Mùa Chay - Phục Sinh Chặng Đường Thánh Giá Cùng Với Thánh Hannibal Lời nói đầu Những khổ đau mà Chúa Giêsu chịu vì chúng ta có ba loại: đau khổ thân xác, sự nhục nhã và đau khổ nội tâm. Mỗi dạng thức là một sự tận cùng của nỗi đau. Nếu chúng ta chiêm ngắm những đau khổ về thể xác, chúng ta cảm thấy rùng mình trước “Người tôi tớ khổ đau – như Isaia đã gọi – không có hình dáng hay vẻ đẹp để thu hút ánh mắt của chúng ta. Chúng ta như đứng trước một người bị che mặt. Thế mà Người đã gánh lấy những đau khổ của chúng ta, bị Thiên Chúa đánh đòn và sỉ nhục. Người bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta, bị thương vì tội lỗi chúng ta” (x. Is 53:2-5). Những đau khổ khác mà Ngôi Lời làm người phải gánh chịu là những ô nhục. Ở đây, mỗi tâm hồn cảm thấy lịm ngất khi nhìn thấy Chúa Giêsu bị lãng quên trước sự tàn ác, ác tâm của những kẻ hèn hạ, những kẻ xúc phạm Người không biết mệt bằng những cái tát, khạc nhổ, đấm đá và đánh đập. Chuỗi đau đớn khôn tả thứ ba mà Ngôi Lời làm người phải gánh chịu là những đau khổ nội tâm trong Trái Tim dịu hiền nhân ái của Người. Ở đây, chúng ta như bước vào một đại dương vô biên! Ngài đã chịu đựng sự đau buồn, thống khổ, đau đớn, bỏ rơi, phản bội và vô ơn. Bốn nỗi đau kinh hoàng trút xuống Ngài. 1. Nỗi đau do nhìn thấy mọi tội lỗi của con người, mọi xúc phạm đã gây ra cho Chúa Cha và chính Ngài – là đấng toàn thiện, Đức Giêsu đã đón nhận như chính Ngài là người mắc tội và phải chịu trách nhiệm về các tội ấy. 2. Nỗi đau khi nhìn thấy cái giá mà Ngài phải trả cho sự công thẳng của Thiên Chúa và những hình phạt mà Ngài sẽ phải trả cho mọi thứ. 3. Nỗi đau khi nhìn thấy những linh hồn sẽ phải hư mất, và cho những ai mà cuộc thương khó đau đớn của Ngài dường như vô hiệu, không mang lại cho các linh hồn thoát khỏi đau khổ trầm luân trong hoảng ngục. Điều này đã được diễn tả qua lời ngôn sứ: “dây tử thần bủa vây tôi chằng chịt” (Tv 117,3), nghĩa là: tôi cảm thấy trong mình những nỗi đau cay đắng nhất mà những kẻ tội lỗi bị nguyền rủa, dày vò đời đời!. 4. Nỗi đau khi chứng kiến những đau khổ mà Giáo Hội thánh thiện của Ngài sẽ phải gánh chịu: những đau đớn về thể xác và luân lý mà tất cả những người được tuyển chọn sẽ phải chịu ở đời này và trong luyện ngục. Trước cảnh huỷ diệt đáng sợ mà thế giới tạo ra bằng cách dẫn đưa các linh hồn đến sự nguyền rủa đời đời, Thiên Chúa đã bày tỏ nỗi thống khổ của mình bằng những lời của ngôn sứ Đavít “Chúa được lợi gì khi con phải chết? (Tv 29:10). Tôi đã đổ máu vô ích để cứu rỗi các linh hồn!”. Ôi mầu nhiệm tình yêu vô biên của Trái Tim Chúa Giêsu! Ngài đã tỏ cho thấy Ngài yêu thương chúng ta biết bao, và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta sâu xa biết bao! Chúa đã diễn tả tình yêu chân thành nhất của mình và chúng ta đã không đáp lại tình yêu ấy! Thánh Tông đồ Phaolô đã nói rất đúng: “Nếu ai không yêu mến Thiên Chúa thì là đồ khốn kiếp” (1Cr 16, 22). Trái tim của chúng ta là thứ gì, nếu chúng ta vô cảm với một tình yêu, mà để lôi kéo chúng ta đến với Ngài, Ngài đã phải đối mặt với những thử thách và đau đớn khủng khiếp đến như vậy? Một nguyên nhân của sự cứng đầu và thờ ơ của chúng ta biểu lộ trong việc không suy niệm và chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hàng ngày! Ngài không bao giờ mệt mỏi chịu đựng những đau khổ về thể xác và linh hồn vì chúng ta, mà chúng ta lại cảm thấy mệt mỏi khi nhìn lên Thánh giá ít nhất nửa giờ mỗi ngày, để suy niệm về những nỗi đau khôn tả mà Con Thiên Chúa làm người phải chịu, Đấng Chí Thánh, từ địa vị hoàn hảo đã trở nên một trong chúng ta là những người tội lỗi (x. 2Cr 5,21), nghĩa là Ngài đã mang vào những thương tích cho tất cả những người tội lỗi, như Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo! Do đó, Thánh Bonaventura đã viết một cách khôn ngoan: “Chúng ta không được mệt mỏi khi suy niệm về điều mà Chúa Giêsu Kitô đã không biết mệt chịu đựng, vì tình yêu thương chúng ta”. Ai có thể thờ ơ với tình thương vô bờ bến này? Những ai chiêm ngắm cuộc khổ nạn nhục nhã của Chúa Cứu Thế điều phải thốt lên: “Vì tôi, Chúa Giêsu đã đổ máu đào, vì tôi mà Người để mình bị bắt, vì tôi mà chính Người đã bị đưa ra tòa, vì tôi mà Người đã chịu những sỉ nhục, tát má, khạc nhổ, xô đẩy; vì tôi mà chính Ngài đã bị đánh đòn, đội mão gai và bị kết án tử; vì tôi mà Ngài đã phải bước lên đồi Canvê, bị đóng đinh, đau khổ trong ba giờ, chịu khát, chén đắng và giấm chua, bị bỏ rơi; vì tôi, vì yêu tôi Ngài bị nhấn chìm trong vực sâu đau khổ. Thánh Phaolô Tông đồ đã cảm nghiệm tất cả khi ngài nói: “Chúa Giêsu đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi!” (Gl 2:20). Thánh Hannibal Maria Di Francia Lời Mở Đầu Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần Cộng đoàn: Amen. Lời Chúa (Gal 6,14) Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Suy niệm Hỡi những người tín hữu của tôi, tôi muốn giới thiệu một cuốn sách mà người có học cũng như thất học, người lớn cũng như trẻ em, người công chính và tội nhân đều có thể đọc và học hỏi. Đó là một cuốn sách dành cho tất cả mọi người, trong đó người ta có thể học hỏi mọi sự từ thần học cao siêu nhất về thần tính của Chúa, về quyền năng của Ngài, về lòng thương xót của Ngài, về công lý của Ngài, về lòng bác ái của Ngài; một cuốn sách mang màu sắc của đổ máu, không phải bởi máu người trần, cuốn sách được viết và giải thích mầu nhiệm tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa dành cho loài người. Cuốn sách này là một trường học về khôn ngoan và khoa học thiêng liêng đến nỗi các vị thánh vĩ đại nhất của Giáo hội đã được đào luyện trong đó, và không có nó thì không thể hiểu và luyện tập bất kỳ nhân đức nào. Tất cả các giáo lý của Tin Mừng đều được tóm tắt và minh họa trong cuốn sách này; tất cả các sách trong Kinh thánh, từ Ngũ Kinh của Môisê đến Khải Huyền của Thánh Gioan, chỉ là những trang mỏng của cuốn sách này; tất cả các tác phẩm đồ sộ của các Giáo phụ và Tiến sĩ Giáo Hội đều bắt nguồn từ những trang này và không gì khác hơn là các câu chữ của cuốn sách này, được trưng dẫn, minh họa và bình luận. Cuốn sách này đã huấn luyện ra các Thánh, các Cha giải tội, các vị Tử đạo và các Trinh nữ. Thưa quý vị, cuốn sách chứa đựng mọi khoa học và mọi sự khôn ngoan ở trên trời và dưới đất này là gì? Đó là cây Thánh Giá! Đó là Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh trên thập giá! Hãy ngắm nhìn thánh giá! Nó nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa và lịch sử của nhân loại. Cầu nguyện Lạy Thiên Chúa, Đấng đã gọi cha ông chúng con đến với đức tin và ban ơn cho chúng con được bước đi trong ánh sáng Tin Mừng, xin mở lòng chúng con để lắng nghe Con Chúa, vì khi đón nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời, chúng con có thể tiến bước vào vinh quang nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen. CHẶNG THỨ NHẤT: QUAN PHILATÔ LUẬN GIẾT ĐỨC CHÚA GIÊSU Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Ga 19,13-16) Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hípri là Gápbatha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do Thái: “Đây là vua các người!” Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda.” Bấy giờ, ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Suy niệm Sau khi Ađam và Evà phạm tội, lẽ ra Thiên Chúa không những đuổi Ađam và Evà mà còn cả dòng dõi con cháu của họ, kể cả chúng ta, xuống hoả ngục. Nhưng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con Ngài từ trời xuống trần thế để cứu chuộc chúng ta; Ngài đã muốn mặc lấy bản tính con người của chúng ta và đón nhận mọi đau khổ của kiếp người. Chỉ điều này cũng đủ khiến chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực! Hãy tưởng tượng một tên nô lệ đang bị xiềng xích và nhốt trong tù, chờ bị kết án tử hình bất cứ lúc nào. Bổng đích thân nhà vua đến gặp anh và giải thoát cho anh, giải thoát anh ta khỏi xiềng xích, trao cho anh ta ngai vàng, thực sự là chính anh đã đặt mình vào vị trí của người nô lệ và chịu án thay cho người nô lệ! Đây là điều Chúa Giêsu đã làm: Ngài tự nguyện để mình bị kết án thay cho chúng ta. Trước mầu nhiệm này, chúng ta biết lấy gì diễn tả lòng biết ơn? Các bạn có muốn tôi nói cho bạn tại sao chúng ta không yêu mến Chúa Giêsu không? Bởi vì chúng ta không chịu suy niệm về về cuộc thương khó của Ngài! Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ HAI: ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Mt 16,24-25) Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Suy niệm Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, hãy vác thập giá mình mà theo”. Ở đây có hai yếu tố chính: vác thập giá và theo Chúa Giêsu, hai yếu tố luôn đi đôi và không thể thiếu một. Theo Chúa Giêsu mà không có thập giá là điều không thể, vác thập giá mà không theo Chúa Giêsu thì vô ích! Vậy nếu chúng ta muốn sinh lợi từ đau khổ, thì chúng ta phải chịu mọi sự đau khổ vì lòng mến Chúa, chúng ta phải vác thập giá bước theo Chúa Giêsu. Vì vậy, anh em đừng vác thập giá mà đi theo thế gian, bước theo những phù phiếm, bước theo những sở thích, theo sau những đam mê, vì đó là một sự lãng phí thời gian, thực sự nó là một trở ngại lớn hơn cho linh hồn chúng ta. Giờ đây, để sinh ích lợi cho linh hồn phải biết đón nhận bao đau đớn, bao nhiêu thách đố, bao nhiêu khổ cực dày vò chúng ta trong mọi hoàn cảnh, trong mọi lúc, mọi nơi, với phương thế duy nhất là nhẫn nhục. Bất cứ ai chịu đựng những khó khăn, đau khổ và mâu thuẫn với sự nhẫn nhục sẽ hoàn thiện tâm hồn mình, gia tăng các nhân đức và giành được triều thiên vinh quang trên thiên đàng cũng như những đau khổ của họ trên trái đất này. Những ai vác thập giá thiếu kiên nhẫn sẽ bị hủy hoại linh hồn, dễ phạm tội này đến tội khác, và kết cục là bị nguyền rủa đời đời. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ BA: ĐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Is 53,3-5) Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Suy niệm Chúa Giêsu dạy chúng ta lòng khiêm tốn; Người đã hạ mình vì yêu thương chúng ta và với sự khiêm hạ của mình, Người đã tiêu diệt triều đại của sự kiêu ngạo. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Người trong suốt cuộc đời trần thế và ở mọi nơi, chúng ta thấy sự hạ mình và khiêm nhường của Ngài. Đấng ngự trên trời cao, trong cung lòng Chúa Cha, Đấng đã sinh ra Ngài và đồng bản thể với Đức Chúa Cha, Ngài đã tự hạ mình xuống đất, mặc lấy bản tính con người như chúng ta và đã sinh ra trong máng cỏ. Toàn bộ cuộc đời trần thế của Ngôi Lời nhập thể là một chuỗi đầy những tủi nhục; Ngài bị ngược đãi từ tấm áo choàng, Ngài bị giao nộp vào tay những kẻ tội lỗi, những kẻ đánh đập Ngài, khạc nhổ vào Ngài, chế nhạo Ngài, trừng phạt Ngài như một tên nô lệ. Ngài đã hạ mình vì yêu chúng ta, để dạy chúng ta sự khiêm nhường. Dưới sức nặng của sự sỉ nhục, Ngài đã trở thành sâu bọ, bị bùn đất bàn chân người đời giày xéo, như lời ngôn sứ Đavít đã nói: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi” (Tv 21:7). Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ BỐN: ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Ac 1, 11b-12) Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhìn rõ xem con đây tủi hổ biết chừng nào! Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem: Có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi, khi Người nổi trận lôi đình mà trừng phạt. Suy niệm “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang. Sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này” (Tv 41,8). Thật tuyệt vời, chúng ta không thể hiểu được vinh quang của Đức Trinh Nữ rất thánh trên thiên đàng. Mẹ là người tuyệt diệu nhất của Chúa trong mọi thụ tạo. Thiên Chúa đã tạo dựng nên Mẹ như một kiệt tác, Ngài muốn Mẹ như Mẹ vô nhiễm nguyên tội của mình. Mẹ trỗi vượt trên các Thiên thần và các Thánh. Mọi thế hệ tuyên xưng mẹ diễm phúc. Nhưng vinh quang của Mẹ Maria lại tỷ lệ thuận với nỗi đau của Mẹ. Nếu vinh quang của Mẹ là vô tận, thì nỗi đau của Mẹ cũng vô cùng lớn! Ân sủng thì ngập tràn và khổ đau cũng vậy. Vinh quang của Mẹ nếu như trời cao không ai sánh bằng, thì phải nói, ở trần thế Mẹ chịu đau khổ đến nỗi vạn vật không sánh được! Những sóng gió Mẹ đã phải vượt qua là gì? Đó là tất cả những đau khổ Chúa đã đổ đầy cho Mẹ! Nơi Mẹ Maria, các nỗi đau không phải là bảy, mà là bảy mươi lần bảy. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ NĂM: ÔNG SIMON THÀNH KYRINÊ VÁC THÁNH GIÁ ĐỠ ĐỨC CHÚA GIÊSU Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Lc 23,26) Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. Suy niệm Giờ đây, trước ông Simon thành Kyrinê, chúng ta phải suy niệm điều này: Chúa Giêsu đã vác thập giá và Ngài muốn ông Simon là bạn đồng hành với mình, để dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta phải đi theo Ngài. Chúng ta hãy chân nhận rằng không có thập giá thì không có thiên đàng. Chúa Giêsu đã vác đi trước và chúng ta bước theo sau Ngài. Tuy nhiên, thập giá phải được vác với lòng kiên nhẫn; kiên nhẫn làm cho thập giá nhẹ hơn; ngược lại, nếu nóng nảy thập giá càng nặng thêm. Một số người không muốn vác thập giá, và khi Thiên Chúa gửi đến đau khổ, họ tuyệt vọng và phạm thượng. Không, chúng ta không làm thế! Chúng ta có lợi thế gì? Ai vác thập giá với lòng kiên nhẫn thì được cứu độ. Tất cả chúng ta đều nói: "Thánh giá của tôi rất nặng, và bạn chỉ biết thế!" Thập giá nặng nhất là của Chúa Giêsu. Các bạn có biết vì sao thập giá của chúng ta nặng không? Tại vì chúng ta không mang nó trong bình an! Chúng ta hãy vác thập giá cùng đi với Chúa Giêsu và thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và sau đó, các bạn hãy cho tôi biết: "Cái nào nặng nề hơn: thập giá của thế giới này, hay những nỗi đau đớn vĩnh cửu của hoả ngục?" Hãy biết rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta (Rm 8:18). Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ SÁU: BÀ VERÔNICA TRAO KHĂN CHO ĐỨC CHÚA GIÊSU LỌT MẶT Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Tb 13,6) Nếu anh em hết lòng hết dạ trở về với Chúa mà sống theo sự thật trước tôn nhan Người, thì Người sẽ trở lại với anh em, không còn ngoảnh mặt làm ngơ nữa. Suy niệm Hãy đến mà xem! (Ga 1:39). Phải, hãy đến để xem khuôn mặt Chúa Giêsu. Nhưng đừng mong gặp mặt Người như các mục đồng đã thấy trong hang đá Bêlem. Ôi, Chúa Giêsu hôm nào là một trẻ thơ sáng láng vẻ đẹp của trời đất; giờ đây mọi thứ đã bị biến dạng. Hãy đến mà xem! Nhưng đừng mong được nhìn thấy Người như các môn đệ và tông đồ, các phụ nữ và đám đông đã nhìn thấy khi Ngài rảo qua các thành phố và làng mạc với sự vẻ uy quyền thần linh của Người, khi Người ngủ trên thuyền trong cơn bão tố và khi Người chữa lành những người bệnh. Hãy sẵn sàng để nhìn thấy Ngài như ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy khi ông nói: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:3). Hãy đến mà xem! Nhưng đừng mong gặp Người như Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được đối diện trên núi Tabor. Các bạn sẽ thấy Người biến hình, vâng, nhưng biến hình bằng những khổ đau, như ngôn sứ Isaia đã gọi Người là: “Người Tôi tớ đau khổ”. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ BẢY: ĐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Is 53,5-7) Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Suy niệm Thưa anh em, một người nên yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Tình yêu dành cho Thiên Chúa bao hàm điều gì? Đâu là những lý do tại sao chúng ta phải yêu mến Người? Người yêu chúng ta đến nỗi tự nguyện từ trời xuống thế gian để cứu chuộc chúng ta; Ngài muốn đón nhận lấy bản chất con người chúng ta và chịu mọi đau đớn vì chúng ta. Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta, và chỉ điều này thôi cũng đủ để chúng ta phải yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực! Nhưng chúng ta hãy tự vấn: “Bao nhiêu tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa Giêsu mới xứng?” Thưa nhiều! Nhưng tại sao những tâm tình này chúng ta không cảm nghiệm? Bởi vì các bạn không suy niệm về cuộc thương khó của Người! Không một ai, hay hầu hết mọi người, nghĩ rằng Chúa Giêsu đã chịu đau khổ biết bao vì chúng ta! Cảnh tượng khổ nạn nhắc nhở chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết cho chúng ta; nhưng đó là một ký ức thoáng qua, hời hợt và sau đó các bạn không còn nghĩ về nó nữa! Hãy xem chúng ta vô ơn thế nào! Chúng ta đã rạch những vết thương đó, chúng ta đã xé nát những da thịt không tì vết đó, chúng ta đã đóng đinh Chúa Giêsu với tội lỗi của mình và rồi, giống như thầy Lêvi, chúng ta rút lui trước người Samari bị thương tích; chúng ta thậm chí không muốn nghĩ về những gì Người đã phải chịu đựng vì chúng ta, và xức cho Người bằng dầu nước mắt. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ TÁM: ĐỨC CHÚA GIÊSU ĐỨNG LẠI YÊN ỦI CON THÀNH GIÊRUSALEM Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Lc 23,27-31) Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ, người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: “Đổ xuống chúng tôi đi!”, và với gò nổng: “Phủ lấp chúng tôi đi!” Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” Suy niệm Trái Tim Đức Chúa Giêsu luôn nồng cháy lửa tình yêu. Sự bội bạc của con người không thể dập tắt tình yêu nơi Trái Tim Chúa Giêsu, Vua Salômôn trong Sách Diễm Ca đã nói: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8:7). Điều này đã diễn ra trong cuộc khổ nạn và chịu chết của Chúa Giêsu, đó là dấu chỉ tình yêu vĩ đại của Người dành cho chúng ta. Quả thế, con người bị ma quỷ xúi giục, đã tấn công vào Con Chiên vô tội, Đấng đã tự nguyện trao mình trong tay họ. Chúa Giêsu bị kết án, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị thương tích từ đầu đến chân, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương: Chúa yêu những kẻ hành quyết Người, Người yêu những người tội lỗi ở mọi thời, những người tội lỗi như đồng loã với những lý hình tấn công và hãm hại Người. Trái Tim thánh thiêng của Ngài luôn yêu thương, luôn mãi bừng cháy, rung động ngọn lửa yêu thương và chiến thắng. Ngài yêu cả dưới sức nặng của thập giá. Chúa yêu thương khi gặp những thiếu nữ Giêrusalem khóc thương Người và đã nói với họ: “Đừng khóc thương tôi, nhưng hãy khóc thương chính mình!”. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ CHÍN: ĐỨC CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Tv 68,20-21) Chúa biết rõ con bị người chửi mắng, lại mang vào thân tủi hổ với nhục nhằn; những kẻ thù con, Ngài nhìn thấy cả. Lời thóa mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời. Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu! Suy niệm “Nỗi sầu riêng, tôi ngó quanh xem có ai động lòng thương xót, luống công chờ, mà chẳng thấy ai” (Tv 68,21). Với những lời này của ngôn sứ Đavít, Chúa Giêsu than thở vì không ai tỏ lòng trắc ẩn trước những đau khổ của Ngài. Ngài vì thương chúng ta mà chịu bao nhiêu đau khổ không kể xiết, còn chúng ta thì bạc bẽo đến mức không nghĩ đến Ngài đã chịu bao nhiêu khổ đau vì chúng ta. Điều này dường như khó tin, nhưng lại thực sự đúng! Nếu một người thân yêu của chúng ta gặp đau khổ, chúng ta vội vàng đến an ủi anh, chúng ta đau với anh, chúng tôi chia sẻ nỗi đau của anh ấy. Trong khi Chúa Giêsu, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, chịu đau khổ vì chúng ta, thì chúng ta lại không rơi một giọt nước mắt để yêu thương sẻ chia với Ngài! Nếu chúng ta được xem một màn kịch thương tâm trong rạp, nếu chúng ta đọc một câu chuyện bất hạnh trong một cuốn tiểu thuyết, chỉ là một câu truyện mà chúng ta biết cảm động; làm sao chúng ta lại không thương cảm khi nhìn thấy Chúa Giêsu chịu khổ hình? Quả thật, đây là một trong những điều vô ơn nhất của các Kitô hữu là: không bao giờ hoặc dường như không bao giờ suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô! Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** NƠI THỨ MƯỜI: QUÂN DỮ LỘT ÁO ĐỨC CHÚA GIÊSU Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Ga 19,23-24) Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. Suy niệm Lạy Thiên Chúa, với con tim thương cảm, chúng con kính hôn chiếc áo dài của Chúa, tấm áo mà Giacóp đã tiên báo khi ông nói nó sẽ thấm đẫm máu báu nhất của Chúa; thậm chí Isaia đã nói về chiếc áo dài của Người khi Ngài nói rằng tấm áo Chúa sẽ bị nhuốm máu; Đavít đã tiên báo rằng áo choàng của Ngài sẽ bị bốc thăm. Nếu nàng dâu trong Sách Diễm Ca ước nguyện ân huệ được thoả mình trong mùi hương nơi từng bước chân của Ngài, thì chúng con xin ơn huệ để được cuốn hút bởi chính mùi hương nơi tấm áo của Ngài! Chiếc áo dài màu đỏ của Chúa nhắc nhở chúng con rằng Ngài là Bông Huệ trong thung lũng, và Ngài ôm trọn nhân tính và đã đỗ máu vì ơn cứu độ chúng con! Lạy Chúa Giêsu, chúng con dục lòng thống hối vì đã không yêu mến Chúa, đã làm cho Chúa phải đau đớn vì tội lỗi chúng con, chúng con xin hối hận và quyết tâm từ nay sẽ yêu mến và trung thành phục vụ Chúa. Tấm áo đẫm máu của Ngài làm chạm đến trái tim chúng con và đốt lên trong tim con dành Ngài. Ngài đã chữa lành bao nhiêu người bệnh nhân, những người đã chạm vào tua áo của Ngài bằng đức tin, xin hãy chữa lành sự hâm hẩm nơi chúng con và làm sống lại trong chúng con ước muốn yêu thương và phục vụ Ngài. Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin chiếc áo dài liền thân của Chúa là lá chắn bảo vệ chúng con, khỏi những hình phạt chúng con xứng phải chịu vì tội lỗi. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT: QUÂN DỮ ĐÓNG ĐANH ĐỨC CHÚA GIÊSU Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Lc 23,33-34) Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ, Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm. Suy niệm Người kitô hữu không được giữ trong mình ác cảm với kẻ thù và những người làm hại mình. Thật vậy, nếu chúng ta có kẻ thù, chúng ta phải cầu nguyện cho họ. Chúa Giêsu là người đầu tiên dạy chúng ta giáo lý này và đã làm gương cho chúng ta. Ngài đã dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình”. Trên thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho kẻ thù của Người, xin tha thứ cho và đã tha thứ cho họ. Chúng ta là những người đã đóng đinh Chúa! Nếu Chúa đã cầu nguyện cho chúng ta, thì chúng ta cần phải cầu nguyện cho kẻ thù mình bấy nhiêu! Ôi, lời cầu nguyện này thân thiết với Chúa biết bao! Ai là người biết cầu nguyện cho kẻ thù là một tâm hồn thực sự quảng đại và là một Kitô hữu đích thực; ai tha thứ sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Thánh Stêphanô khi sắp bị ném đá đã cầu nguyện cho kẻ thù của mình rằng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ”. Còn chúng ta thì sao? Đã bao lần trái tim ta chứa đầy hận thù, chúng ta nuôi báo thù và nguyền rủa! Quả thế, nếu chúng ta không khoan nhân với kẻ thù của mình, thì làm sao chúng ta hy vọng được Chúa tha thứ? Có người nói: “Tôi đã tha thứ, nhưng tôi không muốn nghĩ về điều đó, bởi vì nếu tôi nghĩ về nó, tôi sẽ lại nỗi máu!”. Và các bạn gọi đó là sự tha thứ? Dưới chân Thánh giá, các bạn thậm chí không cầu nguyện cho họ, thì làm sao bạn có thể tha thứ! Đâu là tình yêu giúp bạn quên tất cả? Trước kẻ phản bội là Giuđa, Chúa Giêsu có thể đã né tránh nụ hôn của anh? Bạn có cảm thấy vui không, nếu Thiên Chúa làm như thế đối với bạn? Nếu các bạn thực sự muốn tha thứ như Chúa Giêsu, hãy mạnh mẽ và cầu nguyện cho kẻ thù của mình. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ MƯỜI HAI: ĐỨC CHÚA GIÊSU SINH THÌ TRÊN THẬP GIÁ Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Ga 19,28-30) Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. Suy niệm Chúng ta hãy dừng lại ở đồi Canvê: đó là ngày thứ Sáu (giống như hôm nay). Chúng ta hãy dừng lại dưới chân thập giá. Chúng ta hãy chiêm ngắm nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn vào những vết thương của Người. Trên núi Tabor, chúng ta đã thấy Người biến hình, ở đây Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong để thu hút ánh nhìn của chúng ta (Is 53:2). Trên Tabor có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Hãy nghe lời Người!". Cũng chính những lời này đã vang vọng trên đỉnh đồi vinh quang, cũng được lặp lại trên đồi Canvê, đỉnh đồi của nhục nhã: “Hãy nghe lời Người!”. Hãy lắng nghe: im lặng là một tiếng kêu thăm thẳm! Hãy lắng nghe cái chết của Người: là sự sống cho chúng ta. Hãy lắng nghe thập giá: dấu chỉ của tình yêu vĩ đại mà Người đã yêu chúng ta. Hãy lắng nghe thầy Giêsu nói từ ngai toà thập giá. Hãy lắng lời Người khi Ngài nói: “Ta khát! Ta khát hồn con.” “Cơn khát của ta là ơn cứu độ của con”. Hãy lắng nghe lời Người khi Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Tất cả các tội nợ của con người đã được trả, công bình của Thiên Chúa đã được giải hoà. Hãy lắng nghe lời Người: sự im lặng của Ngài là một tiếng thăm thẳm! Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** CHẶNG THỨ MƯỜI BA: THÁO ĐANH ĐỨC CHÚA GIÊSU XUỐNG MÀ PHÓ Ở TAY ĐỨC MẸ Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Ga 19,38) Sau đó, ông Giuse, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giuse này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Dothái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giuse đến hạ thi hài Người xuống. Suy niệm Thế là xác Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi thập giá và trao cho Đức Mẹ. Đức Maria đang trong tình trạng đau đớn khôn tả. Tôi phải thú nhận với các bạn rằng tôi không biết liệu Đức Maria, khi đón nhận xác con trai mình, cảm thấy đau đớn hay được an ủi hơn. Chắc chắn rằng Mẹ đã cảm nghiệm cả hai. Nhìn thấy thân xác bị tra tấn, Mẹ cảm thấy đau lòng; nhưng đồng thời Mẹ cũng cảm thấy được an ủi lớn lao: cuối cùng Mẹ đã có thể ôm trọn người con trai yêu dấu đã chết vào lòng. Ít ra, Ngài đã hết đau khổ và không còn phải thấy Ngài phải chịu cực hình nữa! Mặt khác, Mẹ Maria hiểu biết mầu nhiệm rằng: Đức Giêsu Kitô đã chết không có nghĩa là mất đi bản tính Thiên Chúa, thân thể thánh thiêng ấy đối với Mẹ là kho tàng