Giới trẻ Chết… sướng hay khổ? “Đã có lúc tôi tự ngẫm và tự khóc một mình” Ngoại đã già và nhiều lúc không còn ý thức về chuyện mình đang làm, khi nhớ khi quên. Nhưng có điều mà ngoại cứ lặp đi lặp lại hoài: -“Sao ông trời không cho chết quách đi! Sống hoài tuổi già khổ quá!” Thằng cháu mới lớn chưa hiểu chuyện nghe bà nói vậy lại giật mình hỏi má: -“Ủa! Chết là sướng hả má?” Má giật mình vì câu hỏi bất ngờ, liền hỏi lại: -“Gì vậy? Cái thằng!” Thằng con trả lời: -“Thì con nghe ngoại than hoài đó! Ngoại biểu sống tuổi già khổ rồi đòi chết, vậy là chết sướng hơn! Phải không má?” Nghe thằng con lập luận, rồi ngó nhìn người mẹ già đang tuổi đợi chờ ngày về bên kia đỉnh đồi, má bồi hồi xúc động. Không trả lời câu hỏi của con, chỉ lấy bàn tay lau hai dòng nước mắt. Cậu con lại giật mình: -“Ủa! Vậy chết là sướng hay khổ? Nếu sướng thì sao má lại khóc?” Má gạt phăng giọt nước mắt còn lưng trên mí, trả lời gọn hơ: -“Ai mà biết! Có chết hồi nào đâu mà biết!” Trả lời xong má bỏ đi nước một. Ngoại vẫn ngồi trên võng đọc kinh Mân Côi, lời kinh mà ngoại còn nhớ nhiều nhất và đọc thường xuyên nhất. Thằng con ngồi tựa cột nhà với tâm trạng hụt hẫng vì lối trả lời của má. Ngày ngoại mất, má khóc dữ thần. Hồi mấy anh thanh niên xúm nhau vác cái xác của ngoại đặt trên chiếc chiếu bỏ vô quan tài, má níu cái chiếu lại không cho người ta bỏ xác ngoại vô trong cái hộp quái quỷ kia. Vừa níu vừa la làng: “Má ơi! Má về với con! Má đừng bỏ con!” Nhưng mấy cô hàng xóm miệng râm ran đọc kinh, tay giữ má lại, miệng an ủi: “Thôi! Để bả đi đi con! Đừng đau buồn nữa!” Vậy là cái chết của ngoại để lại cho má nỗi đau kinh khủng, chỉ có những cơn đau xé lòng mới thốt lên những tiếng van vỉ thống khổ và những hành động níu giữ trong tuyệt vọng. Nhưng còn ngoại thì thanh thản với khuôn mặt an yên và đôi mắt nhắm nghiền. Miệng hơi khẽ hai môi như đang cười thì phải. Tấm hình người ta chọn đặt trước quan tài của ngoại cũng là bức hình ngoại đang cười, cười thiệt tươi. Một lần nữa, đứa con lại tự hỏi: “Vậy rồi chết là sướng hay khổ? Sao ngoại cười mà má lại khóc?”. Nó cũng nhìn di ảnh của ngoại và rơi nước mắt, lòng nó nhớ cái hình ảnh ngoại ngồi trên võng đu đưa nhè nhẹ miệng đọc kinh còn tay lần mấy hột chuỗi. Nhưng cái nhớ của nó không đến nỗi như má, sao má đau khổ quá chừng mà nó chỉ thấy nhớ hơi hơi. Ngày má được người ta đặt vô quan tài, nó muốn quỳ lạy người ta: “Bỏ má tui ra! Mần ơn mần phước! Tui lạy mấy người! Đừng bê xác bả đi! Để bả lại cho tui!” Nhưng người ta vẫn đặt thi hài vào quan tài. Nhìn má nằm an yên trong quan tài, lòng nó đau như có ai lấy dao cứa từng đoạn ruột, mà cây dao ấy không bén nên cứa day dưa đau càng đau. Nó nhớ ngoại, nhớ má. Cái đầu hai màu tóc khúc khích với cái lỗ sâu hoắm trong lòng. Nó vẫn tự hỏi: “Bây giờ má thì sướng! Con thì khổ! Phải không má?” Tiểu Tuyền Nguồn: dongten.net Ngày 7 tháng 1 Năm 2023 Bài liên quan Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội Đức Giê-su Ki-tô – Đường công chính Giới trẻ trưởng thành trong đời sống gia đình Giáo xứ - Môi trường giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho các bạn trẻ