Gia Đình Nhân đức trong Gia đình: Lòng khoan dung “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” Cl 3:13 1. Thế nào là lòng khoan dung? Lòng khoan dung là khả năng biết đón nhận điều khác biệt với mong ước của bạn. Lòng khoan dung giúp bạn dễ dàng bỏ qua khi ai đó chọc giận mình. Người ta thường thấy khó khăn khi phải chịu đựng những thay đổi không mong muốn trong công việc nhưng người có lòng khoan dung thì sống linh động nên cảm thấy nó dễ dàng hơn. Họ quan trọng hóa vấn đề hoặc đơn giản nổi nóng chỉ vì trời quá nóng, vì quá ồn ào hay quá im lặng, vì điều gì đó kéo dài. Một người có lòng khoan dung sẽ không mong muốn người khác suy nghĩ, nhìn nhận, hành động giống như mình. Trái lại, họ đón nhận những khác biệt, bỏ qua những sai lỗi, trước tiên với những người trong gia đình mình. Lòng khoan dung giúp bạn có khả năng để chỉ ra đâu là điều quan trọng và điều nào không. Bạn cho thấy mình kiên nhẫn và tha thứ khi người khác phạm sai lầm và đón nhận điều không thể thay đổi trong vui tươi. 2. Tại sao cần thực hành? Người sống thiếu lòng khoan dung không thể chịu đựng được những điều xảy đến ngoài mong muốn và suy nghĩ của họ. Họ có thể chỉ trích, phàn nàn, kết án người có liên quan vì đã thực hiện những công việc họ không thích hoặc có thể chỉ vì khác biệt với họ. Thêm vào đó, họ cố công để thay đổi người khác mà không màng đến những thiếu sót của mình. Họ gặp khó khăn trong việc tha thứ nên cuộc sống của họ hầu như không hạnh phúc. Họ làm khổ mình và bắt những người quanh mình cũng phải chịu chung nỗi bất hạnh đó. Lòng khoan dung cho chúng ta sức mạnh để gắn bó với hoàn cảnh sống dẫu cho đó là việc không mấy dễ dàng. Chính khi phải cố gắng để thích nghi với hoàn cảnh bạn trở nên linh động hơn. Lòng khoan dung tạo ra trong những ai chấp nhận sống chung với nó sức mạnh giúp cho người ấy tồn tại và trưởng thành. Họ có thể nhân danh tình yêu hay tình bạn mà tha thứ và bỏ qua cho những ai gây điều phiền toái cho họ. Sống như vậy, họ cho mình cơ hội trở về với nội tâm của mình vì đó là điều họ hằng khao khát chứ không phải bị ai ép buộc. Lòng khoan dung không cho phép con người sống tách biệt nhau. 3. Cách thực hành Lòng khoan dung cung cấp cho bạn sự kiên nhẫn và tính linh động để cùng chung sống với những điều được mang danh là mình không ưa. Bạn không mong đợi người khác trở nên giống như mình nhưng đón nhận những khác biệt. Thế nên, thật vô lý với một người có lòng khoan dung lại ngồi xét đoán người khác vì họ nhìn không giống mình. Giả như có những bất tiện xảy đến và không thể nào thay đổi được thì bạn chấp nhận nó như một ân huệ từ trời cao chứ không ca cẩm, càm ràm. Bạn không miễn cưỡng đón nhận hay ước hoài sự thay đổi nơi một con người nhưng sẵn lòng tha thứ. Như một lẽ tự nhiên, trong các mối tương giao người có lòng khoan dung sẽ tìm cách thay đổi chính mình khi nhận ra có những điều không phù hợp thay vì mất công để biến đổi người khác. Lòng khoan dung có thể cho phép bạn bất đồng với ai đó nhưng không để bạn khăng khăng bắt người khác phải nhìn sự việc theo cách của mình. Tuy nhiên, người có lòng khoan dung cũng không phải là người sống thụ động khi ai đó xử bất công hoặc lợi dụng họ. Để sống được lòng khoan dung bạn hãy nài xin Chúa giúp mình đón nhận những gì bạn không thể thay đổi được. Một người có lòng khoan dung thế nào? Chị của bạn có một thói quen rất khó chịu và chị ấy có vẻ chẳng thể thay đổi được? Bạn đang trong một chuyến đi dài với cha mẹ, thời tiết rất nóng và khó chịu? Bạn và một người bạn bất đồng trong việc chọn ra con chó thông minh nhất? Mẹ bạn đón bạn trễ đến 3 lần trong tuần này? Một người bạn lấy trộm cây bút chì của mình? Bạn gặp một người có giọng nói kì lạ? 4. Dấu hiệu của sự thành công Chúc mừng bạn khi: Bạn cởi mở trước khác biệt Không bị ràng buộc bởi những định kiến Không phàn nàn khi có những hoàn cảnh khó chịu Tha thứ cho người khác thay vì có ác cảm với họ Tập trung để thay đổi chính mình khi mối tương quan bị rạn nứt Tha thứ cho người khác Xin Chúa giúp bạn đón nhận những gì bạn không thể thay đổi Hãy cố gắng khi: Tin rằng những khác biệt gây trở ngại Cố gắng để người khác suy nghĩ và hành động giống mình Cố gắng để thay đổi người khác Không thể không phàn nàn khi có khó chịu Chấp nhận bất công hay bị lạm dụng Cố công để thay đổi những gì chẳng thể Khẳng định: Tôi sống lòng khoan dung. Tôi bỏ qua lỗi lầm của người khác và cởi mở trước những khác biệt. Tôi nài xin Thiên Chúa giúp tôi đón nhận những gì không thể thay đổi. Trích sách: The Family Virtues Guide Chuyển ngữ: Hướng Dương Nguồn: giaophanlongxuyen.org Ngày 14 tháng 11 Năm 2022 Bài liên quan 10 phương thế để hoàn thiện cuộc sống hôn nhân Lời khuyên của Thánh Gioanna Phanxica Chantal dành cho các bậc cha mẹ Chính chúng ta thản nhiên thả con trẻ vào thế giới ảo Nhân đức trong Gia đình: Sự đáng tin cậy Nhân đức trong Gia đình: Sự tôn trọng