của mọi châu báu. Chúa Giêsu đã nói: “Xác chết ở đâu, đại bàng tụ lại đó” (Lc 17:37). Một trong số những con đại bàng tình yêu này, đầu tiên là Mẹ Maria! Biết bao nhiêu sự quan tâm cho thân xác Chúa Giêsu! Chúng ta cũng phải chú tâm đến thân thể sống động của Chúa Giêsu thế ấy!? “Xác chết ở đâu, đại bàng tụ lại đó.” Xin Chúa cho các bạn giống như những chú đại bàng, hay như những chú bồ câu, bay trên mọi vật trên trái đất này, luôn chú tâm bằng trái tim và tình cảm xung quanh thân mình cực thánh, Đấng đã tự hiến chính mình làm lương thực cho chúng ta! Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha ************************** NƠI THỨ MƯỜI BỐN: TÁNG XÁC ĐỨC CHÚA GIÊSU TRONG HANG ĐÁ Chủ sự: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người. Lời Chúa (Mt 27,59-61) Khi đã nhận thi hài, ông Giuse lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ. Suy niệm Mẹ Maria đã vượt qua hết nỗi đau này đến nỗi đau khác, như lời Thánh vịnh: “kẻ bị Ngài đả thương, chúng lại còn gây thêm thương tích” (Tv 68:27). Bà Evà đã phạm tội và quyến rũ con người. Evà mới đã phải trả giá và đền tội của Evà cũ, ngay cả sau cái chết của Thiên Chúa làm người! Trong khi Đức Maria cảm thấy được chút nhẹ nhõm khi ôm xác Chúa Giêsu trên đầu gối, ông Giuse thành Arimathê nói với Mẹ: “Bà ơi, hãy để xác con bà lại. Ngài phải được an táng trong mộ, bà không thể giữ mãi con bên mình được!”. Nữ Vương các thánh tử đạo lặng thinh! Trước lời truyền tin của sứ thần, Mẹ đã thưa "xin vâng" và Ngôi Lời đã thụ thai trong lòng mình; bây giờ Mẹ lại lặp lại “fiat” và con yêu dấu của Mẹ bị lấy đi. Quả là một sự tốt lành của Thiên Chúa, rằng Ngài an ủi những người đau khổ, quả thật, các ngôn sứ đã nói: "Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương, Chúa để ý, tự tay lo liệu" (Tv 10,14). Và ở nơi khác: "Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?” (Tv 84,6). Sau khi chịu đau khổ, Chúa thường ban cho một khoảng an ủi. Nhưng quy luật nhân từ và thương xót này không áp dụng cho Chúa Giêsu, con người của đau khổ, và cũng như thế không áp dụng cho Đức Maria, người phụ nữ đau khổ, người đã vượt qua hết nỗi đau này đến nỗi đau khác. Chủ sự: Lạy Cha, xin hãy nhìn đến khuôn mặt của Đức Kitô Con Cha. Cộng đoàn: mà gửi đến nhiều thợ gặt Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn. Kinh Lạy Cha PHẦN KẾT Chúng ta cùng cầu nguyện Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã ban Ðức Kitô, Con Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, đã làm người và chịu khổ hình cho đến chết trên thập giá, để làm gương cho loài người chúng con, xin cho chúng con luôn ghi nhớ lời dạy về cuộc khổ nạn của Chúa, để được thông phần vào vinh quang phục sinh của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen Phép lành kết thúc Chủ tế: Chúa ở cùng anh chị em. Cộng đoàn: và ở cùng cha. Chủ tế: Xin Thiên Chúa, Đấng nhờ cuộc khổ nạn của Con Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu cao cả của Ngài, cũng làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Thánh Thần trong việc khiêm tốn phục vụ anh chị em. Cộng đoàn: A men. Chủ tế: Lạy Chúa Kitô, Đấng đã dùng thánh giá mà cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời, xin ban cho chúng con sự sống vĩnh cửu. Cộng đoàn: A men. Chủ tế: Xin cho chúng con, những người bước theo Đức Kitô chịu đau khổ và nhục hình, cũng được tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Người. Cộng đoàn: A men. Chủ tế: Và xin phép lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha (+) và Con và Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi. Cộng đoàn: A men. Ngày 8 tháng 3 Năm 2023 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải