Giới trẻ Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào? Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng ta có thể ngỡ ngàng khi phát hiện rằng Facebook đã 20 năm tuổi. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Facebook vẫn còn khá trẻ, bởi nó dường như đã tồn tại từ lâu rồi. Công ty này bắt đầu vào năm 2004. Trong 20 năm qua, nó đã phát triển nhanh chóng và mở rộng từ một dịch vụ nhắm đến sinh viên đại học ở Hoa Kỳ sang một dịch vụ cung cấp cho toàn thế giới. Chúng ta cũng có thể cảm thấy bối rối về việc chính xác thì chúng ta đang kỷ niệm điều gì sau 20 năm này. Vậy Facebook là gì? Facebook vừa là một công ty vừa là một sản phẩm. Công ty này khá nổi tiếng, là chủ đề của các bài nghiên cứu và tạp chí, cũng như phim ảnh.[1] Công ty, với giá trị cổ phiếu cao trên thị trường, đã thêm các bộ phận mới và đổi tên thành Meta. Facebook vừa nổi tiếng vừa được sử dụng rộng rãi, nhưng lại ít được hiểu biết đúng mức. “Đối với một số lượng người dùng đáng kinh ngạc trên khắp thế giới, Facebook đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày đến mức người ta hầu như không suy nghĩ đến vai trò của nó.”[2] Theo lời Andrew Bosworth, một trong những giám đốc điều hành của công ty, Facebook tồn tại “để kết nối mọi người”[3] và nó đã làm rất tốt điều đó. Để tạo ra những kết nối đó, khác với một số trang mạng xã hội khác, Facebook yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật, và đây là một trong những lý do được cho là giúp công ty thành công. Sự gắn kết với Facebook đối với người dùng dường như tự nhiên như chính bản thân họ trong cuộc sống hằng ngày. Bài viết này sẽ xem xét Facebook, một ứng dụng, như một phương tiện truyền thông, cố gắng hiểu bản chất của nó bằng cách áp dụng một mô hình truyền thông truyền thống, tìm hiểu các hoạt động của nó thông qua những hệ quả không mong muốn, và cuối cùng đưa ra một số suy ngẫm về cách mà Facebook đã thay đổi giới truyền thông. Thực thể truyền thông Hiểu được Facebook là gì không chỉ đơn thuần là một vấn đề về tính quen thuộc, nhưng là sự hiểu biết liên quan đến bản chất của truyền thông. Với tư cách là một phương tiện truyền thông, Facebook vừa mới vừa không mới. Nó không phải là mạng xã hội đầu tiên, và mạng xã hội cũng không chỉ xuất hiện khi có Internet. Từ lâu, con người đã tạo lập các nhóm bạn bè, giữ liên lạc với cuộc sống của nhau, lên kế hoạch cùng nhau, trò chuyện về hàng xóm, cập nhật các xu hướng thời trang, và v.v. – tất cả những điều mà người ta có thể thực hiện trên Facebook. Lịch sử của công ty công nhận một cách rõ ràng về những nguồn gốc của các ý tưởng nền tảng của Facebook, nhưng Facebook đã thành công trong việc tích hợp các yếu tố đó tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của người dùng nhanh chóng hơn”.[4] Từ góc độ truyền thông, việc áp dụng bốn quy luật truyền thông của McLuhan[5] giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách định vị Facebook và tác động của nó. McLuhan cho rằng, mỗi phương tiện truyền thông mới đều làm tăng cường, đảo ngược, hồi sinh, và làm lỗi thời một số hình thức truyền thông trước đó. Điều này áp dụng cho Facebook cũng như cho radio, truyền hình hay Internet. Facebook tăng cường các kết nối xã hội, cả về mối quan hệ cá nhân và chính khái niệm kết nối xã hội, bằng cách thêm quy mô, tốc độ, các cách thức mới và các chủ đề mới để kết nối. Nhưng chính quy mô đó lại đảo ngược lại quá trình, làm chậm nó lại khi khiến cho người dùng không thể theo kịp hoặc theo dõi hàng tỷ người dùng khác và chấp nhận cả những người và những công ty không quen thuộc như thể có các kết nối cá nhân với mình hơn. Facebook hồi sinh các đặc điểm từ các phương tiện truyền thông đi trước, chẳng hạn như cảm giác thuộc về một cộng đồng[6], nhận tin tức, viết thư, nghe thông tin quảng cáo, tham gia vào cộng đồng người hâm mộ (“Fandom”: một từ mới chỉ các nhóm có chung đam mê), chia sẻ phương tiện truyền thông, viết blog, và các hoạt động tương tự.[7] Cuối cùng, Facebook khiến một số phương tiện truyền thông truyền thống trở nên lỗi thời, chẳng hạn như gửi thư qua bưu điện, gặp mặt trực tiếp và báo chí. “Nếu điều này mô tả cách Facebook (sản phẩm) liên quan đến các phương tiện truyền thông khác, thì chính xác Facebook là gì? Sau khi cố gắng tìm câu trả lời, Bucher cuối cùng như bất lực và viết rằng, “Facebook là Facebook.”[8] Cô ấy có lý khi nói vậy, bởi trong 20 năm qua, Facebook đã không ngừng phát triển, tái tạo chính mình, tích hợp các phương tiện truyền thông khác và mở rộng nhiều hoạt động để kết nối con người. Facebook liên tục được điều chỉnh, sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ mà nó thu thập từ người dùng nhằm, theo quan điểm của mình, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho những người dùng đó.[9] Một dòng thời gian của Facebook[10] liệt kê các thay đổi về sản phẩm mà công ty đã giới thiệu trong 20 năm qua, nhiều thay đổi trong số đó rất quen thuộc, thậm chí cực kỳ quen thuộc đối với người dùng, đến mức một số người có thể tự hỏi làm sao Facebook có thể tồn tại mà không có chúng. Facebook ra đời vào năm 2004 dưới dạng một trang web. Nó đã thêm các tính năng và chỉ chuyển sang ứng dụng dành cho điện thoại di động vào khoảng năm 2011-2013, tám năm sau khi Apple giới thiệu iPhone. Về mặt thời gian, Facebook đã phát triển bằng cách thêm các tính năng sau: Tên và liên lạc, ảnh, gắn thẻ ảnh, tường (trang đích nơi người dùng có thể đăng nội dung để người khác xem và sử dụng nội dung họ quan tâm), một đồ thị xã hội về các kết nối giữa bạn bè; Facebook Notes (viết blog), Bảng tin (danh sách thông tin về bạn bè trên Facebook và nội dung được chọn lọc theo thuật toán để thu hút người dùng), Nền tảng Facebook (các tiêu chuẩn cho nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên giao diện Facebook và kết nối các trang web, chẳng hạn với Facebook), Facebook Beacons (hệ thống quảng cáo), Facebook Credits (hỗ trợ trao đổi tài chính và thanh toán), nút Like, khả năng gắn thẻ bạn bè ở trong các cập nhật trạng thái và bình luận, các trang cộng đồng (chứa nội dung bên ngoài), Open Graph (bản đồ về sở thích của những người mà người dùng quen biết), Facebook di động (ứng dụng cho điện thoại), trò chuyện video, Facebook Timeline, Facebook Exchange (hệ thống đấu thầu quảng cáo), biểu tượng cảm xúc, DeepFace (hệ thống nhận diện khuôn mặt trong ảnh), Newswire, nhắn tin tức thời, quản lý nội dung, và Facebook Live, cùng với việc mua lại các công ty như Instagram, WhatsApp, Oculus VR và các công ty khác cung cấp hỗ trợ cho phân tích và lưu trữ dữ liệu. Với tư cách là một sản phẩm, Facebook mở rộng qua nhiều cách kết nối con người và các mối quan tâm của họ. Sử dụng Facebook đồng nghĩa với việc một người được kết nối và đối với nhiều người, Facebook chính là Internet. Với tư cách là một công ty, Facebook tích cực bảo vệ các cách thức kết nối của mình và mua lại các đối thủ cạnh tranh hoặc nhân viên của họ để duy trì vị thế trong cuộc sống của mọi người. Facebook là một thách thức để hiểu rõ vì nó liên tục thay đổi và đã trở thành rất nhiều thứ khác nhau với nhiều vai trò khác nhau. Để hiểu rõ hơn về tất cả các tính năng này, Bucher và các tác giả khác đã sử dụng một số phép ẩn dụ để mô tả Facebook. Facebook vừa là một không gian công cộng lại vừa mang cảm giác thân mật; nó vừa là một quảng trường trung tâm, vừa là một phòng khách; nó là một phiên bản của Internet mở; nó là một cộng đồng; nó là một cơ quan phát sóng công cộng; nó là một danh bạ điện thoại; nó là một nguồn tin tức; nó là một bưu điện; nó là một tiện ích công cộng; nó là một nền tảng.