Sống đẹp Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) PHẦN HAI * Ghi chú: Những ý kiến trong bài này đều có tính cách cá nhân, nên chỉ là những chia sẻ suy nghĩ có được từ kinh nghiệm sống, không có ý dạy dỗ mà cũng không có ý phải coi là tiêu chuẩn áp dụng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên BÀI MỘT Ô-TÔ CON VÀ LINH MỤC Gần đây, nghe kể có linh mục nọ vừa chịu chức xong được bổ nhiệm làm cha phó một giáo xứ nghèo vùng quê, mà đã có xe ô-tô, tính đem xe ô-tô về đó, nhưng được khuyên là không nên. Còn được nghe kể, ở một giáo phận nọ, có một số linh mục lập hội nhóm chơi siêu xe, coi xem ai là người sở hữu chiếc xe sang nhất, đẳng cấp nhất… Câu hỏi: Anh em linh mục chúng ta có nên sở hữu xe ô-tô không? Trả lời Nói chung, kinh tế Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn, nước ta đã không còn trong danh sách các nước nghèo, có thu nhập thấp, và được xếp vào thứ hạng các nước có thu nhập trung bình. Vì vậy, nhiều gia đình khá giả, nhất là ở thành thị, đã sắm xe ô-tô. Vì thế, trong anh em linh mục chúng ta có người sắm xe ô-tô cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng nên có một số tiêu chuẩn để việc mua sắm xe không trở thành gương mù, gương xấu. Theo ý kiến riêng của cá nhân tôi, thì có thể đưa ra những tiêu chuẩn sau đây: 1. Đã là cha xứ hoặc chịu chức nhiều năm. Linh mục mới chịu chức, hoặc chịu chức vài ba năm không nên sắm xe ô-tô. Lý do, tuổi đời linh mục còn quá trẻ mà đã có xe, thì rất có thể nhiều người sẽ nghĩ làm linh mục là để có tiền, là thuộc giai cấp giầu có, chứ làm linh mục không phải là để rao giảng Tin Mừng, dấn thân phục vụ và cho đi theo gương Đức Kitô. Hơn nữa, sở hữu xe, có nghĩa là linh mục phải lo tiền để sử dụng như đổ xăng, bảo trì, sửa chữa, đi lại, v.v. Khi đó, chỉ sợ anh em linh mục chúng ta không còn quan tâm nhiều đến việc dành tiền bạc của mình cho công cuộc bác ái, tông đồ, truyền giáo nữa; hoặc nếu có, thì cũng giảm bớt đi nhiều. Còn khi đã là cha xứ, hoặc đã chịu chức linh mục nhiều năm thì có xe ô-tô sẽ không đến nỗi bị phê phán hoặc trở thành gương mù, gương xấu. 2. Kinh tế của giáo dân tương đối khá. Tiêu chuẩn thứ hai là giáo dân trong giáo xứ mà linh mục coi sóc nói chung có thể được coi là khá. Ví dụ, đó là một giáo xứ thành thị, khi đi tham dự thánh lễ, đã có những gia đình đi lễ bằng xe ô-tô. Nhưng nếu coi sóc một giáo xứ nghèo, ở thôn quê, nhiều gia đình còn phải đi xa làm ăn kiếm tiền thì linh mục không nên sắm xe ô-tô. Thật là trái ngược khi linh mục thì đi xe ô-tô bóng lộn, còn giáo dân thì nhà cửa sập xệ, lo ăn, lo học cho con cái còn rất khó khăn; trong nhà, hễ có ai đau ốm, lại phải chạy vạy vay mượn để chữa bệnh; thậm chí, còn chạy đến cha xin tiền nữa. 3. Ô-tô của linh mục là ô-tô bình dân. Ô-tô chỉ là phương tiện đi lại, không phải là để khoe mẽ, tranh cao thấp với người khác, vì thế, ô-tô linh mục sử dụng nên là ô-tô thuộc loại bình dân, giá cả phải chăng, không quá sang trọng, không quá mắc mỏ. Trong trường hợp được biếu tặng cũng vậy, nên nói rõ với người biếu tặng về tiêu chí sử dụng loại xe của mình, để tránh xe được tặng quá sang trọng. Nếu linh mục chúng ta đua đòi sắm những chiếc xe bạc tỷ hoặc hơn nữa, thì đúng là không thích hợp. Vì khi đó, chiếc xe không còn là phương tiện để đi lại, mà trở thành phương tiện để khoe khoang sự giàu có, ganh đua với người khác, muốn họ đánh giá cao, khi xe mình thuộc loại đẳng cấp, không kém cạnh ai. Nhưng là linh mục là để khoe của ư? Là linh mục là để sống sang giầu ư? Là linh mục là để coi mình thuộc về một tầng lớp cao sang trong xã hội, và không muốn thuộc về tầng lớp bình dân của đa số anh chị em giáo dân ư? 4. Nhu cầu thực sự cần thiết. Nhu cầu thực sự cần thiết là nhu cầu như thế nào? Nhận định, đánh giá nhu cầu thật ra thường rất chủ quan, tuỳ quan điểm, cách sống, cách nghĩ của mỗi người. Hơn nữa, có người có quan niệm rộng rãi, thông thoáng; có người lại có quan niệm chặt chẽ, kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Dù vậy, vẫn có thể đưa ra vài tiêu chí để biết có phải là nhu cầu thực sự hay không. Trước hết, đó là vì an toàn khi phải thường xuyên di chuyển nơi đông xe cộ, hoặc qua những cung đường thường xuyên xảy ra tai nạn. Cũng có thể vì nhiệm vụ được trao nên thường xuyên phải đi xa, ví dụ như phải coi sóc những giáo xứ rất xa nhau, mà còn là di chuyển qua vùng núi, đường đèo hiểm trở, hoặc những nơi đường xá lầy lội, đi xe hai bánh dễ bị tai nạn, v.v. Cũng có thể vì tuổi tác, vì đau yếu, v.v. chạy xe hai bánh không vững, không nhanh nhạy như khi tuổi còn trẻ, hoặc lúc còn khoẻ mạnh. Nói chung, anh em linh mục chúng ta không mua sắm ô-tô theo phong trào, anh em linh mục khác có ô-tô, tại sao tôi lại không thể có? Đàng khác, chúng ta cũng không mua sắm ô-tô vì đua đòi, để bằng chị bằng em, hoặc có ý chứng tỏ một thứ đẳng cấp nào đó, v.v. Kết Tuy anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý. Thực ra, chúng ta có lời hứa sống giản dị, khó nghèo, tuy không trực tiếp mà là gián tiếp. - Khi chịu chức phó tế, Đức Giám Mục hỏi chúng ta: “Các con sẽ đụng chạm đến Mình Máu Đức Kitô trên bàn thờ, vậy các con có muốn không ngừng sống rập theo khuôn mẫu của Người không?” - Còn khi chịu chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi: “Con có muốn ngày càng liên kết mật thiết với Đức Kitô Thượng tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta …” “Không ngừng sống rập theo khuôn mẫu Đức Giêsu Kitô”, “liên kết mật thiết với Người” là gì, nếu không phải muốn nói linh mục là hiện thân của Đức Kitô; đó là lý tưởng và mục đích của cuộc đời tận hiến mà anh em linh mục chúng ta theo đuổi. Đức Giêsu Kitô là con người của sự khó nghèo, Người hoàn toàn sống phó thác cho Chúa Cha và không tìm kiếm tiền bạc và sự giầu sang, Người nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. (Lc 9,57). Người cũng dạy: “Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ”(Mt 5,3); và cảnh giác các môn đệ và mọi người: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Trời”. (Mt 19,23-25). Ước gì tất cả anh em linh mục chúng ta đều là hiện thân của Đức Kitô một cách rõ ràng trước mắt mọi người. Nguồn: giaophanlong xuyen.org Ngày 1 tháng 10 Năm 2024 Bài liên quan Chiến tranh và Hòa bình Lời chứng của nữ diễn viên Beatrice Fazi: Tiếng Chúa nói trong tâm hồn Hành trình đức tin của một huấn luyện viên karate ở Hong Kong Ơn hoán cải của triết gia Eric-Emmanuel Schmitt ĐTC bắt đầu án phong thánh tương đương cho 16 nữ tu Cát Minh tử đạo trong thời Cách mạng Pháp