Mùa Chay - Phục Sinh BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ĐA-MINH NGUYỄN VĂN MẠNH - GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT LỄ DẦU 2022 Ngày 13-4-2022, lúc 9:30 Sáng, tại Nhà Thờ Chính Tòa 1. DẪN - Trong Sách Lễ Rôma, ở Thánh lễ làm phép Dầu, “những lưu ý mục vụ cần biết trước” nhấn mạnh hai việc đặc biệt trong Thánh lễ hôm nay: - một là làm phép dầu gồm ba loại được phủ bằng ba tấm choàng mầu khác nhau: mầu trắng là dầu dự tòng, mầu tím là dầu bệnh nhân, và mầu đỏ là dầu thánh hiến với tên riêng là Dầu Chrisma; - hai là kỷ niệm chức thánh linh mục qua việc Đức Giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế, bày tỏ sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn, trong đó có việc linh mục công khai lập lại lời hứa khi chịu chức linh mục. - Ba bài đọc chúng ta vừa nghe (Is 61; Kh 1 và Lc 4,16-21) xoay quanh những “từ khóa” giúp chúng ta nhận ra những sứ vụ hàm chứa trong lời hứa của các linh mục: “được xức dầu Thánh Thần”, “được thánh hiến”, “được sai đi phục vụ”, “đến với những người nghèo”. 2. Chức tư tế và sứ vụ rao giảng Tin Mừng - Linh mục được xức dầu trước hết để rao giảng lời Chúa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Is 61,1). Trên đường Emmaus, Đức Kitô Phục sinh “đã khai mở tâm trí các môn đệ để hiểu Thánh Kinh” (Lc 24,45), và lòng họ đã bừng cháy như lời họ thú nhận: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) . Vì thế, đức tin, lời cầu nguyện và sự van xin khiêm tốn là những điều chúng ta có thể làm trước khi dọn giảng. - Chia sẻ của ĐTC Phanxicô cho thấy ngài bám chặt vào Lời Chúa khi dọn giảng thế nào: “Tôi bắt đầu vào trưa ngày hôm trước. Tôi đọc các bài Kinh Thánh. Nói chung tôi lựa một trong hai bài đọc. Rồi tôi đọc cao giọng bài tôi chọn. Tôi cần nghe giọng nói, cần nghe các lời. Rồi tôi gạch các đoạn đánh động tôi nhiều nhất. Trong suốt thời gian còn lại, các lời và các tư tưởng cần giảng đến trong đầu tôi khi tôi đang làm các việc và suy niệm…”. Người giáo dân cần được nuôi dưỡng bằng lời Chúa. 3. Chức tư tế và việc cử hành Thánh Thể - Linh mục còn cử hành Thánh lễ và các bí tích, với tư cách là tư tế. 3.1. Thư Do Thái mô tả tính độc đáo của chức tư tế Đức Giêsu so với chức tư tế Cựu ước bằng lời lẽ như sau: “Đức Giêsu đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, nhưng đem lại ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Hr 9,12). Cái độc đáo nằm ở chỗ: ngài là tư tế và là của lễ. Thánh Augustinô còn diễn tả mạnh hơn: “Ngài là tư tế vì là của lễ” (“ideo sacerdos quia victima”). Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa đã hy sinh thân mình vì nhân loại (Ga 3,16). Chúa Giêsu không đến bằng máu của người khác, nhưng bằng máu của chính mình. Người không đặt tội lỗi của mình lên vai người khác, nhưng đặt tội lỗi của người khác lên vai của mình: “Người đã gánh vác tội chúng ta, mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1 Pr 2,24). 3.2. Thật thiêng liêng lời truyền phép trong Thánh lễ hiện tại hóa hy lễ của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy, hãy nhận lấy mà ăn”; “Này là chén máu Thầy, hãy nhận lấy mà uống”. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta Mình và Máu Người. - “Này là Mình Thầy”. “Mình” chỉ toàn thể con người, toàn bộ cuộc sống. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta tất cả cuộc đời Ngài như một hồng ân, bao gồm: lao động, vất vả, đổ mồ hôi, cầu nguyện, chiến đấu, sỉ nhục… - “Này là Máu Thầy, sẽ đổ ra..”. Ngài thêm gì với từ “Máu” một khi với từ “Mình”, Ngài đã trao cho chúng ta tất cả cuộc đời Ngài rồi? Thưa, Ngài thêm cái chết. Nếu máu là cốt lõi, là trọng tâm của sự sống, thì sự “đổ máu ra” là dấu chỉ của sự chết. - Phần chúng ta, đặc biệt linh mục là thừa tác viên được phép chủ động cử hành, đến lượt chúng ta, chúng ta dâng gì? Chúng ta cũng dâng lên sự sống và cái chết của chúng ta. Với từ “Mình”, chúng ta dâng hiến tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta: thời giờ, sức khỏe, năng lực, tình cảm, kể cả những vui buồn hiện sinh… - Với từ “Máu”, chúng ta cũng thể hiện sự trao ban cái chết của mình, không nhất thiết là cái chết tử đạo ngay vì hiện giờ không có, nhưng là những gì chuẩn bị cái chết như: bị vu khống, tủi nhục, thất bại, bệnh tật, bại liệt, những hạn chế do tuổi già, nói tắt là tất cả những thứ đang “hành hạ” chúng ta. - Điều này đòi hỏi chúng ta ngay khi bước ra khỏi Thánh lễ, chúng ta cống hiến cho Chúa và cho anh chị em chúng ta Mình và Máu, cuộc sống và cái chết, bao gồm như đã nói: thời giờ, sức lực, tâm trí, và cả những giới hạn, khổ đau, thất bại gặp phải trong ngày. - Chúng ta hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu các linh mục cử hành Thánh lễ với sự dấn thân cá nhân như vậy: trong Thánh lễ sốt sắng với lời “Hãy nhận lấy mà ăn”; “Hãy nhận lấy mà uống”, sau đó trong ngày là cầu nguyện, rao giảng, giải tội, đi thăm viếng bệnh nhân, tiếp xúc, lắng nghe… Ngày sống của các ngài cũng là Thánh Thể. Một bậc thầy tu đức vĩ đại người Pháp đã nói: “Vào buổi sáng, trong Thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”. Như thế, linh mục bắt chước vị Mục Tử tốt lành, vì ngài thực sự hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. 4. Chức tư tế phục vụ 4.1. Chức linh mục rất cao trọng; nhưng không để vinh thân, mà để phục vụ. Điều này rất minh bạch trong Tin Mừng. Chúa Giêsu đã cẩn thận dạy dỗ các tông đồ: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,25). Ngài đích thân nêu gương chính mình: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). - Ngài đã thực hiện cụ thể thế nào? Quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và Ngài quyết liệt mời gọi dự phần: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, thì anh không được dự phần với Thầy” (Ga 13,8). Nói cách khác, hãy dự phần với Thầy trong việc rửa chân, trong tư thế “tôi tớ”. - Ngài còn mời gọi làm gì nữa? Sau khi truyền phép Bánh Rượu, Ngài mời gọi các Tông đồ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. “Việc này” cụ thể là: cầm lấy Bánh, bẻ ra, trao và nói: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”; “Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Chính bởi lệnh truyền này mà có Thánh lễ và có chức thánh linh mục. 4.2. Khi nhắc lại những nhiệm vụ của người linh mục như rao giảng lời Chúa, cử hành Thánh lễ và các bí tích, phục vụ bác ái, Nghi thức Lễ Dầu hôm nay nhắc nhở các ngài như những “quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa”, những người “tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế”, Đấng đã cảnh giác: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). - Tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được”, đối lại với Thiên Chúa là Đấng Vô Hình. “Tiền của” ở đây còn được hiểu theo nghĩa rộng là danh vọng, địa vị, tài năng, sắc đẹp, sức khỏe, nghĩa là tất cả những gì mình sở hữu. - Thánh Phanxicô đã mô tả giờ phút kết thúc cuộc đời của một người suốt đời chỉ biết làm giàu và cứ làm giàu thêm như sau: khi gần chết người đó mời linh mục đến. Vị linh mục hỏi người sắp chết: “Ông có muốn được tha thứ tất cả mọi tội lỗi của ông không?”. Ông ta trả lời: “Thưa có”. Vi linh mục hỏi tiếp: “Ông có sẵn sàng sửa chữa những sai lầm bất công ông đã gây ra bằng cách bỏ ra để đền bù những thứ ông đã lừa đảo người khác không?”. Người sắp chết thều thào trả lời: “Không, không thể được”. Linh mục hỏi: “Tại sao lại không thể được?”; “Thưa bởi vì tôi đã di chúc mọi sự cho thân nhân và bạn bè của tôi rồi”. Trong khi thi hài ông lạnh dần, thân nhân và bạn bè của ông tụ họp bên ông nói rằng: “Kẻ chết tiệt này, lẽ ra mày phải kiếm nhiều tiền hơn để lại cho chúng ta mới phải chứ!”. - Việc chúng ta đáng làm là nên suy đi nghĩ lại lời Chúa Giêsu cảnh giác người phú hộ: “Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). - Trong bối cảnh xã hội quá sức tục hóa như hôm nay, chúng ta có thể nhắc nhở nhau và xét mình về thái độ đối với “tiền của” theo nghĩa rộng, bởi nếu không chúng ta có thể phản bội Chúa Kitô cách này cách khác. Tiền của có sức lôi kéo, khiến tranh chấp, nhất là khiến nghi ngờ, thủ đoạn, vu khống, “đạp đổ khi không ăn được”, kể cả những mưu kế hạ sách khác, và khi đó Đức Kitô bị phản bội, bởi người ta có thể phản bội Ngài để đổi lấy đủ thứ. Một người đàn ông phản bội vợ mình hoặc người vợ phản bội chồng mình, là phản bội Chúa Kitô. Các thừa tác viên của Chúa không trung thành với bậc sống của mình là phản bội Chúa Kitô. Bất cứ ai phản bội lương tâm của họ, đều phản bội Chúa Kitô. 4.3. Thế nhưng, tội lớn nhất không phải là phản bội Chúa Kitô, nhưng là nghi ngờ lòng thương xót vô biên của Ngài. Hãy chạy đến với lòng thương xót của Chúa Kitô qua bí tích hòa giải. Hãy noi gương sám hối của thánh Phêrô vị Tông đồ Cả: nghe tiếng gà gáy, lại bắt gặp cái nhìn thấu tận tâm can của Thầy, ông đã “chạy ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62), khóc lóc suốt đời đến nỗi người ta bảo đã hằn thành rãnh trên hai gò má của vị Tông đồ. Và sự sám hối trong tình yêu được lập đi lập lại có khả năng làm mát và làm mới lại. 5. KẾT - KT…, Lễ Dầu là dịp cả Giáo phận quây quần bên nhau, thể hiện mối hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh địa phương như trong một gia đình. Giáo sĩ - giáo dân nhắc bảo nhau, ai nấy đều là con cái có trách nhiệm của mình trong công việc chung của cả nhà, do Thiên Chúa là Cha chung điều hợp trong tinh thần phục vụ lẫn nhau. - Giờ đây, cộng đoàn chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các linh mục trong gia đình Hội Thánh. Xin cho các ngài biết chăm chú nhìn lên Đức Giêsu như người Nazaret chăm chú nhìn Ngài trong Hội đường, và được ơn trung thành với nhiệm vụ của mình, mà các ngài sẽ tuyên bố qua việc lập lại lời hứa ngày chịu chức linh mục. Nguồn: simonhoadalat.com Ngày 14 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải