Mùa Chay - Phục Sinh Một trái tim mới trong Mùa Chay Tôi biết rằng tuổi tác mang theo những vấn đề sức khỏe, nhưng khi chồng tôi được yêu cầu đến phòng cấp cứu vì kết quả điện tâm đồ trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy nhịp tim bất thường, tôi đã giật mình đến mức suýt lên cơn đau tim theo. Dĩ nhiên, mọi thứ đều chỉ là “thủ tục” - cho đến khi không còn là thủ tục nữa. Và khi mọi chuyện đột ngột rẽ hướng, ta dễ cảm thấy hoang mang, thậm chí sợ hãi. Nhưng tình trạng AFib - rung nhĩ hay còn gọi là tình trạng rối loạn nhịp tim - của Andrew khiến tôi suy nghĩ về những thử thách mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt trong đời sống thiêng liêng - những vấn đề của con tim, thứ bộc lộ rõ chúng ta cần đến một “bác sĩ tim mạch thiêng liêng” biết bao. Kinh Thánh tràn đầy những lời khôn ngoan về trạng thái của con tim con người. Ngôn sứ Giêrêmia đã chẩn đoán vấn đề và nói rằng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được ?” (Gr 17:9). Chính vì thế, sự khôn ngoan của dân Israel cổ đại nhắc nhở chúng ta: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh.” (Cn 4:23). Và tác giả thư Do Thái trong Tân Ước cũng đưa ra lời cảnh báo: “Anh em hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. ” (Dt 3:12). Nhưng lời nhắc nhở vang vọng nhất trong các nghi thức phụng vụ Mùa Chay cũng chính là lời hữu ích nhất: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng ” (Tv 95:8). Cứng lòng nghĩa là gì? Khi nghe từ “cứng lòng,” ta thường nghĩ đến Pharaô, kẻ đã ngang bướng từ chối để dân Chúa ra đi. Nhưng sự thật là, ai trong chúng ta cũng có thể “cứng lòng” theo cách riêng của mình. Vấn đề không phải là Thiên Chúa không lên tiếng, mà là ngay cả khi nghe được, chúng ta cũng không thực sự lắng nghe. Căn bệnh tim nguy hiểm nhất mà nhân loại mắc phải chính là tội lỗi. Nhưng điều làm nó trở nên chết chóc chính là khuynh hướng làm theo ý riêng - sự cứng lòng - một “kẻ giết người thầm lặng” của linh hồn. Kinh Thánh cho thấy, dù căn bệnh này có thể bị che giấu trong những năm tháng tuổi trẻ, chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình: “Hỡi người trẻ, hãy vui hưởng tuổi xuân của mình, hãy để lòng ngươi hân hoan trong những ngày thanh xuân. Hãy bước theo những gì lòng ngươi ước muốn, theo những gì mắt ngươi thấy đẹp, nhưng phải biết rằng về mọi điều đó, Thiên Chúa sẽ đem ngươi ra mà xét xử” (Gv 11:9). Phương thuốc được đưa ra ngay sau đó có vẻ đơn giản: “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.” (Gv 11:10). Nhưng bất cứ ai từng cố gắng “đẩy lui sầu não” hay “khử trừ đau đớn” đều biết rằng điều đó gần như là không thể. Cơ Hội Để Tin Tưởng Vào Vị Lương Y Thiêng Liêng Vậy chúng ta phải làm gì? Như mọi khi, câu trả lời luôn đến từ Thiên Chúa. Mỗi khi đối diện với một nhiệm vụ bất khả thi hay một thử thách tưởng chừng không thể vượt qua, Thiên Chúa đều muốn ban cho chúng ta điều gì đó lớn lao hơn, điều mà ta không thể tự mình đạt được. Vua Đavít hiểu điều này. Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của đời mình, ông không cầu xin Chúa phục hồi trái tim hay tuổi xuân. Thay vào đó, vị vua sám hối đã xin điều lớn lao hơn nhiều: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, và đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51:10). Con tim của chúng ta, theo lẽ tự nhiên, rồi cũng sẽ suy yếu. Nỗ lực của chúng ta là cần thiết, nhưng chúng có giới hạn. Chúng ta có thể điều chỉnh “chế độ ăn uống thiêng liêng,” có thể rèn luyện linh hồn, nhưng vẫn không tránh khỏi những căn bệnh thiêng liêng của con tim. Chúng ta có thể mắc chứng “vôi hóa” - một sự cứng lòng khiến ta không lắng nghe tiếng Chúa. Chúng ta có thể bị “rối loạn nhịp tim” khi cố chạy theo nhịp sống của riêng mình thay vì hòa nhịp với ý Chúa và tâm tình của Hội Thánh. Chúng ta cũng có thể mắc chứng “xơ cứng tâm hồn,” khiến dòng chảy của Chúa Thánh Thần bị chặn lại. Mỗi người chúng ta đều cần đến ân sủng của một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, và một trái tim hoàn toàn mới đi cùng với nó. Đó chính là điều mà Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36:26). Mùa Chay chính là cơ hội để chúng ta đặt mình dưới sự chăm sóc của Vị Lương Y Thiêng liêng, để Ngài chữa lành chúng ta theo cách Ngài muốn, và để trao trọn con tim mình vào bàn tay yêu thương của Ngài. Tác giả: Jaymie Stuart Wolfe Nguồn: Oursundayvisitor Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 10 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Linh mục chia sẻ hướng dẫn đầy đủ để có một lần xưng tội ý nghĩa Niềm vui sau vất vả: Bài học từ Thánh Gioan Phaolô II Thánh Giuse: Nụ Cười Vĩnh Cửu 5 cách cho thấy thánh Giuse cũng là một người cha bình thường Bạn đã suy nghĩ về những hy sinh nội tâm trong Mùa Chay chưa? Gặp Gỡ Chúa Kitô: Sự Chuẩn Bị Thiêng Liêng Cho Thánh Lễ Bắt đầu Mùa Chay bằng lời cầu nguyện với Thánh Vịnh 51 7 Lời Cầu Nguyện Giúp Bạn Bước Vào Mùa Chay Cách Trọn Vẹn