Tin Giáo Hội Hoàn vũ TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC KỸ THUẬT Tác giả: Thiên Triệu WHĐ (02.3.2022) - Năm 2004, William Lane Craig và Walter Sinnott-Armstrong – cả hai đều là giáo sư triết học, khác nhau ở chỗ một người là Kitô hữu, còn một người là vô thần – đã có cuộc tranh luận quyết liệt về đề tài Thiên Chúa. Kết quả là tác phẩm God? A Debate between a Christian and an Atheist, Oxford University Press, 2004. Cũng năm 2004, nhà xuất bản Trẻ giới thiệu cuốn Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay, dịch từ ấn bản tiếng Pháp L’Infini dans la paume de la main, 2000. Đây là cuộc đối thoại lý thú và sâu sắc giữa Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận về nhiều vấn đề tôn giáo và khoa học. Matthieu Ricard từng tốt nghiệp tiến sĩ về di truyền học nhưng sau này quyết định tu tập theo truyền thống Phật giáo. Còn Trịnh Xuân Thuận là một chuyên gia lớn trong lãnh vực nghiên cứu sự hình thành của các thiên hà. Nhắc đến hai tác phẩm được nhiều người biết đến ở Việt Nam (và còn nhiều tác phẩm khác) để thấy rằng “Thiên Chúa” vẫn là đề tài được quan tâm ngay giữa lòng thời đại khoa học kỹ thuật. Sở dĩ như thế là vì câu hỏi về Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là câu hỏi mong tìm lời giải đáp trên bình diện kiến thức, nhưng sâu xa hơn, câu hỏi ấy gắn liền với nỗi thao thức kiếm tìm ý nghĩa đời sống và cả ý nghĩa của vũ trụ mà trong đó mỗi người là một thành phần. Đúng như Avery Dulles nhận xét: “Thời đại chúng ta được ghi dấu bằng sự mơ hồ về ý nghĩa và mục đích của đời sống. Nhiều người không biết đâu là mục đích của đời sống ngoài nỗi ước mong tránh được khổ đau và được sống thoải mái. Thế nhưng, dù cho có bị xao lãng vì những thú vui và công việc bận rộn, họ vẫn khó lòng dập tắt được nỗi khát khao cái Chân và cái Mỹ, khát khao một sự thật bền vững và một vẻ đẹp sẽ không phai nhoà. Trong tâm khảm con người đã được khắc ghi điều mà nhiều người gọi là nỗi hoài hương. Trên bình diện suy tư, nỗi nhớ nhung này sẽ dẫn đến sự tìm kiếm chân thành”[1], tìm kiếm Thiên Chúa và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Tuy nhiên, liệu có những dấu chỉ và bằng chứng cho thấy Thiên Chúa hiện hữu không, hay Ngài chỉ đơn thuần là một phóng thể của trí khôn con người? Việc tin tưởng vào thực tại Thiên Chúa không chỉ giới hạn nơi những người có niềm tin tôn giáo. Hầu như mọi người đều có ít nhất một nhận thức mơ hồ nào đó về Thiên Chúa. Phần đông người ta đạt đến nhận thức đó bằng một loại tri thức mang tính bản năng và bột phát; qua đó họ thấy rằng thế giới này không thể tự giải thích về nó nhưng phải lệ thuộc vào một quyền lực cao cả hơn. Cảm nhận tiềm tàng này về Thiên Chúa được thể hiện cụ thể trong những tình huống nguy hiểm, lúc ấy người ta cầu nguyện và khẩn nài thần linh trợ giúp cách rất tự nhiên. Vì thế có câu châm ngôn nói rằng: “Không có người vô thần trong hố cá nhân.” Niềm tin bột phát này cũng được thể hiện khi người ta biểu lộ sự ngỡ ngàng, niềm tạ ơn hay nỗi tức giận. Khi thoát khỏi một mối nguy hiểm, lời “Cám ơn Trời Phật” trào ra rất đỗi hồn nhiên. Khi hết lòng khao khát mong chờ điều gì đó tốt lành, người ta lại thốt lên “Xin Trời Phật độ trì cho con.” Rồi khi tức giận hết sức, người ta lại khẩn nài thần thánh trừng phạt những kẻ làm điều ác. Ngoài ra, ngay trong xã hội thế tục, việc khẩn nài Thiên Chúa trong những dịp long trọng vẫn được coi là chuyện tự nhiên. Các nhà lãnh đạo thường tuyên thệ khi nhận chức và các chứng nhân tại toà án cũng xin Chúa chứng giám cho lời khai của họ. Trong mọi lời thề như thế, ta đoan hứa là sẽ không rút lại lời thề vì lời thề ấy có Thiên Chúa bảo giám. Những người có khuynh hướng suy lý thường không bằng lòng với thứ nhận thức mơ hồ này về Thiên Chúa, vốn phát xuất cách hồn nhiên từ trái tim con người. Họ muốn có những lý chứng thuyết phục về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngược lại, trong thời đại khoa học ngày nay, rất nhiều nghiên cứu khoa học được trình bày không chỉ như nghiên cứu khoa học thuần túy, nhưng được vận dụng để phủ nhận niềm tin tôn giáo. Nghĩa là ở đằng sau những nghiên cứu khoa học, vẫn có đó lập luận triết học. Vì thế, không phải là vô ích khi nhắc lại một số lý chứng chuyển tải những xác tín của nhiều nhà tư tưởng qua nhiều thế kỷ và vẫn được tiếp nối ngày nay. Mục lục 1. Sự kiện lệ thuộc 2. Khám phá bản thiết kế khôn ngoan trong vũ trụ 3. Luật luân lý và lương tâm 4. Nỗi khắc khoải của tâm hồn 5. Kết luận 1. Sự kiện lệ thuộc Lý chứng đầu tiên được rút ra từ sự kiện lệ thuộc. Khi chiêm ngắm thế giới chung quanh, con người nhận biết rằng mọi vật mà mình có kinh nghiệm, kể cả chính bản thân, đều chỉ có mặt vì đã được đưa vào hiện hữu và tồn tại nhờ những lực từ bên ngoài. Không những hiện hữu của ta có được là qua những người khác, vd. cha mẹ, nhưng để tồn tại, ta còn phải tùy thuộc vào vô vàn những thứ khác như thực phẩm, nước, không khí, ánh sáng mặt trời. Như thế sẽ xuất hiện câu hỏi là: Có thể nào toàn bộ thực tại chỉ được làm nên bằng những hữu thể mang tính lệ thuộc như chính chúng ta, những hữu thể chỉ hiện hữu nhờ hành động của những nguyên nhân bên ngoài chứ không bằng chính sức riêng của mình? Nếu A lệ thuộc vào B và B cũng lệ thuộc thì đương nhiên phải có một cái C nào đó để B có thể hiện hữu. Tuy nhiên dây chuyền lệ thuộc đó không thể cứ kéo dài đến vô tận; nếu không sẽ không thể tìm ra lý do đủ để cắt nghĩa sự hiện hữu của bất cứ vật thể nào. Để tóm tắt lại lý chứng này bằng những từ ngữ chuyên môn hơn: không thể có những hữu thể bất tất trừ phi có ít nhất một HỮU THỂ THIẾT YẾU TỰ TẠI, từ đó mọi hữu thể khác đón nhận hiện hữu của mình cách trực tiếp hay gián tiếp. Người ta có thể đưa ra một số lý luận chống lại lý chứng này. Chẳng hạn có người hỏi: Chẳng nhẽ các sự vật lại không thể tồn tại nhờ sự phụ thuộc lẫn nhau sao? Cứ nhìn vào trò chơi xây nhà bằng những tấm cạc nhỏ mà coi, cả ngôi nhà đứng vững bằng cách các tấm cạc đó tựa vào nhau, đâu cần cái gì khác bên ngoài nâng đỡ. Đây cũng là lý do nhiều nhà khoa học cho rằng quan điểm của Phật giáo gần gũi với khoa học hiện đại hơn. Người ta thường trích dẫn lời của Einstein nói rằng: “Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”. Theo quan điểm Phật giáo, “Không có cái gì tồn tại tự thân và là nguyên nhân của chính mình. Một vật chỉ có thể được xác định trong mối quan hệ với các vật khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau là thiết yếu cho sự thể hiện của các hiện tượng. Không có nó, thế giới không thể vận hành. Vì vậy, một hiện tượng, dù thế nào chăng nữa, cũng chỉ có thể xuất hiện nếu nó được liên hệ và nối kết với các hiện tượng khác. Hiện thực không thể bị khu kiệt và chia nhỏ, nhưng phải được xem là một tổng thể. Tính tổng thể của hiện thực này đã được nhiều thí nghiệm vật lý khẳng định”[2]. Đúng là lý thuyết về sự phụ thuộc lẫn nhau (inter-dependence) có thể lý giải được nhiều điều. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lẫn nhau chỉ có thể diễn ra giữa những sự vật đã hiện hữu rồi, chứ không thể lấy lý do đó để giải thích một sự vật từ không mà thành có. Chỉ có những sự vật đã hiện hữu rồi mới có thể tác động lên nhau thôi. Chính vì thế, một đàng Trịnh Xuân Thuận ca tụng quan niệm của Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau trong vũ trụ, đàng khác ông đặt vấn đề về nguyên lý sáng thế: “Nếu như không có sáng thế thì vũ trụ không thể được sinh ra. Như vậy, nó không có điểm bắt đầu, cũng chẳng có điểm kết thúc. Vũ trụ duy nhất phù hợp với quan điểm của Phật giáo là một vũ trụ tuần hoàn, với một dãy luân phiên vô hạn các vụ nổ lớn (Big Bang) và vụ co lớn (Big Crunch). Tuy nhiên, về mặt khoa học mà nói, việc một ngày nào đó, vũ trụ sẽ tự co lại, cho ra đời một Big Crunch, việc ấy còn lâu mới xác lập được… Còn về khái niệm các làn sóng ý thức cùng tồn tại với vật chất ngay từ những phần giây đầu tiên sau Big Bang, thì khoa học còn lâu mới có thể kiểm chứng được”[3]. Một lập luận chống đối khác là lý thuyết cho rằng có thể có sự suy giảm đến vô cùng giữa nguyên nhân và hậu quả, càng đi ngược về phía trước thì lại càng giảm nhiều hơn đến độ không cần phải có cái gọi là Nguyên Nhân Đầu Tiên. Lý luận kiểu này có lẽ giống như cố gắng giải thích về một tác phẩm hội hoạ tuyệt hảo bằng cách nói rằng bức tranh đó đã được vẽ bằng một cây cọ dài đến vô cùng. Nếu một cây cọ ngắn tự nó không thể làm nên bức tranh thì có kéo dài cây cọ đó đến đâu cũng chẳng ăn thua gì! Hãy lấy một ví dụ khác cho dễ hiểu hơn. Một sinh viên có thể đạt được điểm cao vì đã chép lại bài của một anh sinh viên khác đã làm bài rất tốt. Chính anh sinh viên này cũng lại đi chép bài của người khác. Thế nhưng sẽ thật hàm hồ nếu lý luận rằng mọi sinh viên đều đi chép bài của người khác, và cứ thế kéo dài đến vô tận. Ít nhất phải có một sinh viên đã làm bài tốt bằng chính năng lực của anh ta chứ. Nghĩa là một chuỗi dài những nguyên nhân lệ thuộc, dù có kéo đến vô tận, cũng không thể giải thích được hiệu quả. Phải có Nguyên Nhân đầu tiên, hoặc theo ngôn ngữ triết học, một Hữu Thể Thiết Yếu. Nhìn thoáng qua, có vẻ như Hữu Thể Thiết Yếu cũng chỉ là một khối đá hay một tấm kim loại chứ khó lòng có thể là Đấng mà người ta tôn thờ như Thiên Chúa. Các triết gia biết điều này nên đã đẩy lý luận đi xa hơn. Họ lý luận rằng Hữu Thể Thiết Yếu dứt khoát không thể giống như các hữu thể lệ thuộc mà ta biết qua kinh nghiệm. Hữu thể đó phải hiện hữu hoàn toàn do năng lực của mình chứ không như tảng đá hay tấm kim loại vô hồn. Từ đó người ta có thể suy ra rằng hữu thể đó phải có mọi thiện hảo, những thiện hảo không hàm chứa giới hạn nào. Các triết gia có thể chứng minh rằng Hữu Thể đó có sự sống, trí năng và tự do, và như thế đó là một Ngôi Vị. Những lý chứng này rất vững chắc nhưng nó giả thiết là trước đó phải có sự hiểu biết về siêu hình học, điều mà không phải ai cũng có. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có mặc khải là để nâng đỡ sự yếu đuối của trí khôn con người. 2. Khám phá bản thiết kế khôn ngoan trong vũ trụ Lý luận khởi đi từ sự lệ thuộc và tính bất tất như đã trình bầy chỉ là một trong nhiều nẻo đường truyền thống nhằm khám phá sự hiện hữu của Thiên Chúa. Lý luận thứ hai, một lý luận rất phổ biến qua nhiều thế kỷ, là lý luận khởi đi từ bản thiết kế. Khi nhìn vào vẻ đẹp của thế giới tự nhiên và chiêm ngắm hiện tượng sự sống, ta phải hết sức ngỡ ngàng. Làm sao cảnh mặt trời lặn lại có thể đẹp đến như thế, và làm sao những cánh hoa và cánh bướm lại đáng yêu đến thế? Làm sao có thể giải thích được là chúng ta có bàn tay để cầm nắm sự vật và đôi chân để bước đi, có tai để nghe và có mắt để nhìn? Rõ ràng là ta không thể tự ban tặng cho mình những quà tặng đó, và cũng không thể giải thích bằng bất cứ hoạt động nào của con người. Cơ thể con người đã không được thiết kế bởi bất cứ nhà kiến trúc nào. Cơ thể đó chỉ có thể là công trình của Trí Tuệ vô cùng khôn ngoan và nhân hậu. Lý luận này không phủ nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên (mà thuyết tiến hoá thường nói tới) có thể đóng một vai trò trong sự phát triển những hình thái cao hơn của sự sống. Chắc chắn là những hình thái không thích hợp sẽ không hiện hữu nữa. Tuy nhiên nếu quan tâm đến hướng tiến hoá của sự sống luôn vươn đến những mức độ cao hơn, thì phải giả thiết là có một mục đích ở đàng sau và ở bên trong công trình tạo dựng này. Người ta gọi đó là nguyên lý vị nhân. “Con người (hay mọi dạng ý thức khác trong vũ trụ) dường như đã lấy lại vị trí hàng đầu của mình. Không phải là vị trí trung tâm trong Hệ Mặt Trời mà nó đã chiếm giữ trước thời Copernic, mà là trung tâm trong những bản thiết kế của vũ trụ. Con người không còn phải lo sợ trước sự bao la của không gian vô tận nữa, vì chính sự bao la ấy đã giúp con người tồn tại. Vũ trụ vô cùng rộng lớn (người ta ước tính rằng nó có bán kính khoảng 15 tỷ năm ánh sáng) bởi vì nó không ngừng to ra theo thời gian. Tuổi của vũ trụ cũng cần thiết để cho các vì sao có đủ thời gian tiến hành các lò luyện hạt nhân nhằm sản sinh ra các nguyên tố hóa học không thể thiếu cho sự sống, và cho phép sự sống leo dần từng bậc thang của độ phức tạp để tiến đến con người (ít nhất cũng phải mất nhiều tỷ năm). Hóa ra vũ trụ được điều chỉnh một cách vô cùng chính xác để nó có thể che chở cho sự sống và ý thức, và để có thể xuất hiện người quan sát có khả năng đánh giá sự hài hòa của nó. Đây là điều mà người ta gọi là nguyên lý vị nhân…Những lập luận này được áp dụng cho tất cả các dạng trí tuệ trong vũ trụ. Như vậy, khoa học vũ trụ hiện đại đã tái phát hiện mối liên hệ sâu sắc giữa con người và vũ trụ. Bức thông điệp hi vọng của Paul Claudel trả lời cho nỗi lo lắng của Pascal và chứng tỏ niềm hân hoan trở lại của thế giới: “Sự im lặng vĩnh hằng của