Mùa Chay - Phục Sinh Mùa Chay và mối liên hệ sâu sắc với Bí tích Rửa Tội Từ đầu đến cuối, Giáo hội đan xen trong Mùa Chay nhiều biểu tượng nhắc nhở chúng ta về Bí tích Rửa Tội, đồng thời giúp những người sắp được lãnh nhận bí tích này chuẩn bị tâm hồn. Khi nghĩ đến Mùa Chay, chúng ta thường chỉ liên tưởng đến những hy sinh hay việc ăn chay kiêng thịt vào thứ Sáu. Nhưng thực ra, Mùa Chay mang một ý nghĩa sâu xa hơn thế rất nhiều. Một trong những khía cạnh quan trọng nhưng đôi khi bị bỏ qua chính là mối liên hệ mật thiết giữa Mùa Chay và Bí tích Rửa Tội. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn với những ai đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh, bởi Mùa Chay đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong hành trình chuẩn bị của họ. Đồng thời, đây cũng là thời gian để những người đã được rửa tội nhìn lại trách nhiệm của mình và canh tân đời sống thiêng liêng. Mùa Chay và Bí tích Rửa Tội Trong một buổi tiếp kiến chung năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói về ý nghĩa thiêng liêng này: "Các Chúa Nhật Mùa Chay... dẫn chúng ta vào một hành trình mang tính rửa tội, như thể chúng ta đang đi lại con đường của các dự tòng – những người đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội – để khơi dậy ân sủng ấy trong chúng ta và giúp cuộc sống của chúng ta lấy lại ý thức về những đòi hỏi cũng như cam kết của bí tích này, vốn là nền tảng của đời sống Kitô hữu." Ngài giải thích rằng mỗi Chúa Nhật trong Mùa Chay đều phản ánh một khía cạnh của Bí tích Rửa Tội. Ví dụ, Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng trước khi được rửa tội, mỗi người phải từ bỏ Satan: "Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, còn gọi là 'Chúa Nhật Cám Dỗ' vì trình thuật về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa, mời gọi chúng ta canh tân lời tuyên xưng trung thành với Thiên Chúa và can đảm chiến đấu để giữ vững đức tin." Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh rằng các Chúa Nhật tiếp theo đều chứa đựng hình ảnh và biểu tượng liên quan đến Bí tích Rửa Tội: "Trong các Chúa Nhật kế tiếp, hình ảnh về nước, ánh sáng và sự sống giúp chúng ta hiểu về Bí tích Rửa Tội. Chúa Nhật thứ ba đưa chúng ta gặp người phụ nữ Samari (Ga 4,5-42). Cũng như dân Israel trong cuộc Xuất Hành, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng đã đón nhận nguồn nước cứu độ. Chúa Giêsu, như lời người phụ nữ Samari nói, ban cho chúng ta nước hằng sống có thể làm dịu cơn khát – và nguồn nước ấy chính là Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Nhật này, Giáo hội cử hành Nghi thức Thẩm vấn đầu tiên dành cho các dự tòng và trong tuần đó, họ sẽ được trao ban Kinh Tin Kính – lời tuyên xưng đức tin." Mùa Chay: Không chỉ là từ bỏ, mà là canh tân và tái sinh Khi bước vào Mùa Chay, hãy dành thời gian chú ý hơn đến các bài đọc trong Thánh Lễ và khám phá mối liên hệ giữa Mùa Chay và Bí tích Rửa Tội. Dù bạn không chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, bạn vẫn được mời gọi canh tân lời tuyên xưng đức tin của mình. Chúng ta thường chỉ nghĩ về Mùa Chay như một mùa của sự từ bỏ, của cái chết và sự hy sinh. Nhưng thực chất, Mùa Chay còn mang ý nghĩa đổi mới và tái sinh. Thiên Chúa không chỉ mời gọi chúng ta chết đi đối với thế gian, mà còn sinh lại trong ơn nghĩa của Ngài. Mùa Chay không chỉ nói về sự chết, mà còn hướng đến một cuộc sống mới trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Tác giả: Philip Kosloski Nguồn: Aleteia Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 2 tháng 3 Năm 2025 Bài liên quan Linh mục chia sẻ hướng dẫn đầy đủ để có một lần xưng tội ý nghĩa Niềm vui sau vất vả: Bài học từ Thánh Gioan Phaolô II Thánh Giuse: Nụ Cười Vĩnh Cửu 5 cách cho thấy thánh Giuse cũng là một người cha bình thường Bạn đã suy nghĩ về những hy sinh nội tâm trong Mùa Chay chưa? Gặp Gỡ Chúa Kitô: Sự Chuẩn Bị Thiêng Liêng Cho Thánh Lễ Bắt đầu Mùa Chay bằng lời cầu nguyện với Thánh Vịnh 51 Một trái tim mới trong Mùa Chay