Gia Đình Hoàn thiện nhân cách - Nhận lỗi giúp xây dựng hạnh phúc gia đình HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH - BÀI 74 1. LỜI CHÚA : "Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (Lc 15,17-20). 2. CÂU CHUYỆN : KHIÊM TỐN NHẬN LỖI VÀ TRÁNH ĐỔ LỖI THA NHÂN Có hai anh bạn thân là Long và Tâm ở gần nhà nhau. Một hôm, Long qua thăm nhà Tâm, thấy bầu khí gia đình thật an vui, vợ chồng con cái sống vui tươi chan hoà hạnh phúc liền hỏi bạn : “Sao tôi thấy mọi người nhà anh ai cũng nói chuyện vui vẻ và sống thỏai mái. Còn trong nhà tôi thì bầu khí lúc nào cũng căng thẳng, vợ chồng cứ năm ba bữa lại có chuyện cãi lộn to tiếng với nhau. Anh có phép thuật gì hay xin chỉ cho tôi với”. Anh Tâm trả lời : “Chẳng có phép thuật gì đâu ! Đó là do vợ chồng nhà tôi ai cũng nghĩ mình không hòan hảo, đang khi vợ chồng anh ai cũng cho mình là phải là đúng, nên hay tranh cãi đổ lỗi cho nhau, làm cho bầu khi gia đình luôn căng thẳng như vậy”. Rồi anh giải thích : “Này nhé : Giả dụ một hôm vợ anh khi dọn bữa điểm tâm đã để tách cà phê sát mép bàn, khiến anh vô ý chạm phải rơi xuống đất bể tan. Trước sự cố này anh liền trách vợ : “Tại em để tách cà phê gần mép bàn khiến anh đụng phải ? Sao em lại không để vào giữa bàn ăn ?”. Vợ anh cãi lại : “Từ trước đến nay em vẫn để như vậy mà đâu có sao. Tại hôm nay anh hậu đậu đụng vào nên mới làm nó bị rơi bể chứ. Sao anh lại trách em ?”. Vì hai vợ chồng anh ai cũng nghĩ mình phải nên không nhận lỗi và luôn đổ lỗi cho ngừơi khác. Nếu là gia đình tôi, khi chẳng may gặp sự cố như vậy, tôi sẽ nói thế này : “Sao hôm nay anh thật tệ vì sáng sớm đã đụng làm bể tách cà phê. Thôi cho anh xin lỗi nghe em”. Khi ấy vợ tôi cũng trả lời : “Thực ra không thể trách anh được. Cũng tại em đã vô ý để tách cà phê gần bên mép bàn nên anh mới chạm phải làm nó bị rơi bể. Lần sau em sẽ rút kinh nghiệm để tách cà phê gần vào phía trong. Cho em xin lỗi”. Vì hai người đều tự nhận lỗi về mình và không đổ lỗi cho nhau, nên bầu khí gia đình lúc nào cũng bình an vui vẻ. 3. SUY NIỆM : 1) Hãy khiêm tốn nhận lỗi : Khi xảy ra đụng chạm tranh cãi, nếu biết khiêm tốn nhận lỗi sẽ giải quyết được nhiều rắc rối. Chỉ cần một lời nhận lỗi là có thể chuyển họa thành phúc. Thế thì tại sao chúng ta lại không nhận lỗi để sớm giải quyết tranh chấp, thay vì để sự căng thẳng ngày một leo thang ? Rào cản khiến chúng ta khó nhận lỗi chính là tự ái cao thể hiện qua thái độ không nhận lỗi mà luôn đổ lỗi cho người khác. 2) Cần tập thói quen nói lời xin lỗi : a- Tại sao phải tập ? : Bởi vì có nhiều điều nghe thì dễ nhưng lại khó thực hiện, nên phải tập cho thành thói quen tốt. Phải tập “nói lời xin lỗi” để tạo sự thông cảm với nhau, để dẹp bớt tính tự phụ. Khi lỡ làm cho ai buồn phiền thì chúng ta hãy can đảm nói lời xin lỗi : “Xin lỗi anh, tôi đã làm cho anh buồn”. Như vậy, sự nặng nề căng thẳng sẽ biến mất và thay thế bằng bầu khí nhẹ nhàng hòa hợp. b- Cần nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt : Thông thường, bạn nên xin lỗi trực diện “mặt đối mặt”. Tuy nhiên khi cần cũng có thể dùng cách gọi điện thoại, nhắn tin, gởi hoa… Khi nhận được lời xin lỗi chân thành của bạn, người bị tổn thương sẽ cảm thấy cơn buồn giận giảm đi rất nhiều. c- Chân thành lắng nghe : Bạn đã làm điều lỗi với "đối phương", nay bạn chịu nhận lỗi và chân thành lắng nghe lời trách móc của họ cũng là phải lẽ. Hãy cứ để "đối phương" nói ra hết những suy nghĩ, bực bội oán hờn và hy vọng sau đó quan hệ hai bên sẽ sớm trở lại như cũ. d- Dục tốc bất đạt : Thật là khó để bắt "đối phương" tha lỗi cho bạn ngay, vì nó còn tùy thuộc vào việc họ cảm thấy bị thiệt nhiều hay ít. Cần có thời gian để cơn giận nguôi đi thì họ mới dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho bạn. Không nên đòi họ phải tha ngay khi lòng họ chưa sẵn sàng làm điều này. e- Cần khắc phục hậu quả : Nhận lỗi mà thôi chưa đủ : quan trọng nhất là bạn phải quyết tâm khắc phục hậu quảkhông tốt do mình gây ra. Đây là điều kiện để “đối phương” dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho bạn 4. SINH HOẠT : Bạn sẽ làm gì để tập thành thói quen nói lời “xin lỗi”, nếu chẳng may bạn xúc phạm bằng lời nói hay việc làm khiến tha nhân buồn lòng ? 5. LỜI CẦU : Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết khiêm nhường tự hạ để sẵn sàng mở miệng xin lỗi nhau mỗi khi xảy ra sự cố không hay trong gia đình. Nhờ đó chúng con sẽ có thể luôn sống an vui hoà hợp và chan hoà hạnh phúc.- AMEN. LM ĐAN VINH – HHTM Nguồn: giaophanlongxuyen.org Ngày 22 tháng 2 Năm 2023 Bài liên quan 10 phương thế để hoàn thiện cuộc sống hôn nhân Lời khuyên của Thánh Gioanna Phanxica Chantal dành cho các bậc cha mẹ Chính chúng ta thản nhiên thả con trẻ vào thế giới ảo Nhân đức trong Gia đình: Sự đáng tin cậy Nhân đức trong Gia đình: Sự tôn trọng