không gian vô tận không còn làm tôi sợ nữa. Tôi dạo chơi trong những khoảng không đó với niềm tin rằng chúng đã thân thuộc với tôi từ lâu. Chúng ta không sống trong một góc heo hút của một sa mạc xa lạ và không thể vượt qua. Tất cả trong thế giới này đều thân thiết với chúng ta”[4]. Đôi khi người ta chống đối lý luận này bằng cách chỉ vào sự vô trật tự trong thế giới. Thật ra, những chuyện xấu xa xẩy ra hoặc là vì con người có ý xấu hoặc vì những yếu tố may rủi. Chắc chắn Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới trong đó con người có thể vi phạm lề luật của Ngài, và sự may rủi có thể có một vai trò. Khi muốn con người có được tự do, Thiên Chúa đã cho phép sự dữ có thể xẩy ra. Khi muốn thế giới này được điều hành bởi những luật vật lý, Thiên Chúa cũng dự liệu những may rủi. Tình trạng mất trật tự trong thế giới là do may rủi, còn trật tự giả thiết là phải có một đấng làm nên trật tự đó, Đấng làm cho các phương tiện phù hợp với mục đích ví như cặp mắt được thích ứng với việc nhìn xem. Thiên nhiên cho thấy một trật tự tuyệt vời và sự kiện đó là bằng chứng về một Đấng làm nên trật tự đó. Cuối cùng, lý luận này đưa ta về với Đấng thiết lập trật tự tối cao. Đấng ấy chỉ có thể là Hữu Thể mà ta gọi là THIÊN CHÚA. Nhiều nhà khoa học ngày nay đồng thuận với lập luận này: “Tôi bác bỏ giả thuyết về cái ngẫu nhiên, vì ngoài sự vô nghĩa và thất vọng nó mang đến, tôi không thể quan niệm được rằng sự hài hòa, đối xứng, sự thống nhất và vẻ đẹp mà chúng ta cảm nhận được trong thế giới, từ những đường nét tinh tế của một bông hoa cho đến kiến trúc đồ sộ của các thiên hà, cả trong những quy luật của tự nhiên, nhưng theo cách tinh vi và trang nhã hơn nhiều… tất cả lại chỉ là do tính ngẫu nhiên mà có. Nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết chỉ có một vũ trụ (vì có lý thuyết chủ trương đa vũ trụ), tức là vũ trụ của chúng ta đây, thì chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của một Nguyên Nhân Đầu Tiên đã điều chỉnh tập hợp các định luật vật lý và những điều kiện ban đầu, nhờ đó vũ trụ có được ý thức về chính nó”[5]. 3. Luật luân lý và lương tâm Những lý luận siêu hình nói trên có vẻ khô khan trừu tượng. Có lẽ gần gũi với con người hơn là lý chứng thứ ba khởi đi từ luật luân lý và lương tâm. Cảm thức về những đòi buộc luân lý xem ra là gia sản chung của mọi người bình thường. Chúng ta đều có kinh nghiệm bị bó buộc phải làm điều tốt và tránh điều xấu. Có một vài bó buộc manh tính điều kiện hoá, nghĩa là ta được miễn chước không phải tuân theo khi hoàn cảnh thay đổi hoặc được lề luật miễn chuẩn. Tuy nhiên không ai có thể miễn chước cho ta khỏi những bó buộc nền tảng, tức là phải làm những gì thật sự là tốt và tránh những gì thật sự là xấu về mặt luân lý. Đó là sự đòi buộc tuyệt đối. Tại sao lại có chuyện chúng ta bị bó buộc cách tuyệt đối như thế? Ay là bởi vì có một cái gì đó vượt trên ta và ta phải lệ thuộc vào đó. Chúng ta không thể bị bó buộc như thế bởi bất cứ một thọ tạo nào trong thế giới này. Một thọ tạo cao cấp hơn, chẳng hạn các thiên thần, có thể đưa ra một bó buộc nào đó mang tính điều kiện. Thế nhưng chỉ có một Thực tại tuyệt đối mới có thể đưa ra những đòi buộc tuyệt đối. Vì thế, lý chứng từ sự bó buộc luân lý dẫn ta đến kết luận phải có Đấng làm ra luật, và Đấng ấy là Thiên Chúa. William Lane Craig xác định cách cụ thể như sau: “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì những giá trị luân lý khách quan cũng không hiện hữu. Khi nói đến những giá trị luân lý khách quan, tôi muốn nói là những giá trị vững chắc và bó buộc, dù một ai đó có tin hay không. Chẳng hạn, nói rằng việc tàn sát người Do Thái là xấu cách khách quan, nghĩa là cho dù Đức quốc xã có đưa ra những lý do biện minh, hoặc cho dù Đức quốc xã có thắng trong cuộc chiến tranh thế giới lần II và tiêu diệt tất cả những ai không đồng ý với họ, thì hành động tàn sát ấy vẫn là xấu. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì không thể có những giá trị luân lý khách quan như thế”[6]. Dĩ nhiên nhiều người vô thần phi bác lập luận này, ví dụ như Bertrand Russell. Ông viết: “Đạo đức phát xuất từ sức ép của cộng đồng trên con người cá nhân. Theo bản năng, con người thường có những ước muốn vốn không ích lợi cho bầy đàn của nó. Bầy đàn (cộng đồng) e ngại là các cá nhân chỉ hành động theo ích lợi riêng của mình, cho nên sáng tạo ra những lời khuyên để ích lợi của cá nhân được hài hòa với ích lợi chung”. Michael Ruse, một triết gia về khoa học, cũng đưa ra lập luận tương tự từ góc độ sinh vật học: “Luân lý là sự thích ứng về mặt sinh học, chẳng khác gì sự thích ứng của tay chân hay răng miệng. Tôi trân trọng điều ai đó nói “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Nhưng nếu người đó cho rằng lời khuyên này quy chiếu về cái gì đó vượt trên họ, thì thực ra chẳng có nền tảng. Luân lý chỉ là sự trợ giúp cho việc sinh tồn và tái sản xuất… còn bất cứ ý nghĩa nào sâu xa hơn đều là ảo tưởng”. Theo đó, luân lý đạo đức chỉ là những lề luật do chính con người đặt ra theo từng hoàn cảnh chứ không có những giá trị luân lý khách quan, bất biến và bó buộc mọi người. Quan điểm này ngày càng phổ biến trong thời đại ngày nay do ảnh hưởng của chủ thuyết tương đối về luân lý. Điều đáng quan tâm là Friedrich Nietzsche, triết gia lớn của thế kỷ 19, người loan báo Thiên Chúa đã chết, lại đưa ra nhận xét rằng cái chết của Thiên Chúa cũng có nghĩa là mọi ý nghĩa và giá trị của đời sống đều bị hủy diệt. Xem ra về điều này, ông đã có nhận xét đúng. Trong thực tế, ở sâu thẳm tâm hồn, con người nhìn nhận là có những giá trị luân lý khách quan. Những hành động như hiếp dâm, giết người, xúc phạm tình dục trẻ em… không chỉ là những hành động không thể chấp nhận về mặt xã hội nhưng là những vi phạm trầm trọng về luân lý. Cũng thế, tình yêu, sự bình đẳng, sự hi sinh là những giá trị tốt về mặt luân lý khách quan. Chính thực tế đó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa hiện hữu. Lý chứng thứ ba này cũng có thể gọi là lý chứng từ tiếng lương tâm, tức là tiếng nói nội tâm đưa ra những mệnh lệnh luân lý vô điều kiện. Nếu ta tuân theo tiếng nói đó, ta có lương tâm ngay lành; còn nếu ta chống lại, lương tâm ta không ổn và cảm nhận là mình có tội. Lương tâm giúp ta khám phá ra rằng ta không phải là người chủ tuyệt đối, nhưng lệ thuộc vào một quyền năng cao cả hơn. Nếu tôi hành động ngược lại tiếng lương tâm, tôi sẽ phải chịu xét xử và bị phạt. Để đời sống luân lý thật sự có ý nghĩa, cần phải có sự xét xử công bằng, nghĩa là phải có Đấng Thẩm Phán công chính, thánh thiện, toàn năng và toàn tri; nói cách khác, là chính Chúa. Những thuộc tính nói trên phù hợp với những thuộc tính siêu hình đã nói trước đây nhưng mang tính “tôn giáo” hơn vì những thuộc tính đó hàm ngậm mối tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và loài thọ tạo. 4. Nỗi khắc khoải của tâm hồn Cách thứ tư để tiếp cận sự hiện hữu của Thiên Chúa là cách khởi đi từ nỗi khắc khoải của tâm hồn con người. Chúng ta khám phá nơi mình khả năng yêu thương, thờ phượng, và phục vụ. Chúng ta thường xuyên kiếm tìm một thực tại nào đó, một Con Người nào đó để ta có thể hiến dâng mọi năng lực và sự tận tụy của mình. Trừ phi chúng ta gặp được Chúa, nếu không, ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng thần thánh hoá các thọ tạo để rồi cuối cùng phải thất vọng. Hoặc là ta phải sống trong sự trống vắng ý nghĩa làm cho đời mình tàn tạ về mặt tâm linh, hoặc là ta phải hướng về Chúa là đối tượng tuyệt đối cho ta yêu mến. Những suy nghĩ này không chỉ của các nhà thần học nhưng còn là của các nhà khoa học quan tâm đến ý nghĩa đời sống. Một nhà khoa học phát biểu: “Có một sự điều chỉnh cực kỳ chính xác các hằng số vật lý và các điều kiện ban đầu của vũ trụ, để nó có thể cưu mang được sự sống và ý thức”. Rồi ông nói thêm: “Để giải thích sự điều chỉnh này, tôi đã đánh cược kiểu Pascal về sự tồn tại một nguyên lý sáng thế. Nguyên lý này - tôi hiểu theo cách hiểu của Spinoza và Einstein - được thể hiện trong các quy luật của Tự Nhiên và trong thực tế là thế giới này có thể hiểu được… Nguyên lý sáng tạo ấy mới có thể trả lời rành rẽ câu hỏi hiện sinh của Leibniz: “Tại sao đã có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?” Tôi xin thêm: “Tại sao các định luật vật lý lại như chúng hiện là chứ không phải là những cái khác?”[7]. Nghĩa là những kiến thức khoa học không thể cung cấp câu trả lời cho những khắc khoải sâu xa nhất trong tâm hồn, những khắc khoải về ý nghĩa và vận mệnh đời sống làm người. Dù không nói ra, hàm ẩn trong những suy tư này vẫn là trải nghiệm của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Nói chung, chỉ có một thiểu số những người có khả năng suy tư cao mới xác tín về sự hiện hữu của Thiên Chúa qua những lý luận triết học đã khai triển, còn hầu hết mọi người chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa qua thứ lý luận tiền triết học, lý-luận-không-lời, hoặc là bởi vì chính Thiên Chúa đã mặc khải qua lời và hành động. Chỉ những ai được huấn luyện về triết học mới có thể đưa ra những lý chứng nặng tính lý luận, thế nhưng ngay cả họ cũng ít khi bằng lòng với những gì triết học có thể minh chứng. Họ cảm thấy nỗi khát khao bước vào mối tương quan nhân vị với Đấng Tạo Hoá. Blaise Pascal, trong một đoạn văn nổi tiếng, đã cho thấy người Kitô hữu không đến với Thiên Chúa của các triết gia nhưng là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Dĩ nhiên đây không phải là hai vị Thiên Chúa khác nhau nhưng là hai lối tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa. 5. Kết luận Trong diễn từ ngỏ lời với Hội Đồng Giáo Hoàng về Khoa Học ngày 3-10-1981, Đức Gioan Phaolô II nói: “Bất cứ giả thuyết khoa học nào về nguồn gốc của thế giới, chẳng hạn giả thuyết về một nguyên tử nguyên thủy từ đó phát sinh toàn thể vũ trụ vật lý, đều mở ngỏ cho câu hỏi về khởi nguyên của vũ trụ. Khoa học tự nó không thể giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần đến thứ tri thức vượt lên trên lãnh vực vật lý được gọi là siêu hình học, và trên hết, chúng ta cần đến sự hiểu biết do Thiên Chúa mạc khải”. Không hoàn toàn giống về ngôn ngữ nhưng vẫn chung một tầm nhìn, nhà khoa học người Việt Trịnh Xuân Thuận đưa ra những nhận xét mà tôi cho là khách quan và quân bình. Xin được ghi lại ở đây như lời kết cho những suy nghĩ này. “Khoa học có mục đích tìm hiểu thế giới các hiện tượng. Những ứng dụng kỹ thuật của nó có thể, tùy từng trường hợp, cải thiện hoặc làm hại đến sự sung túc bên ngoài của chúng ta. Tâm linh nhằm cải thiện sự sung túc nội tâm của chúng ta, để chúng ta có khả năng cải thiện sự sung túc của tất cả mọi người. Một số người như Steven Weinberg, người được giải Nobel về vật lý, lại không cần đến tâm linh. Theo ông, các tôn giáo là nguồn gốc của nhiều điều ác trên thế giới. Ong đã viết một cách cực kỳ khiêu khích như thế này: “Có hay không có tôn giáo thì những người tốt vẫn xử sự tốt và những người xấu vẫn là xấu. Nhưng chỉ có tôn giáo mới có thể thúc đẩy những người tốt làm điều ác. Một trong những thành tựu vĩ đại của khoa học là, nếu không phải là làm cho việc có tín ngưỡng trở nên không thể đối với những người thông minh, thì chí ít nó cũng cho phép họ không trở thành những người có tín ngưỡng”. Rồi ông kể ra một số ảnh hưởng xấu của tôn giáo: những cuộc thập tự chinh, những vụ tàn sát người Do Thái và những cuộc chiến tranh tôn giáo khác, thậm chí cả chế độ nô lệ nữa. Tôi nghĩ rằng ông ta đã nhầm. Trước hết, ông ta đã quên kể tất cả những điều xấu mà khoa học, vì được áp dụng không đúng, đã gây ra cho nhân loại và bầu sinh quyển. Hiroshima, Nagasaki, trái đất nóng lên, lỗ thủng tầng ôzôn rộng ra, những ‘nghiên cứu’ của các bác sĩ quốc xã…những ví dụ như thế còn vô khối! Sau nữa, tôn giáo mà ông ta nhắc tới không phải là “tâm linh đích thực” mà chỉ là một trong những phiên bản đã biến dạng của nó… Khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. Nhưng con người, để trở nên toàn thiện, thì cần phải có cả hai”[8]. Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 75 (Tháng 3 & 4 năm 2013) [1] Avery Dulles, A New World of Faith, Sunday Visitor, 2000. [2] Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Nxb. Trẻ, 2004, 449. [3] Ibid., 454. [4] Ibid., 68-69. [5] Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, 2007, 447. [6] William Lane Craig & Walter Sinnott-Armstrong, God? A Debate between a Christian and an Atheist, Oxford University Press, 2004, 17. [7] Cái vô hạn trong lòng bàn tay, 453-454. [8] Ibid., 456-457. Ngày 12 tháng 3 Năm 2022 Bài liên quan SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH TRONG GIÁO HỘI KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ CON NGƯỜI TRỰC GIÁC VỀ THIÊN CHÚA TƯỜNG THUẬT TỪ UKRAINA: LÁ THƯ CỦA MỘT LINH MỤC Ở KYIV