Tin Giáo Hội Hoàn vũ Các Năm Thánh qua dòng lịch sử Trong Do Thái giáo cổ đại, Năm Thánh (thường được gọi là năm yōbēl, ‘năm của con cừu đực, bởi vì ngày lễ được công bố bởi âm thanh của tù và – sừng của con cừu đực) là năm được công bố là thánh. Trong suốt thời gian này, luật Môsê truyền lệnh rằng các nô lệ có thể lấy lại tự do của họ, và đất đai (mà Thiên Chúa là ông chủ duy nhất) phải được trả lại cho những người chủ cũ của nó. Một năm thánh thường được cử hành mỗi 50 năm. Trong kỷ nguyên Ki-tô giáo, sau Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300, Đức Giáo hoàng Boniface VIII đã ấn định tần suất của việc cử hành Năm Thánh lên đến 100 năm một lần. Theo lời thỉnh cầu của dân thành Rôma tới Đức Giáo hoàng Clêmentê VI (1342), tần suất được giảm xuống còn mỗi 50 năm một lần. Năm 1389, để tưởng nhớ số năm trong cuộc đời của Chúa Ki-tô, Đức Urbanô VI đã chọn thiết lập chu kỳ Năm Thánh mỗi 33 năm một lần và kêu mời tổ chức Năm Thánh vào năm 1390 – mặc dù Năm Thánh này chỉ được cử hành bởi Đức Giáo hoàng Boniface IX, sau cái chết của Đức Urbanô VI. Mặc dù vậy, năm 1400, vào cuối chu kỳ 50 năm đã được ấn định trước đó, dù không tuyên bố một Năm Thánh trước kỳ hạn, nhưng Đức Boniface IX đã ban ân xá Năm Thánh cho những người hành hương đến Rôma. Năm 1425, Đức Martinô V đã cử hành một Năm Thánh mới, mở cửa thánh của thánh đường Gioan Latêranô lần đầu tiên. Người cuối cùng cử hành Năm Thánh theo chu kỳ 50 năm là Đức Giáo Hoàng Nicôlas V vào năm 1450. Đức Phaolô II đã kéo dài thời gian giữa các Năm Thánh lên thành 25 năm, và năm 1475, một Năm Thánh được cử hành bởi Đức Xitô IV. Kể từ đó, các Năm Thánh thường lệ được tổ chức đều đặn. Thật không may, các cuộc chiến của Napôlêon đã cản trở việc cử hành các Năm Thánh 1800 và 1850. Các Năm Thánh lại được tiếp tục vào năm 1875, sau khi sáp nhập Rôma vào Vương Quốc Italy, mặc dù năm đó, Năm Thánh được cử hành mà không có nghi lễ truyền thống. 2015: ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ Với Tông Sắc Misericordiae Vultus vào ngày 11 tháng 4 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một Năm Thánh Kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II. Năm Thánh này được dành riêng cho lòng thương xót. Trước khi khai mạc chính thức, như một dấu chỉ của sự gần gũi của Giáo Hội đối với Cộng Hoà Trung Phi đang chịu tấn công bởi cuộc nội chiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở cửa thánh của Nhà thờ Chính toà Notre-Dame ở Bangui vào ngày 29 tháng 11, trong chuyến Tông du của ngài đến Châu Phi, đánh dấu trước việc bắt đầu Năm Thánh Ngoại Thường. Cửa Thánh của Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô được mở vào ngày 8 tháng 12 năm 2025, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Lần đầu tiên, một ‘cánh cửa thương xót’ được mở ra trong các nhà thờ chính toà, các nhà thờ, các bệnh viện và các nhà tù trên thế giới. Cũng vào dịp này, Đức Giáo Hoàng đã thành lập một nhóm các linh mục được biết đến như là những Sứ giả của Lòng Thương Xót với những ai ngài đã trao quyền tha tội thường dành riêng cho Đức Thánh Cha. NĂM 2000: ĐỨC GIOAN PHAO-LÔ II Cũng chính vị Giáo Hoàng này, vào ngày 29 tháng 11 năm 1998, với Tông sắc Incarnationis Mysterium, đã công bố Đại Năm Thánh 2000. Trong suốt năm thánh này, Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện một số cuộc hành hương và cử chỉ tượng trưng không nằm trong các thói quen cử hành thường lệ. Những cuộc hành hương này bao gồm một lời cầu xin tha thứ công khai cho những tội lỗi đã phạm trong lịch sử và việc công bố danh sách các vị tuẫn đạo của Ki-tô giáo bị giết chết trong thế kỷ 20. Một trong những sự kiện chính của Năm Thánh này là việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rôma: hơn hai triệu người trẻ đã tham gia. Đức Giáo Hoàng cũng đã hành hương đến Đất Thánh, khuyến khích đối thoại giữa Giáo hội Công giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. NĂM 1983: ĐỨC GIOAN PHAO-LÔ II Với Tông Sắc Aperite Portas Redemptori, ban hành ngày 6 tháng 1 năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã công bố một Năm Thánh để mừng kỷ niệm 1950 năm ngày Chúa Giê-su chịu chết và phục sinh. NĂM 1975: ĐỨC PHAO-LÔ VI Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI quyết định rằng Năm Thánh này nên được dành riêng cho sự hoà giải. Ngài đã triệu tập năm thánh với Tông Sắc Apostolorum Limina vào ngày 23 tháng 5 năm 1974. Khi mở Cửa Thánh vào đêm Giáng Sinh năm 1974, các nhà sư Phật giáo cũng hiện diện. Đây là Năm Thánh đầu tiên được phát sóng trên toàn thế giới và chứng kiến việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông mang tính lịch sử với Giáo hội Byzantin và sự tham dự của Thượng Phụ Alexandria Melitone. Trong Năm Thánh, Rôma bị đe dọa bởi hạn hán, và trước quang cảnh dòng người hành hương rất lớn đổ về thành phố, việc phân phối nước đã được áp dụng. NĂM 1950: ĐỨC PIÔ XII Vào ngày 26 tháng 5 năm 1949, Năm Thánh 1950 đã được công bố với Tông Sắc Jubilaeum Maximum. Trong những cử hành Năm Thánh, Đức Giáo hoàng Piô XII đã công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và cải biến Hồng y đoàn thành một dạng đại diện phổ quát của thế giới Công giáo, giảm mạnh sự hiện diện của Ý và tăng số lượng Hồng y từ các quốc gia khác. Trong năm này, du lịch tôn giáo đại chúng hiện đại đã thực sự chứng tỏ mình lần đầu tiên. Chính phủ De Gasperi của Italy đã nỗ lực hết sức để đảm bảo các cơ sở thích hợp được đưa vào sử dụng cho hàng triệu khách hành hương, những người được cấp ‘Thẻ Hành hương’ được công nhận là có giá trị như hộ chiếu tại Italy. NĂM 1933: ĐỨC PIÔ XI Đức Giáo Hoàng Piô XI đã công bố ‘Năm Thánh ngoại thường’ vào ngày 6 tháng 1 năm 1933, với Tông Sắc Quod Nuper, nhằm đánh dấu việc kỷ niệm 1900 năm cái chết của Chúa Giêsu. Sự kiện này được cử hành với sự hoành tráng đặc biệt. Đức Giáo Hoàng đã đưa ra tới 620 bài diễn từ và hơn hai triệu khách hành hương đã đổ về Rôma. Khoảng 500 toa tàu hoả được sử dụng để vận chuyển các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới. NĂM 1925: ĐỨC PIÔ XI Đức Giáo Hoàng Piô XI, nhấn mạnh sự cam kết của Giáo Hội và của mọi Ki-tô hữu về một xã hội tốt đẹp hơn, đã công bố Năm Thánh 1925 với Tông Sắc Infinita Dei Misericordia vào ngày 29 tháng 5 năm 1924. Ngài đã thúc đẩy hoạt động truyền giáo trên thế giới, điều này đã mang lại cho ngài danh hiệu ‘Giáo Hoàng của các vùng Truyền giáo’. Đức Giáo Hoàng đã ngăn cấm các biểu tượng chính trị tại Vatican nhưng lại là người đầu tiên chúc lành cho Nhà nước Italy thống nhất. NĂM 1900: ĐỨC LEO XIII Với Tông Sắc Properante ad Exitum Saeculo vào ngày 11 tháng 5 năm 1899, Đức GIáo Hoàng Leo XIII đã công bố Năm Thánh hoàn vũ năm 1900. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Italy thống nhất, nhà Vua cũng đã tuyên bố Năm Thánh trong ‘Diễn từ về Vương Miện’ của mình. Đức Giáo Hoàng đã gửi đi lời kêu gọi đánh thức lại đức tin nơi những người Ki-tô hữu trên thế giới. Mục đích chính là đáp ứng hai thách đố song hành nơi sự hiện đại hoá của đời sống Kitô hữu và Kitô hoá đời sống hiện đại. Trách nhiệm chào đón những người hành hương lần đầu tiên thuộc về chính quyền Italia. Những ngọn núi của Italia cũng phản chiếu trong Năm Thánh: các tượng đài kỷ niệm Năm Thánh được dựng trên các đỉnh núi từ Piedmont ở phía bắc đến Sicily ở phía Nam để tỏ lòng tôn kính Đấng Cứu Chuộc. NĂM 1875: ĐỨC PIÔ IX Sau khi trở về từ cuộc lưu đày và lấy lại chính phủ của Nhà Nước Giáo Hoàng, Đức Piô IX có thể công bố Năm Thánh vào ngày 24 tháng 12 năm 1874 với Tông Sắc Gravibus Ecclesiae. Tuy nhiên, các đội quân của Vua Victor Emmanuel II đã chiếm Rôma, và vì thế, không thể tổ chức các nghi lễ mở và đóng Cửa Thánh. NĂM 1825: ĐỨC LEO XII Trong Năm Thánh 1825, được công bố vào ngày 24 tháng 5 năm 1824 với Sắc lệnh Quod Hoc Ineunte, Đức Leo XII đã làm hết sức mình, mặc dù bệnh tật, để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Giáo Hoàng và người dân Kitô giáo, thông qua một chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực của Giáo Hội vào cuộc đấu tranh chống lại những sai lầm đe dọa đức tin. Hơn 325.000 người hành hương từ khắp châu Âu đã đến Rôma. Vì Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành (bị hỏa hoạn phá hủy năm 1823) không sử dụng được, nên Đức Giáo hoàng đã thay thế bằng Vương Cung Thánh Đường Santa Maria ở Trastevere, cho những cuộc viếng thăm Năm Thánh của các tín hữu. NĂM 1775: ĐỨC CLEMENTE XIV CÔNG BỐ, ĐỨC PIÔ VI CHỦ SỰ Năm Thánh này được công bố vào ngày 30 tháng 4 năm 1774, với Tông Sắc Salutis Nostrae Auctor, bởi Đức Giáo Hoàng Clemente XIV, nhưng không may, vào ngày 22 tháng 9 năm đó, ngài đã qua đời vì nguyên nhân tự nhiên. Đức Piô VI được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 15 tháng 2 năm 1775 và một vài ngày sau đó, vào ngày 26 tháng 2, ngài long trọng khai mạc Năm Thánh, vốn không thể được mở như thường lệ vào đêm Giáng Sinh bởi vì Toà Thánh trống toà. NĂM 1750: ĐỨC BÊNÊDICTÔ XIV Vào ngày 5 tháng 5 năm 1749, Năm Thánh 1750 được công bố với Tông Sắc Peregrinantes a Domino. Các ghi chép từ thời đó nói rõ rằng hơn một triệu người hành hương đã tuôn đến Rôma, bao gồm một số đại sứ và các nhóm từ xa như Tây Ấn, Ai Cập và Armenia. Dòng người đổ về quá lớn đến nỗi các tổ chức từ thiện và bệnh viện của Rôma buộc phải thuê cung điện hoàng gia để đáp ứng số lượng người hành hương. Lần đầu tiên, mái vòm của Đền Thờ Thánh Phêrô và Hàng cột Bernini được thắp sáng với hàng nghìn ngọn đuốc cháy rực. 3000 cây thánh giá được dựng lên trên khắp thành phố. Đức Giáo Hoàng Benedict XIV cũng thiết lập Đàng Thánh Giá (Via crucis) thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum, qua đó thánh hiến đấu trường mang tính biểu tượng này như một không gian linh thiêng dành riêng để tôn vinh ký ức về sự tuẫn đạo của các Ki-tô hữu tiên khởi. NĂM 1725: ĐỨC BÊNÊDICTÔ XIII Trong suốt Năm Thánh 1725, được công bố với Tông Sắc Redemptor et Dominus Noster ngày 26 tháng 6 năm 1724, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII thường xuyên tự mình đến viếng thăm các Vương Cung Thánh đường ở Rôma, đi trên những cỗ xe ngựa khiêm tốn và tham gia vào nhiều nghi lễ khác nhau cần thiết để được hưởng các ân xá. Vào ngày 15 tháng 4 năm 1725, ngài đã khai mạc Công đồng Rôma tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran, nơi các cuộc thảo luận kéo dài tới 32 phiên. Trong năm này, các bậc thang tại Piazza di Spagna (Các Bậc Thang Tây Ban Nha) đã được mở để kết nối quảng trường với Nhà thờ Santissima Trinità dei Monti. NĂM 1700: ĐỨC INNOCENT XII KHAI MỞ, ĐỨC CLEMENT XI KẾT THÚC Năm Thánh này được Đức Innocent XII công bố vào ngày 18 tháng 5 năm 1699, với Tông Sắc Regi Saeculorum. Lúc khai mạc, vì tình trạng sức khoẻ không ổn định, Đức Giáo Hoàng không thể đích thân chủ sự được. Tuy nhiên, vào Chúa Nhật Phục Sinh của năm đó, mặc dù sức khoẻ trở nên trầm trọng, nhưng ngài đã ban phép lành long trọng từ ban công Quirinale vì số lượng lớn những người hành hương đã quy tụ ở đó. Không lâu sau, ngài đã qua đời vào ngày 27 tháng 9 năm 1700 mà không thể kết thúc năm thánh. Việc kết thúc Năm Thánh được chủ sự bởi Đức Clement XI (vị Giáo Hoàng được bầu vào tháng 11 năm 1700). Đây là lần đầu tiên mà Cửa Thánh đã được mở bởi một vị Giáo Hoàng và rồi được đóng lại bởi một vị khác. Dòng người hành hương trong thành phố lớn đến mức một số nhà văn thời đó đã sánh ví Rôma với Paris về số lượng khách tham quan. NĂM 1675: ĐỨC CLEMENT X Trong Năm Thánh này, được Đức Giáo Hoàng Clement X công bố với Tông Sắc Ad Apostolicae Vocis Oraculum vào ngày 16 tháng 4 năm 1674, Coloseum được tái thánh hiến, và giấy phép được cấp năm 1671 để tổ chức đấu bò ở đó đã bị huỷ bỏ. Một trong những khách hành hương nổi tiếng nhất là Nữ Hoàng Christina của Thuỵ Điển, người đã từ bỏ ngôi vua của mình năm 1655, theo đạo Công giáo, và chuyển đến Rôma để cư trú tại Cung điện Farnese. Khoảng 1,5 triệu người hành hương đã đến Rôma trong năm này. NĂM 1650: ĐỨC INNOCENT X Để đánh dấu Năm Thánh này, được công bố với Tông Sắc Appropinquat Dilectissimi Filii ngày 4 tháng 5 năm 1649, Đức Giáo Hoàng Innocent X đã phục hồi lại Vương cung Thánh đường Gioan Lateran bởi kiến trúc sư nổi tiếng Borromini. Một điều mới lạ được giới thiệu trong Năm Thánh này: ân xá Năm Thánh được mở rộng đến các tỉnh của Bỉ và Tây Ấn nhờ vào Tông Sắc Salvator et Dominus ngày 8 tháng 12 năm 1654. Khoảng 700,000 khách hành hương đã đến Rôma, phần lớn từ các vùng xung quanh thành phố. Một số lớn những người Tin lành cũng đã cải sang Công giáo trong năm đó. NĂM 1625: ĐỨC URBANÔ VIII Vào ngày 29 tháng 4 năm 1624, với Tông Sắc Omnes Gentes, Đức Giáo hoàng Urbanô VIII đã công bố Năm Thánh 1625. Vào ngày 28 tháng 1 năm 1625, ngài đã mở rộng ân xá của Năm Thánh cho những người không thể đến Rôma, cũng như cho các tù nhân và người bệnh (Sắc lệnh Pontificia sollicitudo). Vào ngày 30 tháng 1, với thông điệp giáo hoàng Paterna dominici gregis cura, do nguy cơ của bệnh dịch hạch đang đe dọa Rôma, cuộc viếng thăm truyền thống đến Vương cung thánh đường Thánh Phaolô đã bị hủy bỏ vì lý do an toàn, được thay thế bằng chuyến viếng thăm đến nhà thờ gần trung tâm hơn là Santa Maria ở Trastevere. Thêm vào đó, ngài còn ra chỉ thị rằng đối với cuộc hành hương truyền thống đến bảy Nhà thờ của Rôma, ba nhà thờ bên trong thành (Santa Maria del Popolo, Santa Maria ở Trastevere và San Lorenzo ở Lucina) có thể được thay thế cho những nhà thờ ngoại thành (San Sebastiano, San Paolo và San Lorenzo). Khoảng nửa triệu người hành hương đã đến Rôma vào năm đó. NĂM 1600: ĐỨC CLEMENT VIII Năm Thánh được công bố bởi Tông Sắc ngày 19 tháng 5 năm 1599, Annus Domini Placabilis. Trong Năm Thánh này, Đức Giáo Hoàng Clement VIII đã nêu gương tốt bằng cách giải tội trong Tuần Thánh, quỳ gối leo lên Scala Sancta, phục vụ bữa ăn cho những người hành hương đến Rôma và dùng bữa cùng 12 người nghèo của thành phố mỗi ngày. Cũng vậy, các Hồng y từ bỏ việc mặc lễ phục màu đỏ truyền thống của họ như một dấu chỉ sám hối. Nhiều người đổ xô đến để trợ giúp những nỗ lực của Giáo Hoàng trong Năm Thánh. Chẳng hạn, cộng đồng Do Thái ở Rôma đã cung cấp cho ngài 500 tấm chăn ngủ cho những người hành hương. Vào ngày 31 tháng 12 năm 1600, hơn 80.000 người đã tham dự lễ mở Cửa Thánh và hàng triệu người hành hương đã đến Rôma trong Năm Thánh này. NĂM 1575: ĐỨC GREGORIO XIII Năm Thánh 1575 được công bố vào ngày 10 tháng 5 năm 1574 với Tông Sắc Dominus ac Redemptor. Được cử hành sau sự rối loạn của cuộc cải cách Tin lành, đây là cơ hội tuyệt vời để Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII canh tân Công giáo theo các quyết định của Công đồng Trentô. Năm Thánh này đã mang đến cho Đức Giáo Hoàng cơ hội để nhấn mạnh vai trò canh tân của Giáo hội trong thế giới hiện đại. Kiểu mẫu về một đời sống đạo đức của Giáo hội kết hợp việc phục vụ Chúa với việc thực thi các bổn phận của nhà nước trong cuộc sống và phục vụ tha nhân. Ngài đã hủy bỏ ngân sách vốn được dành riêng cho lễ hội hóa trang năm đó, phân bổ lại số tiền để thành lập Bệnh viện Hành hương dưới sự chăm sóc của Philip Neri. Tổng số người hành hương trong Năm Thánh 1575 được các nhà chức trách ước tính khoảng 400.000 người – một con số đáng kể vì thành phố Rôma chỉ có dân số khoảng 80.000 người vào thời điểm đó. NĂM 1550: ĐỨC PHAOLÔ III CÔNG BỐ, ĐỨC JULIUS III CHỦ SỰ Một vài ngày sau khi được bầu chọn, Đức Giáo Hoàng Julius III đã mở Năm Thánh được công bố bởi vị tiền nhiệm là Đức Phaolô III, với việc đưa ra Tông Sắc Si pastores ovium, vào ngày 24 tháng 2 năm 1550. Ngài cũng công bố việc triệu tập lại Công đồng Trentô vào tháng 5 năm sau. NĂM 1525: ĐỨC CLEMENTE VII Sắc lệnh Inter Sollucitudines do Giáo hoàng Clement VII ban hành được công bố vào ngày 17 tháng 12 năm 1524. NĂM 1500: ĐỨC ALEXANDER VI Một nỗ lực đặc biệt được thực hiện nhằm đánh dấu Năm Thánh 1500, với ý nghĩa đặc biệt của sự chuyển giao thế kỷ mới. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1498, Tông Sắc Consueverunt Romani Pontifices đã đình chỉ mọi ân xá tiếp theo cho năm đó, và điều này sau đó được xác nhận bởi Tông Sắc Inter multiplices ngày 28 tháng 3 năm 1499. Tông Sắc ngày 20 tháng 12 năm 1499, Pastores Aeterni Qui, đã thiết lập rằng chỉ những hối nhân của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô mới được ban năng quyền tha tội. Trong năm này, Đức Giáo Hoàng Alexander VI đã thiết lập cách dứt khoát nghi lễ phức tạp của việc khai mở và bế mạc Năm Thánh, vốn cho đến lúc đó vẫn chưa theo bất kỳ nghi thức phụng vụ rõ ràng nào. Đức Giáo Hoàng muốn việc khởi đầu được đánh dấu bằng một sự kiện có tác động mạnh mẽ và do đó, ngài đã thực hiện truyền thống mở Cửa Thánh. Nghi lễ này là một tham chiếu rõ ràng đến những lời trong Tin Mừng Gioan: “Ta là Cửa. Bất kỳ ai đi qua Ta sẽ được cứu.” Đức Alexander VI cũng ra lệnh rằng phong tục dành riêng một cánh cửa cho những người hành hương Năm Thánh phải được mở rộng đến ba Vương cung thánh đường Thượng phụ khác, với sự nhận hiểu rằng những cánh cửa như vậy phải được xây bằng gạch trong suốt thời gian còn lại. Việc mở Cửa Thánh của đền thờ Thánh Phêrô chỉ được thực hiện bởi vị Giáo Hoàng đương nhiệm, trong khi các cánh cửa của ba Vương Cung thánh đường khác sẽ được các sứ thần của ngài mở niêm phong. Các Cửa Thánh sẽ được mở cả ngày lẫn đêm, được bốn giáo sĩ thay phiên nhau canh gác trong suốt Năm Thánh. NĂM 1475: ĐỨC PHAOLÔ II CÔNG BỐ, ĐỨC SIXTUS IV CHỦ SỰ Vào ngày 19 tháng 4 năm 1470, Tông Sắc Ineffabilis Providentia, đã nêu rõ rằng cuộc hành hương Năm Thánh nên bao gồm những cuộc viếng thăm đến các vương cung thánh đường thánh Phêrô, Phaolô, Gioan Latêranô, và Đức Bà Cả, đồng thời nhấn mạnh rằng từ 1475 trở đi, các năm thánh phải được cử hành mỗi 25 năm một lần theo chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Phaolô II. Với Tông Sắc ngày 29 tháng 8 năm 1473, Quemadmodum operose, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV đã xác nhận Năm Thánh được công bố trước đó bởi Đức Phaolô II, người đã qua đời vào thời điểm đó. NĂM 1450: ĐỨC NICHOLAS V Đức Giáo Hoàng Nicholas V đã công bố Năm Thánh tiếp theo vào 1450 với Tông Sắc Immensa et Innumerabilia, ban hành ngày 19 tháng 1 năm 1449. Điều này đã đưa truyền thống năm thánh trở về với việc cử hành mỗi 50 năm một lần. Cũng nhờ vào việc Giáo Hoàng phong thánh cho vị giảng thuyết lớn dòng Phanxicô, thánh Bernađô thành Siena, số lượng người hành hương đến Rôma đã tăng lên nhanh chóng. NĂM 1390: ĐỨC URBANÔ VI CÔNG BỐ, ĐỨC BONIFACE IX CHỦ SỰ Vào ngày 8 tháng 4 năm 1389, Tông Sắc Salvator noster Unigenitus của Đức Giáo Hoàng Urbanô VI đã thiết lập rằng việc cử hành Năm Thánh nên diễn ra mỗi 33 năm một lần, vì thế đưa việc cử hành lên sớm hơn vào năm 1390 (lẽ ra việc cử hành sẽ diễn ra vào năm 1400). Thật không may, sự ly giáo vốn đang xảy ra vào năm 1390, với việc Giáo Hoàng đối lập Clemente VII đang trú ẩn tại Agvinon, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến số lượng người hành hương đổ xô đến Rôma, từ đó Đức Clement VII đã cấm người Pháp, Tây Ban Nha, xứ Catalan, người Scotland, bắc Ý và tất cả những ai theo ngài không được viếng mộ các Tông đồ ở Rôma. NĂM 1350: ĐỨC CLEMENTE VI Với Tông sắc Unigenitus Dei Filius, năm 1343, Đức Giáo Hoàng Clemente, sau khi đã đón tiếp một phái đoàn đại diện cho người dân Rôma xin ngài đưa Toà Thánh trở lại thành phố và tổ chức Năm Thánh với chu kỳ 100 năm như trước đây, đã công bố Năm Thánh cho năm 1350. Mặc dù tai ương của dịch bệnh và trận động đất thảm khốc làm rung chuyển Thành Đô Vĩnh Cửu năm 1349, nhưng hơn 1,5 triệu người hành hương đã tuôn đổ đến thành phố để cử hành. Điều này phần lớn nhờ sự chuyển cầu của Đức Giáo Hoàng, người đã xoay xở để đạt được một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Pháp và Anh nhằm đảm bảo an toàn cho những người hành hương thực hiện cuộc hành trình đến Rôma. NĂM 1300: ĐỨC BONIFACE VIII Với Tông Sắc Antiquorum habet, vào ngày 22 tháng 2 năm 1300, Đức Giáo Hoàng Boniface VIII đã công bố năm 1300 là Năm Thánh, ra sắc lệnh rằng những cư dân Rôma viếng thăm các đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô 30 lần trong năm sẽ được ban ơn toàn xá, trong khi những người hành hương đến từ ngoài Rôma chỉ cần 15 cuộc viếng thăm. Ít nhất 2 triệu tín hữu đã đến Rôma năm đó. Giotto, người mà vào thời điểm đó được uỷ thác vẽ các bức bích hoạ trong Loggia delle Benedizioni—hay ban công chúc lành – ở Vatican, là một trong những nhân vật xuất chúng tham gia vào Năm Thánh cùng với nghệ sĩ nổi tiếng Cimabue. Bức bích hoạ cổ của Giotto nhằm ghi nhớ biến cố này được lưu giữ trong Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lanteran. Sau cùng, giữa những nhân vật quan trọng khác đã đến Rôma năm đó gần như chắc chắn có nhà thơ vĩ đại Dante Alighieri, người đã nhắc đến Năm Thánh trong một số đoạn của Thần Khúc. ————————————– Cồ Ngọc Hải dịch (nguồn: iubilaeum2025.va) Ngày 26 tháng 12 Năm 2024 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA