Giáo xứ Tài liệu Tuần Cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2025 Bộ Cổ võ các Kitô hữu hiệp nhất đã có Tài liệu cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2025 (từ 18 – 25/01). Sau đây là bản dịch Việt ngữ do Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện. Chủ đề: “Chị có tin điều đó không?” (x. Ga 11, 26) Tìm kiếm sự hiệp nhất suốt năm Ở Bắc bán cầu, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng. Những ngày này được Paul Wattson đề xuất vào năm 1908 vào khoảng thời gian giữa lễ Thánh Phêrô và lễ Thánh Phaolô. Do đó, sự lựa chọn này có một ý nghĩa biểu trưng. Tại Nam bán cầu, thì tháng Giêng là thời gian nghỉ hè, chúng tôi thích chọn một ngày khác, chẳng hạn như dịp Lễ Ngũ Tuần (do phong trào Đức tin và Hiến chế đề xuất năm 1926), cũng là một ngày biểu tượng khác cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Với tinh thần linh hoạt này, chúng tôi khuyến khích các bạn xem những bản văn này như một lời mời tìm kiếm những dịp khác trong năm để bày tỏ mức độ hiệp thông mà các Giáo hội đã đạt được và cùng nhau cầu nguyện nhằm đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn các Giáo hội như Chúa Kitô mong muốn. 1. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ CỦA NĂM 2025 “Chị có tin điều đó không?” (x. Ga 11,26) Lời nguyện và suy niệm trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2025, được các đan sĩ cộng đoàn đan viện Bose, miền bắc Ý, biên soạn. Năm nay đánh dấu 1700 năm Công đồng Nicea (325). Dịp kỷ niệm này mang lại cho chúng ta cơ hội duy nhất để cùng nhau suy nghĩ và cử hành đức tin chung của các Kitô hữu, như được diễn tả trong Kinh Tin Kính mà công đồng này đã tuyên xưng. Niềm tin này đến ngày nay vẫn còn sống động và sinh hoa kết trái. Tuần cầu nguyện này mời gọi hãy cùng nhau kín múc từ di sản chung và thấu đạt sâu xa hơn trong đức tin những gì hiệp nhất tất cả Kitô hữu. Trong các thập kỷ trước, giữa các Kitô hữu đã nảy sinh những bất đồng, đôi khi trở thành những xung đột nghiêm trọng. Những bất đồng này liên quan đến các vấn nạn khác nhau chẳng hạn như: bản thể của Chúa Kitô tương quan với Chúa Cha; vấn đề một ngày thống nhất để cử hành Lễ Phục Sinh và mối quan hệ của đại lễ này với Lễ Vượt Qua Do Thái giáo; chống đối những quan điểm thần học bị xem là lạc giáo; và làm thế nào để tái hòa nhập những tín hữu đã từ bỏ đức tin trong các cuộc bách hại những năm trước. Công đồng Nicea do hoàng đế Constantine triệu tập, quy tụ 318 nghị phụ, hầu hết đến từ phương Đông. Giáo hội, tuy chưa ra khỏi tình trạng “thầm lặng” và bách hại, nhưng đã bắt đầu khám phá ra khó khăn trong việc chia sẻ cùng một đức tin trong các bối cảnh văn hóa và chính trị khác. Tìm được sự đồng thuận về bản văn Kinh Tin Kính, nghĩa là xác định những nền tảng chung thiết yếu để xây dựng các cộng đoàn địa phương, nhìn nhận nhau như các Giáo hội chị em, và tôn trọng sự khác biết của nhau. Văn bản Kinh Tin Kính đã được phê duyệt sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều: "Chúng tôi tin...". Biểu thức này nhấn mạnh lối diễn tả một sự thuộc về một đức tin chung. Kinh Tin Kính được chia thành ba phần dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa, tiếp theo là kết luận lên án những tuyên bố bị xem là lạc giáo. Bản Kinh Tin Kính này đã được hiệu đính và bổ sung thêm tại Công đồng Constantinople năm 381, lược bỏ các lời kết án. Đây chính là hình thức tuyên xưng đức tin mà các giáo hội Kitô giáo ngày nay công nhận như Kinh Tin Kính Nicea-Constantinople, thường được gọi tắt là Kinh Tin Kính Nicea. Từ năm 325 đến năm 2025, trong suốt 17 thế kỷ qua, tầm quan trọng của các biến cố cứu độ mà mọi Kitô hữu sẽ cử hành vào Chúa nhật Phục Sinh, 20 tháng Tư năm 2025, vẫn không thay đổi. Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất là cơ hội để tái khám phá di sản sống động này và tái thể hiện trong mối tương quan với các nền văn hóa đương đại -còn đa dạng văn hóa dửng dưng thời CĐ Nicea. Ngày nay cùng nhau sống đức tin tông truyền không có nghĩa là mở lại những tranh cãi thần học của thời đại, vốn đã tiếp diễn qua nhiều thế kỷ, nhưng đúng hơn là đọc lại trong cầu nguyện, các nền tảng Kinh Thánh và những kinh nghiệm của Giáo hội đã dẫn đến công đồng này và những quyết định của công đồng. Bản văn Kinh Thánh cho Tuần Cầu Nguyện là bản văn Ga 11,17-27. Chủ đề: “Chị có tin điều đó không?” (x. Ga 11,26), được gợi hứng từ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Mátta trong chuyến viếng thăm Mátta và Maria ở Betania, sau cái chết của Lagiarô. Đức Giêsu giới thiệu về chính Người, Người công bố quyền năng của Người trên sự sống và sự chết, và mặc khải về chính Người là Đấng Messia: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.25-26). Sau lời nói đáng ngạc nhiên này, Đức Giêsu hỏi Mátta một câu hỏi rất trực tiếp và sâu sắc: “Con có tin điều đó không?” (c.26). Như Mátta, các thế hệ Kitô hữu đầu tiên không thể dửng dưng hay thụ động khi lời Chúa Giêsu chạm thấu tâm can họ. Họ háo hức tìm cách trả lời cách dễ hiểu cho câu hỏi của Người: “Các bạn có tin điều này không?” Các nghị phụ của Nicea cố gắng tìm ra những từ ngữ bao trùm toàn bộ mầu nhiệm nhập thể và cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong khi mong đợi Người trở lại, các Kitô hữu trên toàn thế giới được kêu gọi cùng nhau làm chứng cho niềm tin vào sự phục sinh này. Đối với Kitô hữu, đây là nguồn hy vọng và niềm vui mà họ mong muốn chia sẻ với mọi dân tộc. Cử hành Đại kết Lời Chúa trong Tuần Cầu nguyện này tập trung vào ý nghĩa của hành vi tin và sự xác định đức tin, cả về phương diện cá nhân lẫn cộng đoàn, cả “Tôi tin” và “Chúng tôi tin”. Đoạn Kinh Thánh lấy chủ đề cho tuần lễ này, với thách đố từ câu hỏi đặt ra cho chúng ta: “Bạn có tin điều đó không?”, được công bố trong cuộc đối thoại giữa 3 người đọc sách thánh và cộng đoàn, như lời mời gọi cầu nguyện. 2. NỘI DUNG CHO TUẦN CẦU NGUYỆN Ngoài các bản văn Kinh Thánh, phần suy niệm được trích dẫn từ những suy tư của các giáo phụ nhằm giúp chúng ta cảm nhận các ý niệm của các giáo phụ về đức tin tông truyền, các ngài truyền cảm hứng để chúng ta cùng tuyên xưng đức tin, một đức tin phản ánh sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và linh đạo vốn là đặc điểm của Giáo hội sơ khai. Phần lời nguyện mỗi ngày mời gọi chúng ta biết hiện tại hoá đức tin được chia sẻ và cử hành trên khắp thế giới, cùng tìm ra chung một lý do để tạ ơn trong thời gian của tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất. Ngày I: Tình phụ tử và sự ân cần của Thiên Chúa, Đấng cai quản vũ trụ Kinh Thánh: Is 63,15-17; Tv 139 (138),1-3.13, 23, 24; 1Cr 8, 5-6 Quý vị đã cảm nghiệm sự ân cần của người cha và lòng trắc ẩn của người mẹ từ Thiên Chúa trong chính đời sống của mình như thế nào? Điều gì còn ngăn trở chúng ta nhìn nhận mỗi người đều là con cái Thiên Chúa? Việc chân nhận Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người tác động như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận tha nhân và mối tương quan của chúng ta với người khác? Ngày II: Sáng tạo là công trình của Thiên Chúa Kinh Thánh: St 1, 1-5; Tv 148, 1.3.9-14; Rm 8, 19-23 Chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện nơi mọi tạo vật, dù đôi khi khó nhận ra được sự hiện diện của Ngài. Công trình sáng tạo là một ân huệ của Thiên Chúa, Đấng phải chịu đau khổ, thường do con người gây ra. Làm thế nào chúng ta có thể nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo toàn và giữ gìn công trình sáng tạo? Nếu có thể, hãy dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và chiêm ngắm cách nó kết nối chúng ta với Đấng Tạo Hóa. Ngày III: Sự nhập thể của Chúa Con Kinh Thánh: Gr 33, 14-16; Tv 72 (71),7.12.16-17; Ga 1, 1-14 Niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Con nhập thể, đã truyền cảm hứng và định hình cuộc sống của chúng ta như thế nào? Quý vị đã cảm nghiệm thế nào về sự hiện diện đầy an ủi của Đức Kitô trong cuộc sống của mình? Ở bất cứ đâu chúng ta thấy có người đói, khát, khóc lóc hay sầu khổ, Đức Kitô đều hiện diện. Ngày IV: Mầu Nhiệm Vượt Qua: cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Kinh Thánh: Xh 3, 7-8; Tv 16(15),5.7.10-11; Pl 2, 5-11 Chúng ta biết rằng, tất cả mọi người đều sẽ chết. Việc tin Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần thay đổi cách chúng ta đối diện với thực tại này như thế nào? “Thiên Chúa để mình bị đuổi khỏi thế gian và chịu đóng đinh trên thập giá.” Thiên Chúa bất lực và yếu đuối nơi trần gian, và chỉ như vậy Người mới ở với chúng ta và trợ giúp chúng ta. (Dietrich Bonhoeffer) Là Đấng Phục Sinh, Chúa Giêsu ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Sự đồng hành của Đấng Phục Sinh khích lệ quý vị như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Ngày V: Chúa Thánh Thần trao ban sự sống và niềm vui Kinh Thánh: Ed 36, 24 – 28; Tv 104(103),24-25.27-29.33-34; Ga 3, 4-8. Thánh Thần Chúa canh tân bộ mặt trái đất mỗi ngày, kêu gọi chúng ta cùng cộng tác. Những nguồn vui trong cuộc sống của quý vị là gì và chúng được liên kết với Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động ở đâu, vượt qua sự chia rẽ của chúng ta và đưa chúng ta đến sự hiệp nhất sâu sắc hơn? Làm thế nào chúng ta có thể tham dự vào công việc này? Ngày VI: Giáo hội: cộng đoàn tín hữu Kinh Thánh: Is 2, 2-4; Tv 133 (132); Ep 4, 1-6 Giáo hội được kêu gọi hãy lan tỏa ánh sáng của Đức Kitô khắp thế giới. Quý vị cảm nhận thực tế này như thế nào trong bối cảnh hiện nay của mình? Mặc dù trong Đức Kitô, Giáo hội là một thân thể duy nhất, nhưng về mặt lịch sử, các Giáo hội đã bị chia rẽ. Quý vị đã cảm nhận nỗi đau của sự chia rẽ này như thế nào? Với tư cách là một cộng đoàn của Chúa Thánh Linh, Đấng trao ban bình an, Giáo hội được sai đi để sống và lan tỏa sứ điệp hòa bình trên thế giới. Các Giáo hội có thể giúp các thành viên của mình đáp lại lời kêu gọi này bằng cách nào? Ngày VII: Thánh tẩy trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kinh Thánh: Mk 7, 18-19; Tv 51(50),1.7.10.12; Mt 28, 16-20 Các tín hữu Kitô được rửa tội trong sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Phép rửa mang ý nghĩa gì đối với quý vị ngày hôm nay? Tội lỗi làm chúng ta biến dạng theo nhiều cách khác nhau. Qua phép rửa, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự sỉ nhục này. Mặc dù có những truyền thống và thực hành của các Giáo hội khác nhau, việc tuyên xưng «một Chúa, một đức tin, một phép rửa» (Ep 4,5) ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với các tín hữu Kitô khác không? Ngày VIII: Mong đợi Nước Trời và cuộc sống đời sau Kinh Thánh: Kh 21, 1-4; Tv 85(84),8.10-12; Lc 12, 35-40 Tình yêu sẽ là thực tại của Nước Thiên Chúa. Những hành động bác ái cụ thể làm cho Vương Quốc này hiện diện trong đời sống của chúng ta. Sống trong niềm hy vọng mong đợi Nước Thiên Chúa, chúng ta thể hiện những dấu chỉ của Vương Quốc sắp đến trong thế giới hôm nay như thế nào? Chúng ta được mời gọi chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai. Chúng ta chuẩn bị cho điều đó như thế nào? Biên soạn và phát hành: Bộ Cổ võ các Kitô hữu hiệp nhất Ủy ban Đức Tin và Hiến Chế của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô Nguồn: http://www.christianunity.va/content/unitacristiani/en/settimana-di-preghiera-per-l-unita/semaine-de-priere-pour-l-unite-des-chretiens-20241/anglais.html Chuyển ngữ: Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn/ HĐGMVN Ngày 19 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan Giáo Hội tại gia lắng nghe Lời Chúa Bình tâm – Thái độ cần có trong cuộc sống nhiều khổ đau Gửi Em, Thầy Giúp Xứ Hãy luôn ngợi khen Chúa để ngày nào cũng đẹp! Phụng vụ và vẻ đẹp