Mùa Thường Niên ĐTC Phanxicô dâng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ Để mừng sinh nhật thứ 90 của người chị em họ, chiều thứ Bảy 19/11, Đức Thánh Cha đã đến thành phố Asti, bắc Ý, quê hương của ngài và thăm người chị. Sáng hôm sau, Chúa Nhật 20/11, Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ với cộng đoàn dân Chúa tại nhà thờ chính toà Asti. Văn Yên, SJ - Vatican News Sáng hôm sau, Chúa Nhật 20/11, thành phố Asti đã chính thức trao quyền công dân danh dự cho Đức Thánh Cha. Lý do chính thức của việc trao quyền công dân Asti cho Đức Thánh Cha là vì sự dấn thân mạnh mẽ tuyệt vời của ngài vì hoà bình thế giới, cổ võ tình liên đới và huynh đệ, chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử, những giá trị được nêu trong Quy chế của Thành phố Asti, và cũng vì mối liên hệ chặt chẽ của ngài với khu vực Asti. Kết thúc buổi lễ trao quyền công dân danh dự, Đức Thánh Cha đến nhà thờ chính toà Asti để dâng Thánh Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ với cộng đoàn dân chúa của giáo phận. Bài giảng Thánh Lễ Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cũng trao thừa tác vụ giúp lễ cho thầy Stefano. Vì thế, vào đầu bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho thầy trong ơn gọi trở thành linh mục trong tương lai. Nói vùng đất Asti quê hương của ngài, Đức Thánh Cha nói: “Từ những vùng đất này, cha tôi đã rời đi để di cư đến Argentina” và giờ đây “tôi đến vùng đất này để tìm lại hương vị cội nguồn.” Với từ cội nguồn, Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của Lễ Chúa Kitô Vua: “Nhưng hôm nay, một lần nữa, Tin Mừng đưa chúng ta trở lại những cội nguồn của đức tin. Chúng được tìm thấy trên mảnh đất khô cằn của đồi Canvê, nơi hạt giống của Chúa Giêsu, qua cái chết, đã làm nẩy mầm niềm hy vọng: được gieo vào lòng đất, nó đã mở đường cho chúng ta đến Thiên Đàng; với cái chết của mình, Người đã ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu; qua cây thánh giá, Người đã mang lại cho chúng ta hoa trái ơn cứu độ. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào Người, nhìn vào Thánh giá.” Vua theo kiểu Chúa Giêsu Trên thánh giá chỉ có một câu: “Đây là Vua dân Do Thái” (Lc 23,38). Đây là tước hiệu: Vua. Tuy nhiên, khi quan sát Chúa Giêsu, ý niệm về vua của chúng ta bị đảo lộn. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cách trực quan về một vị vua: chúng ta sẽ nghĩ về một người mạnh mẽ ngồi trên ngai vàng với những huy hiệu quý giá, trên tay là vương trượng và những chiếc nhẫn lấp lánh giữa các ngón tay, đồng thời thốt ra những lời long trọng với thần dân của mình. Nói cách chung, đây là hình ảnh mà chúng ta có trong đầu. Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy điều hoàn toàn ngược lại. Người không ngồi trên ngai vàng thoải mái, mà bị treo trên giá khổ hình; vị Thiên Chúa “hạ bệ kẻ quyền thế” (Lc 1,52) hành động như một tôi tớ bị treo lên thập giá bởi những người quyền thế; được trang điểm chỉ bằng đinh và gai, bị tước bỏ tất cả nhưng lại giàu về tình yêu. Từ ngai thập giá, Người không còn giảng dạy đám đông bằng lời, Người không còn giơ tay để dạy dỗ. Người làm nhiều hơn thế: Người không chỉ tay vào bất cứ ai, nhưng mở rộng vòng tay với mọi người. Đây là cách Vua của chúng ta thể hiện: với vòng tay rộng mở. Chỉ khi bước vào vòng tay của Người, chúng ta mới hiểu: chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã đi đến tận đó, đến tận nghịch lý của thập giá, để ôm lấy mọi thứ của chúng ta, ngay cả những gì xa lạ với Người nhất: cái chết của chúng ta, nỗi đau của chúng ta, sự nghèo khó của chúng ta, sự mong manh của chúng ta. Người trở thành tôi tớ để mỗi người chúng ta cảm thấy mình như một người con; Người để cho mình bị xúc phạm và nhạo báng, để trong mọi sự sỉ nhục, không ai trong chúng ta còn cô độc nữa; Người để mình bị tước đoạt, để không ai cảm thấy bị tước đoạt phẩm giá của họ; Người đã lên thánh giá, để trên mọi thập giá của lịch sử đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây là Vua của chúng ta, Vua của vũ trụ vì Người đã vượt qua những biên giới xa xôi nhất của nhân loại, Người đã đi vào hố đen của hận thù và ruồng bỏ để soi sáng mọi cuộc đời và ôm lấy mọi thực tại. Anh chị em thân mến, đây là vị Vua mà chúng ta tôn vinh! Và câu hỏi đặt ra cho chính chúng ta là: Vị Vua của vũ trụ này có phải là vị Vua của sự sống tôi không? Làm sao tôi có thể tôn vinh Người là Chúa của mọi sự nếu Người không trở thành Chúa của đời tôi? Chúa luôn mở rộng vòng tay Do đó, chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Hãy xem, Người không chỉ quan sát cuộc sống của bạn trong chốc lát, Người không liếc nhìn bạn như chúng ta vẫn thường làm với Người, nhưng Người ở đó, với vòng tay rộng mở, để nói trong im lặng với bạn rằng không có điều gì về bạn lại xa lạ với Người, rằng Người muốn ôm bạn, nâng bạn dậy và cứu bạn từ chính hiện tại của bạn, với lịch sử, những đau khổ, tội lỗi của bạn. Người ban cho bạn khả năng chế ngự cuộc sống, nếu bạn quy phục trước tình yêu nhu mì của Người vốn đề nghị chứ không áp đặt, trước tình yêu của Người vốn luôn tha thứ, luôn nâng bạn dậy, luôn trả lại phẩm giá đế vương của bạn. Đúng vậy, ơn cứu độ đến từ việc để cho mình được Người yêu thương, bởi vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới được giải thoát khỏi ách nô lệ của cái tôi, khỏi nỗi sợ hãi cô đơn, khỏi suy nghĩ rằng tôi không thể làm được. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy năng đặt mình trước Thánh Giá, và để cho mình được yêu thương, bởi vì những vòng tay rộng mở đó cũng mở cửa thiên đàng cho chúng ta, như cho “người trộm lành”. Chúng ta hãy nghe câu nói đó với chúng ta, câu duy nhất mà hôm nay Chúa Giêsu nói từ trên thập giá: “Anh sẽ được ở với tôi trên trên thiên đàng” (Lc 23,43). Đây là điều Chúa muốn nói với chúng ta mỗi khi chúng ta để cho Người nhìn. Và chúng ta hiểu rằng chúng ta không có một vị thần vô danh ở trên trời, quyền năng và xa cách, nhưng là một vị Thiên Chúa gần gũi, dịu dàng và đầy lòng trắc ẩn, nơi đó Người luôn dang rộng vòng tay để an ủi và triều mến. Đây là vị Vua của chúng ta! Là khán giả hay người nhập cuộc Anh chị em thân mến, sau khi đã nhìn xem người, chúng ta có thể làm gì? Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hai con đường. Trước mặt Chúa Giêsu, có những người đóng vai khán giả và những người nhập cuộc. Các khán giả thì nhiều, chiếm đa số. Thật vậy – bản văn nói – “dân chúng đứng nhìn” (c. 35). Họ không phải là người xấu, nhiều người là tín hữu, nhưng khi nhìn thấy Thánh giá, họ vẫn là khán giả: họ không tiến một bước đến gần về phía Chúa Giêsu, nhưng nhìn Người từ xa, tò mò và thờ ơ, không thực sự quan tâm và cũng chẳng buồn hỏi tôi phải làm gì. Họ đưa ra những bình luận, họ bày tỏ những phán xét và ý kiến, một số người phàn nàn, nhưng tất cả mọi người đều khoanh tay đứng nhìn. Nhưng ngay cả đứng gần thập giá cũng có những khán giả: những người lãnh đạo dân chúng, những người muốn chứng kiến cảnh tượng đẫm máu về kết cục chẳng vinh quang của Chúa Kitô; những người lính, những người hy vọng rằng cuộc hành quyết sẽ sớm kết thúc; một trong những kẻ bị hành quyết cũng trút giận lên Chúa Giê-su. Họ nhạo cười, lăng mạ, xối xả. Và tất cả những khán giả này chia sẻ một điệp khúc mà bản văn lặp lại ba lần: “Nếu ông là vua thì hãy tự cứu lấy mình đi!” (xem câu 35.37.39) Hãy tự cứu mình, hoàn toàn ngược lại với những gì Chúa Giê-su đang làm, là Đấng không nghĩ đến mình, mà là cứu họ. Ngược lại, tự cứu mình thì dễ lây lan: từ các nhà lãnh đạo, binh lính đến người dân, làn sóng của sự dữ lan đến hầu hết mọi người. Những người đó nói về Chúa Giêsu nhưng không hòa hợp chút nào với Chúa Giêsu. Làn sóng sự dữ luôn lan tràn thế này: nó bắt đầu bằng cách đứng đàng xa, bằng cách nhìn mà không làm gì, bằng cách không quan tâm, chỉ nghĩ đến những gì mình thích và quen thuộc, rồi quay đi hướng khác. Đó cũng là một mối nguy cho đức tin của chúng ta, đức tin sẽ tàn lụi nếu nó chỉ là một mớ lý thuyết và không trở thành một điều thực hành, nếu không có sự can dự, nếu chúng ta không tự hiến mình, nếu chúng ta không đặt mình vào cuộc. Sau đó, chúng ta trở thành những Kitô hữu kiểu nước hoa hồng, những người nói rằng tôi tin Chúa và muốn hòa bình, nhưng lại không cầu nguyện và không quan tâm đến người khác. Như anh trộm lành Có làn sóng sự dữ đã xảy ra ở đồi Canvê, nhưng cũng có một sóng tốt lành. Trong số nhiều khán giả, một người đã nhập cuộc, “người trộm lành”. Trong khi những người khác cười nhạo Chúa, anh nói với Người và gọi tên Người: “Giê-su”; trong khi nhiều người trút giận vào Người, anh lại thú nhận lỗi lầm của mình với Chúa; nhiều người nói “hãy tự cứu lấy mình đi”, anh lại cầu nguyện: “Lạy ông Giêsu, xin nhớ đến tôi” (c. 42). Như vậy, một tên tội phạm trở thành vị thánh đầu tiên: anh đến gần Chúa Giêsu trong giây lát và Chúa cho anh ở bên Người mãi mãi. Giờ đây, Tin Mừng kể về người trộm lành cho chúng ta, để mời gọi chúng ta chiến thắng sự dữ bằng cách thôi làm những khán giả. Bắt đầu từ đâu? Từ sự tin tưởng, từ việc gọi Thiên Chúa bằng tên, làm như người trộm lành, người đến cuối đời đã tìm thấy sự tin tưởng can đảm của trẻ thơ, những người tin tưởng, cầu xin và nài nỉ. Và với sự tin tưởng, anh thú nhận lỗi lầm của mình, anh khóc nhưng không phải về bản thân mình, mà trước mặt Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có niềm tín thác này không, chúng ta mang đến với Chúa Giêsu những gì chúng ta có bên trong hay chúng ta ngụy trang trước mặt Chúa, có lẽ bằng một chút thánh thiêng và trầm hương? Những người thực hành sự tin tưởng học biết chuyển cầu, học cách mang đến với Chúa những gì họ thấy, những đau khổ của thế giới, những người họ gặp, để nói với Người, như anh trộm lành: “Lạy Chúa, xin nhớ”. Chúng ta sống trong thế giới này không phải chỉ tự cứu lấy mình, nhưng để mang anh chị em đến vòng tay của vị Vua. Nhưng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cho chuyển cầu không? Tuỳ vào chọn lựa của chúng ta Anh chị em thân mến, hôm nay vị Vua của chúng ta từ trên thập giá nhìn chúng ta với vòng tay rộng mở. Tùy thuộc chúng ta chọn trở thành những khán giả hay những người nhập cuộc. Chúng ta thấy những cuộc khủng hoảng ngày nay, sự suy giảm niềm tin, sự thiếu tham gia... Chúng ta phải làm gì? Chúng ta có tự giới hạn mình trong việc đưa ra những lý thuyết, chỉ trích, hay chúng ta xắn tay áo lên, đảm nhận lấy cuộc sống? Chúng ta có đi từ chữ “nếu” của biện hộ đến chữ “xin vâng” của cầu nguyện và phục vụ không? Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình biết điều gì không ổn trong xã hội, trên thế giới, ngay cả trong Giáo hội, nhưng rồi chúng ta có làm gì không? Chúng ta có để tay mình bị làm bẩn như Chúa chúng ta bị đóng đinh vào cây gỗ hay chúng ta đứng để tay vào túi và quan sát? Hôm nay, trong khi Chúa Giêsu, chịu lột trần trên thập giá, vén bỏ mọi bức màn che phủ Thiên Chúa và phá hủy mọi hình ảnh sai lầm về vương quyền của Người, chúng ta hãy nhìn lên Người và nhờ đó tìm thấy can đảm nhìn về chính mình, để bước đi trên con đường tin tưởng và chuyển cầu, để cho mình trở thành người phục vụ, để được hiển trị với Người. Ngày 22 tháng 11 Năm 2022 Bài liên quan 06.5.2022 – Thứ Hai Tuần X Thường Niên – lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh 07.6.2022 – Thứ Ba Tuần X Thường Niên 08.6.2022 – Thứ Tư Tuần X Thường Niên 09.6.2022 – Thứ Năm Tuần X Thường Niên 10.6.2022 – Thứ Sáu Tuần X Thường Niên