Thánh Suy niệm về thánh Giuse Ơn xin: Xin cho tôi biết để cho Chúa sử dụng đời mình hầu phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. 1. Thành Giuse là người có đức tin lớn lao. Ngài đã đón nhận những biến cố độc nhất vô nhị do Thiên Chúa gửi đến cho đời mình. Ngài đã uốn đời mình theo ý Chúa: ngài chấp nhận chung sống như một người bạn bên cạnh người mà ngài yêu mến và muốn lấy làm vợ là Đức Maria. Đúng là ngài đã chấp nhận đổi tình cầm sắt hóa ra cầm kỳ. Ngài đã chấp nhận thai nhi mà ngài không phải là cha, vì tin vào quyền năng của Thần Khí đang tác động. Thánh Giuse không xa lạ với cái bất ngờ của đường lối Chúa, cái bất ngờ hẳn đã làm ngài khắc khoải, chới với đến nỗi định âm thầm ly dị Maria (Mt 1,19). Rồi từ đó ngài đạt được bình an trong đức tin. Tuy nhiên, đức tin của thánh Giuse – cũng như của chúng ta – tuy lớn lao nhưng vẫn là một đức tin không ngừng lớn lên và là một đức tin liên tục kéo dài. Thánh Giuse bị vây bọc bởi mầu nhiệm: mầu nhiệm về Đức Maria mang thai bởi Thánh Thần và mầu nhiệm về thai nhi Giêsu. Bề ngoài, dưới mắt người đời, thì Thánh Gia là một gia đình bình thường như mọi gia đình khác. Nhưng bên trong Giuse thấy mình sống trong một thế giới thần linh, liên tục đằm mình trong thế giới đó và vẫn không sao hiểu hết được (Lc 2, 33; 2, 48.50). Mầu nhiệm luôn vẫy gọi Giuse bước sâu thêm. Cùng với nghề thợ mộc vất vả, thánh Giuse hẳn đã sống đời chiêm niệm thâm trầm. Đức Giêsu vẫn lớn lên trước mắt Giuse, lớn lên một cách bình thường. Maria vẫn là người được Giuse yêu mến kính trọng. Bà vẫn chu toàn bổn phận làm mẹ một cách bình thường. Nhưng Giuse vẫn khám phá thấy trong cái bình thường đó một mầu nhiệm đang hé lộ. Tin là một hành trình tìm kiếm mãi. Thánh Giuse chấp nhận cái nghịch thường của ý định Thiên Chúa. Giuse muốn lập gia đình với Cô Maria, người ông đã đính hôn nhưng chưa về chung sống như vợ chồng (Mt 1, 18). Giuse chỉ mong làm một người chồng, một người cha bình thường, nhưng Thiên Chúa lại không muốn ngài là chồng, là cha bình thường như những người khác. Ngài không phải là cha đẻ của Đức Giêsu. Matthêu đã không viết là “ông Giuse sinh Giêsu” ở Mt 1,16, nhưng đã viết: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, Đấng được gọi là Kitô”. Giuse đã sống như một người bạn, người trợ giúp bên cạnh Đức Mẹ. Đức Maria vẫn là người mà thánh Giuse chỉ “biết” trong đức tin. Thế nhưng cái nghịch thường mà thánh nhân phải đảm nhận đó là: bề ngoài ngài vẫn được mọi người coi như chồng của Maria, như cha của Giêsu, và ngài phải gánh mọi trách nhiệm trong tư cách đó. Nhưng thực tế thì lại khác. Thánh Giuse đã chấp nhận điều đó trong âm thầm suốt đời. Đúng là ngài phải trở thành nhà chiêm niệm. Chính đời ngài cũng là một mầu nhiệm mà người ngoài không biết rõ được. Người ta chỉ coi ông Giêsu là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria thôi. Người ngoài không biết rõ căn tính của tôi được, và tôi cũng không được nói với ai. Giuse sống mầu nhiệm đời mình trước mặt Thiên Chúa. Chính cái âm thầm làm nên mầu nhiệm. Chúng ta không thích âm thầm và ẩn danh. Chúng ta thích quyền lợi và nghĩa vụ phải tương xứng. Nhưng khi phá vỡ cái âm thầm riêng tư, chúng ta cũng có nguy cơ phá vỡ cả mầu nhiệm và đời sống chúng ta sẽ mất đi một điều rất quý, điều mà chỉ riêng Thiên Chúa và ta mới hiểu được, cái thế giới thần linh riêng tư giữa Thiên Chúa và ta mà người khác chỉ đứng ngoài. Không cần thiết người ngoài phải biết hết, phải hiểu được hết mọi sự trong đời ta. Ta cũng không cần chia sẻ mọi sự mình có, để mãn nguyện vì được thông cảm, được biện minh. Phải duy trì khoảng cách với thụ tạo (đó là từ bỏ) để có thể nói được rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiểu mình thật là gì. Chúng ta thường cảm thấy mình là điều người khác nghĩ (thậm chí sống theo điều người khác nghĩ về mình). Chúng ta dễ quên rằng “Thiên Chúa nghĩ về ta như thế nào thì ta là thế ấy” (thánh Têrêsa Nhỏ). 2. Thánh Giuse là một người đã thánh hiến đời mình cho sứ mạng của Thiên Chúa. Giuse phải sống đức khiết tịnh trong một tình cảnh đặc biệt. Đúng là ngài đã chọn sống như thế, tuy ngài có quyền sống như người chồng thật của Đức Maria. Đức khiết tịnh nào cũng là một lựa chọn, một từ khước cái quyền tự nhiên mình có thể có. Không cần thiết thánh Giuse phải là một cụ già để bảo đảm điều đó. Nếu ngài là một thanh niên, chúng ta mới hiểu được rằng với ơn Chúa, người ta làm được cả những điều vượt quá sức con người. Chắc chắn thánh Giuse đã giữ được khiết tịnh suốt đời nhờ có cảm nghiệm sâu xa về việc mình đang tiếp cận với một mầu nhiệm linh thánh. Maria bây giờ không còn là một đối tượng để mê đắm và chiếm hữu. Cô là hiện thân của một mầu nhiệm khôn dò, mầu nhiệm khiến Giuse phải kính ngưỡng. Giữ khiết tịnh chính là nhìn nhận Maria là người của Thiên Chúa, được Ngài tuyển chọn cách riêng. Người thiếu nữ mà tôi vốn yêu quý ấy nay đã là đối tượng cho tình thương đặc biệt của Thiên Chúa và là nơi diễn ra mầu nhiệm cứu độ. Giữ khiết tịnh chính là nhìn nhận trong đức tin rằng mình không còn quyền làm chủ trên đời Maria nữa, vì Maria đã thuộc trọn về Thiên Chúa, cả xác lẫn hồn. Sống khiết tịnh là sống trong một mầu nhiệm. Trước một mầu nhiệm ta chỉ có thể đáp lại bằng cách sống một mầu nhiệm khác. Chẳng mấy chốc Giuse cũng thấy đời mình là một mầu nhiệm, với những điều chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin. Cuối cùng Giuse thấy mình được kêu gọi để thuộc trọn về Thiên Chúa như Maria, để cùng nhau cộng tác cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuse sống đức khó nghèo qua lao động chân tay. “Ông ấy không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13, 55), người làng Nadarét đã nói với nhau như thế về Đức Giêsu. Chính Ngài đã theo nghề của Giuse theo kiểu cha truyền con nối (Mc 6, 3). Nghề thợ mộc không phải là một nghề được trọng vọng vào thời đó. Lao động để nuôi gia đình và giúp cậu Giêsu đi vào lao động. Lao động trở thành một thời gian kết hiệp với Thiên Chúa trong âm thầm. Trong các Phúc âm, ta không thấy thánh Giuse nói một lời nào. Ngài là con người hành động. Chúng ta không nên quên những cuộc hành trình vất vả của ngài. Ngài không đi một mình. Ngài luôn đi với Maria và Giêsu. Đi từ Nadarét lên Belem và lúng túng trước cảnh Maria sinh con đầu lòng trong thiếu thốn, sợ hãi đem Con đi trốn qua Ai-cập rồi lại đưa về, đem Con tiến dâng cho Thiên Chúa tại Đền Thờ để nghe lời tiên tri không vui của cụ Simêon, và bồn chồn lo âu ba ngày đi tìm con bị lạc. Việc lao động chính của Giuse không phải chỉ là lao động chân tay, nhưng còn là đứng mũi chịu sào để bảo vệ Đức Giêsu và Mẹ Ngài. Như những gia đình khác trên mặt đất, Thánh Gia cũng không được miễn trừ khỏi những sóng gió và lo âu. Giuse sống triệt để sự vâng phục đối với ý định của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Matthêu, ý định này được chuyển đạt qua việc sứ thần Chúa nói trong mộng (Mt 1, 24; 2, 13.19.22). Giuse chấp nhận hình thức chuyển đạt này. Trong Tin Mừng Luca, sứ thần nói với Maria lúc thức, nên có cuộc đối thoại thực sự, và Maria đã nói tiếng Xin Vâng. Trong Tin Mừng Mátthêu, sứ thần đã nói với thánh Giuse lúc ngủ. Thánh nhân đã không nói tiếng Xin Vâng thành lời, nhưng ngài đã nói bằng hành động vâng phục khi tỉnh dậy. Chúng ta cũng phải chấp nhận những hình thức khác, những hình thức quen thuộc mà Chúa thường dùng với riêng từng người. Giuse luôn vâng phục mau mắn mọi lệnh truyền. Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang an nghỉ. Thiên thần Chúa luôn bảo ông “chỗi dậy” để làm điều này điều khác cách khẩn trương. Và ông đã chỗi dậy ngay để thực hiện (Mt 2, 13-14; 2, 20-21). Bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya, Giuse lúc nào cũng thấy mình có trách nhiệm với những kho báu của Thiên Chúa, đó là gìn giữ Hài Nhi và Mẹ Ngài. Vâng phục mà không đặt vấn đề, đó là đức tính của Giuse. 3. Thánh Giuse người chấp nhận đóng một vai trò khiêm tốn nhưng hết sức cần thiết trong chương trình cứu độ. Giuse là con vua Đavít (x. Mt 1, 20), và như thế khi được Giuse nhận là con mình về mặt pháp lý, Đức Giêsu cũng thuộc về dòng tộc vua Đavít. Lời hứa xưa của Thiên Chúa với Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan đã được ứng nghiệm: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền…Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.” (2Sm 7, 12-13). Đó cũng là lời của sứ thần Gabrien nói với Đức Maria về người Con mà Bà sắp cưu mang: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít… Người sẽ trị vì nhà Gia cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1, 32-33). Hành động có tính quyết định và nền tảng là hành động nhận Maria đang mang thai về làm vợ chính thức. Chính hành động đó đủ để thánh Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ. Người ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu như Giuse cương quyết ly dị Đức Maria, hay lớn tiếng tố cáo vị hôn thê của mình. Theo sách Đệ Nhị Luật thì Bà có thể bị ném đá (Đnl 22, 23-27), và Con Thiên Chúa có thể chết trước khi chào đời. Ơn cứu độ sẽ bị đổ vỡ từ trong trứng nước. Hành vi đón nhận Maria về làm vợ cũng bao hàm việc đón nhận cả thai nhi mà ngài tin là do Thánh Thần. Như thế, Giuse đã là điểm tựa sống còn của ơn cứu độ, là chỗ nương thân nhờ cậy của Maria và Hài Nhi. Nhờ Giuse, Đức Maria không bị mang tiếng ngoại tình, và Đức Giêsu không phải là con hoang. Đức Giêsu có thể công nhiên và tự tin mà đến với Dân Ngài. Vai trò của Giuse thật hết sức quan trọng, nhưng cũng thật khiêm hạ. Chắc Giuse chẳng có gì để khoe về vị thế quan trọng của mình. Chúa mới là người điều động mọi chuyện. Giuse chỉ xin được là người giúp việc cho Thiên Chúa thôi. Mừng lễ Thánh Giuse, chúng ta được mời gọi để đứng đúng chỗ Chúa chọn cho mình trong chương trình cứu độ nhân loại, và làm đúng việc Chúa trao phó một cách tận tụy hy sinh. Xin được có lòng tin khiêm hạ và đời sống nội tâm sâu xa của thánh nhân. Lm. Anthony Nguyễn Cao Siêu, S.J. Nguồn: dongten.net Ngày 19 tháng 3 Năm 2023 Bài liên quan Lễ phong Chân phước cho chị Pauline Jaricot Tân Chân phước Pauline Jaricot: Một trái tim truyền giáo Chân phước Scalabrini, tông đồ người di cư, sẽ được phong thánh ĐGH Gioan Phaolô I, một nhà giáo dục mẫu mực Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu