đối với các tiến chức, trong đời sống thường ngày của mình, các nhà đào tạo cũng sống chung một tiếng gọi Tin mừng với họ. Điều đặc biệt quan trọng là việc các chủng sinh nhận thấy được rằng các nhà đào tạo của mình sống kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô, khi thi hành sứ vụ bên cạnh họ. Cũng quan trọng không kém là việc các người thụ hướng cảm thấy được rằng cha linh hướng nói với mình bằng một kinh nghiệm sâu xa, ngay cả khi ngài không hề tìm cách áp đặt kinh nghiệm đó, cũng như không muốn nhào nặn họ theo gương mẫu của mình. Vậy chúng ta hiểu rằng việc linh hướng phải đề cập đến toàn bộ đời sống; trước hết, bởi vì không gì có thể ra ngoài Tin mừng Chúa Ki-tô; sau nữa, bởi vì khi muốn trở thành linh mục, người ta cần phải xem xét hết mọi chiều kích cuộc đời trước mặt Chúa. Có thể xảy ra trường hợp là các chủng sinh ngần ngại nói về một vài khía cạnh nào đó của đời mình, chẳng hạn về tiền bạc hay tính dục. Nhưng làm sao họ có thể cam kết sống đời độc thân mà không thể nói với một ai khác về những khó khăn, rắc rối của họ ở vấn đề này; không thể suy nghĩ cùng với cha linh hướng về cách thức sống đời tính dục của mình; và không thể đánh giá xem liệu mình có thể từ bỏ đời sống hôn nhân, gia đình để sống đời dâng hiến cách hạnh phúc mà không phải che giấu những khó khăn hay không? Đứng trước những thái độ im lặng như vậy, vai trò rất quan trọng của cha linh hướng là mời gọi các chủng sinh mạnh dạn nói về những chủ đề tế nhị mà họ thường ngần ngại đề cập. Chính đây là lúc mà mối liên hệ tốt đẹp giữa cha linh hướng và người thụ hướng sẽ có thể giúp làm cho cuộc đối thoại dễ dàng hơn. WHĐ (24.11.2020) Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 103 (Tháng 11 & 12 năm 2017) Ngày 12 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM Đức Thánh Cha Phanxicô nói về chức linh mục tại Hội nghị quốc tế ngày 17.2.2022 Thường huấn về căn tính linh mục Đi tìm một nền tảng: Hồng ân đời sống thánh hiến ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI