NỮ VƯƠNG ƠN GỌI Đức Mẹ Maria muốn chúng ta sám hối Năm nay nếu tháng Mân côi nhấn mạnh đến việc sám hối, thì thiết tưởng sẽ thêm ý nghĩa có sức cứu độ. Bởi vì tình hình hiện nay đang báo hiệu nhân loại đang rất cần được cứu. 1. Cách đây hai ngày, ban đêm trong giấc ngủ, tôi chiêm bao thấy Đức Mẹ Maria giữa các Thánh Tông Đồ. Được thấy Mẹ, tôi cảm thấy một hạnh phúc lạ lùng, đầy âu yếm thân thương. 2. Mẹ không nói gì, nhưng từ giây phút ấy, tôi nhận được rất nhiều tín hiệu cho tôi hiểu: Mẹ không đến cho riêng tôi, mà cho tất cả các con cái Mẹ. Mẹ muốn nhắn nhủ các con cái Mẹ một điều rất quan trọng, đó là hãy sám hối. 3. Sám hối là điều Mẹ đã nhắn nhủ ở Fatima trước đây 100 năm. Năm nay Mẹ nhắc lại, vì tình hình đang diễn biến nguy hiểm. Nhiều tai họa sẽ ập xuống cách khủng khiếp, nếu không sám hối. 4. Hiện nay, sám hối không được mấy người thực hiện, bởi vì rất nhiều người đã mất ý thức về tội. Rất nhiều người cho mình là vô tội. Do vậy, sám hối càng trở nên khẩn thiết. 5. Riêng tôi, sẽ vâng lời Đức Mẹ, mà sám hối. Sám hối của tôi có vẻ riêng tư. Tuy vậy, trong tinh thần hiệp thông, tôi cũng xin phép được chia sẻ đôi chút. Một là để ý đón nhận tình yêu xót thương của Chúa. Hai là để ý chia sẻ cho người khác tình yêu xót thương của mình. Ba là tỉnh thức trước những tại họa. 6. Sở dĩ phải để ý đón nhận tình yêu xót thương của Chúa, coi đó là một việc sám hối, bởi vì rất nhiều khi chúng ta từ chối sự mời gọi của Chúa. Từ chối đó là một lỗi lầm xúc phạm đến Chúa. Cần phải sám hối. Trong Phúc âm, chính Chúa Giêsu đã đề cập đến vấn đề từ chối sự mời gọi của Chúa. Đó chính là một xúc phạm. Dụ ngôn chủ nhà dọn tiệc, cho mời khách, nhưng nhiều khách được mời đã từ chối, với lý do này lý do kia. Vì vậy, chủ nhà thịnh nộ (x Lc 14, 15-24). Trong thực tế, có thể tôi và nhiều người trong chúng ta cũng đã có nhiều lần từ chối sự mời gọi của Chúa. Nhất là trong thực tế, có thể chúng ta có nhiều lần từ chối thánh ý Chúa. Làm việc đạo đức, nhưng theo ý mình, chứ không theo ý Chúa. Vì thế, sám hối của chúng ta nên để ý đến sự đón nhận Chúa và thánh ý Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ bị Chúa cho thấy sự thật phũ phàng nầy: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8). 7. Rồi, sở dĩ phải để ý đến sự chia sẻ cho người khác tình yêu xót thương của ta, bởi vì rất nhiều người chúng ta đã dửng dưng, vô tâm, chai đá trước những người lâm cảnh khổ đau. Trong dụ ngôn người “Samaria tốt lành” Chúa đã kết án thầy Tư Tế và thầy Levi, vì hai ông đã xa tránh, không chịu cứu giúp kẻ bị cướp trấn lột và bị đánh nằm ở vệ đường (x Lc 10, 30-37). Trong dụ ngôn “Người phú quí và người ăn mày”, Chúa Giêsu đã kết án người phú quí vì ông dửng dưng, vô tâm đối với người ăn mày bệnh tật nằm ở cổng nhà ông (x Lc 16, 19-31). Trong thực tế, có thể tôi và chúng ta cũng nhiều lần đối xử với những kẻ đói nghèo, khổ đau bằng thái độ dửng dưng vô tâm ở nhiều mức độ khác nhau. Vì thế, sám hối của chúng ta nên để ý tích cực nhiều hơn đến sự chia sẻ tình thương của ta cho những kẻ khổ đau. Tôi thấy chúng ta cho dù nghèo túng, bệnh tật, già nua, đau khổ đến đâu, vẫn có khả năng cho đi tình thương của mình. Nhiều người nghèo túng, khổ đau đã chỉa sẻ cho tôi tình thương của họ. Đó là một bài học quí giá cho tôi về sự sám hối. 8. Rồi, sở dĩ phải tỉnh thức trước những tai họa xảy tới, coi đó là một việc sám hối, bởi vì rất nhiều khi tai họa là hậu quả của tội. Nhìn tai họa, để nhận ra tội, mà sám hối ăn năn. 9. Theo giáo lý, khi chúng ta nhìn thấy bao nhiêu tai họa hiện nay trên thế giới, chúng ta có thể hiểu một phần là hậu quả của tội hai ông bà tổ tông loài người đã phạm xưa. Cũng thế, nhiều khi tai họa hiện nay là do tội của ai đó đã gây nên. Ai đó có thể là cá nhân, có thể là cộng đoàn, có thể là cơ chế, cũng có thể là chính chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy tỉnh thức trước những tai họa đang xảy ra khắp nơi, để cầu nguyện xin Chúa tha tội cho chúng ta và cho tất cả mọi người. 10. Thánh vương Đavid xưa, khi thấy tai họa khủng khiếp xảy tới cho dân, đã nhận ra tội của mình, đó là kiêu ngạo, tự hào vì những con số oai hùng trong cuộc kiểm tra dân số. Tai họa là do tội, nên Vua Đavid đã sám hối ăn năn (x 2 Samuel 4, 4-17). Hiện giờ, xem ra nhiều khi chúng ta cũng thích nêu lên những con số, để tự hào. Xin hãy tỉnh thức, kẻo sẽ không tránh được tai họa như vua Đavid xưa. Nhưng, nếu đã lỡ rồi, thì hãy theo gương Ngài mà sám hối ăn năn. Sám hối nào cũng đòi rất nhiều khiêm nhường, cầu nguyện, chấp nhận đớn đau để đền tội. 11. Với một thoáng chia sẻ trên đây, tôi muốn nói lên điều Đức Mẹ đã nhắn nhủ tôi mấy ngày nay. Tháng 10 hằng năm quen gọi là tháng Mân côi. Năm nay nếu tháng Mân côi nhấn mạnh đến việc sám hối, thì thiết tưởng sẽ thêm ý nghĩa có sức cứu độ. Bởi vì tình hình hiện nay đang báo hiệu nhân loại đang rất cần được cứu. 12. Sẽ rất nguy hiểm, nếu những con cái Đức Mẹ coi thường việc sám hối, để cứ nhởn nhơ với ảo tưởng “sẽ không sao đâu”. 13. Sẽ là quá muộn, nếu những con cái Đức Mẹ bỏ ngoài tai sứ điệp sám hối ở Fatima, bởi vì tai họa đang tới rất gần. 14. Sẽ là xúc phạm, nếu những con cái Đức Mẹ xúi giục người khác đừng sám hối, bởi vì Satan chỉ chờ có thế thôi, để lôi kéo con người xuống hỏa ngục. 15. Sẽ rất hy vọng, nếu những con cái Đức Mẹ quyết tâm đi vào con đường sám hối, theo như Đức Mẹ nhắn nhủ. Lịch sử cứu độ làm chứng: Sám hối bao giờ cũng là chìa khóa mở ra kho tàng phục hưng, đổi mới và bình an. Sám hối là một ơn Chúa ban. Hãy cầu xin cho được ơn trọng đại và cần thiết đó. Long Xuyên, ngày 01.10.2017 ĐGM GB Bùi Tuần Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 15 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và lòng sùng kính của Balan với Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm Tình khúc Mân Côi Tâm tình dâng Mẹ Mân Côi Triều thiên Mân Côi