Mùa Chay - Phục Sinh Dòng Chảy Yêu Thương CN 5 PS C “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em”. Đó là dòng chảy tình yêu từ nguồn cội Thiên Chúa Ba Ngôi tràn trào đến con người. Một tình yêu có khả năng mang lại sự sống và sức sống cho cuộc đời. Khi sắp từ giã các môn đệ để bước vào khổ nạn, Chúa Giêsu trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau“. Với ba câu Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp lại điệp khúc: “Yêu thương nhau”. Chúa gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau về đức yêu thương. Đó là lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”; Đó là gương mẫu: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; Đó là dấu chỉ: “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”. 1. Lệnh Truyền “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”.Trước khi công bố điều răn mới, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Và Ngài đã yêu họ đến cùng bằng việc hiến dâng mạng sống trên thập giá. Chúa Giêsu đã yêu trước khi truyền cho các môn đệ yêu thương nhau. Đây là điều răn mới, mới đến nỗi Chúa gọi đó là luật của riêng Ngài: “Đây là điều răn của Thầy” (Ga 15,12), mới ở chỗ yêu như Chúa yêu. Yêu thương nhau như Chúa yêu thương phải được cụ thể hóa bằng việc làm như chính Chúa đã dạy, đã thực hiện. Chúa Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10). Điều răn “cũ” trong sách Lêvi 19,18: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Yêu thương theo luật cũ là “yêu tha nhân như chính mình”. Còn yêu thương trong Luật mới là yêu thương như Chúa yêu thương. Chúa yêu chúng ta là yêu đến cùng, yêu đến hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu phải là nền tảng và là nguồn gốc của tình yêu lẫn nhau giữa các môn đệ. Tình yêu giữa các môn đệ với nhau sẽ không còn ý nghĩa nếu không liên lỉ quy chiếu về tình yêu của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói đến chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng của tình Chúa yêu con người (x.Ep 3,18). Và cũng có người đã tìm ra chiều cao, sâu, rộng dài của tình yêu Chúa như thế này:Yêu người như người yêu người là bậc thấp, là luật cũ của Cựu Ước;Yêu người như Chúa yêu người là bậc cao, là luật mới của Tân Ước. Luật yêu thương mới là cốt tủy của đạo Chúa và cũng là nền tảng của mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Mến Chúa yêu người đi song đôi với nhau. Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu tha nhân và tình yêu tha nhân là thước đo tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là mẫu mực để tình yêu con người trở nên hoàn thiện. 2. Gương Mẫu “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy” là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu. Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Nói đến Công Giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu cha ông truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người. Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là: – Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. – Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương phục vụ. – “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15a). Người là Thầy, là Chúa, các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”(Ga 15,15b). – Thầy hy sinh quên mình, Thầy hạ mình phục vụ anh em. Thầy yêu những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương cả những người thù ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa và Thầy không ngừng tha thứ, muốn mọi người làm hoà với nhau. – Cả cuộc đời Chúa Giêsu đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha… Yêu “như Thầy đã yêu” làm nên nét đẹp của Tin mừng. Nét đẹp ấy có sức lôi cuốn mọi người đến cùng Chúa. Tình yêu ấy thật cao đẹp nên Chúa mời gọi: “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta. “Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói ‘không’ với những thứ ‘yêu’ khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền, chẳng hạn, những người yêu tiền không yêu như Chúa Giêsu yêu, yêu thành công, phù phiếm, yêu quyền lực…. Những con đường lừa dối của “tình yêu” này khiến chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và khiến chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái, hống hách. Và hống hách dẫn đến suy thoái tình yêu thương, lạm dụng người khác, làm cho những người thân yêu của chúng ta đau khổ. Tôi đang nghĩ đến tình yêu không lành mạnh biến thành bạo lực, và có biết bao những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu… Yêu như Chúa yêu chúng ta có nghĩa là đánh giá cao những người bên cạnh chúng ta, tôn trọng tự do của họ, yêu họ như họ vốn có…” (ĐTC Phanxicô, 09/05/2021). 3. Dấu Chỉ “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”. Người Kitô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người. Chúa Giêsu đã chỉ một dấu hiệu để nhận biết người môn đệ của Chúa là “yêu thương nhau”. Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá, làm dấu thánh giá trước khi ăn… Nhưng theo Chúa Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại… Tình yêu không phải là cái gì trừu tượng mà là thật cụ thể nên rất dễ nhận ra. Yêu thương nhau là luôn nghĩ tới nhau. Những người yêu thương nhau thường nghĩ tới nhau; yêu nhau nhiều thì nghĩ tới nhau nhiều, nghĩ tới mà trong lòng cảm thấy vui sướng. Yêu nhau nên thích gặp nhau. Những người kitô hữu yêu nhau, thì rất thích tụ họp, thích gặp gỡ nhau. Và thường họ tụ họp nhau vào ngày Chúa Nhật, trước hết là để cùng nhau cử hành thánh lễ, sau là để gặp nhau trò chuyện, hàn huyên, chia sẻ tâm tình với nhau. Yêu nhau nên ước muốn điều lành cho nhau. Mong cho nhau được sự may mắn, được thăng tiến, được làm ăn thành đạt, được sức khoẻ dồi dào, được có lòng đạo đức, được mãn nguyện theo ý muốn tốt lành. Và chính vì thế mà những người yêu nhau thường cầu nguyện cho nhau, xin Chúa yêu thương, an ủi, cứu giúp, phù hộ bạn mình. Yêu nhau nên làm những điều lành cho nhau: có thể đó là sự giúp đỡ khi túng thiếu hay ốm đau, sự chăm sóc sức khoẻ, đời sống tâm linh của nhau, là sự chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho nhau. Giúp nhau củng cố và giáo dục đức tin, giúp hoà giải với nhau, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, giúp nhau thành đạt trong công ăn việc làm. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là sự hy sinh cho nhau: hy sinh thì giờ, sức khoẻ, tiền bạc, và thậm chí cả sự sống vì nhau. Điều cao quý nhất mà Kitô hữu là mang Chúa đến cho nhau, vì mỗi người kitô hữu khi đã chịu phép rửa đều là đền thờ của Thiên Chúa. Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ là một trong những đề tài độc đáo riêng của thần học Tin Mừng Gioan. Có thể nói, toàn bộ sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“. Dòng chảy tình yêu từ Thiên Chúa đến với tha nhân qua đời sống Kitô hữu: bác ái, yêu thương, phục vụ. Chúa Giêsu đã đối xử tốt với mọi người, yêu thương mọi người. Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Chúa” (x.Mt 25,40). Lm. Giuse Nguyễn Hữu An Nguồn: gpcantho.com Ngày 11 tháng 5 Năm 2022 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải