Mùa Chay - Phục Sinh Làm sao để phục vụ người khác trong Lễ Phục sinh này theo Đức Thánh Cha Phanxicô? Isabella H. de Carvalho WHĐ (08.04.2023) - Kể từ khi được bầu chọn là người kế vị Thánh Phêrô trong sứ mạng coi sóc Giáo hội năm 2013, trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi tín hữu quan tâm đến những người cô đơn, bị lãng quên và bị gạt ra bên lề xã hội. Một cách cụ thể, Đức Thánh Cha biến những lời nói của mình thành hành động, khi mà, vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đều đến một trại giam ở Rôma để rửa chân cho các tù nhân thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, quốc tịch và tôn giáo. Khi làm như vậy, Đức Thánh Cha không chỉ lặp lại và phản ánh hành động khiêm tốn và yêu thương của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, mà còn khuyến khích chúng ta cũng làm như thế trong cuộc sống thường ngày. Sau đây là một số gợi ý trong các bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh của Đức Phanxicô nhằm nhắc nhớ về việc phục vụ người khác trong dịp Lễ Phục sinh này, cho dù họ là thành viên trong gia đình, là đồng nghiệp, hoặc là người xa lạ của chúng ta! 1. Đừng phục vụ người khác để mong được đáp lại Khi cử hành Thánh lễ tại nhà tù Civitavecchia, phía tây bắc Roma vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy chúng ta thường sống các mối tương quan của mình gần như các giao dịch thương mại ra sao. Ngài khẳng định: “Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta tìm kiếm lợi ích riêng của mình, như thể chúng ta tính phí lẫn nhau”, chúng ta đã để cho lợi ích cá nhân lấn át giống như để “con rắn” xâm nhập vào các mối tương quan của chúng ta. Do đó, “Quan trọng hơn là làm mọi việc mà không vụ lợi: chúng ta phục vụ lẫn nhau, chúng ta là anh em của nhau, chúng ta giúp nhau phát triển, chúng ta động viên nhau, và đó là cách chúng ta phải làm hầu giúp mọi việc tiến triển”. 2. Hãy mạo hiểm, ngay cả đối với những người muốn bạn gặp điều tốt lành “Phục vụ: thực sự có những người không chấp nhận thái độ này, những người ngạo mạn, những người đáng ghét, những người dường như không muốn chúng ta có được điều tốt lành; nhưng chúng ta được mời gọi để phục vụ họ nhiều hơn nữa”, là những lời của Đức Phanxicô trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh năm 2018. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng, rất khó để phục vụ những người chống lại chúng ta, nhưng Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tấm gương để noi theo. “Chúng ta hãy nhận thức rõ điều này: Chúa Giêsu được gọi là Giêsu chứ không được gọi là Philatô, vì Người không rửa tay rũ bỏ trách nhiệm nhưng Người chỉ biết mạo hiểm mà thôi! Chúng ta nhìn hình ảnh tuyệt đẹp này: Chúa Giêsu cúi xuống giữa bụi gai, liều mình bị tổn thương để đưa con chiên bị lạc lên”. Để nhấn mạnh điểm này rõ hơn nữa, trong lúc chúc bình an, Đức Thánh Cha đã mời các tù nhân “thinh lặng” để “nghĩ đến những người không yêu thương chúng ta và chúng ta cũng không yêu thương họ, đúng hơn, cả những người mà chúng ta muốn báo thù. Chúng ta hãy thinh lặng nài xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết trao ban bình an cho mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu”. 3. Hãy nhìn vượt lên trên sự khác biệt về tôn giáo hoặc thân thế Hai ngày trước Thứ Năm Tuần Thánh năm 2016, có 32 người bị chết và hàng trăm người khác bị thương tại thủ đô Brussels, nước Bỉ do một vụ tấn công khủng bố bởi những phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo thực hiện. Đáp lại biến cố này, Đức Phanxicô đã rửa chân cho những người tị nạn thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo trong một trại tị nạn ở Rôma để nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em và có thể phục vụ lẫn nhau vì hòa bình. Trong bài giảng, ngài giải thích: Tất cả chúng ta quy tụ với nhau: Hồi giáo, Ấn giáo, Công giáo, Copt, và Tin lành, tuy khác nhau nhưng tất cả đều là anh chị em, là con cùng một Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta sống trong bình an, hòa nhập; và ba ngày trước, một hành động chiến tranh đã xảy ra tại một thành phố châu Âu bởi những người không muốn sống trong hòa bình. Hôm nay, vào lúc này, khi tôi thực hiện hành động giống như Chúa Giêsu bằng việc rửa chân cho 12 anh chị em, tất cả chúng ta đều tham gia vào hành động của tình huynh đệ, và tất cả chúng ta đều đồng thanh: “Chúng ta đa dạng, chúng ta khác biệt, chúng ta có những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta là anh chị em và chúng ta muốn chung sống trong hòa bình”. 4. Để phục vụ người khác, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa đã yêu thương và gột rửa chúng ta trước Trong bài giảng Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Rebibbia chiều thứ Năm Tuần Thánh 2015, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta không có giới hạn: luôn luôn và càng ngày càng nhiều hơn nữa. Người không bao giờ mệt mỏi khi yêu bất cứ ai. Người yêu thương tất cả chúng ta, đến độ hiến mạng sống vì chúng ta”. Chỉ vào các tù nhân, Đức Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu “đã hy sinh mạng sống cho bạn, cho bạn, cho bạn, cho bạn, cho tôi, cho chúng ta. Tình yêu của Người luôn mang tính cá vị. Đó là một tình yêu không bao giờ khiến chúng ta thất vọng, bởi vì Người không bao giờ cảm thấy hết hứng thú với tình yêu”. Trước khi rửa chân cho các tù nhân, Đức Thánh Cha nói “tận đáy lòng, chúng ta phải chắc chắn, chúng ta phải xác tín rằng, khi rửa chân cho chúng ta, Chúa Giêsu rửa sạch chúng ta một cách trọn vẹn, Người gột rửa chúng ta, Người cho chúng ta một lần nữa cảm nhận tình yêu của Người. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trở thành “người đầy tớ tốt lành hơn để phục vụ mọi người, như Chúa Giêsu đã làm”. 5. Hãy có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn của trẻ thơ Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại khoảnh khắc trong Tin Mừng theo Thánh Luca chương 9, trong bài giảng ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2019, trình thuật việc các môn đệ thảo luận với nhau xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu trả lời rằng đó là một “em bé”. Trích dẫn lời Tin Mừng, “Nếu anh em không có tâm hồn của trẻ thơ, anh em sẽ không phải là môn đệ của Thày”, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy có “một tâm hồn trẻ thơ, đơn sơ, khiêm tốn và là người phục vụ”. Ngài tiếp tục rằng, để trở thành người lớn nhất và để có thể phục vụ, chúng ta phải đặt mình ở vị trí cuối cùng. “Phục vụ lẫn nhau, phục vụ như anh chị em của nhau, không phải trong tham vọng giống như kẻ một thống trị hoặc áp bức người khác, không phải vậy […] Tình huynh đệ luôn luôn khiêm nhường”. 6. Phục vụ người khác vì đó là điều Thiên Chúa đã dạy chúng ta Lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng, thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, Đức Phanxicô đã rửa chân cho các tù nhân, và là các tù nhân vị thành niên. Ngài nhắc nhở họ hãy luôn làm theo những gì Thiên Chúa đã dạy chúng ta, ngay cả khi điều đó có thể khó khăn và chúng ta có thể không hiểu. “Thật là cảm động. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Phêrô không hiểu gì cả, nên ông đã từ khước. Nhưng Chúa Giêsu đã giải thích điều đó cho Phêrô. Chúa Giêsu - Thiên Chúa - đã làm điều này!” Rửa chân cho nhau, “điều này có nghĩa là gì? Đó là tất cả chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau. Đôi khi tôi tức giận với người này hay người khác… nhưng… hãy bỏ qua, hãy xí xoá, và nếu người đó nhờ bạn một việc gì đó, hãy giúp họ”. Đồng thời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chính ngài cũng cố gắng thực hiện lời khuyên của mình để chu toàn trách nhiệm với tư cách là Giáo hoàng và Giám mục. “Hãy giúp đỡ lẫn nhau: đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta và đây là điều cha đang làm, và làm với cả trái tim, bởi vì đó là bổn phận của cha. Với tư cách là một linh mục và một giám mục, cha phải phục vụ các con. […] Cha yêu thích điều này và cha thích làm điều đó bởi vì đó là điều Chúa đã dạy cha làm”. 7. Hãy đi từ người lớn nhất trở thành người nhỏ nhất Trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh năm 2017 tại nhà tù Paliano, Đức Phanxicô đã giải thích cho các tù nhân mà ngài sẽ rửa chân tại sao ngài lại ở đó và nhấn mạnh việc lặp lại cử chỉ khiêm nhường này hàng năm. “Hôm nay, khi tôi đến đây, có nhiều người trên đường nói rằng: “Đó là Đức giáo hoàng, ngài là đầu, là người đứng đầu Giáo hội...” Chúa Giêsu là đầu của Hội Thánh; đúng thế! Đức giáo hoàng là đại diện của Chúa Giêsu và tôi cũng muốn làm điều tương tự như Người đã làm”. “Có một sự đảo ngược: người xem ra là người lớn nhất phải làm công việc của người nô lệ, nhưng là để gieo tình yêu, gieo yêu thương giữa chúng ta. Hôm nay tôi không bảo anh chị em hãy đi và rửa chân cho nhau: nói thế hẳn chỉ là đùa vui. Nhưng tôi sẽ nói đến biểu tượng, đến hình ảnh: tôi sẽ bảo anh chị em rằng nếu có thể giúp đỡ, thì hãy làm một công việc phục vụ ở đây, trong nhà tù này, cho người bạn tù của mình, anh chị em hãy làm điều đó”. 8. Hãy nhớ tha thứ và nài xin sự tha thứ Vào năm 2020, Đức Phanxicô đã có bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô khi nước Ý đang trong tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19. Đức Thánh Cha giải thích rằng việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta cần được “gột sạch” tội lỗi của mình để có thể phục vụ người khác. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các linh mục, nhưng giáo huấn của ngài có thể hữu ích cho tất cả mọi người. “Đừng cứng đầu như Phêrô. Hãy để đôi chân của anh em được rửa sạch. Chúa là Tôi tớ của anh em; Người ở gần anh em, và ban cho anh em sức mạnh, để rửa chân cho người khác”. “Ý thức được sự cần thiết phải được gột rửa sạch sẽ, anh em sẽ là những người ban phát sự tha thứ tuyệt vời. Hãy tha thứ! Hãy có một trái tim bao la đó là rộng lượng tha thứ. Đây là thước đo mà chúng ta sẽ bị phán xét”. “Hãy can đảm, cả trong việc chấp nhận rủi ro, trong việc tha thứ, để mang lại niềm an ủi. Và nếu anh em không thể ban bí tích hoà giải vào lúc này, thì ít nhất hãy dành sự an ủi của một người anh em cho những người mà anh em đồng hành, mở ngỏ cánh cửa cho mọi người quay trở về”. Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm Chuyển ngữ từ: aleteia.org (06. 4. 2023) Ngày 9 tháng 4 Năm 2023 Bài liên quan Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (13.3.2022 - Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm C) Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay Phục vụ đích thực 5 cách giúp chúng ta thực hành hoán cải