Mùa Chay - Phục Sinh Hành trình Thương Khó : Sự thinh lặng của Chúa Giêsu Các bạn trẻ thân mến, Người ta thường thích nói hơn là thinh lặng. Nói để giải bày cảm xúc, nói để thổ lộ tâm tư, nói để bộc bạch nỗi niềm. Nói gần như trở thành một nhu cầu sinh tử của con người. Quả thế, cuộc sống không có tiếng nói là một cuộc sống buồn tẻ, cô đơn, vì không thể diễn tả được thế giới bên trong của mình, không thể thông chuyển niềm vui, nỗi buồn cho người khác, không thể bắt được các nhịp cầu nối kết tương quan. Có thể nói được là một ân huê vô cùng lớn lao của Tạo Hóa. Tuy nhiên, không phải lúc nào nói cũng là một điều đáng trân trọng. Có những lời nói vô tình ảnh hưởng đến người khác hay gây ra những tác dụng xấu không cần thiết. Có những khoảnh khắc trong cuộc sống con người cần phải thinh lặng. Nhu cầu cần được nói trở nên quá cấp thiết đối với con người đến độ họ không thể ngừng nói. Gặp bất cứ chuyện gì, người ta thường có xu hướng dùng lời nói để trút hết ra ngoài những suy nghĩ một cách vội vã và thiếu chín chắn. Người ta nghĩ rằng đó là điều cần thiết phải làm. Đặc biệt là khi gặp những oan ức, bất công, người ta gào thét lên để bênh vực công lý cho mình. Không thể nói lý lẽ được thì người ta chửi bới, gào thét, nguyền rủa như một cách thức để chứng tỏ cái tôi không chịu khuất phục của mình. Từ khi biết nói, con người bị cuốn vào vòng xoay của ngôn ngữ, mà quên đi mất ý nghĩa của thinh lặng. Nói thì dễ hơn là lặng im. Phải có một sức mạnh kinh khủng lắm người ta mới có thể im lặng trước những bất công người khác dành cho mình, khi người ta nhận thấy lời nói lúc ấy trở nên vô nghĩa và không cần thiết. Vụ án oan ức mà các Thượng tế và Kinh sư dành cho Đức Giêsu đã quá rõ. Trong cuộc đối chất với Giêsu vào tối Người bị bắt, không ai có thể buộc tội gì cho Ngài. Tất cả những lời tố cáo và chứng gian đều bị Ngài vạch mặt. Philato cũng xác định là Ngài không có tội, nhưng ông không dám làm điều gì gây mất lòng đám dân đang hừng hực máu chiến. Trước tất cả những điều ấy, Giêsu đã chọn cho mình một sự im lặng. Ngài không trả lời họ bằng những lời trách cứ hay nguyền rủa. Ngài không gào thét lên kêu trách cuộc đời sao vô ơn, hay cuộc đời sao bạc bẽo. Ngài không đưa tay chỉ thẳng vào mặt những người đã từng thụ ơn mình để chỉ trích, càng không rút lại những ơn lành Ngài đã ban cho người khác. Ngài không nổi cuồng lên, không bất chấp tất cả để hành xử như một kẻ nổi loạn, không cần luật pháp. Ngài không dùng quyền năng riêng của mình để đấu tranh cho lợi ích chính đáng của mình. Ngài không dùng những lý lẽ hùng hồn để cãi tay đôi hay tố giác lại những kẻ đã hãm hại mình. Tất cả những gì Ngài làm chỉ là một sự thinh lặng. Khi Ngài bị điêu đến với vua Hêrôđê, vua chỉ coi Ngài như một trò đùa vui không hơn không kém. Vua giễu cợt, thách thức đủ điều để Ngài có thể làm một phép lạ nào đó khiến vua bất ngờ để giải trí. Giêsu vẫn giữ một thái độ im lặng. Đã đành là Ngài sẽ không làm phép lạ cho những chuyện vớ vẩn thế kia, nhưng Ngài cũng không cả giọng để lên án vua, trách vua sao vô tâm vô tình, bất tài vô dụng. Nói gì nữa đây khi lòng người đã trở nên chai đá? Nói gì nữa đây khi người ta chẳng còn thiết tha gì đến công lý? Trách cứ làm gì khi lương tâm người ta đã nên chai sạn và bị những thói hư tật xấu bào mòn? Có dùng lời lẽ thanh minh cũng vô dụng. Có chửi bới hay nguyền rủa cũng chẳng thay đổi được tình hình. Rồi những nhát búa vô tình bổ xuống cây đinh xuyên qua lớp thịt, đâm vào khúc xương. Những tiếng sỉ vả, những lời phỉ báng không ngừng giáng xuống trên Ngài, ngay cả khi Ngài đã bị treo trên thập giá. Tất cả những lời Ngài thốt ra là lời xin Cha xá tội, là lời xin Cha tha thứ, là khát vọng, là lời kêu cứu Cha, chứ không phải là những lời trách oán dành cho người khác, những kẻ thù mình, và dành cho cuộc đời. Cuộc đời vốn dĩ là thế, trắng đen lẫn lộn, trái phải bất phân minh. Có bao giờ con người có thể hiểu hết lý lẽ của nó. Mưu kế thâm độc của con người, lấy oán đền ơn, họa vô đơn chí… đó là những gì mà cuộc đời mang đến cho những ai thuộc về nó. Oán trách ai bây giờ, nguyền rủa ai bây giờ… Tại sao người tốt lại chết oan, còn người xấu vẫn cứ ung dung trên ngai báu? Tại sao tai ương không đến với bọn ác nhân, mà lại cứ thay phiên nhau ụp xuống trên người lành? … Những câu hỏi tại sao không có câu trả lời ấy làm ta điên cuồng với cuộc sống. Ta không thể chấp nhận cuộc sống chéo ngoe này. Ta nổi điên với nó, ta không chấp nhận để nó tác động đến mình, nên ta quyết tâm nổi dậy, tự dựng nên một cuộc sống mới cho ta, bất chấp tất cả. Ta làm như thể mình có quyền thay đổi cả vận mệnh của mình. Ta hành xử như thể mình là người quyết định công lý, là chúa tể có khả năng thay đổi mọi sự và xoay chuyển tình hình theo ý mình. Ta muốn chống lại cả thế giới bằng sự cuồng bạo của ta. Vâng, cuộc sống luôn xảy đến với ta những điều ta không mong muốn. Nhất thiết là ta phải làm chủ mình, làm chủ những tình huống xảy ra cho mình, nhưng ta không thể làm được điều đó bằng một thái độ phản kháng lại nó. Ta không đủ quyền năng để không cho phép sự xấu xảy đến với mình. Ta chỉ có thể xoay chuyển được tình thế bằng cách đón nhận nó như thực tại nó là, với một con tim bình an và thanh thản. Rồi từ đó, ta mới có thể sống cuộc sống của mình một cách hạnh phúc. Sự im lặng của Giêsu không phải là một sự nhẫn nhục trong bất lực hay như một kẻ yếu thế. Nhưng đó là một sự im lặng của tình yêu. Ngài có thể phản kháng nhưng Ngài đã không làm. Chuyện gì xảy ra nếu như Ngài cũng nhất quyết đấu tranh tới cùng cho quyền lợi của mình bằng bạo lực? Hẳn sẽ là chẳng còn ai tồn tại để có thể đối đáp với Ngài nữa. Ta hãy tạ ơn Chúa về sự thinh lặng của Ngài, và cũng xin Ngài dạy chúng ta biết thinh lặng như thế khi cần thiết. Khi thinh lặng, ta sẽ hiểu nhiều hơn và biết phải nói gì, phải hành xử ra sao sau đó. Thinh lặng sẽ giúp mình khôn ngoan hơn. Người có khả năng thinh lặng như Giêsu, ấy cũng là người hết sức mạnh mẽ. Thực ra, Giêsu lặng im, nhưng sự lặng im ấy của Giêsu nói với chúng ta rất nhiều điều. Bạn nghe được điều gì từ sự thinh lặng ấy của Giêsu? Pr. Lê Hoàng Nam, S.J. Nguồn: dongten.net Ngày 14 tháng 4 Năm 2022 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải