Mùa Vọng - Giáng Sinh Này Thiên Chúa đang đến Mùa Vọng được biết đến là thời gian hân hoan chuẩn bị chờ đón Chúa Giêsu Giáng Sinh và là thời điểm bắt đầu năm Phụng Vụ mới của Giáo hội Công giáo Rôma. Mùa Vọng được bắt đầu với Kinh Chiều I của Chúa Nhật rơi vào hoặc gần nhất với ngày 30 tháng 11 và kết thúc với việc cử hành Kinh Chiều I của Lễ Giáng Sinh và Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh. Mùa Vọng là thời gian tuyệt vời mà “Sự Thật vốn ở trong cung lòng Chúa Cha, được phát sinh từ lòng đất để đến ngự trong cung lòng và vòng tay của người phụ nữ. Sự Thật vốn là lương thực không hư nát cho các thiên thần, được phát sinh từ lòng đất để nhận sữa từ bầu ngực của một người phụ nữ. Sự Thật mà các tầng trời không chứa đựng nổi, đã phát sinh từ lòng đất để được đặt trong máng cỏ”[1]. Thật vậy, Mùa Vọng được biết đến là thời gian hân hoan chuẩn bị chờ đón Chúa Giêsu Giáng Sinh và là thời điểm bắt đầu năm Phụng Vụ mới của Giáo hội Công giáo Rôma. Mùa Vọng được bắt đầu với Kinh Chiều I của Chúa Nhật rơi vào hoặc gần nhất với ngày 30 tháng 11 và kết thúc với việc cử hành Kinh Chiều I của Lễ Giáng Sinh và Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh. Một cái nhìn chung cho mọi người không phân biệt tôn giáo: Lễ Giáng sinh là thời gian để quây quần bên gia đình, bên bạn bè trong niềm vui và bình an. Nhưng vẫn chưa đủ. Vì đối với Giáo hội Công Giáo: Lễ Giáng Sinh và những tuần trước lễ Giáng Sinh mà chúng ta gọi là Mùa Vọng đã hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt: Mùa Vọng - Chúa quang lâm, là thời gian tuyệt vời để các Kitô hữu, trước tiên, tưởng nhớ đến lần đầu tiên Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong thân phận của một con người thật sự, ngoại trừ tội lỗi; thứ hai, để chờ đợi Ngài đến trong lần tái lâm của Ngài, như Giáo hội dạy: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là màu chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do ấy, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”[2]. Bên cạnh đó, Mùa Vọng còn là thời gian đặc biệt và huyền nhiệm cho tất cả các Kitô hữu hiệp thông với mọi người trong Cựu Ước để mong chờ Đấng Thiên Sai đến trong lời cầu nguyện của mình. Các Kitô hữu được mời gọi đồng hóa mình với các Ngôn Sứ, các tác giả sách Thánh Vịnh, và những người nghèo để chờ đợi Chúa Kitô. Thật vậy, “lần đến đầu tiên của Đức Giêsu Kitô là món quà hoàn hảo dành cho con người, và lần đến thứ hai của Ngài sẽ hoàn thành lần đến thứ nhất và là món quà vượt quá mức hy vọng của chúng ta”[3]. Vì thế, việc cử hành Thánh Thể, các bài đọc và kinh nguyện trong Mùa Vọng đều xoay quanh chủ đề: con người khao khát Đấng Cứu Thế đến với tất cả hy vọng, cảm xúc và trọn vẹn cuộc sống của họ. Theo ý tưởng đó, Mùa Vọng cũng là thời gian mà con người than thở dâng lên Thiên Chúa cuộc sống thường ngày của họ, cùng với sự đáp trả của Ngài. Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật II Năm B là một ví dụ cho chúng ta: Thiên Chúa đáp lại sự than khóc của dân Ngài bằng cách an ủi họ, khích lệ họ và xác nhận rằng Ngài luôn hiện diện với họ. Thật vậy, sự thất vọng và nghi ngờ luôn gắn liền với sự yếu đuối của con người khi một điều gì đó không như ý muốn xảy ra trong cuộc sống. Bằng chứng này được thấy rõ trong Cựu Ước bắt đầu từ thời tổ phụ Áp-ra-ham cho đến thời chúng ta. Tuy nhiên, lời than vãn của con người không dừng lại ở đó, vì nơi Chúa Nhật III Mùa Vọng (Gaudete Sunday – Chúa Nhật của niềm vui), Thiên Chúa đã đánh thức nơi cộng đoàn một “cảm thức an ủi và hy vọng mới, một cảm thức cho phép cộng đoàn ra đi loan báo cho thế giới biết vượt qua sự áp bức và sợ hãi thường tình của con người.”[4] Làm thế nào để các Kitô hữu có thể mạnh dạn ra đi loan báo niềm vui? Maria Boulding trả lời: “Chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương bằng tình yêu vô điều kiện, vì vậy tất cả những hy vọng và thất vọng, niềm vui và đau khổ, thành công và thất bại, những thăng trầm của bạn: không điều gì là lãng phí”[5], hãy mạnh dạn loan báo niềm vui bằng chính cuộc sống của mình. Mùa Vọng là thời gian diễn tả niềm vui vì ơn cứu độ đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô. Vì thế, sống tâm tình Mùa Vọng, chúng ta cũng được mời gọi trở về với Chúa, mở rộng tâm hồn, tâm trí để đón nhận lòng thương xót của Chúa và tình yêu của Ngài dành cho mỗi người chúng ta, lý do chính để nhờ đó chúng ta có thể gần gũi với Chúa, chính là "Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”[6]. Mùa Vọng là thời gian mà mỗi người Kitô hữu được mời gọi điều chỉnh đời sống của mình cho xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Con Chúa Giáng sinh. Tuy nhiên, là con người, chúng ta không bao giờ có thể thực sự xứng đáng với chính Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện. Điều này đòi hỏi mỗi người phải liên tục hoán cải và sửa đổi chính mình. Xin Chúa giúp chúng con luôn kiên trì và trung thành cộng tác với ơn Chúa, để mỗi một Mùa Vọng không qua đi cách vô ích trong cuộc đời chúng con, nhưng luôn là bài ca và nhịp bước theo Chúa trên con đường tình yêu Giê-su. Nguồn: giaophanphucuong.org Hội Dòng Mẹ Nhân Ái [1] Augustine, Sermon 185.1 in Sermons (184 - 265), trans. Sister Mary Sarah Muldowney, The Fathers of the Church, Vol. 38 (New York: Fathers of the Church, Inc, 1959), 7. [2] UỶ BAN PHỤNG TỰ TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 39 [3] Maria Boulding, The Coming of God (Norwich, Great Britain: The Canterbury Press, 2001), p. 8 [4] Dianne Bergant, CSA, with Richard Fragomeni, Preaching the New Lectionary, Year B (Minnesota: The Liturgical Press, 1999), p. 1 [5] Maria Boulding, The Coming of God (Norwich, Great Britain: The Canterbury Press, 2001), p. 4 [6] St. Athanasius, On the Incarnation; the Treatise De Incarnatione Verbi Dei (Cambridge: University Press, 1944), # 54. Ngày 25 tháng 11 Năm 2022 Bài liên quan Ý nghĩa và lưu ý trong Mùa Vọng Sống Tâm Tình Mùa Vọng 10 điều bạn cần biết về Mùa Vọng Mùa Vọng Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Tập Tục và Tinh Thần Thánh Gioan Tẩy Giả và lời kêu gọi hoán cải trong Mùa Vọng