Giới trẻ Tết của người Công giáo Hôm 23 vừa rồi, một người bạn trên fb nhắn tin hỏi mình: Người đạo Chúa có đưa ông Táo về trời không chú? Mình trả lời ngay, có chứ, có chứ. Cúng ông… táo tầu ở tiệm thuốc bắc ấy. Hơi lạ là cô bạn nhỏ này cũng là người giỏi giang, đi nhiều, biết nhiều. Hoá ra, nhiều người chả biết người Công Giáo ăn tết thế nào. Gần tết, người Công Giáo thường chuẩn bị tinh thần trước hay còn gọi là dọn mình: hoà giải với Chúa, với anh em. Ba mình có lệ, những ngày cận tết thường đến thăm anh em, bạn hữu, người trên trước. Đây là một mỹ tục, gọi là đi bái niên; tức là đến thăm hỏi ngày cuối năm để tỏ lòng thân ái. Tiếc rằng bây giờ chả mấy người giữ được mỹ tục này vì cuộc sống bận rộn, bon chen. Những ngày cuối năm cũng là dịp để chăm sóc phần mộ ông bà cha mẹ. Thường thì chỉ là lau rửa, làm cỏ, đặt chậu hoa, thắp vài cây nhang, đọc ít câu kinh…để tỏ lòng hiếu thảo. Ở nhà thì quét dọn bàn thờ Chúa, bàn thờ cha mẹ. Nhiều người bắt chước chưng trái cây trên bàn thờ nhưng mình thì không. Đã không tin cha mẹ không “hưởng” những thứ đó thì chưng làm chi, chỉ cần để hoa cho đẹp và tỏ lòng tôn kính, yêu mến là được. Đêm 30 đón giao thừa, trong khi người đạo Phật cúng mời ông bà cha mẹ về ăn tết thì ngay sau giao thừa, gia đình mình tổ chức đọc kinh. Chỉ chừng 5-10 phút, mục đích là cám ơn Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp trong năm cũ, cầu xin Chúa quan phòng sắp xếp cho năm mới được an vui. Sau đó là phần chúc tết. Các con sẽ chúc tết cha mẹ và cha mẹ sẽ chúc lại con cái và mừng tuổi cho từng đứa. Thường thì mình sẽ khuyên bảo nhẹ nhàng những tính xấu của con cái cần sửa chữa mà trong năm chúng chưa hoặc kém sửa chữa. Tại nhà thờ của giáo xứ tối 30 bao giờ cũng có lễ đón giao thừa. Tiếng là đón giao thừa nhưng thường thì chừng 8-9 giờ tối. Sau lễ, ông (bà) Chánh Trương sẽ thay mặt giáo dân chúc tết cha xứ và cha xứ sẽ chúc tết lại mọi người. Những năm gần đây có lệ mỗi gia đình sẽ lên nhận 1 tờ thiệp in Lời Chúa. Thiệp này sẽ được dán chỗ trang trọng trong nhà để làm tôn chỉ sống cho gia đình trong năm mới. Ngày mùng một thường có lễ sớm, để Cầu bình an năm mới. Mùng hai sẽ là lễ Cầu cho ông bà cha mẹ. Mùng ba là lễ Thánh hoá công ăn việc làm, mình hiểu là cầu xin giữ được đạo đức nghề nghiệp. Trong ba ngày tết, cũng như mọi gia đình người Việt, mọi người cố gắng cư xử khéo léo trong mọi việc, trong mọi lời ăn tiếng nói. Cha mẹ sẽ gương mẫu hơn, con cái sẽ ngoan ngoãn hơn. Có nơi mùng hai sẽ có Thánh lễ tại nghĩa trang của giáo xứ, mọi người chia nhau đứng gần phần mộ của người thân. Đông, vui, nhưng không kém phần trang nghiêm, thành kính. Ngày mùng một tết là vui nhất. Mọi người sẽ đến nhà chúc tết nhau. Nguyên tắc là người dưới đến nhà người trên: con cái đã ra riêng đến nhà cha mẹ, ông bà, em đến nhà anh, con cháu đến nhà chú bác; càng gần gũi càng phải đến sớm. Anh em ngày thường nếu có giận nhau, ngày tết cũng vẫn cho con cháu đến nhà chúc tết. Nếu đã đến nước cấm con cháu đến nhà nhau thì coi như tuyệt giao, hết thuốc chữa. Qua bao nhiêu năm nay đã tạm coi là già, mình vẫn không quên khung cảnh đường làng trong ngày mùng một. Thật đông người trên đường, ai cũng tươi vui hớn hở, câu chào ” chào cậu, chào chú…năm mới” nghe thật quen tai và vui lạ. Vui thích nhất là bọn trẻ con, quần áo mới xúng xính, tiền mừng tuổi rủng rỉnh đếm hoài không chán; càng đông anh em họ hàng càng nhiều tiền mừng tuổi, sướng mê tơi. Chị gái mình sống độc thân, thay mặt cha mẹ đã khuất tiếp đón anh em con cháu đến chúc tết. Năm nào mình cũng phải đổi cho ít nhất là một triệu tiền để mừng tuổi. Ấy là mỗi đứa trẻ con chỉ mừng tuổi chừng 5 ngàn, cao lắm 10 ngàn là cùng. Có một lệ tục cũng khá hay ở quê mình là đi tết mới. Mới, vì là những đôi mới cưới nhau trong năm, đến tết cả đôi phải dắt nhau đến cha bác, anh chị mà chúc tết. Cũng hay, vì ngày cưới đông như kiến cỏ, cô dâu chú rể chắc gì đã biết ai vào với ai, nay đến từng nhà nhận họ, nên lắm. Nghe bà nhạc mình kể, ngoài Bắc hồi đó, hai ông bà phải nai lưng ra gánh bánh chưng đi tết mới, sợ quá. Bây giờ đi tết mới thì vui, hơi mệt, nhưng sướng. Này nhé, lễ vật mang theo chai rượu, hộp bánh gọi là. Ai cũng nhận, rồi ai cũng…cho lại. Được biết thêm về anh em bà con của chồng, của vợ. Người mới về làm dâu làm rể mà, ai cũng quý. Thích nhất là tiền mừng tuổi, trẻ con chỉ nhận tiền nhỏ, tết mới bèo nhèo gì cũng phải tiền trăm. Cháu chắt mình, cặp nào chịu khó đi xa đến chúc tết nhà mình, thế nào cũng được khuyến mãi bữa cơm tự làm. Trước là cho vui vẻ gia đình, sau là test khả năng nội trợ của…cháu mới. Lúc mừng tuổi, thế nào mình cũng tính cho tiền tàu xe. Sướng thế mà có cặp còn thừa dịp mình về quê chúc tuổi anh em, bày đồ lễ ra, ca bài ca… đại xá. Bây giờ đôi lúc nghe có người chán tết, nào là mỏi mệt, tốn kém…Mình chả đồng ý tí nào. Quanh năm suốt thánh cắm đầu cắm cổ làm ăn, có ngày tết để nhớ, để sum họp với gia đình, anh em họ mạc. Thôi thì vất vả một tí, tốn kém một tí nhưng cũng có nhiều niềm vui. Các bạn cứ thử tìm xem, có ai bán không khí tết, nhất là tết quê nhà của mình không? Nếu mà có bán, đắt rẻ gì mình cũng ráng mua một năm vài lần. Trần Công Bình (Nguồn: https://hieuminh.org/2013/02/11/tet-cua-nguoi-cong-giao) Nguồn: giaophanhunghoa.net Ngày 16 tháng 1 Năm 2023 Bài liên quan Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội Đức Giê-su Ki-tô – Đường công chính Giới trẻ trưởng thành trong đời sống gia đình Giáo xứ - Môi trường giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho các bạn trẻ