Mùa Vọng - Giáng Sinh Chiêm ngắm khuôn mặt Thiên Chúa Suy tư Tin Mừng CN Lễ Chúa Hiển Linh năm C Các bạn thân mến! Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có viết: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh.” [1] Như thế chính niềm vui Tin Mừng được biểu lộ nơi toàn thể đời sống của tôi là cách mà tôi đang làm hiển linh Chúa. Hiển linh là việc Thiên Chúa tỏ mình cho tôi qua nhiều dạng thức khác nhau nhất là qua cuộc đời của tôi. Nói cách khác, hiển linh chính là việc tôi làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa vốn đang tiềm ẩn được tỏ lộ qua những bình diện và phương tiện khác nhau của đời sống. Thiên Chúa hiển linh trong đời sống của tôi được thể hiện ở ba bước: Dừng lại và tự hỏi, lên đường và tìm kiếm, gặp gỡ và biến đổi. Dừng lại và tự hỏi Dừng lại là tiến trình cần thiết của một hành trình. Dừng lại để định vị chính mình, để biết mục tiêu và ý nghĩa của cuộc hành trình. Hành trình đi tìm vị Vua mới sinh. “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” [2] Trước khi lên đường đi theo ánh sao để đi tìm Vị Vua mới sinh, các nhà đạo sĩ dừng lại và tự hỏi. Tôi muốn tìm ai? Và đối tượng mà tôi đang tìm kiếm trong cuộc hành trình này là gì? Đời sống của bạn bị cuốn theo bởi công việc và rất nhiều những mối tương quan cho nên nhiều khi bạn không có cơ hội để dừng lại. Tác động đầu tiên để biết mình đang ở đâu và đi về đâu là dừng lại. Dừng lại để tự hỏi và biết hiện trạng, mục đích ý nghĩa của chính mình. Nguy cơ của việc thiếu dừng lại để phản tỉnh là bạn dễ bị đồng hóa chính mình với công việc, với sự thành công và với một ai đó. Chính khi đồng hóa mình với một cơ chế, một công việc, một ai đó, tôi sẽ mất đi sự tự do và sự khôn ngoan trong quyết định và chọn lựa của mình. Nếu tôi đồng hóa mình với công việc thì khi công việc đó mất đi, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Nếu tôi đồng hóa mình với một ai đó thì khi không “sở hữu” được người đó tôi cảm thấy đau khổ. Nếu tôi đồng hóa việc dâng hiến của tôi với sứ mạng thì khi tôi không được làm sứ mạng đó, tôi bị mất lửa. Khi tôi tham gia công việc mục vụ giáo xứ hoặc xây dựng Giáo Hội, việc ý kiến của tôi không được đón nhận, tôi sẽ bỏ công việc mà tôi đang dấn thân. Thực tế cho thấy, một số tu sĩ đồng hóa đời tu của mình với chính công việc và sứ mạng hơn là việc bước theo Đức Ki-tô và đi vào tương quan giao ước với Ngài. Chính vì thế, khi những sứ mạng không đạt được những điều như tôi mong muốn hoặc hoạch định, tôi đâm ra chán nản và thậm chí mất lửa. Như thế đằng sau những công việc có thể là việc tìm kiếm chính cái tôi của mình và tự buộc mình vào công việc hơn là tìm kiếm Đức Ki-tô. Thay vì tự hỏi “Đức Vua dân Do Thái đang ở đâu” trong những công việc và trong đời sống người môn đệ, tôi lại hỏi những công việc này có đáp ứng những đòi hỏi của tôi hay không?” Điều cần thiết trong đời sống của tôi là tôi cần dừng lại và định vị. Lên đường và tìm kiếm Đối với các nhà đạo sĩ, họ không chỉ đặt câu hỏi về việc “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu” nhưng điều quan trọng là họ dấn thân vào việc lên đường và tìm kiếm. Họ chấp nhận một cuộc lên đường. Chắc hẳn cuộc lên đường này chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên đây lại là điều mà chính cuộc tìm kiếm đòi hỏi. Thiên Chúa ở đâu trong hành trình đi tìm hạnh phúc của tôi. Abraham dám chấp nhận lên đường để đi theo lời mời gọi của Chúa. Mô-sê dám chấp nhận lên đường và chấp nhận rủi ro kể cả mạng sống của mình để đi theo tiếng gọi của Chúa. Đức Maria chấp nhận lên đường cộng tác với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa khi nói tiếng xin vâng. Các môn đệ chấp nhận lên đường vượt qua sóng gió để đến với Đức Giê-su. Đức tin là một cuộc lên đường. Một cuộc “xuất hành liên lỉ ra khỏi chính mình để đến với Thiên Chúa.” Hành trình lên đường đòi hỏi chúng ta có khả năng đọc ra mầu nhiệm và dấu chỉ. Mầu nhiệm Thiên Chúa bị che dấu và cũng có thể được mặc khải trong nhiều cách thức khác nhau. Điều quan trọng là tôi có khả năng đọc ra dấu chỉ và sự hiện diện của Ngài giữa những ngổn ngang của cuộc sống. “Đâu là dấu vết của Thiên Chúa và của Thần Khí đang hoạt động dưới bề sâu của thực tại?” Thiên Chúa có nhiều cách nói với tôi, điều quan trọng là tôi có khả năng đọc ra dấu chỉ. Nếu tôi không có khả năng đọc ra dấu chỉ và ý nghĩa, cũng như hiểu được ngôn ngữ của Chúa thì tôi không thể hiểu Ngài cho dầu tôi có thể nhìn thấy bao nhiêu dấu chỉ. Mầu nhiệm mà chúng ta muốn nói không gì khác hơn chính là Đức Ki-tô: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” [3] Thiên Chúa muốn cho muôn người được hưởng ơn cứu độ. Ngài có nhiều cách thức khác nhau để tỏ lộ chính mình. Ngài tỏ lộ chính Ngài qua công trình tạo dựng, qua khao khát sâu thẳm trong tâm hồn, qua những vui buồn trong cuộc sống, qua những khủng hoảng và biến đổi. Một biến cố trong đời sống là dấu chỉ nào đó mà Thiên Chúa đang nói với tôi. Công đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad Gentes khẳng định sự tồn tại “Hạt giống Ngôi Lời” và ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su. “Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch, ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, “hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta” (CvTđ 17,27); những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như những con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm.” [4] Những ngôi sao lạ trong cuộc sống là những dấu chỉ dẫn bạn đến với Ngôi Lời nhập thể. Khởi từ kinh nghiệm của các nhà đạo sĩ, việc tìm kiếm và hiểu dấu chỉ không tách rời việc hiểu Kinh Thánh và Lời Chúa. Hành trình đi tìm ánh sao của các vị đạo sĩ có những lúc rõ ràng có những lúc mờ nhạt. Tuy nhiên điều cần thiết để giúp họ không bị lạc lối là họ không bị đánh mất đi cái nhìn hướng thiện, hướng đích về Ánh Sao cho dù bối cảnh trước mắt có tăm tối mịt mờ. Những khó khăn thử thách trong cuộc sống đôi khi nhận chìm khao khát sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Những mơ hồ và sự lẫn lộn về mặt giá trị đôi khi khiến bạn cảm thấy mấy đi định hướng căn bản trong cuộc sống của mình. Hãy dừng lại, hãy trở lại với khao khát sâu thẳm của lòng mình, hãy trở lại với Lời Chúa để đi tìm ánh sáng. Hành trình đi theo ánh sao dẫn các nhà chiêm tinh đến một cuộc chiêm ngắm. Họ chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể. Thái độ chiêm ngắm là thái độ ngỡ ngàng và cung kính. Họ cúi chào và dâng những lễ vật cao quý cho Hài Nhi. Từ sự chiêm ngắm Đấng Vô Hình mời gọi tôi bày tỏ thái độ ngỡ ngàng và cung kính. Cuộc chiêm ngắm đó giúp tôi khám phá khuôn mặt Hài Nhi Giê-su đang hiện diện trong những hang đá cuộc đời, hang đá của tâm hồn, hang đá nơi nhà tạm. Cuộc chiêm ngắm đó cuốn hút toàn thể con người tôi, mời gọi tôi dâng hiến chính mình cho Ngài như của lễ quý giá nhất. Gặp gỡ và biến đổi Kết quả của một cuộc chiêm ngắm đích thực luôn là một lời mời gọi thay đổi. Sự thay đổi đến từ cuộc gặp gỡ đích thực và sâu xa với Ngôi Lời. Các vị đạo sĩ sau khi gặp Hài Nhi được mời gọi đừng trở lại gặp Hê-rô-đi nữa nhưng đi lối khác mà về nhà mình. Sự gặp gỡ Hài Nhi đích thực cũng mời gọi tôi không quay lại con đường, con người và thế giới cũ nữa nhưng mời gọi tôi bước đi trên con đường mới. “Người mù Giê-ri-khô sau khi gặp Chúa thì bước đi với tâm hồn mới, con đường mới.”[5] Kết quả của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đích thực luôn mở ra cho sự mới mẻ của cái nhìn, con tim và thế giới. Hiệu quả tất yếu của biến cố nhập thể và biến cố gặp gỡ Ngôi Lời là sự biến đổi giống như men trong bột, muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Hiển linh là việc Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho dân ngoại. Ngài có nhiều cách thức tỏ lộ khác nhau. Vấn đề là tôi có khả năng nhận ra sự tỏ lộ của Thiên Chúa. Hành trình đi theo ánh sao là hành trình lần theo dấu vết của Thiên Chúa. Tiến trình để nhận biết việc Thiên Chúa mặc khải mời gọi tôi cần dừng lại, chiêm ngắm và bước đi. Thực ra cuộc đời của tôi cũng là một bí tích mà qua đó Thiên Chúa đang mặc khải tình thương và kế hoạch cứu độ của Ngài cho tha nhân. Qua dấu chỉ cuộc đời của tôi, tôi dẫn người khác bước vào một cuộc chiêm ngắm đích thực, chiêm ngắm sự hiện diện của Ngôi Lời đang nhập thể trong vô vàn những dáng vẻ khác nhau của cuộc sống. Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J. Nguồn; dongten.net [1] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Số 1 [2] Mt 2, 1-2 [3] Eph 3, 6 [4] Vatican II, Ad Gentes, Số 3 [5] Mc 10, 46-52 Ngày 4 tháng 1 Năm 2025 Bài liên quan Ý nghĩa và lưu ý trong Mùa Vọng Này Thiên Chúa đang đến Sống Tâm Tình Mùa Vọng 10 điều bạn cần biết về Mùa Vọng Mùa Vọng Tìm Hiểu Ý Nghĩa, Tập Tục và Tinh Thần