[11] Facebook là một môi trường truyền thông, một hệ sinh thái nơi tất cả các hình thức giao tiếp và thiết bị tương tác với nhau; nó là một công cụ kết nối đa năng. Những phép ẩn dụ này nhắc nhở chúng ta rằng Facebook đã linh hoạt đến mức tối đa để phục vụ càng nhiều người dùng càng tốt, vì ngoài việc là một sản phẩm, Facebook còn là một công ty cần phải mở rộng số lượng người dùng và phát triển. Và nó đã phát triển mạnh mẽ, từ 70.000 người dùng vào năm 2004 lên 1,8 tỷ người dùng vào năm 2016.”[12] Hiểu về Facebook: Các thuyết về việc sử dụng và sự hài lòng Một cách để hiểu khác về Facebook là áp dụng mô hình nghiên cứu truyền thông truyền thống. Thuyết “sử dụng và hài lòng” được sử dụng trong nghiên cứu truyền thông từ những năm 1940 [13] đã nghiên cứu các giả thuyết cho rằng mọi người sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau vì nhiều lý do khác nhau nhưng luôn luôn để đáp ứng một số nhu cầu cụ thể. Ban đầu phương pháp này được phát triển cho radio và truyền hình, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao mọi người sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Dù có nhiều lý do khác nhau, các nhà nghiên cứu đã cố gắng rút gọn chúng thành một vài nhóm chính. Các nhu cầu thường thấy bao gồm tìm kiếm thông tin, hỗ trợ đưa ra quyết định (như tìm kiếm lời khuyên về bầu cử, mua sắm, hoặc lựa chọn), giải trí, các tiện ích liên cá nhân, tương tác xã hội một chiều (parasocial interaction: kết nối hoặc theo dõi các diễn viên, người nổi tiếng, hoặc thậm chí là các nhân vật hư cấu). Những nhóm nhu cầu này chắc chắn áp dụng cho Facebook và giúp ta hiểu rõ phạm vi của nó. Mọi người sử dụng Facebook để đạt được nhiều mục đích và đáp ứng các nhu cầu khác nhau của bản thân. Là một nền tảng mở, Facebook mang đến cho người dùng (và các đối tác nội dung) sự tự do to lớn trong nhiều hình thức giao tiếp. Tìm kiếm thông tin là một nhu cầu nổi bật, cùng với người dùng chia sẻ tin tức cá nhân, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, kết nối lại với người quen cũ, bạn học, đồng nghiệp, và các mối quan hệ xã hội. Việc tìm kiếm thông tin này cũng đóng vai trò như một hình thức giám sát, giúp người dùng theo dõi cả môi trường xung quanh và những người trong môi trường đó. Facebook cũng là một nguồn tin tức, không chỉ thông tin về bạn bè và doanh nghiệp mà còn về các sự kiện địa phương, quốc gia và quốc tế – với nhiều người, Facebook là nguồn tin tức nóng hổi đầu tiên của họ. Khác với các nhóm “sử dụng và hài lòng” truyền thống, việc tìm kiếm thông tin trên Facebook thường trùng lặp với nhóm tiện ích liên cá nhân, vì nhiều thông tin mọi người tìm kiếm thường liên quan đến người khác – các tin đồn chiếm phần lớn các nội dung trên Facebook. Nhưng những tiện ích liên cá nhân còn bao hàm nhiều hơn thế. Facebook là công cụ để tổ chức các nhóm và các hoạt động, cung cấp thông tin và kết nối với các nhóm doanh nghiệp, tôn giáo, trường học, hoặc giải trí. Ở đây, các nhóm nhu cầu cũng giao thoa, vì Facebook cung cấp nhiều tài nguyên tuyệt vời cho việc tương tác với những người mà người dùng không nhất thiết phải quen biết; nhiều người tìm thấy sự hài lòng trong việc theo dõi cuộc sống của các ngôi sao nổi tiếng. Facebook cũng đóng vai trò hỗ trợ ra quyết định. Người dùng tận dụng nó để nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề khác nhau; các công ty dùng Facebook như một nền tảng tiếp thị và bán hàng; chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận thiết lập các trang Facebook để hướng dẫn người dân trong các quyết định về sức khỏe, giải trí, khoa học, và nhiều lĩnh vực khác. Các nhóm chính trị sử dụng Facebook để giáo dục, thuyết phục, hoặc thậm chí có thể tác động đến cử tri. Mọi người tìm kiếm những lời khuyên từ các nhóm hỗ trợ về hầu hết các vấn đề gặp phải; Facebook cũng cung cấp các nguồn thông tin không chính thức về sức khỏe, khoa học, tôn giáo và chính trị, đồng thời đóng vai trò như một bản tin điện tử. Cuối cùng, mọi người sử dụng Facebook để tiêu khiển. Trên Facebook nhu cầu giải trí có sự đan xen với các nhu cầu khác, khi việc kết nối liên cá nhân cũng đem lại niềm vui thông qua việc theo dõi cuộc sống của người khác. Facebook cũng là một nền tảng trò chơi; một nơi tụ tập của người hâm mộ; một phương tiện để thể hiện bản thân; nó cũng là một cách để giết thời gian. Tóm lại, xét về các nhu cầu về việc sử dụng và thỏa mãn trong nghiên cứu truyền thông, Facebook nổi lên như một loại phương tiện giao tiếp phi truyền thống. Nếu như các nghiên cứu trước đây dễ dàng phân tích sự gắn bó của người dùng với truyền hình, thì Facebook lại khiến cho việc phân tách động cơ sử dụng trở nên khó khăn hơn. Điều này có vẻ khá thực tế, vì Facebook dường như đáp ứng mọi thứ mà người dùng mong muốn. Và những động cơ của họ hiếm khi được xác định rõ một cách cụ thể. Những hệ quả ngoài ý muốn Các mục đích sử dụng đa dạng này còn xuất hiện theo nhiều cách khác nhau. Là một công cụ giao tiếp chung, không ngạc nhiên rằng Facebook không chỉ có những ảnh hưởng trực tiếp mà còn gián tiếp, cùng với những hệ quả có chủ đích và cả ngoài ý muốn. Với quá nhiều người dùng và tính năng, việc có những nhầm lẫn về những động cơ sử dụng và sự hiểu biết về các hướng dẫn gần như là điều khó tránh khỏi. Những gì từng có hiệu quả với một nhóm các sinh viên đại học tương đối đồng nhất, ban đầu chỉ kết nối với sinh viên cùng trường, lại không phù hợp khi áp dụng cho một nhóm khác đa dạng hơn xét riêng trên cấp độ toàn cầu. Bên cạnh đó, Facebook ban đầu có thái độ khá ôn hòa với người dùng, và đã đánh giá thấp mức độ của các hành vi tiêu cực. Trong lịch sử của công ty, Levy nhấn mạnh rằng Mark Zuckerberg, nhà sáng lập và điều hành của Facebook, tin tưởng vào con người và không lường trước được những hành vi gây ảnh hưởng xấu. Chính vì vậy, trong suốt lịch sử của mình, các tính năng của Facebook vừa góp phần vào thành công thương mại to lớn vừa gây ra nhiều chỉ trích không có dấu hiệu dừng lại. Ví dụ, Facebook – xét về sản phẩm – ban đầu chỉ là một diễn đàn để bạn bè chia sẻ với nhau, trong khi công ty Facebook cam kết với nguyên tắc tự do ngôn luận.[14] Mục tiêu trực tiếp này, cùng với mong muốn kết nối mọi người, đã dẫn đến việc người dùng được thoải mái bày tỏ quan điểm, nhưng cũng vô tình kéo theo những hệ quả không mong muốn như sự lan truyền thông tin sai lệch, bắt nạt, phát ngôn thù hận, quấy rối, hình ảnh không phù hợp, và các hành vi tiêu cực khác. “Khi số lượng người dùng tăng lên càng có nhiều các vấn đề về nội dung họ chia sẻ.”[15] Vào giai đoạn đầu hoạt động, đến năm 2005, công ty bắt đầu phát triển các quy tắc hướng dẫn về nội dung. Chỉ trong hai năm sau, chính quyền một số bang ở Hoa Kỳ đã bắt đầu gây áp lực buộc Facebook phải giám sát và gỡ bỏ nội dung khiêu dâm, đặc biệt là những nguy cơ đe dọa đến trẻ em. Khi Facebook mở rộng đăng ký cho người dùng trên toàn thế giới, nhiều chính phủ có quan điểm khác biệt về tự do ngôn luận đã yêu cầu hạn chế những nội dung (thường là chính trị) bị cấm ở trong quốc gia của họ. Đến ngày nay, những tranh cãi về nội dung không phù hợp vẫn tiếp tục diễn ra. Một ví dụ khác là mong muốn cải thiện trải nghiệm của người dùng đã thúc đẩy Facebook thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ và tập trung chú trọng vào phân tích dữ liệu. Điều này giúp công ty có thể đưa ra các gợi ý trên bảng tin, từ các bài viết về bạn bè cho đến quảng cáo. Ngay từ những ngày đầu, Facebook đã thu thập dữ liệu người dùng, chủ yếu là dữ liệu đời thường. Các tính năng ra đời sau này, đặc biệt là nút Like (khuyến khích người dùng thể hiện sự đồng tình chỉ bằng một cú nhấp chuột, thậm chí cả trên các trang ngoài Facebook), đã giúp Facebook thu thập thêm dữ liệu về danh bạ của người dùng, bạn bè của họ trên Facebook và cả những người chưa tham gia vào nền tảng này.[16] Chính sách khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin của Facebook – thực chất, toàn bộ mô hình sản phẩm của công ty không dựa vào việc tự tạo nội dung mà là để người dùng sáng tạo ra nội dung, thậm chí gần như yêu cầu họ làm điều đó – đã dẫn đến một cách tiếp cận cởi mở với quyền riêng tư dữ liệu. Lượng dữ liệu thu thập được cho phép Facebook xây dựng hồ sơ người dùng, một thứ tài sản vô cùng giá trị vì những hồ sơ này góp phần định hướng quảng cáo một cách hiệu quả. Việc thu thập dữ liệu và lập hồ sơ người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo còn mang đến một tác động gián tiếp đầy bất ngờ khác: trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho các chiến dịch chính trị ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Facebook thường áp dụng cách tiếp cận “không can thiệp” đối với quảng cáo chính trị, thậm chí kể cả khi xuất hiện thông tin sai lệch, do cam kết của công ty với quyền tự do ngôn luận; họ cho phép một mức độ tự do lớn hơn đối với các phát ngôn chính trị.[17] Với việc khuyến khích chia sẻ thông tin, Facebook – xét như một nền tảng – đã trở thành nguồn thông tin chính trị quan trọng, và công ty cảm thấy rằng không nên can thiệp vào vấn đề này. Bucher cho rằng điều này đã tạo ra một số vai trò chính trị quan trọng nhưng gián tiếp cho Facebook. Thứ nhất, “Facebook đã trở thành một phần cốt lõi trong chính trị bầu cử và đảng phái, đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch vận động và [có khả năng] tác động đến hành vi của cử tri.” Thứ hai, “Facebook được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình chính trị, huy động các phong trào xã hội, và làm nền tảng trung gian cho các hoạt động chính trị.” Thứ ba, “Facebook bị lợi dụng như một công cụ tung tin sai lệch hoặc được các chế độ độc tài sử dụng để ngăn chặn các cuộc biểu tình, kiểm soát người dân, và trong một số trường hợp kéo theo những thảm kịch nghiêm trọng.” Cuối cùng, “Facebook chịu sự quản lý của pháp luật và … đồng thời quản lý người dùng qua các chính sách và tiêu chuẩn của mình.”[18]Công ty không hề có ý định trở thành một công cụ chính trị, nhưng điều đó đã xảy ra một cách ngoài ý muốn. Một tác động gián tiếp khác chỉ bộc lộ rõ ràng khi vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và chính trị. Vào tháng 12 năm 2015, The Guardian đưa tin về “việc các hồ sơ Facebook bị đánh cắp đã được sử dụng trong chiến dịch tranh cử của Cruz [một chính trị gia Mỹ].”[19] Mặc dù chi tiết về cách mà một nhà phát triển và đối tác nội dung thu thập và thao túng dữ liệu có phần phức tạp, nhưng hầu hết mọi người đều ngay lập tức nhận ra sự thiếu sót trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Facebook, với tư cách là công ty, đã có thái độ thay đổi đối với quyền riêng tư, bởi vì mô hình ban đầu của họ giả định rằng mọi người muốn công khai thông tin của chính mình – từ sở thích, tình trạng mối quan hệ cho đến các lượt Thích – và chỉ sau này nền tảng này mới cho phép người dùng lựa chọn một cách có ý thức thông tin nào cần được bảo vệ. Tuy nhiên, những lựa chọn này không ảnh hưởng đến hồ sơ người dùng hay các bản tóm tắt tính cách dựa trên chúng. Phần lớn người dùng cho rằng mức độ bảo vệ quyền riêng tư của họ cao hơn thực tế, và hầu hết không lường trước cũng như không hiểu được cách thông tin cá nhân của họ có thể khiến họ bị lợi dụng và thao túng. Mặc dù Facebook đã nhận thức rõ hơn về khả năng khai thác dữ liệu người dùng, ít nhất là đối với quảng cáo, nhưng họ chỉ thực hiện những biện pháp tối thiểu cần thiết để bảo vệ thông tin người dùng. Những rủi ro về quyền riêng tư khác đã xuất hiện ngay trong cốt lõi của Facebook. Sự cởi mở trong việc chia sẻ thông tin trở thành một yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm của doanh nghiệp này. Là một nền tảng, Facebook khuyến khích người dùng chia sẻ một cách công khai, với những tính năng như Bảng tin hay Open Graph, giúp người dùng dễ dàng theo dõi bạn bè và biết được họ đang làm gì. Những tính năng này đáp ứng mong muốn thích tán gẫu của con người, tìm niềm vui từ hoạt động của người khác, gắn kết bản thân với cộng đồng, luôn cập nhật xu hướng, và thậm chí thực hành một dạng “quan sát” môi trường xung quanh. Một mặt, đây là một cách dễ chịu để giữ liên lạc và phản ánh rõ mục tiêu của Facebook trong việc kết nối mọi người. Nhưng ngược lại, khả năng này cũng tạo điều kiện cho việc theo dõi trái phép hay các hành vi quấy rối khác. Thực tế, khi Bảng tin lần đầu được giới thiệu, người dùng thậm chí đã đặt biệt danh cho nó là “Stalker-book”[20] (Trang theo dõi). Một ví dụ điển hình cuối về tác động gián tiếp bắt nguồn từ mong muốn kết nối mọi người mà công ty đặt ra, điều này đã thúc đẩy sự mở rộng người dùng của Facebook không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự mở rộng quốc tế này lại mang đến một hệ quả không mong muốn của việc phơi bày sự thiếu kiến thức và hiểu biết đa văn hóa của công ty, dẫn đến bi kịch tại Myanmar. Tại đây, những người mới tiếp cận Internet và Facebook dễ dàng bị cuốn theo các bài đăng kích động, khơi dậy làn sóng bức hại đối với các nhóm dân tộc thiểu số.[21] Hầu như mọi ý tưởng của Facebook – từ việc kết nối mọi người, lấp đầy bảng tin bằng thông tin từ bạn bè, theo dõi hoạt động người dùng, đến việc đề xuất sản phẩm – đều dẫn đến sự cần thiết trong việc khắc phục những hệ quả ngoài ý muốn. Điều này phần nào phản ánh phong cách làm việc của Facebook đó là thử nghiệm các ý tưởng mới với tốc độ chóng mặt, đúng với phương châm không chính thức của họ: “Hãy tiến thật nhanh và trải nghiệm mọi thứ” (Move fast and break things). Những hệ quả ngoài ý muốn này không chỉ là hệ lụy xuất phát từ tầm nhìn hạn hẹn của công ty, mà còn bắt nguồn từ chính bản chất của một phương tiện truyền thông hoàn toàn mới, với những tác động mà mọi người vẫn chưa hiểu hết. Một Thế giới Truyền thông đang thay đổi Facebook là một trong những nhân tố chủ chốt làm thay đổi cách thức truyền thông, chủ yếu thông qua việc mở rộng quy mô, tăng tốc độ và đa dạng hóa các hình thức kết nối xã hội. Chỉ trong vòng 20 năm, Facebook đã nhanh chóng định hình và phát triển một cách thức hoàn toàn mới để giúp kết bạn và tham gia vào các tương tác xã hội nhanh chóng và dễ dàng hơn. Không cần phải là một nhà tiên tri mới nhận ra những tác động tiêu cực xuất phát từ hình thức truyền thông mới này mang lại cho xã hội. Phần lớn các bài nghiên cứu về Facebook đã tập trung vào sức ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội quyền lực này. Jamal Sanad Al-Suwaidi đã chỉ ra một số ảnh hưởng, cả tích cực lẫn tiêu cực, đồng thời thừa nhận rằng chúng không chỉ giới hạn ở Facebook mà còn áp dụng cho mọi mạng xã hội. Về mặt tiêu cực, những ảnh hưởng đáng chú ý bao gồm: sự mất kết nối của các mối quan hệ xã hội phi kỹ thuật số và sự gắn kết của các mối quan hệ gia đình khi tâm điểm của cuộc sống chuyển dần vào thế giới ảo; sự thay đổi các giá trị xã hội khi con người tiếp xúc với vô số tư tưởng khác biệt; các biến đổi về văn hóa; cảm giác cô lập; sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thế giới kỹ thuật số để thỏa mãn những nhu cầu cảm xúc; và sự phát triển của các cộng đồng ảo; cùng với sự khác biệt về nhận thức và tác động đến giáo dục. Bên cạnh đó, cũng có những mặt tích cực không thể phủ nhận như: sự phát triển của nền kinh tế tri thức; các mô hình kinh doanh đổi mới; sự mở rộng thương mại xuyên biên giới; và một tinh thần cởi mở với những nhóm cộng đồng đa dạng.[23] Điều gì có thể lý giải được tại sao Facebook tạo ra một phạm vi ảnh hưởng xã hội sâu rộng và đa chiều đến vậy? Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng chính là một phần lý do giải thích cho những tác động đa chiều của Facebook. Việc có khả năng tạo ra vô số mối quan hệ xã hội và tiếp nhận cả những tương tác của người lạ khiến cho ngữ cảnh trong các mối quan hệ thiếu hụt hoặc trở nên lẫn lộn. Điều này làm thay đổi các tín hiệu, chuẩn mực và hành vi xã hội – những yếu tố vốn được hình thành qua nhiều năm dựa trên các nhóm xã hội truyền thống. Quy mô khổng lồ của Facebook đã loại bỏ những kiểm soát hành vi vốn được phát triển qua sự tương tác trực tiếp. Tương tự, sự thiếu ngữ cảnh khiến con người dễ bị tác động trước thông tin sai lệch, dễ tham gia vào hoặc trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, và dễ mất kiểm soát hơn khi đưa ra những phát ngôn thù hận nhắm vào người lạ, họ cũng trở nên dễ dàng tin vào những điều phi lý, chẳng hạn như các thuyết âm mưu, đồng thời khó khăn hơn trong việc đối phó với những thách thức về sức khỏe tinh thần do khối lượng thông tin không qua kiểm duyệt quá lớn gây ra. Sự mất quyền riêng tư cũng xuất phát từ quy mô xã hội. Con người thường chấp nhận đánh đổi một phần riêng tư trong phạm vi gia đình hoặc các nhóm xã hội thân thiết; thậm chí, nhiều người còn dí dỏm nhận xét rằng ở những thị trấn nhỏ không có chỗ cho sự riêng tư. Nhưng ít ai lường trước được việc chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân cho quá nhiều người, thì ít nhiều họ sẽ bị mất đi sự dựa dẫm vào những lớp phòng vệ tâm lý, lòng tự trọng, và cả những lý do biện minh cho hành động của mình qua việc phân tích dữ liệu quy mô lớn từ lượng thông tin khổng lồ mà họ vô tình cung cấp Trong những khía cạnh này, Facebook, cả với tư cách là sản phẩm lẫn công ty, đã gián tiếp tái định nghĩa tình bạn, và cách thức con người xây dựng mối quan hệ, thậm chí cả cách mọi người tiếp xúc với nhau. Nền tảng này tạo ra một phiên bản bạn bè “dễ dàng,” nơi các cập nhật được gửi và nhận đồng loạt đến tất cả, đồng thời đặt nền móng cho ngành công nghiệp mà Simanowski gọi là “affective-computing” (điện toán cảm xúc).[24] Điều này xảy ra vì Facebook với tư cách là một sản phẩm, đã tái định hướng các mối quan hệ của con người với nhau, với không gian xã hội, và cả với thời gian. Chẳng cần đặt vấn đề về nơi đời thực mà người ta tìm thấy nhau bởi vì thể giới ảo của không gian xã hội đáng quan tâm hơn. Cùng với đó, thời gian ảo cũng trở nên được ưu tiên hơn: Facebook liên tục nhắc nhở người dùng kiểm tra trạng thái bạn bè, giết thời gian bằng những trò chơi giống với họ, hoặc thậm chí gợi ý cách để “lãng phí thời gian”. [25] Cuối cùng, chính Facebook định hình nên cuộc sống và trải nghiệm của người dùng. Sự thất bại trong việc áp dụng hoàn chỉnh mô hình “uses and gratifications” (sử dụng và hài lòng) để tìm hiểu về Facebook lý giải cách nền tảng này khác biệt so với các phương tiện truyền thông khác. Facebook thực hiện được mọi điều mà những phương tiện truyền thông truyền thống có thể làm được, nhưng với một điểm cốt lõi khác biệt so với radio, truyền hình hay phim ảnh đó là Facebook là một phương tiện truyền thông gần gũi và thân mật hơn. Trong khi các phương tiện truyền thông khác – dù lôi cuốn đến mức nào về mặt nội dung, âm thanh hay hình ảnh – đều giữ một khoảng cách có thể nhận thấy được giữa người dùng và nội dung. Facebook thì khác: nó hoạt động dựa trên sự thân mật, khiến người dùng dễ dàng nhầm lẫn giữa các mục đích truyền thông: việc tìm kiếm thông tin có thể biến thành mối quan hệ một chiều (parasocial relationship); giám sát trở thành bám đuôi; tiện ích liên cá nhân trở thành trò giải trí; và thậm chí, tình bạn cũng mang tính chất “phi thực” khi nền tảng này can thiệp một cách khéo léo vào cuộc sống của con người. Những sự chồng chéo này không chỉ làm cho Facebook, với tư cách là một phương tiện truyền thông, trở nên khó nắm bắt và khó giải thích hơn. Các mối quan hệ thân mật rộng rãi nhưng bị ép buộc mà Facebook tạo ra cùng với các mục đích sử dụng chồng chéo có thể lý giải phần nào những hệ quả không mong muốn của nền tảng này. Các thuật toán kết nối người dùng của Facebook khuếch đại mọi thứ, làm nhòe đi ranh giới cũng như các quy tắc xã hội được hình thành qua môi trường thực tế. Làm sao để ai đó có thể dự đoán được tất cả những hệ quả có thể xảy ra trong bối cảnh đầy rẫy các yếu tố liên tục thay đổi? Facebook không chỉ phản ánh những thay đổi của xã hội mà còn góp phần tạo ra những thay đổi đó. Simanowski đã tóm gọn điều này một cách sâu sắc: “Bằng cách mời gọi mọi người trải nghiệm bản thân một cách nghèo nàn về mặt phản xạ, Facebook tạo ra những cá nhân không còn thấy sợ hãi trước quá trình này. Điều đó đặt Facebook vào xu hướng của các mối quan hệ xã hội mang tính khẳng định (affirmative social relations) – mà chính nền tảng này đồng thời thúc đẩy. Facebook trở nên phổ biến như vậy là bởi vì nó có thể khiến chúng ta yêu mến chính xã hội mà chúng ta đang sống.”[26] Vậy Facebook thực chất là gì? Nếu sử dụng một phép ẩn dụ khác, có thể nói rằng Facebook, với việc là một sản phẩm, giống như một tấm gương phản chiếu con người chúng ta – từ những điều phức tạp, kỳ diệu, cho đến cả những xấu xí của chúng ta. Nguồn: laciviltacattolica.com Chuyển ngữ: Giuse Hồ Quang Trung DOI: https://doi.org/10.32009/22072446.1124.12 [1]. Cf. T. Bucher, Facebook, Cambridge, UK, Polity, 2021; D. Kirkpatrick, The Facebook Effect: The Inside Story of the Company That Is Connecting the World, New York, Simon & Schuster, 2010; R. Krasnow, “In Your Feed: Books About Facebook’s History & Influence”, in New York Public Library (www.nypl.org/blog/2021/02/04/facebook-booklist), February 4, 2021; S. Levy, Facebook: The Inside Story, New York, Blue Rider Press, 2020. Moreover, Bucher lists more than 400 scientific publications, while Levy’s more journalistic approach includes 30 pages of bibliography. [2]. T. Bucher, Facebook, op. cit., 75. [3]. S. Levy, Facebook…, op. cit., 441. [4]. Cf. ibid., ch. 7-13. [5]. Cf. M. McLuhan – E. McLuhan, Laws of Media. New Science, Toronto, University of Toronto Press, 1988. [6]. “a social, economic, and political entity including families connected by kinship” (J. S. Al Suwaidi, From Tribe to Facebook: The Transformational Role of Social Networks, Abu Dhabi, Emirates Center for Strategic Studies and Research, 2013, 12). [7]. Cf. Ibid., 22 f. [8]. T. Bucher, Facebook, op. cit., 3. [9]. Cf. S. Levy, Facebook…, op. cit., ch. 16. [10]. Cf. Wikipedia (en.wikipedia.org/wiki/History_of_Facebook); S. Levy, Facebook…, op. cit., ch. 7-13. [11]. Cf. T. Bucher, Facebook, op. cit., 35; 51 f. [12]. Cf. Wikipedia, op. cit. [13]. Cf. P. Palmgreen – L. A. Wenner – J. D. Rayburn, “Relations Between Gratifications Sought and Obtained: A Study of Television News”, in Communication Research 7 (1980/2) 161-192. [14]. Cf. S. Levy, Facebook…, op. cit., 111; 246 f. [15]. Ibid., 246. [16]. Cf. ibid., 205 f. [17]. Cf. T. Bucher, Facebook, op. cit., 161. [18]. Ibid., 165. [19]. S. Levy, Facebook…, op. cit., 418. [20]. Cfr T. Bucher, Facebook, op. cit., 108. [21]. Cf. ibid., 188-194. [22]. S. Levy, Facebook…, op. cit., 6. [23]. Cf. J. S. Al-Suwaidi, From Tribe to Facebook…, op. cit., 66-74. [24]. Cf. R. Simanowski, Facebook Society: Losing Ourselves in Sharing Ourselves, New York, Columbia University Press, 2018, XVIII. [25]. Cf. S. Levy, Facebook…, op. cit., 165. [26]. R. Simanowski, Facebook Society…, op. cit., XIV f. Ngày 4 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội Đức Giê-su Ki-tô – Đường công chính Giới trẻ trưởng thành trong đời sống gia đình Giáo xứ - Môi trường giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho các bạn trẻ