Tin Giáo Hội Việt Nam “GIÁM MỤC HƯU SỐNG HIỆP HÀNH” - Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương - Nguyên Giám Mục Giáo phận Đà Lạt Chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI là “Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, được khởi sự vào tháng 10 năm 2021 tại mỗi Hội thánh địa phương (Giáo phận); sau đó năm 2022 tại các Châu lục, và cao điểm là tháng 10 năm 2023, trong Đại hội Toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma. Thiết nghĩ, các Giám mục dù đã nghỉ hưu vẫn hiệp hành với cộng đoàn Dân Chúa qua các công việc và lời cầu nguyện. Sau đây là những chia sẻ của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Giám mục giáo phận Đà Lạt, đã nghỉ hưu từ ngày 14/9/2019, với phóng viên Báo CG&DT. TÂM THẾ ĐI HƯU CG&DT: Trước hết xin Đức cha chia sẻ Đức cha nghĩ như thế nào về quãng thời gian hưu của Giám mục? Gm VHC: Về quãng thời gian hưu của Giám mục, tôi suy nghĩ theo những tài liệu hiện hành của Tòa thánh, xin tóm lược sau đây: Ngày 12/02/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký ban hành một Tông thư dưới dạng Tự sắc có tên là “Imparare a congedarsi”, được dịch là “Học giã từ” hoặc “Học cách nói lời tạm biệt”, hoặc “Học cách buông bỏ”, liên quan đến việc từ nhiệm vì lý do tuổi tác của các Giám mục trên thế giới. Tự sắc này đã được công bố trên Công báo của Tòa thánh ngày 15/02/2018 và có hiệu lực từ ngày công bố. - Ðiều 1 quy định: “Khi tròn 75 tuổi, các Giám mục giáo phận và các vị tương đương, cũng như các Giám mục Phó và Phụ tá, hoặc Giám mục Hiệu tòa với trách vụ mục vụ đặc biệt, được mời đệ đơn từ chức lên Ðức Giáo hoàng”. - Điều 4 quy định: “Để có hiệu lực, việc từ chức... phải được Đức Giáo hoàng chấp thuận, ngài quyết định sau khi cứu xét các hoàn cảnh cụ thể”. - Sau khi nộp đơn xin từ chức, người đó vẫn giữ chức vụ cho đến khi nhận được “thông báo chấp nhận đơn từ chức” hoặc “thông báo gia hạn chức vụ”, “trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc không được xác định, sẽ được thông báo cho đương sự” (Điều 5). - Trong Tự sắc, Đức Thánh Cha đã đưa ra một suy tư về thái độ nội tâm là điều cần thiết cho những vị phải đối mặt với việc từ chức vì tuổi tác, cũng như đối với những vị mà chức vụ của các ngài cần được kéo dài do những nhu cầu thực tế. Ngài mời gọi các vị chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo hãy “phân định qua lời cầu nguyện cách sống trong giai đoạn sắp tới, và lập ra một dự án mới cho cuộc sống.” Ngoài ra, ngày 09/04/2022, Đức Hồng Y Luis Antonio TAGLE, Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đã gửi một Tông thư cho Hội đồng Giám mục các xứ truyền giáo, trong đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam, nội dung có một điểm lưu ý hai điều về sự hiện diện của Giám mục đã nghỉ hưu (Emeritus) trong Hội thánh địa phương: Một là, “Hoàn toàn và tự ý sẵn sàng tách mình ra khỏi các việc quản trị của Hội thánh địa phương mà ngài còn đang phục vụ cho đến nay, đồng thời tự nguyện di dời đến một nơi ở thích hợp mà Giáo phận sẽ lo liệu”. Hai là, “Sẵn sàng thực hiện bất kỳ việc mục vụ nào có thể trong Hội thánh địa phương chỉ khi có sự đồng ý của Giám mục giáo phận, và không thực hiện bất kỳ sáng kiến cá nhân nào có thể làm tổn hại vị thế của người kế nhiệm. Thái độ như thế sẽ là chứng từ tuyệt hảo cho cộng đồng Kitô hữu, đặc biệt là cho các giáo sĩ, tu sĩ và các thừa tác viên khác trong Hội thánh”. TÌNH HIỆP THÔNG CỦA GIÁM MỤC HƯU CG&DT: Đức Cha đã sống hiệp hành với Giáo phận, với Linh mục đoàn tại Giáo phận và vị Giám mục hiện tại như thế nào? Gm VHC: Có thể phân biệt: tâm tình hiệp thông và công việc cụ thể. Giám mục đang giữ chức vụ ở giáo phận nào thì khi nghỉ hưu được gọi là “Episcopus Emeritus” (“Giám mục Danh dự”, “Nguyên Giám mục”) của giáo phận đó, chẳng hạn cá nhân tôi được gọi là “Nguyên Giám mục giáo phận Đà Lạt”, không phải là “Nguyên Giám mục giáo phận Hưng Hóa” dù trước đó tôi đã là Giám mục giáo phận này. Vì thế, tôi có nhiệm vụ hiệp thông với giáo phận Đà Lạt và với Giáo hội tại Việt Nam, trong đó có giáo phận Hưng Hóa, cũng như với Giáo hội hoàn vũ. Cụ thể bằng cách theo dõi các sinh hoạt qua trang web của các giáo phận, đặc biệt của giáo phận Đà Lạt, của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của Tòa thánh, để cầu nguyện và dâng hy sinh cho những sự kiện cụ thể. Còn về công việc cụ thể, tôi lưu ý đến những hướng dẫn của Tòa thánh sau đây: Đức Thánh Cha Phanxicô, trong phần giới thiệu Tự sắc “Học cách buông bỏ”, đã gợi ý: “Người sắp nộp đơn từ chức cần chuẩn bị cách xứng hợp trước mặt Thiên Chúa, bằng cách rũ bỏ mọi tham vọng quyền bính và ý nghĩ tự cho mình là người không thể thiếu. Nhờ đó ngài có thể bình thản và tin tưởng thực hiện bước đi này, nếu không việc này sẽ làm ngài buồn phiền và xao động. Đồng thời, ai thực sự nhận ra sự cần thiết phải từ bỏ, thì phải phân định trong cầu nguyện cách thức trải qua giai đoạn sắp tới, với việc lập một kế hoạch mới cho cuộc sống, được ghi dấu càng nhiều càng tốt bằng sự khổ hạnh, khiêm nhường, bằng những lời cầu thay nguyện giúp, bằng cách dành thời gian cho việc đọc sách và sẵn sàng thi hành các việc mục vụ bình thường”. Như thế, sống hiệp hành với giáo phận Đà Lạt, tôi cần quan tâm đến định hướng trên đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời quan tâm đến những lưu ý của Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc: “Sẵn sàng thực hiện bất kỳ việc mục vụ nào có thể trong Hội thánh địa phương chỉ khi có sự đồng ý của Giám mục giáo phận, và không thực hiện bất kỳ sáng kiến cá nhân nào có thể làm tổn hại vị thế của người kế nhiệm”. CG&DT: Có những hoạt động, chương trình gì Đức cha đã và đang làm hoặc thao thức, kể từ thời điểm nghỉ hưu, xin Đức cha chia sẻ cụ thể? Gm VHC: Từ ngày 14/09/2019 là ngày được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn xin từ nhiệm để nghỉ hưu, tôi đã tự nguyện di dời đến một nơi ở thích hợp là Nhà Nghỉ dưỡng Linh mục Giáo phận Đà Lạt tại Bảo Lộc. Ngay sau khi được nghỉ hưu, tôi đã trả lời phỏng vấn của Báo Cg&Dt số 2224, Tuần lễ từ 20-26/9/2019: “Tôi ao ước rằng: khi đã nghỉ hưu, mình có thể làm được những điều mà Đức Thánh Cha mong muốn và cố gắng làm theo những dự án mà mình đã định hướng, tự nhắc nhở mình tránh nói hoặc làm gì gây tổn thương những người có trách nhiệm và có thể tác hại đến việc xây dựng Giáo phận mà mình đã phục vụ hoặc đường hướng chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam”. Trong hơn 3 năm nghỉ hưu, tôi đã cố gắng thực hiện những điều mình ao ước; khi có thể, tôi nhận lời mời giúp tĩnh tâm tại một vài dòng tu hay một vài giáo phận, hoặc làm lễ Thêm sức ở một ít nơi mà linh mục sở tại đã trình với Đấng Bản quyền nơi đó. Ngoài ra, tôi cũng