Mùa Chay - Phục Sinh Chính xác ngày giờ Chúa chết - Màn che và Giải thoát TGPSG -- Theo xác định của các chuyên viên, chính xác ngày giờ Chúa chịu chết là lúc 3g chiều thứ Sáu 3-4-33. Trong một bài viết của mình, linh mục Nnamdi Moneme kể về một kinh nghiệm bản thân thật đáng nhớ: Một người đàn ông đau khổ vì vỡ nợ, đến xin linh mục Nnamdi một số tiền để lấy bằng lái xe hầu có thể đăng ký xin làm tài xế xe buýt. Cha Nnamdi rất ngần ngừ khi biết người đàn ông đó vừa ra khỏi nhà tù thành phố vài ngày trước đó; cha suy nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể tin tưởng một người đã ở trong tù nhiều năm? Nhưng tôi cũng đã rất miễn cưỡng đưa cho anh ta số tiền mà anh ta cần…” Vài tháng sau, người đàn ông quay lại với chiếc xe buýt, và cho vị linh mục xem biên lai nộp tiền để lấy bằng lái xe. Cha Nnamdi thuật lại: “Anh ấy quay lại chỉ để cảm ơn tôi và nói với tôi rằng: bây giờ anh đã có thu nhập ổn định và cũng đã đoàn tụ với gia đình. Anh và gia đình anh cũng đã trải qua một sự đổi mới trong đức tin Công giáo và trong mối quan hệ của họ với nhau.” Linh mục Nnamdi thú nhận: “Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân vì đã từng là nô lệ của quá khứ, đã tập trung vào cuộc sống quá khứ của anh ta như một tù nhân nên hầu như đã muốn từ chối, không muốn rộng lượng với anh ta vì cảm thấy anh ta không phải là người đáng tin cậy.” Linh mục này kết luận: “Chẳng phải chúng ta cũng có xu hướng trở thành tù nhân của quá khứ khi chúng ta chỉ tập trung vào quá khứ của mình và của người khác? Chúng ta dường như không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ dai dẳng về sự hối tiếc, phán xét, tự thương hại và lên án từ quá khứ của chúng ta và quá khứ của người khác.” Với những suy nghĩ này, linh mục Nnamdi đã viết bài: “Hãy để Chúa Giêsu giải thoát ta khỏi bị nô lệ cho quá khứ”. Trong những ngày gần Tam Nhật Thánh, Giáo hội có thói quen phủ khăn tím lên Thánh giá và một số tượng ảnh trong Nhà thờ. Tại sao lại phải che đi như thế? Gần đến ngày kỷ niệm Chúa chịu chết, ta cần phải nhìn lên tượng Chúa trên thập giá nhiều hơn, để thấy rõ hơn khuôn mặt đau khổ của Chúa trên thập giá chứ, tại sao lại phải che đi? Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc phủ khăn tím lên các tượng ảnh trong những ngày này, đó là để gợi lên niềm khao khát, mong muốn mau đến lễ Phục sinh, là lúc các ảnh tượng được gỡ khỏi màu khăn tím đau buồn. Điều này cũng gợi lên sự thật về đời người. Khi còn sống trên trần gian, ta chưa thể thấy hết mọi sự thật về con người và về Thiên Chúa, giống như đang bị một bức màn che phủ. Chỉ sau khi chết, cùng với Chúa Giêsu phục sinh, tấm màn che phủ ấy mới được gỡ ra; khi ấy chúng ta mới được chiêm ngưỡng Thiên Chúa tỏ tường trong vinh quang, và mới biết sự thật rõ ràng về con người. Chính cái chết của Đức Kitô dẫn đưa ta đi vào sự thật hiển vinh này, như Chúa từng nói với dân Do Thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28) Năm nay chúng ta đặc biệt cử hành việc Chúa chịu chết trong thứ Sáu Tuần Thánh ngày 15-4-2022. Tuy nhiên, theo xác định của các chuyên viên, chính xác ngày giờ Chúa chịu chết là lúc 3g chiều thứ Sáu 3-4-33. Cái chết của Chúa tỏ lộ sự công bình và quan trọng hơn là lòng thương xót hải hà của Chúa. Lòng thương xót đó xóa hết mọi quá khứ tội tỗi của chúng ta, giải thoát ta và tha nhân khỏi con người cũ, biến ta và tha nhân thành con người mới tốt đẹp và đầy hân hoan trong Chúa Giêsu phục sinh. Vâng, xin Chúa thường xuyên giải thoát chúng con để chúng con biết yêu thương nâng đỡ nhau bước vào cuộc đời mới đầy hân hoan trong Thánh Thần của Đấng Phục Sinh. Xin cảm tạ Chúa Giêsu đã sẵn lòng chịu chết để mang đến ơn giải thoát đầy hân hoan này cho chúng con. Amen. Lm Giuse Vi Hữu (TGPSG) Ngày 21 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải