Mùa Chay - Phục Sinh Chúng Ta Cần Thập Giá Chúng ta có nhận ra sự cần thiết của Thập Giá trong đời sống của mình không? Đây là câu hỏi được đặt ra suốt Mùa Chay. Có những lĩnh vực trong cuộc sống mà chúng ta cần được tỉa tót, thanh luyện và giải thoát. Chúa thực hiện công việc này qua những hy sinh mà chúng ta tự nguyện chọn, nhưng đặc biệt hơn cả là qua những đau khổ ngoài ý muốn. Khát khao lớn nhất của Ngài là sự tự do của chúng ta, và sự tự do ấy đến qua Thập Giá. Mẹ Angelica từng nói: “Sự thánh thiện không dành cho những kẻ yếu đuối, và Thập Giá không phải là điều có thể thương lượng, con yêu à - đó là một điều kiện bắt buộc.” Trong thời đại ưa chuộng sự tiện nghi, chúng ta dễ dàng tin rằng Chúa chỉ muốn ban cho chúng ta những điều tốt đẹp và sự thoải mái của thế gian. Đây là một sự lừa dối của “phúc âm thịnh vượng”, một quan điểm đã hoàn toàn bỏ qua lời mời gọi của Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo Ta.” Mùa Chay là thời điểm tốt để chúng ta cầu nguyện và tự vấn: liệu chúng ta có thực sự hiểu những đòi hỏi của việc làm môn đệ Chúa không? Chúng ta có hiểu rằng mình được kêu gọi để đón nhận Thập Giá? Chúng ta có nhận ra rằng mình không được tạo dựng chỉ để hưởng thụ sự sung sướng của thế gian? Chúng ta có biết tự do đích thực là gì không? Cha Gabriel của Thánh Maria Mađalêna đã viết trong tác phẩm Divine Intimacy - Sự gần gũi Thiêng Liêng - rằng: “Với những ai chỉ mơ tưởng về sự thịnh vượng và vinh quang trần thế, ngôn ngữ của Thập Giá thật khó hiểu. Những người chỉ theo đuổi vật chất sẽ rất khó để nhận ra ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt là ý nghĩa của sự đau khổ.” Có những lĩnh vực trong cuộc sống mà chúng ta gặp khó khăn khi từ bỏ để dâng lên Chúa. Chúng ta không muốn chịu đóng đinh trong một khía cạnh nào đó. Có những thập giá Chúa ban cho, và có những thập giá chúng ta tự chọn. Mùa Chay là thời gian để chúng ta tự nguyện chọn lấy một số hình thức hy sinh. Tuy nhiên, Mùa Chay cũng thường đi kèm với những đau khổ mà chúng ta không chọn lựa, và thử thách là làm sao có thể đón nhận cả hai. Chúa đang cố gắng giải thoát chúng ta qua Thập Giá của Ngài, có nghĩa là mời gọi chúng ta sống kết hiệp với Ngài qua chính những thập giá của mình. Chúng ta có thực sự hiểu rằng mọi sự đều phải được dâng lên Chúa không? Tôi biết rằng bản thân mình vẫn còn vướng mắc vào vô số điều. Tôi không muốn từ bỏ sự thoải mái của mình, và tôi thường phàn nàn khi gặp đau khổ. Tôi không nhận ra rằng, khi bám víu vào những thứ trần thế, tôi đang tự trói buộc chính mình. Thánh Gioan Thánh Giá đã viết: “Dù bị trói bởi một sợi dây thừng hay một sợi chỉ, con chim vẫn không thể bay được.” Đây là bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta qua những thập giá tự nguyện và thập giá Ngài cho phép. Sự tự do thực sự là được sống trong mối hiệp thông sâu sắc hơn với Ngài. Khi ấy, cuộc sống của chúng ta sẽ thuộc trọn về Chúa. Dù đó là việc chế ngự những đam mê ngoài tầm kiểm soát, học cách tha thứ, chiến đấu với bệnh tật, mất mát người thân, hay bất kỳ đau khổ nào khác, tất cả đều là cơ hội để chúng ta trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Người chưa trưởng thành trong đức tin vẫn nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ cho phép những điều tốt đẹp xảy ra với họ theo nghĩa trần thế. Họ chưa hiểu được rằng đau khổ là điều cần thiết trong đời sống tâm linh. Càng trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, chúng ta càng hiểu rằng mình cần Thập Giá biết bao. Sự thoải mái dễ khiến ta trở nên nguội lạnh. Thập Giá đánh thức ta khỏi cơn mê do tội lỗi gây ra. Chính nhờ Thập Giá, Chúa khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát tự do và tình yêu đích thực. Sự thân mật sâu sắc nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện chính là khi chúng ta hiệp nhất những đau khổ của mình với Ngài trên Thập Giá. Đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Cha Gabriel của Thánh Maria Mađalêna viết: “Theo quan điểm của thế gian, đau khổ là điều không thể hiểu được; nó gây hoang mang và có thể khiến người ta than trách về sự quan phòng của Chúa, thậm chí mất lòng tin nơi Ngài. Nhưng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện cứu độ và chuộc tội. Nếu Đức Kitô cần phải chịu đau khổ để bước vào vinh quang (x. Lc 24:26), thì người Kitô hữu cũng cần được thanh luyện qua thử thách để đạt đến sự thánh thiện và sự sống vĩnh cửu.” Trong thế giới ngày nay, đau khổ bị xem là điều tồi tệ nhất. Mùa Chay dường như vô nghĩa đối với một xã hội tiêu dùng, vật chất và đầy nghiện ngập. Tại sao ai đó lại tự nguyện chịu đau khổ trong suốt 40 ngày? Câu trả lời là: vì chúng ta biết rằng nhờ cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá, đau khổ có thể thánh hóa chúng ta. Chúng ta hiểu rằng sự từ bỏ bản thân dẫn đến tự do thực sự. Tự do không phải là được làm bất cứ điều gì mình muốn - đó là sự nô lệ. Tự do đích thực là có thể tách mình khỏi những ràng buộc trần thế để vui vẻ làm theo ý Chúa. Điều này cũng có nghĩa là những đau khổ ngoài ý muốn, dù khủng khiếp hay đớn đau đến đâu, đều là phương tiện để thánh hóa chúng ta và người khác. Đối với người Kitô hữu, đau khổ không phải là vô nghĩa. Đó là cơ hội để chúng ta bước vào mối hiệp thông sâu sắc hơn với Chúa và được thanh luyện khỏi những tội lỗi ẩn sâu mà chỉ có đau khổ mới có thể phơi bày ra. Qua đau khổ mang tính cứu chuộc, khi chúng ta tự nguyện dâng những đau khổ của mình lên Chúa, chúng có thể giúp cứu rỗi và thánh hóa các linh hồn. Hãy nhớ rằng, khi bước vào Mùa Chay này, chúng ta là dân của Thập Giá. Chúa không gọi chúng ta đến với một cuộc sống dễ dàng. Ngài mời gọi chúng ta bước vào Con Đường Thập Giá, vì đó là con đường duy nhất dẫn đến Phục Sinh. Những đau khổ mà chúng ta chịu trong Mùa Chay này - dù tự nguyện hay ngoài ý muốn - chính là phương thế để Chúa thánh hóa chúng ta. Nguyện xin cho chúng ta cũng có thể thưa lên như Cha Gabriel của Thánh Maria Mađalêna: “Lạy Chúa Giêsu, Thập Giá là dấu chỉ của Ngài. Con không xứng đáng để được thoát khỏi nó. Con chỉ khẩn cầu một điều: xin gìn giữ con khỏi mọi tội lỗi, dù là nhỏ bé nhất. Lạy Chúa, con cầu xin nhờ công nghiệp Cuộc Khổ Nạn của Ngài, xin giữ con khỏi tội lỗi. Nhưng về những đau khổ khác - dù thể xác hay tâm hồn, dù tinh thần hay thể chất - xin ban cho con ánh sáng và sức mạnh: ánh sáng để hiểu được ý nghĩa ẩn giấu trong kế hoạch Quan Phòng của Ngài, và sức mạnh để đón nhận mọi đau khổ với lòng can đảm và yêu mến.” Tác giả: Constance T. Hull Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 8 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Linh mục chia sẻ hướng dẫn đầy đủ để có một lần xưng tội ý nghĩa Niềm vui sau vất vả: Bài học từ Thánh Gioan Phaolô II Thánh Giuse: Nụ Cười Vĩnh Cửu 5 cách cho thấy thánh Giuse cũng là một người cha bình thường Bạn đã suy nghĩ về những hy sinh nội tâm trong Mùa Chay chưa? Gặp Gỡ Chúa Kitô: Sự Chuẩn Bị Thiêng Liêng Cho Thánh Lễ Bắt đầu Mùa Chay bằng lời cầu nguyện với Thánh Vịnh 51 Một trái tim mới trong Mùa Chay