có thời gian viết bài và đọc tư liệu để học hỏi thêm. CG&DT: Đức Cha thường cầu nguyện điều gì cho Giáo phận và cho Giám mục hiện tại? Gm VHC: Tôi cầu nguyện cho Giáo phận và cho Đức Giám mục đương nhiệm theo những gì tôi biết qua các sinh hoạt cụ thể của Giáo phận, nhất là cầu cho Giáo phận luôn được ơn hiệp nhất và bình an, cầu cho Đức Giám mục giáo phận được những ơn cần thiết, trong đó có ơn luôn tín thác vào Chúa trước những khó khăn, thử thách. XIN ĐƯỢC ƠN KHIÊM TỐN, XIN VÂNG CG&DT: Những năm tháng tuổi hưu chắc chắn luôn có bệnh tật đi kèm, Đức cha đón nhận tuổi già và bệnh tật ra sao? Gm VHC: Cuối năm 2021, dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh mục, tôi nhận được lời chúc mừng của nhiều người. Tôi cũng nhận được thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô, của của Đức Hồng y Tagle Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc (nay là Bộ Loan báo Tin Mừng) và của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; kết thư, các vị đều cầu chúc trường thọ: “Ad multos annos”. Tuy nhiên, càng lớn tuổi tôi càng thấy sức khỏe giảm đi. Tôi cầu nguyện và mong nhận được lời cầu nguyện để biết “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa trong mọi sự cho đến hơi thở cuối cùng. CG&DT: Giáo phận đã có sự hiệp hành với Đức cha khi đi hưu không? Gm VHC: Tòa Giám mục giáo phận và những người phục vụ rất quan tâm đến các vị đang nghỉ hưu tại Bảo Lộc cả về tinh thần lẫn vật chất. Cụ thể trong năm qua, Văn phòng Tòa Giám mục đã gửi cho các vị đang nghỉ hưu những thông báo liên hệ đến Giáo phận, trong đó có nội dung các sinh hoạt về Hiệp hành, để hiệp thông và cầu nguyện. Tại nhà hưu, đôi khi các vị được các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân đến thăm viếng; đặc biệt các tân linh mục của Giáo phận thường hẹn nhau một buổi đến dâng Thánh lễ và ăn sáng với các vị ở nhà hưu, để cám ơn các vị đã cầu nguyện cho mình và cũng để cho các “tre già” thấy tận mắt những “măng mọc” kế tiếp các ngài; đồng thời các tân linh mục có thêm động lực hăng say hoạt động, không cần lo lắng cho tuổi già vì sẽ được Giáo phận quan tâm chăm sóc. CG&DT: Thời gian sắp tới, Đức cha có dự tính gì nhằm tiếp tục thể hiện sự hiệp hành, liên đới của mình với giáo phận? Gm VHC: Thời gian sắp tới, tôi chỉ mong giữ được những hướng dẫn của Tòa Thánh đối với các Giám mục nghỉ hưu và sống hiệp hành với Giáo phận theo cách mà tôi đã trình bày trên đây. Để thực hiện được tốt hơn, trong năm qua tôi đã suy nghĩ nhiều về bài giáo lý Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày dịp Lễ Hiển Linh đầu năm 2022 khi Ngài nói về ba đạo sĩ khiêm tốn quỳ trước Hài nhi Giêsu, và Ngài đã kết thúc bài giáo lý bằng cách cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp các tín hữu tái khám phá “nhu cầu sống còn của chúng ta về sự khiêm tốn”. CG&DT: Xin hết lòng cám ơn Đức cha. Nguồn: Báo Cg&Dt Xuân Quý Mão (2023) Ngày 6 tháng 1 Năm 2023 Bài liên quan Vatican ban hành nghi thức phụng vụ trao thừa tác vụ giáo lý viên Đức Thánh Cha Phanxicô gửi sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 BỔ NHIỆM GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG Phái đoàn GP Hải Phòng đến chào Đức Tân Giám Mục Tòa Giám Mục Đà Lạt: Thông báo về Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc và Cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền