Mùa Thường Niên Suy Tư TM CN 5 – A: Ánh sáng thật “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5, 16) Các bạn thân mến! Nếu như trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giê-su dạy bạn làm thế nào để có được hạnh phúc thì trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa chỉ cho bạn biết làm thế nào để giúp người khác có được hạnh phúc. Cách thức cụ thể nhất để bạn giúp người khác có được hạnh phúc là bạn phải trở nên ánh sáng bằng một đời sống công chính. Bài Tin Mừng mà bạn vừa nghe tiếp nối sau bài giảng Tám Mối Phúc thật. Kết thúc Tám Mối Phúc Thật là mối phúc về sự bách hại. Dĩ nhiên Chúa Giê-su nói phúc cho anh em bị bách hại vì sống công chính, Ngài không nhằm cổ võ cho các môn đệ tạo nên cái cớ gây ra sự bách hại, nhưng Ngài nhấn mạnh đến những người được chúc phúc do giữ vững lòng trung thành với Đức Ki-tô. Vì thế, đứng trước những thách đố và sự bách hại, các môn đệ hãy giữ vững đức tin của mình vào Thiên Chúa. Nói cách khác họ phải trở nên ánh sáng và muối cho thế gian. Chúa Giê-su khẳng định rất rõ. “Chính anh em là muốn cho đời.”[1] “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.”[2] Đối tượng chính yếu của lời dạy của Chúa Giê-su không ai khác chính là những người môn đệ, những người đang bước theo Ngài. Muối và ánh sáng có tác dụng biến đổi những thực tại mà nó tiếp xúc. Muối có tác dụng biến đổi thực tại từ bên trong, còn ánh sáng có tác dụng biến đổi thực tại từ bên ngoài. Ánh sáng có khả năng lan tỏa và giúp cho con người nhận ta những thực tại chung quanh. Tương tự như thế, muối có tác dụng thấm nhập và biến đổi thực tại chung quanh. Tuy nhiên, muối sẽ trở nên vô dụng nếu nó mất đi bản chất đích thực của nó là ướp mặn cho đời. Như thế, đối với người môn đệ, giữ được bản chất của muối là ướp mặn cho đời giữa những khó khăn thử thách và cơn bách hại quả là không dễ dàng gì, nhất là sự bách hại đó đụng chạm đến sự sống và bản ngã của họ. Một mặt bạn ý thức rằng sứ mạng cao quý của người môn đệ là sứ mạng làm muối và ánh sáng cho trần gian, nhưng mặt khác, bạn cũng thấy rằng có những nguy cơ làm biến chất và sự phai nhạt chất muối nơi người môn đệ. Sự biến chất thể hiện ở chỗ mất lửa, đánh mất căn tính, thiếu lòng yêu mến, say sưa sự đời, những đam mê, cám dỗ dưới dạng sự thiện, những phương thế có vẻ tốt hòng phục vụ cho bóng tối. Nguyên nhân sâu xa vẫn là việc mất đi mối liên hệ thường xuyên và đích thực với Thiên Chúa. Tôn giáo dừng lại ở hình thức thuần túy nghi lễ hơn là sự thiết lập tương quan thân thiết giữa “Thần và Nhân.” Vì thế thực tại tôn giáo và đối tượng của việc thờ phượng (Thiên Chúa) chưa đụng chạm đến trái tim con người. Dĩ nhiên, có những nhà lãnh đạo đất nước vẫn tham gia những sinh hoạt tôn giáo, nhưng dường như những giá trị niềm tin tôn giáo chưa thực sự thấm vào cuộc đời của họ. Họ vẫn tự xưng mình là người Công Giáo nhưng những quyết định của họ đi ngược lại với nguyên tắc sự thiện và bảo vệ sự sống. Những quyết định của họ thậm chí đẩy cả chục ngàn người vào cái chết. Dĩ nhiên họ vẫn nhân danh tự do và luật pháp để phục vụ cho lợi ích nhóm. Nói cho cùng, ngôn ngữ chỉ là vỏ bọc phục vụ cho ý chí của tầng lớp lãnh đạo và tham vọng bá quyền. Cũng thế, đôi khi chúng ta cũng cần phải đấm ngực, chúng ta cùng tôn thờ một Thiên Chúa, cùng uống chung một Chén Rượu, cùng hít thở bầu không khí tôn giáo đạo đức nhưng chúng ta vẫn chia rẽ nhau, vẫn chưa đón nhận nhau. Phải chăng có hai “Thiên Chúa”: Thiên Chúa của nghi lễ và Thiên Chúa của đời sống xã hội. Phải chăng bạn và tôi là những người đã được chiếu sáng nhưng đâu đó mầm mống sự dữ và bóng tối vẫn còn ẩn khuất trong trái tim chúng ta. Bạn và tôi rất cần đến ân sủng của Chúa chiếu vào để thay thế phần bóng tối và đẩy lui mầm mống sự dữ ra khỏi chúng ta. Bạn và tôi cần được lấp đầy, cần được chiếu sáng và cần được nhấc bổng. Nhấc bổng khỏi những gì là nhỏ nhen và sống cho những gì cao quý. Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Fratelli Tutti số 86, bạn và tôi cần thoát khỏi sự biến chất bằng cách thoát ra khỏi những hình thức chủ nghĩa khác nhau:“Ngày nay, với nền linh đạo và thần học phát triển của chúng ta, chúng ta không có lời bào chữa nào. Tuy nhiên, có những người dường như cảm thấy được khuyến khích hoặc ít nhất là được đức tin của họ cho phép ủng hộ nhiều loại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bạo lực, tư tưởng bài ngoại và khinh thường, thậm chí ngược đãi những người khác. Đức tin, và chủ nghĩa nhân văn mà niềm tin Kitô truyền cảm hứng, phải duy trì ý thức phê phán khi đối mặt với những khuynh hướng này, và đưa ra phản ứng ngay lập tức bất cứ khi nào chúng ngóc đầu lên”[3] Trong buổi nói chuyện với các bạn trẻ trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 12/08/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi bạn chống lại sự biến chất bằng cách chống lại sự dữ và thực hành điều thiện: “Đừng cảm thấy mình đúng khi không làm điều ác; mỗi người có lỗi đối với sự thiện họ có thể làm nhưng đã không làm. Không oán ghét mà thôi thì không đủ, còn cần tha thứ nữa; không oán hận mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cầu nguyện cho kẻ thù nữa; không là nguyên nhân gây chia rẽ mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải mang hòa bình đến nơi nào không có, không nói xấu người khác mà thôi thì chưa đủ, còn cần chặn lại, khi nghe nói xấu về người khác. Nếu chúng ta không chống lại sự ác, có nghĩa là chúng ta mặc nhiên nuôi dưỡng sự ác. Cần can thiệp tại nơi mà sự ác lan tràn; vì sự ác phổ biến tại những nơi nào thiếu các tín hữu Kitô can đảm chống lại sự thiện, và “bước đi trong bác ái”[4], theo lời cảnh giác của Thánh Phaolô.[5] Để có thể ướp mặn cuộc đời, bạn cần phải được ướp mặn. Để có thể thiếu giãi ánh sáng cho thế gian, bạn cần phải được chiếu sáng. Nói cách khác để có thể được cứu độ, bạn cần chấp nhận được dìm mình trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Chính ánh sáng của Đức Ki-tô chiếu vào trong tim của bạn làm cho bạn được tỏa sáng. Ánh sáng của bạn phản chiếu ánh sáng của Chúa. Chúa Giê-su là muối và ánh sáng đích thực và bạn là người phản chiếu ánh sáng ấy. Chúa Giê-su là muối và ánh sáng đã chấp nhận bị tan biến để cứu độ con người. “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong Người ấy.”[6] Đấng Tạo Hóa đã chấp nhận bị tan biến vào trong thụ tạo để cứu thụ tạo và con người. Ngang qua sự tan biến đó mà chúng ta được ở lại trong Chúa. Vậy làm thế nào để ướp mặn cho đời và làm thế nào để trở nên ánh sáng. Trở nên ánh sáng là chấp nhận được chiếu sáng và tan biến trong Giê-su, là sống công chính. Đối với những người Do Thái, sống công chính là thực thi lề luật. Thông qua việc thực thi lề luật mà gương sáng của họ sẽ chiếu sáng trên người khác. Nói như tiên tri Isaiah, nhờ việc thi hành lề luật, chia cơm sẻ áo, đón tiếp người cô thế cô thân là cách làm cho ánh sáng của Chúa được tỏ hiện. “Đây là lời Đức Chúa phán: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.”[7] Cũng thế, Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi trở nên ánh sáng và sống công chính để nhờ những hành động của chúng ta mà người khác tôn vinh Thiên Chúa. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”[8] Một câu hỏi luôn đau đáu nơi người mộn đệ là “bao giờ Triều Đại Nước Thiên Chúa đến?” Triều Đại Nước Thiên Chúa đến khi mà vương quyền và uy lực của Chúa thống trị khắp hoàn cầu, khi mà Ánh Sáng của Chúa đẩy lùi hoàn toàn bóng tối trên thế giới và trong trái tim con người. Điều này tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta để cho ánh sáng thấm nhập và biến đổi chúng ta. Mức độ tỏa sáng tùy thuộc vào mức độ lu mờ. Mức độ lu mờ cũng tỷ lệ thuận với mức độ mà bạn và tôi được đồng hóa với Ánh Sáng. Gioan Phạm Duy Anh SJ Nguồn: dongten.net [1] Mt 5, 13 [2] Mt 5, 14 [3] Fratelli Tutti, 86 [4] Eph 5,2 [5] Đọc Kinh Truyền tin với ĐTC Chúa nhật 12.08.2018 [6] Ga 6, 56 [7] Is 57, 7-8 [8] Mt 5, 16 Ngày 5 tháng 2 Năm 2023 Bài liên quan 06.5.2022 – Thứ Hai Tuần X Thường Niên – lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh 07.6.2022 – Thứ Ba Tuần X Thường Niên 08.6.2022 – Thứ Tư Tuần X Thường Niên 09.6.2022 – Thứ Năm Tuần X Thường Niên 10.6.2022 – Thứ Sáu Tuần X Thường Niên