Giới trẻ MỘT VÀI KINH NGHIỆM TU TẬP Ở PHILIPINES Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12:1) Con còn nhớ cái ngày mà con nói với bố con rằng: “Bố, tình hình là con phải đi qua Philippines để tiếp tục công việc đào luyện. Vì cộng đoàn của con còn mới ở Việt Nam nên chưa có cơ sở để đào luyện.” Bố con, một người nông dân đúng hiệu, sau một lúc suy nghĩ đã bảo con thế này: “Sao mày không kiếm cái dòng nào nổi tiếng lâu đời ở Việt Nam mà tu, lại đi vào cái dòng đó làm cái gì. Con không nựa thì về đây. Bố có quen một số cha. Bố sẽ giới thiệu để mi về thi vào Giáo Phận.” Không biết lúc đó con ăn được cái gì mà con đã can đảm nói với bố con thế này: “Đó là quyết định của con. Con lớn rồi. Bố đâu có sống ơn gọi của con đâu mà đòi quyết định thay con.” Nghe thằng con nó quyết chí thế thì bố con bảo: “Thôi kệ mày. Mà tau nói nì: một khi mày đã quyết định thì lo mà đi cho trọn. Tau không muốn nhìn cái cảnh mi tu một hồi lại xách cặp ra về mô.” Thế rồi, sau khi học xong chương trình Triết Học tại Việt Nam, cuối tháng 5 năm 2015, con cùng với hai người anh em khác chuyển sang Phillipines để tiếp tục chương trình đào luyện. Khi bước chân ra đi, con có biết ít nhiều về đất nước Philipines qua lời kể của các anh đi trước cũng như qua báo đài. Cái ấn tượng đầu tiên con có trước khi bước chân qua Philippines là: Bão. Bão chẳng có gì xa lạ đối với một người sinh ra ở Miền Trung như con. Cứ mỗi mùa bão tràn về, khi nghe dự báo thời tiết con thường nghe bình luận viên nói: “Cơn Bão số một, có tên quốc tế là A,B,C... đang đổ bộ vào vùng Luzon Phillippines. Dự báo trong hai mươi bốn giờ sẽ di chuyển vào Biển Đông....” Cứ như thế, mỗi mùa Bão về cũng là lúc con nghe về đất nước Philippines. Rồi khi con đã đến Phillipines. Năm đầu tiên con tham gia các chương trình dành cho Thỉnh Sinh. Ở đây, con bắt đầu làm quen với môi trường mới và các bạn mới. Trong lớp con, ngoài anh em người Phillipines ra, còn có cả các bạn người người Indonesia nữa. Nói chung, về mặt văn hóa thì không có gì khác biệt cho lắm vì cùng là người châu Á với nhau. Con nhanh chóng hòa nhập với các bạn. Mặc dù cũng có lúc gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Kinh nghiệm đáng nhớ nhất trong năm Thỉnh Sinh là thời gian chúng con đi thực tế tại khu ổ chuột ở Baseco, nằm ngay sát ven thành Phố Manila. Baseco trước đây là bãi rác thải của Thành Phố Manila. Dần dần, những người dân nghèo, vô da cư, tội phạm đang ẩn trốn...tập trung lại sống ở đây. Chúng con đến với họ vào các chiều thứ 6 hàng tuần. Khi đi chúng con mang theo gạo và một ít cá hộp. Chúng con đến, cùng đọc Kinh, chia sẻ Lời Chúa, cùng ăn uống, và lắng nghe những than thở của họ. Con chỉ tiếc một điều là con không biết tiếng Tagalog là tiếng địa phương của họ. Nhưng nhờ những người bạn người Philippines phiên dịch, con ít nhiều hiểu được hoàn cảnh của họ. Thiên nhiên khắc nghiệt, bão táp hàng năm, nhiều người dân quê nghèo không tài nào bám trụ lại được với quê hương đành phải bỏ quê hương lên thành phố để kiếm sống. Khi lên thành phố, nghề nghiệp không có, bằng cấp cũng không lại đâm ra thất nghiệp. Đói khổ lại vẫn là đói khổ. Không còn cách nào khác, họ đành phải ngủ ở các hầm cầu, làm nhà tạm bợ ở các con kênh, và nhiều người đến ở Baseco. Cứ như thế, dân số ở Baseco ngày càng tăng lên và kéo theo đó là muôn vàn tệ nạn: hút chích, xì ke, ma túy, mại dâm… Khi đối diện với những hoàn cảnh như vậy, có lần, quỳ trước nhà Tạm, con đã giận dữ và hỏi Chúa rằng: Tại sao! Tại sao vậy Chúa! Tại sao Ngài lại để cho những anh chị em đó khổ sở đến như vậy! Tại sao những nhà cầm quyền tham nhũng thì nhà cao cựa rộng, còn những người dân quê nghèo thì lại hoàn nghèo? Tại sao vậy Chúa?... Chúa dường như im lặng. Rồi chúng con vào Nhà Tập. Ở nơi đây, chúng con được học về cách cầu nguyện, về linh đạo, lịch sử và các hoạt động mục vụ của Nhà Dòng. Ngày đầu tiên ở Nhà Tập, Cha Giám Tập đã nói với chúng con thế này: “Cha không mong đợi ai trong các con trở nên một vị thánh có thể làm phép lạ, hay bay lơ lững mỗi khi cầu nguyện. Cha chỉ muốn các con làm một người bình thường, dành hết tâm trí của các con trong năm nhà tập này, rèn luyện bản thân hết mức có thể. Vì đây chỉ là bước khởi đầu của đời tận hiến.” Cuộc sống ở Nhà Tập rất an nhàn nhưng cũng rất hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà con có nhiều thời gian thinh lặng và cầu nguyện. Thời gian nhà tập, con chứng kiến lòng yêu mến người nghèo cách chân thành của Cha Giám Tập. Cha không bao giờ từ chối người nghèo. Cha luôn niềm nở tiếp đón họ. Thậm chí cha thường hay mời gia đình cô Maria Rosa tới ăn cơm tối với chúng con vào các tối thứ 5 hàng tuần. Gia đình cô có hai người con gái và ba người con trai. Tất cả đều sống với cô ở một vùng ven ngoài thành phố Tagaytay. Có lẽ vì sự xuất hiện của gia đình cô làm con nhớ lại những hình ảnh con có ở Baseco. Trong một lần cầu nguyện riêng, con cũng đã giận dữ và hỏi Chúa những câu hỏi mà con đã từng hỏi thời Thỉnh Sinh khi con chứng kiến những cảnh nghèo khổ xung quanh con. Nhưng lần này, Chúa đã trả lời cho con. Hôm đó, con suy niệm về cuộc đối thoại giữa hai người gian phi trên thập giá với Chúa Giê-su (Lc 23:39-43). Một tên phỉ báng Chúa và đổ lỗi cho Chúa về những đau khổ anh ta phải chịu. Còn người kia bảo vệ Chúa Giê-su và nói: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế là đích đáng, vì xứng những việc ta làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái” (Lc 23:42). Con nhận ra rằng: Anh trộm lành đã không chất vấn Chúa như thể Ngài là nguyên nhân của mọi đau khổ. Nhưng trái lại, anh đã nhận ra một Thiên Chúa, Đấng cùng chịu đau khổ với những người đau khổ. Con đã sai khi chất vấn Chúa rằng: Chúa ở đâu khi con người đau khổ? Đúng ra con phải hỏi chính con rằng: Con ở đâu khi Chúa đang đau khổ nơi những anh chị em đang đau khổ? Bởi lẽ Chúa đã nói với thánh Phao lô khi ông đang bắt bớ các Ki -tô hữu rằng: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:5). Hay ở chỗ khác Chúa nói: “bất cứ điều gì anh em làm cho một những anh em bé nhỏ của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mat 25: 40). Chính Chúa đã để cho con thấy được cái cánh đồng bao la đang thiếu thợ gặt. Chính Chúa đã giúp con kinh nghiệm được những đau khổ của dân chúng lầm than vất vưởng và Ngài mời gọi con dấn thân phục vụ cho những anh chị em đó. Thời gian trôi qua, con khấn dòng lần đầu vào ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, 31 tháng 5 năm 2017. Ngay sau đó, con được bài sai đi phục vụ tại nhà tình thương Thánh An-tôn, nơi cộng đoàn chúng con phục vụ, giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là một cộng đoàn nghèo. Có những tối, cả cha lẫn con chỉ ăn cơm với một ít rau nấu với xì dầu. Nhưng trái lại, tình thương yêu thì không hề thiếu. Vèo một cái, con đã sống và làm việc ở đất nước Philippines 9 năm nay. Nhìn lại chặng đường đã qua con nhận ra rằng chính Chúa cũng đang mời gọi con, như cách Ngài mời gọi ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12:1). Tác giả: Thầy phó tế Giuse Nguyễn Đình Thông, RCJ Ngày 17 tháng 8 Năm 2023 Bài liên quan Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội Đức Giê-su Ki-tô – Đường công chính Giới trẻ trưởng thành trong đời sống gia đình Giáo xứ - Môi trường giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho các bạn trẻ